Trong kỳ 1 tháng 10/2019 (từ ngày 01/10 đến ngày 15/10/2019), tổng trị giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt gần 21 tỷ USD, giảm 12,8% (tương ứng giảm 3,07 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 9/2019. Như vậy, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/10/2019 tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 403,05 tỷ USD, tăng 8% (tương ứng tăng 30,02 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.

Cán cân thương mại hàng hó​a của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 10 năm 2019 thâm hụt 370 triệu USD. Tuy nhiên,  cán cân thương mại hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15 tháng 10 năm 2019 đạt thặng dư 6,83 tỷ USD.

kim ngạch xuất khẩu

Trị giá xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất của Việt Nam (Cộng dồn từ đầu năm đến 15/10/2019 so với cùng kỳ năm 2018). Nguồn: TCHQ

Trong 15 ngày đầu tháng 10/2019 nhóm các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có trị giá xuất nhập khẩu đạt 13,07 tỷ USD, giảm 15,2%, tương ứng giảm 2,34 tỷ USD so với nửa cuối tháng 9/2019. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/10/2019 nhóm doanh nghiệp FDI có trị giá xuất nhập khẩu 255,31 tỷ USD, tăng 4,6%, tương ứng tăng 11,3 tỷ USD so với cùng thời gian năm 2018. Cán cân thương mại hàng hóa của các doanh nghiệp FDI đạt thặng dư 869 triệu USD trong nửa đầu tháng 10/2019 và tính đến hết ngày 15/10/2019 đạt 25,46 tỷ USD.

Xuất khẩu hàng hóa tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái

Tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 10/2019 đạt 10,31 tỷ USD, giảm 18,9% (tương ứng giảm 2,4 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 9/2019. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/10/2019, tổng trị giá xuất khẩu của cả nước đạt 204,94 tỷ USD, tăng 8% (tương ứng tăng 15,18 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.

So với nửa cuối tháng 9/2019, xuất khẩu trong kỳ 1 tháng 10/2019 biến động giảm ở một số mặt hàng: điện thoại các loại và linh kiện giảm 587 triệu USD, tương ứng giảm 20,8%; máy vi tính điện tử và linh kiện giảm 466 triệu USD, tương ứng giảm 24,5%; hàng dệt may giảm 341 triệu USD, tương ứng giảm 22,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 167 triệu USD, tương ứng giảm 18,5%; giày dép các loại giảm 79 triệu USD, tương ứng giảm 11,2%; xơ, sợi dệt các loại giảm 61 triệu USD, tương ưng giảm 31,2%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 59 triệu USD, tương ứng giảm 12%...

Trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ này đạt 6,97 tỷ USD, giảm 20,5% (tương ứng giảm 1,79 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 9/2019. Như vậy, tính đến hết ngày 15/10/2019 tổng trị giá xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 140,38 tỷ USD, tăng 4,8% tương ứng tăng 6,37 tỷ USD so với cùng thời gian năm 2018 và chiếm 68,5% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Nhập khẩu hàng hóa biến động giảm ở một số mặt hàng chủ chốt

Trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 10/2019 đạt 10,68 tỷ USD, giảm 5,9% (tương ứng giảm 674 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 9/2019. Tính đến hết ngày 15/10/2019, tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 198,11  tỷ USD, tăng 8,1% (tương ứng tăng 14,85 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.

kim ngạch nhập khẩu

Trị giá nhập khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất của Việt Nam (Cộng dồn từ đầu năm đến 15/10/2019 so với cùng kỳ năm 2018). Nguồn: TCHQ

So với nửa cuối tháng 9/2019, nhập khẩu trong kỳ 1 tháng 10/2019 biến động giảm ở một số mặt hàng: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 147 triệu USD, tương ứng giảm 6,3%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 130 triệu USD, tương ứng giảm 14,8%; dầu thô giảm 116 triệu USD, tương ứng giảm 48,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 98 triệu USD, tương ứng giảm 6,3%; ngô giảm 84 triệu USD, tương ứng giảm 48,9%; phương tiện vận tải khác và phụ tùng giảm 60 triệu USD, tương ứng giảm 60,6%...

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 10/2019 đạt 6,1 tỷ USD, giảm 8,3% (tương ứng giảm 550 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 9/2019. Như vậy, tính đến hết ngày 15/10/2019, tổng trị giá nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn FDI đạt 114,92 tỷ USD, tăng 4,5%, tương ứng tăng 4,93 tỷ USD, chiếm 58% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.