Kim ngạch hai chiều Việt - Lào tăng 39,3%

Năm tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 570,7 triệu USD, tăng tới 39,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 280,3 triệu USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2020. Nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 290,4 triệu USD, tăng 58,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo
Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo

Trong 6 tháng đầu năm 2021, quan hệ Việt - Lào tiếp tục đi vào chiều sâu, gắn bó tin cậy, giữ vai trò nòng cốt định hướng tổng thể quan hệ hai nước; dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các Tuyên bố chung và Thỏa thuận cấp cao giữa hai nước vẫn được chú trọng triển khai thực hiện tốt từ Trung ương đến địa phương. Hợp tác về quốc phòng, an ninh tiếp tục được thực hiện tốt, góp phần giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của mỗi nước, đặc biệt tuyến biên giới Việt Nam - Lào ổn định.

Hợp tác đầu tư tiếp tục có chuyển biến tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2021, có 3 dự án cấp mới và 1 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đăng ký là 26,2 triệu USD, gấp 5,6 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Năm tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 570,7 triệu USD, tăng tới 39,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 280,3 triệu USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2020. Nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 290,4 triệu USD, tăng 58,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Hợp tác trong lĩnh vực đào tạo phát triển nguồn nhân lực tiếp tục được quan tâm ưu tiên; chất lượng tiếp tục có chuyển biến tốt. Hợp tác trong các lĩnh vực khác và giữa các Ban, Bộ, ngành, Ủy ban của Quốc hội, địa phương, đoàn thể và các tổ chức nhân dân tiếp tục được đẩy mạnh và thực hiện linh hoạt, hiệu quả và thiết thực.

Kinh phí viện trợ không hoàn lại của Việt Nam dành cho Lào năm 2021 là 715 tỷ đồng, đã phân bổ xong cho các Bộ, ngành địa phương. Công trình Nhà Quốc hội Lào tích cực triển khai, đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra. Đối với 14 dự án Viện trợ mở mới do phía Lào đề xuất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ Việt Nam để xem xét quyết định.

Trong thời gian tới, chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc gìn giữ, phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào, coi đó là tài sản vô giá, có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của mỗi nước.

Hai Bên tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, nhất là cuộc gặp thường niên hai Bộ Chính trị và các kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ; phối hợp triển khai hiệu quả các thỏa thuận đạt được tại kỳ họp 43; đặc biệt sắp tới là Chiến lược 10 năm và Hiệp định 5 năm.

Hai biên nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực then chốt là quốc phòng, an ninh, thương mại, đầu tư, kết nối giao thông, giáo dục đào tạo, hợp tác giữa các địa phương và giao lưu nhân dân… Hai Bên tập trung dành ưu tiên, ưu đãi và tạo thuận lợi cho nhau trong quá trình triển khai dự án.

Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ nhau phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi kinh tế - xã hội; phối hợp quản lý, kiểm soát chặt chẽ tuyến đường biên giới để ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh bất hợp pháp trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, đồng thời vẫn đảm bảo duy trì giao thương, biên mậu.

Phối hợp xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào trong năm 2022. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và tiểu vùng Mê Kông, cùng nhau nỗ lực duy trì đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng và ứng phó hiệu quả với các thách thức chung.

Để triển khai hiệu quả các nội dung trên, hai bên tiếp tục duy trì và đẩy mạnh phối hợp trong cơ chế Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam do hai Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Ủy ban hợp tác mỗi nước. Hiện phía Việt Nam cũng đang ra soát yêu cầu các Bộ, ngành bổ sung, hoàn thiện danh sách tham gia Ủy ban hợp tác Việt Nam - Lào.

Vĩnh Linh