Hai năm trở lại đây, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã gây ra nhiều biến động về kinh tế - xã hội của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Những yếu tố này tác động lớn tới quyết định mua sắm của người tiêu dùng, đồng thời tạo ra những xu hướng tiêu dùng thích ứng hơn với tình hình bình thường mới. 

Cùng với đó, các vụ việc vi phạm quyền của người tiêu dùng gia tăng với nhiều hình thức mới. Tình trạng kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc và các vi phạm liên quan tới hoạt động thương mại điện tử cũng diễn biến phức tạp.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), năm 2021 hệ thống tổng đài tư vấn, hỗ trợ miễn phí người tiêu dùng 1800.6838 tại Bộ Công Thương kết nối với các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ giải quyết cho hàng nghìn cuộc gọi phản ánh, khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng trên cả nước. Các phản ánh, kiến nghị liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng trong thực hiện các hợp đồng giao dịch, chất lượng dịch vụ, chất lượng sản phẩm, các thỏa thuận giao dịch trên môi trường thương mại điện tử…

Hơn bao giờ hết, vấn đề kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng an toàn được đặt ra một cách cấp thiết, thực tế.

Đa dạng các công cụ bảo vệ người tiêu dùng

Chia sẻ tại Tọa đàm “Kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 18/3, bà Nguyễn Quỳnh Anh - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, những năm qua công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm với hành lang pháp lý đồng bộ và hàng loạt văn bản được ban hành như: Chỉ thị 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 30...

Bà Nguyễn Quỳnh Anh - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công Thương)

Bên cạnh Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 hiện nay đang trong quá trình sửa đổi, mỗi bộ, ban, ngành và các địa phương đều ban hành những chương trình hành động bảo vệ người tiêu dùng. Đối với Bộ Công Thương, từ giai đoạn 2016 - 2021 đến nay đã có một loạt chương trình hành động cụ thể để triển khai công tác này.

Với một hành lang pháp lý như vậy thì có thể nói là chúng ta có bộ công cụ đa dạng để thực thi công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, bà Nguyễn Quỳnh Anh cho biết.

Công cụ thứ hai để thực thi công tác bảo vệ người tiêu dùng, theo bà Quỳnh Anh là việc Bộ Công Thương đang cùng lúc vừa triển khai Tổng đài 18006838 tư vấn, hỗ trợ miễn phí người tiêu dùng tại trung ương để tiếp nhận các cuộc gọi, đồng thời cũng hỗ trợ các địa phương có thể được hiểu được cách vận hành và vận dụng những quy định trong công tác bảo vệ người tiêu dùng tại địa bàn. Trong năm 2021, Tổng đài này đã nhận được 13.000 cuộc gọi và gần như tất cả những cuộc gọi của người tiêu dùng đều được tư vấn một cách nhiệt tình, cụ thể và có giải pháp cho người tiêu dùng.

Công tác tuyên truyền về bảo vệ người tiêu dùng cũng đã được đổi mới phù hợp với thực tiễn hiện nay. Nếu như trước đây hình thức chủ yếu là những bản in phát đi khắp nơi thì giờ đây với sự phát triển mạnh mẽ của internet nên tất cả những văn bản, các bộ tài liệu cần thiết được phát hành theo cả hai hình thức: bộ tài liệu đầy đủ, cụ thể và những bộ tài liệu ngắn gọn rút gọn theo từng lĩnh vực. Người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận, sử dụng các bộ tài liệu này bằng cách truy cập Cổng thông tin điện tử của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng hay các website của các sở ở các địa phương, các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thông qua Tổng đài 18006838, hàng triệu người tiêu dùng cũng đã được tiếp nhận các thông tin, kiến thức, kỹ năng về tiêu dùng trong thời kỳ bình thường mới bằng các phương thức tuyên truyền hiện đại và phù hợp.

Một công cụ hiệu quả nữa là người tiêu dùng được hưởng những ưu đãi trong những chương trình tri ân người tiêu dùng do các doanh nghiệp triển khai trong khuôn khổ Tháng hành động vì người tiêu dùng ở các trung tâm thương mại, các địa điểm  sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp…

Từ góc độ cơ quan quản lý thị trường, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) nhận định: Vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng mà còn làm thiệt hại rất lớn đến các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính.

