Hiện nay trên địa bàn xã Bính Xá, huyện Đình Lập có khoảng 1.500 ha rừng thông đã khai thác hết nhựa cần tiến hành khai thác gỗ để trồng lại rừng mới, việc tiêu thụ gỗ thông với giá tốt nhất giúp và tạo việc làm cho người dân, tạo thêm thu nhập cho Hộ kinh doanh trên địa bàn xã. Chính vì vậy, Trung tâm đã phối hợp với Hộ kinh doanh Dương Quang Tiệp tại thôn Nà Lừa, xã Bính Xá, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn xây dựng đề án Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị sản xuất nan gỗ. Đề án này rất phù hợp và cần thiết với chủ trương khuyến khích phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ông Trần Anh Thuần, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Lạng Sơn cho biết.

Máy móc do chương trình khuyến công địa phương năm 2022 hỗ trợ

Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị sản xuất nan gỗ” có tổng kinh phí 470 triệu đồng, trong đó, kinh phí khuyến công địa phương năm 2022 hỗ trợ là 140 triệu đồng, kinh phí của Hộ kinh doanh Dương Quang Tiệp là 334 triệu đồng. Máy móc, thiết bị được đầu tư tại xưởng sản xuất Hộ kinh doanh Dương Quang Tiệp gồm: Máy chốt hộp tự động, công suất 1 m3/h. Máy rong một cạnh, công suất 1,5 m3/h. Máy chạy bìa, công suất 1 m3/h, và Máy ra nan.

Ông Dương Quang Tiệp, Chủ hộ Hộ sản xuất Dương Quang Tiệp vui vẻ chia sẻ: “Từ khi hoàn thành đề án, máy móc đầu tư đi vào hoạt động, Hộ kinh doanh đã cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu khoảng 1.152 m3 nan gỗ loại I và 288 m3 nan gỗ loại II /năm, tạo việc làm cho 5 lao động, thúc đẩy nhân dân trong khu vực phát triển trồng rừng, công nhân làm việc tại xưởng có thu nhập khoảng 7.000.000 đồng/người/tháng. Đồng thời, đóng góp cho ngân sách Nhà nước thông qua các khoản thuế khoảng 178 triệu đồng/năm và hộ kinh doanh có lãi khoảng 261 triệu đồng/năm.”.

Máy móc đi vào hoạt động đã cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu khoảng 1.152 m3 nan gỗ loại I và 288 m3 nan gỗ loại II /năm

Qua đề án có thể thấy, với nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ không lớn, nhưng đã khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và đặc biệt là chính sách ưu tiên phát triển đối với các địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn... Từ đó thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.