Kinh nghiệm quốc tế trong quản lý đầu tư các dự án sản xuất - kinh doanh thuộc ngành công nghiệp quốc phòng

DƯƠNG CÔNG DỰ (Trường Đại học Kinh tế quốc dân)

TÓM TẮT:

Quản lý đầu tư (QLĐT) các dự án sản xuất - kinh doanh (SXKD) thuộc ngành Công nghiệp quốc phòng (CNQP) có vai trò quan trọng góp phần nâng cao tiềm lực quốc phòng và sự phát triển của ngành công nghiệp quốc gia. Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá kinh nghiệm của một số nước trên thế giới trong QLĐT các dự án SXKD thuộc CNQP, bao gồm: Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc. Trên cơ sở đánh giá kinh nghiệm của các quốc gia này, nghiên cứu rút ra một số kinh nghiệm nhằm góp phần hoàn thiện công tác QLĐT các dự án CNQP tại Việt Nam.

Từ khóa: quản lý đầu tư, công nghiệp quốc phòng, sản xuất kinh doanh, quản lý.

1. Đặt vấn đề

Xây dựng và phát triển ngành CNQP tại Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo xây dựng, phát triển ngang tầm với vị trí, vai trò và yêu cầu nhiệm vụ. Quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, những năm qua, Tổng cục CNQP đã có nhiều giải pháp triển khai thực hiện và đã tạo bước phát triển mới cho ngành. Tuy vậy, trong quá trình QLĐT các dự án SXKD của các doanh nghiệp thuộc ngành CNQP vẫn tồn tại một số hạn chế, như: đầu tư còn dàn trải, trùng lặp; chất lượng lập một số dự án chưa cao; năng lực nhận chuyển giao công nghệ còn hạn chế, nhất là đầu tư các dự án phức tạp, hàm lượng công nghệ cao; một số dự án còn phải điều chỉnh, kéo dài tiến độ; các dự án chậm tiến độ, chi phí các dự án cao, hiệu quả một số dự án chưa đạt so với thuyết minh các dự án,... Do đó, việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong việc quản lý đầu tư các dự án thuộc ngành CNQP có vai trò quan trọng nhằm nâng cao hoạt động quản lý đầu tư các dự án thuộc ngành CNQP.

2. Kinh nghiệm QLĐT các dự án SXKD thuộc ngành CNQP của một số quốc gia trên thế giới

2.1. Kinh nghiệm của Nga

CNQP Nga hiện nay có bước phát triển vượt bậc, không chỉ đáp ứng nhu cầu quốc phòng trong nước, Nga còn là cường quốc xuất khẩu lớn thứ hai trên thị trường vũ khí và công nghệ quân sự thế giới. Do tiềm lực kinh tế còn hạn chế, Nga rất chú trọng nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án SXKD ngành CNQP với các chiến lược sau:

  Thứ nhất, đổi mới cơ chế QLĐT các dự án SXKD. Để khắc phục tình trạng khó khăn về tài chính hiện nay, Nga chủ trương phát triển các tổ hợp CNQP vừa sản xuất hàng quân sự, vừa sản xuất hàng dân dụng; có thể linh hoạt chuyển hóa để vừa phục vụ các nhu cầu kinh tế, vừa có khả năng đáp ứng nhanh các nhu cầu quốc phòng trong thời chiến. Nga đẩy mạnh chuyển hóa tổ hợp CNQP theo hướng tinh, gọn, hiệu quả; tái cơ cấu theo hướng liên kết về công nghệ hoặc liên kết cơ học, gộp những đơn vị nghề giống nhau. Chính phủ Nga chỉ tập trung đầu tư, hỗ trợ và đặt hàng SXKD cho những cơ sở CNQP có hiệu quả, có cơ hội phát triển, có khả năng cạnh tranh mạnh chứ không rải đều cho toàn ngành CNQP. Trong đó, chú trọng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp CNQP phát triển các nguồn lực, nghiên cứu, phát triển (R&D) và tự chủ sản xuất các loại trang thiết bị trước đây phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Thứ hai, nâng cao tính cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu trang thiết bị ra thị trường thế giới. Nga rất chú trọng R&D, chế tạo và sản xuất các sản phẩm trang thiết bị có công nghệ độc quyền, có tính năng kỹ thuật đặc biệt, chiến thuật độc đáo và hiệu suất chiến đấu cao, nhằm tạo ra sự cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế; chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu toàn cầu. Để nâng cao hiệu quả đầu tư các dây chuyền sản xuất trang thiết bị đặc chủng, Nga chủ trương R&D, chế tạo nhiều loại trang thiết bị đồng dạng dựa trên một hệ cơ sở duy nhất như: sử dụng khung gầm các xe tăng chiến đấu chủ lực để phát triển xe công binh, xe cứu kéo bọc thép, xe chở quân hạng nặng và một số xe chiến đấu tự hành khác,... Chiến lược này không chỉ tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn tạo thuận lợi cho quá trình bảo đảm kỹ thuật cho các loại trang bị này.