Với chức năng nhiệm vụ được giao, lực lượng quản lý thị trường luôn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng liên quan tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát quản lý địa bàn và xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm.

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương)

Bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý, lực lượng quản lý thị trường cũng chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định pháp luật; trong đó có hoạt động phối hợp với Sở Công Thương ở các địa phương tổ chức ký cam kết với các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định pháp luật nhằm đảm bảo bình ổn thị trường và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo ông Huy, sự phức tạp của thị trường hiện nay đòi hỏi lực lượng quản lý thị trường và các lực lượng khác phải tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm.

Ngoài những hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, lực lượng quản lý thị trường cũng có những kênh thông tin tiếp nhận thông tin của người tiêu dùng và các bên liên quan thông báo về những vi phạm trên thị trường để kịp thời kiểm tra, xử lý. Tiêu biểu là đường dây nóng 190088655 của lực lượng trong năm 2021 đã tiếp nhận trên 2.000 cuộc gọi phản ánh, được các đơn vị liên quan xác minh và xử lý nghiêm khi có vi phạm.

Không chỉ những thông tin cung cấp trên hệ thống Cổng thông tin chính thức, Tổng cục Quản lý thị trường còn sử dụng những kênh truyền thông trên mạng xã hội như Youtube, Tik tok… để hướng dẫn giới thiệu cách nhận biết hàng thật, hàng giả để người tiêu dùng có thể tự nhận biết, tự bảo vệ chính mình.  “Những công cụ như thế đã được triển khai rất quyết liệt và cũng ghi nhận nhiều kết quả trong thời gian vừa qua”, ông Huy cho biết.

Xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng an toàn

Từ góc độ doanh nghiệp, PGS.TS.Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho biết: Là ngành liên quan trực tiếp tới người tiêu dùng nên các nhà sản xuất ngành đồ uống luôn quan tâm đến trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng.

PGS.TS.Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam

Ông Việt thông tin, nhiều năm nay Hiệp hội Bia - Rượu – Nước giải khát Việt Nam đã xây dựng Quy chế quản lý và truyền thông thương mại có trách nhiệm; tất cả doanh nghiệp lớn trong ngành đều ký cam kết thực hiện Quy chế đó. Các doanh nghiệp cũng thực hiện nghiêm các quy định pháp luật liên quan, trước hết là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các luật khác như Luật An toàn thực phẩm, Luật Phòng chống tác hại rượu bia, Luật Bảo vệ môi trường... và quan tâm thực hiện các quyền lợi, trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng. “Trong hoạt động, doanh nghiệp chúng tôi luôn có ý thức xây dựng, bảo đảm chất lượng cao nhất để phục vụ quyền lợi của người tiêu dùng”, ông Việt nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với ông Việt, bà Nguyễn Thị Vinh Phương, Giám đốc Kênh phân phối hiện đại và Năng lực Kinh doanh toàn quốc, Công ty TNHH URC Việt Nam cho biết: Qua 19 năm có mặt trên thị trường Việt Nam, yếu tố kinh doanh lành mạnh luôn được Công ty vận dụng vào tất cả các khâu từ sản xuất đến vận hành, đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

Trong đó, để đưa ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế thì Công ty chú trọng nghiên cứu thị trường, ứng dụng các công nghệ tiên tiến và công nghệ 4.0 để tự động hóa các dây chuyền sản xuất, tăng năng suất mà vẫn đảm bảo cung cấp sản phẩm chất lượng, an toàn đến tay người tiêu dùng. Đồng thời xây dựng được mạng lưới kinh doanh rộng khắp tại tất cả các tỉnh, thành trên toàn quốc và với các kênh phân phối khác nhau giúp mang sản phẩm của URC Việt Nam tới người tiêu dùng nhanh hơn, thuận tiện hơn.

