Tại Họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều ngày 18/5, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đã chia sẻ một số giải pháp mà Bộ Công Thương đang triển khai nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước.

Hoàng Anh Tuấn
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hỗ trợ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu tiếp cận được nguồn vốn

Thực hiện các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất và tiêu dùng

Ông Hoàng Anh Tuấn cho biết, trước diễn biến giá và nguồn cung xăng dầu còn nhiều tiềm ẩn yếu tố biến động khó lường trong và ngoài nước, trong đó có vấn đề hoạt động của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn thiếu ổn định, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước trong quý II và các tháng tiếp theo của năm 2023, Vụ Thị trường trong nước đã đưa ra một số giải pháp, kiến nghị.

Thứ nhất, theo dõi việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Việc này được Bộ Công Thương giao tổng nguồn vào ngày 31/2/2022 để thực hiện năm 2023 cho các thương nhân đầu mối nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất và tiêu dùng tại thị trường trong nước.

Thứ hai, theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới với tình hình sản xuất trong nước, đặc biệt phối hợp Bộ Tài chính nhằm điều hành giá xăng dầu bám sát các diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm tổng nguồn của năm 2023 đã được phân giao về số lượng, chủng loại để đảm bảo cung cấp liên tục xăng dầu cho người tiêu dùng cũng như khách hàng doanh nghiệp sử dụng xăng dầu. Chủ động nguồn hàng từ nguồn trong nước cũng như nguồn nhập khẩu để đảm bảo việc cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới.

Không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của các doanh nghiệp và cung cấp đầy đủ hàng cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp chia sẻ nguồn cung lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho các khách hàng một cách hợp lý để bảo đảm không gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Các doanh nghiệp có những cam kết chặt chẽ với các thương nhân sản xuất xăng dầu tại hợp đồng đã ký kết giữa các bên, đảm bảo các thương nhân sản xuất xăng dầu thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm cung cấp xăng dầu cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo đúng nội dung, sản lượng đã ký kết tại hợp đồng mua bán xăng dầu giữa các bên.

Tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông thông tin liên tục và đầy đủ về các nguồn cung xăng dầu, về công tác điều hành thị trường xăng dầu của Bộ Công Thương để đảm bảo tâm lý ổn định trong dư luận.

nguồn cung xăng dầu
Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm tổng nguồn của năm 2023 đã được phân giao về số lượng, chủng loại để đảm bảo cung cấp liên tục xăng dầu cho người tiêu dùng cũng như khách hàng doanh nghiệp sử dụng xăng dầu.

Đề nghị tạo điều kiện cho doanh nghiệp tạo nguồn cung và lưu thông xăng dầu

Với các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Công Thương đã kiến nghị đặc biệt đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hỗ trợ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu tiếp cận được nguồn vốn, giảm khó khăn và khuyến khích doanh nghiệp tạo nguồn hàng, nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Đề nghị Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các nhà máy lọc dầu ổn định trong hoạt động sản xuất và đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong thời gian tới.

Đối với Bộ Tài chính, đề nghị tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện công tác điều hành giá xăng dầu theo theo quy định nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh trong quá trình phục hồi kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ.

Đối với các Bộ, ngành khác và các địa phương phối hợp với Bộ Công Thương, ngành Công Thương cả nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp tạo nguồn xăng dầu, hỗ trợ cho lưu thông xăng dầu để kịp thời cung ứng xăng dầu cho các địa bàn trên cả nước.