2.2. Kinh nghiệm của Trung Quốc

CNQP Trung Quốc thời gian qua có những bước tiến vượt bậc, có khả năng chế tạo hầu hết các loại vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật (VKTBKT) trang bị cho quân đội và xuất khẩu. Năm 2016, Trung Quốc trở thành cường quốc xuất khẩu VKTBKT thứ 3 thế giới. Kinh nghiệm nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án SXKD thuộc ngành CNQP của Trung Quốc thời gian qua như sau:

Thứ nhất, chú trọng kết hợp kinh tế - quốc phòng trong đầu tư các dự án SXKD. Hiện nay, Trung Quốc chú trọng thu hút các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia các dự án SXKD thuộc ngành CNQP để tận dụng, huy động các nguồn lực như: các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước; cơ sở nghiên cứu khoa học, sản xuất hiện đại; tiếp cận với các công nghệ tiên tiến của thế giới. Với cách làm mới, CNQP Trung Quốc từng bước xã hội hóa hoạt động đầu tư SXKD và tăng thu ngoại tệ do xuất khẩu VKTBKT. Trong thời bình, các cơ sở SXKD thuộc ngành CNQP của Trung Quốc ưu tiên sản xuất các sản phẩm dân sự công nghệ cao dùng trong nước và xuất khẩu nhằm đảm bảo duy trì đội ngũ lao động và năng lực sản xuất. Trong thời chiến, các doanh nghiệp này sẽ chuyển sang sản xuất các sản phẩm VKTBKT với công suất có thể tăng lên hàng chục lần. Việc gắn kết sản xuất sản phẩm dân sự và quốc phòng trong nội bộ một cơ sở CNQP góp phần tăng chất lượng của cả 2 loại sản phẩm nói trên nhờ việc ứng dụng công nghệ lưỡng dụng và cơ chế trao đổi công nghệ 2 chiều.

Thứ hai, tăng cường liên kết, hợp tác trong nước, mở rộng hợp tác quốc tế trong R&D sản xuất VKTBKT. CNQP Trung Quốc rất chú trọng hợp tác với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu và các doanh nghiệp trên cả nước trong R&D các loại VKTBKT mới và đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực: nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất và sửa chữa VKTBKT. Trung Quốc tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế về kỹ thuật quân sự với cả Nga, Mỹ và phương Tây trong các lĩnh vực công nghệ cao có lựa chọn; tiếp nhận quy trình công nghệ tiên tiến sản xuất VKTBKT hiện đại để sao chép và tổng hợp công nghệ; nghiên cứu cải tiến, hiện đại hóa, phát triển tính năng của sản phẩm VKTBKT. Việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ hiện đại giúp Trung Quốc nâng cao năng lực công nghệ sản xuất VKTBKT, làm chủ, cải tiến công nghệ sản xuất phù hợp với nền công nghệ trong nước, nâng cao chất lượng sản phẩm VKTBKT và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường vũ khí thế giới.

2.3. Kinh nghiệm của Hàn Quốc

CNQP luôn được Chính phủ Hàn Quốc quan tâm phát triển. Hiện nay, CNQP Hàn Quốc có khả năng cung cấp tất cả các loại VKTBKT thông thường cho quân đội và trở thành nhà cung cấp vũ khí uy tín trên thế giới. Kinh nghiệm nâng cao hiệu quả đầu tư sản xuất VKTBKT của CNQP Hàn Quốc thể hiện qua các hoạt động sau:

Thứ nhất, tạo cơ chế, chính sách ưu đãi cho sản xuất VKTBKT trong nước. Chính phủ Hàn Quốc ưu tiên cho các doanh nghiệp CNQP vay ưu đãi dài hạn, lãi suất thấp; miễn, giảm nhiều loại thuế. Đồng thời, quân đội ưu tiên sử dụng VKTBKT sản xuất trong nước cho dù có thể đắt hơn hoặc chất lượng và tính năng thấp hơn trang bị của nước ngoài cùng chủng loại, nhằm bảo hộ ngành sản xuất VKTBKT trong nước, đáp ứng yêu cầu tự lực, tự chủ sản xuất trong chiến tranh. Một mặt hỗ trợ các tập đoàn CNQP hợp tác R&D các loại VKTBKT cơ bản; mặt khác, Chính phủ tập trung đầu tư phát triển các loại VKTBKT trọng điểm, nòng cốt, nhằm tăng cường khả năng tự chủ chế tạo các mẫu VKTBKT hiện đại riêng của Hàn Quốc.