Bà Nguyễn Thị Vinh Phương, Giám đốc Kênh phân phối hiện đại và Năng lực Kinh doanh toàn quốc, Công ty TNHH URC Việt Nam

Theo TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì có rất nhiều bên liên quan, nhiều chiều cạnh như: pháp lý về bảo vệ người tiêu dùng, cơ quan xử lý tranh chấp, các bộ công cụ để thực hiện khung khổ pháp lý và nhiều công cụ khác… nhưng không thể không nói đến vai trò của doanh nghiệp. Điều này có thể gói gọn trong 3 cụm từ: Thật – Giá và sự cạnh tranh – Bắt nhịp xu hướng tiêu dùng mới.

Trong đó, “Thật” tức là các thông tin của doanh nghiệp phải minh bạch, phản ánh đúng quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, sự tương tác của doanh nghiệp với người lao động của doanh nghiệp mình và đặc biệt là sản phẩm phải có thông tin đầy đủ, rõ ràng.

Thứ hai liên quan đến giá và sự cạnh tranh, trong đó hàm ý cả việc doanh nghiệp cạnh tranh với nhau là điều tốt trong kinh tế thị trường nhưng cạnh tranh này phải lành mạnh.

Thứ ba là bắt nhịp xu hướng mới trong tiêu dùng, thậm chí có thể được gọi là cách mạng tiêu dùng hiện nay. Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy xu hướng này mạnh mẽ hơn nhiều, trong đó cách thức tiêu dùng đang dần trở nên phổ biến như: tiêu dùng online, internet, thương mại điện tử...

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh

Cũng liên quan đến những xu hướng tiêu dùng mới đang trở nên phổ biến do tác động của dịch Covid-19, bà Nguyễn Quỳnh Anh cho rằng, hiện nay mong muốn của người tiêu dùng là đặt tiêu chí an toàn lên đầu tiên, đặc biệt là đối với sức khỏe. Vì thế mà năm nay Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn chủ đề “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới” và thông điệp 3A: An toàn trong lựa chọn; an toàn trong thanh toán và an toàn trong sử dụng.

Thông điệp này bám sát quy trình mua sắm hàng hóa và giao dịch của người tiêu dùng. Trong đó, an toàn trong lựa chọn là người tiêu dùng có quyền được lựa chọn sản phẩm đó và thông qua lựa chọn của mình cũng gây tác động để cho doanh nghiệp phải thay đổi. An toàn trong thanh toán là bởi giao dịch qua mạng phát sinh rất nhiều vấn đề và người tiêu dùng cần được hướng dẫn cách thức để có thể bảo đảm được sự an toàn trong giao dịch và tất cả tài sản trong tài khoản giao dịch.

An toàn trong sử dụng hướng đến việc khuyến khích người tiêu dùng trong quá trình sử dụng sản phẩm, dịch vụ sẽ biết cách sử dụng một cách an toàn và biết cách yêu cầu các doanh nghiệp phải bảo đảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành hoặc thu hồi sản phẩm nếu xảy ra vi phạm.

MC, biên tập viên Nguyên Vỵ

Có thể nói, để xây dựng và thúc đẩy kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng an toàn trong tình hình mới hiện nay không chỉ là quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp, người tiêu dùng mà còn cần sự chung tay của các cơ quan, tổ chức, hiệp hội ngành hàng và cộng đồng xã hội.

Tọa đàm “Kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới” do Tạp chí Công Thương tổ chức, được công chiếu vào 9 giờ 30 ngày 18/3/2022 trên các nền tảng đa phương tiện của Tạp chí Công Thương.

Quý độc giả quan tâm có thể xem lại Tọa đàm trên các nền tảng:

Facebook Fanpage Tự hào hàng Việt:

https://www.facebook.com/TuhaohangVietNam.vn;

Facebook Fanpage Hành động vì an toàn thực phẩm:

https://vi-vn.facebook.com/hanhdongviantoanthucpham/;

Tạp chí Công Thương điện tử: http://tapchicongthuong.vn;

Kênh Youtube: https://www.youtube.com/c/TạpchíCôngThương655

[Quảng cáo]