Thứ hai, đa dạng hóa các phương thức tiếp nhận chuyển giao công nghệ, tiến tới làm chủ, hoàn thiện và cải tiến công nghệ sản xuất VKTBKT hiện đại. Chiến lược tiếp nhận chuyển giao công nghệ của Hàn Quốc được thực hiện bài bản qua các giai đoạn: sửa chữa, bảo dưỡng và lắp ráp trang bị của nước ngoài; sản xuất VKTBKT theo giấy phép; tăng dần tỷ lệ nội địa hóa công nghệ; R&D một số mẫu VKTBKT đơn giản; kết hợp R&D với nước ngoài chế tạo các hệ thống vũ khí phức tạp; chuyển dần sang tự chủ R&D và sản xuất VKTBKT hiện đại. Đồng thời, Hàn Quốc thực hiện chính sách gắn mua sắm VKTBKT với tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài để vừa nâng cao sức mạnh quân sự, vừa nâng cao trình độ, nâng cao công nghệ quân sự nội địa. Mọi hợp đồng nhập khẩu VKTBKT có giá trị đều phải kèm theo hợp đồng chuyển giao công nghệ của đối tác.

Thứ ba, phát huy hiệu quả năng lực KH&CN quốc gia và hợp tác quốc tế trong hoạt động R&D VKTBKT. Phân ban KH&CN quốc phòng trực thuộc Ủy ban quốc gia về KH&CN là trung tâm điều phối, triển khai chính sách KH&CN và hợp tác của các bộ, ngành, giới công nghiệp quốc gia và các trung tâm nghiên cứu, các trường đại học trong hoạt động hợp tác R&D VKTBKT. Hệ thống tổ chức KH&CN quốc phòng tinh gọn, cơ chế quản lý tiên tiến giúp Hàn Quốc khai thác tối đa năng lực R&D của cả quốc gia cho R&D VKTBKT. Hàn Quốc đặc biệt coi trọng hợp tác quốc tế trong R&D VKTBKT. Bên cạnh việc thắt chặt quan hệ với đối tác truyền thống là Mỹ, nước này tích cực mở rộng hợp tác với các nước có nền CNQP phát triển như Nga, Anh, Pháp, Đức,... để thực hiện chiến lược phát triển VKTBKT, chiếm lĩnh những công nghệ đỉnh cao và rút ngắn khoảng cách về trình độ công nghệ quân sự với các nước tiên tiến.

Thứ tư, chú trọng xuất khẩu VKTBKT và công nghệ sản xuất VKTBKT tiên tiến. Hàn Quốc tăng cường xuất khẩu VKTBKT và CGCN sản xuất VKTBKT cho các nước khác để tăng thu ngoại tệ, tạo điều kiện để tái đầu tư R&D các loại VKTBKT thế hệ mới. Nhiều sản phẩm VKTBKT của Hàn Quốc có uy tín, thương hiệu, được ưa chuộng trên thị trường thế giới như xe tăng, xe bọc thép, pháo binh, đạn dược.

3. Kết luận và một số bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam

Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án SXKD thuộc ngành CNQP của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đối chiếu với thực tiễn đầu tư các dự án SXKD thuộc ngành CNQP tại Việt Nam thời gian qua cũng như năng lực sản xuất VKTBKT của ngành CNQP, nghiên cứu rút ra những bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống tổ chức đầu tư các dự án SXKD thuộc ngành Công nghiệp quốc phòng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về đầu tư các dự án SXKD thuộc ngành công nghiệp quốc phòng.

Cần từng bước kiện toàn hệ thống tổ chức đầu tư các dự án SXKD tinh, gọn, hiệu quả theo hướng gắn kết chặt chẽ các khâu R&D - sản xuất - sửa chữa - sử dụng, gắn kết với công nghiệp dân sinh; đầu tư hiện đại hóa, xây dựng các tập đoàn, tổng công ty CNQP nòng cốt theo chuyên ngành, có tiềm lực tài chính mạnh, có NLCN SXKD VKTBKT tiên tiến, sức cạnh tranh cao.

Nhà nước cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi cho đầu tư các dự án SXKD VKTBKT trong nước như miễn, giảm một số loại thuế để giúp các cơ sở CNQP tăng cường năng lực tài chính, ưu tiên sử dụng các nguồn lực quan trọng của quốc gia,...

Đồng thời, Quân đội cần thường xuyên và tích cực sử dụng các loại VKTBKT sản xuất trong nước trong huấn luyện chiến đấu, tạo điều kiện thúc đẩy các cơ sở CNQP nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và duy trì NLSX VKTBKT, bảo đảm khả năng sẵn sàng sản xuất cao của các dây chuyền công nghệ.

Thứ hai, chú trọng kết hợp kinh tế - quốc phòng trong đầu tư các dự án SXKD thuộc ngành CNQP.

Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các tổ chức kinh tế, KH&CN tham gia các hoạt động đầu tư các dự án SXKD VKTBKT (tư vấn, thực hiện các gói thầu xây dựng, mua sắm thiết bị, đào tạo NNL,...); thành lập các công ty liên doanh với nước ngoài phát triển công nghệ lưỡng dụng, phục vụ nhu cầu của nền kinh tế quốc dân và xuất khẩu cũng như tham gia sản xuất các chi tiết, sản phẩm VKTBKT.

Thứ ba, đầu tư các dự án khoa học và công nghệ SXKD vũ khí trang bị kỹ thuật, tiến tới làm chủ, hoàn thiện và đổi mới công nghệ SXKD vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại.

Do khoảng cách tụt hậu về KH&CN quân sự của nước ta so với thế giới khá xa nên cần chú trọng đầu tư các dự án đổi mới, hiện đại hóa công nghệ theo hướng “đi tắt đón đầu”, chú trọng tiếp nhận chuyển giao công nghệ nền, công nghệ mũi nhọn trong lĩnh vực chế tạo, sản xuất VKTBKT trong nước chưa tự chủ sản xuất được. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, cần tiến hành bài bản, hiệu quả các bước: tiếp nhận chuyển giao công nghệ thiết kế, chế tạo nguyên mẫu VKTBKT; đào tạo nhân lực KH&CN; R&D tăng dần tỷ lệ nội địa hóa công nghệ; R&D một số mẫu VKTBKT đơn giản; kết hợp với nước ngoài R&D, chế tạo các hệ thống VKTBKT phức tạp; tự chủ R&D và sản xuất VKTBKT hiện đại.

Bên cạnh việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ đồng bộ, hiện đại từ nước ngoài, cần tăng cường đầu tư các dự án nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo VKTBKT của các viện nghiên cứu, các cơ sở CNQP; cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học của các trường đại học kỹ thuật trong Quân đội, đáp ứng nhu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia thực hiện các dự án SXKD VKTBKT.

Thứ tư, tăng cường liên kết, hợp tác trong nước, mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và phát triển và triển khai thực hiện đầu tư các dự án SXKD vũ khí trang bị kỹ thuật.

Nhà nước cần sớm bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý và cơ chế chính sách cụ thể để thu hút, huy động các cơ sở đào tạo, cơ sở KH&CN, cơ sở công nghiệp dân sinh tham gia đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu thiết kể, chế tạo các loại VKTBKT mới, cũng như tham gia đầu tư phát triển công nghệ lưỡng dụng, công nghệ sản xuất các sản phẩm phụ trợ, vật tư kỹ thuật VKTBKT. Qua đó, tiết kiệm chi phí R&D, đầu tư, sản xuất; nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án SXKD; tăng năng suất, chất lượng sản phẩm VKTBKT; tăng năng lực cạnh tranh và cơ hội xuất khẩu VKTBKT, dịch vụ khoa học kỹ thuật, công nghệ quân sự ra nước ngoài.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Thường Lạng, Thái Quang Thế, Nguyễn Thị Ngọc Yến (2020). Kinh nghiệm quản lý đầu tư công ở một số quốc gia. Tạp chí Tài chính, kỳ 1 tháng 4/2020.
  2. Lương Văn Khôi, Nguyễn Thanh Tuấn (2014). Kinh nghiệm quốc tế về đầu tư công và bài học cho Việt Nam. Nghiên cứu lập pháp, số 11(267), tháng 6/2014.

 

INTERNATIONAL EXPERIENCE IN MANAGING PRODUCTION

AND INVESTMENT PROJECTS IN THE DEFENSE INDUSTRY

DUONG CONG DU

National Economics University

ABSTRACT:

In the defense industry, the management of production and investment projects  plays an important role in improving the industrial development. This study is to analyze experience of some countries including Russia, China, and South Korea in managing production and investment projects in the defense industry. By assessing experience of these countries, this study draws some lessons learnt in order to improve the management of production and investment projects in Vietnam’s defense industry.

Keywords: investment management, defense industry, production and business, management.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 27, tháng 12 năm 2021]