Kinh nghiệm và giải pháp chống đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu nhân dân trong những đợt giãn cách do đại dịch Covid-19

Trong thời gian qua, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trên cả nước, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, hiệp hội, đơn vị có liên quan nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc duy trì sản xuất và lưu thông, vận chuyển hàng hóa, bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân đã được triển khai thực hiện có hiệu quả; góp phần chống đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu nhân dân trong những đợt giãn cách xã hội.

Thực hiện Điện của Thường trực Ban Bí thư ngày 27 tháng 4 năm 2021; để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, ngày 05/5/2021 Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm một số nhiệm vụ trọng tâm tại Quyết định số 481/QĐ-BCT ngày 13/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương ứng phó với tác động của dịch bệnh Covid-19 nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu phòng, chống hiệu quả dịch bệnh và xử lý các tác động, bảo đảm ổn định sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Xác định việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường giá cả và bảo đảm lưu thông hàng hóa, hỗ trợ sản xuất và xuất nhập khẩu khi dịch Covid-19 gia tăng lây nhiễm tại Việt Nam là một trong các nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, các đơn vị liên quan triển khai. Cụ thể:

Thứ nhất ban hành các văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương về đảm bảo lưu thông vận chuyển, cung ứng hàng hoá, hỗ trợ sản xuất và xuất nhập khẩu

Để đảm bảo lưu thông vận chuyển, cung ứng hàng hoá, hỗ trợ sản xuất và xuất nhập khẩu Bộ đã ban hành 37 văn bản chỉ đạo tập trung vào các vấn đề sau đây: (i) Đề nghị địa phương, doanh nghiệp tăng cường dự trữ, đảm bảo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; (ii) Tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa; (iii) Duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19 (iv) Xúc tiến thương mại, hỗ trợ xuất nhập khẩu, logistics và tăng cường quản lý thị trường.

Thứ hai, thành lập Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và hỗ trợ duy trì sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trên cả nước trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và 02 Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương (Tổ công tác phía Nam, Tổ công tác miền Bắc và miền Trung) về đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp

Tổ có 5 nhiệm vụ cấp bách gồm: Nắm bắt sát diễn biến thị trường và nhu cầu hàng hóa thiết yếu của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam, nhất là các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương đang áp dụng biện pháp giãn cách; Kết nối cung cầu hàng hóa thiết yếu trong và ngoài các địa phương phía Nam, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân trong vùng dịch; Thực hiện công tác điều tiết, cung ứng hàng hóa thiết yếu thông suốt tại các tỉnh, thành phố có dịch, giữa các tỉnh, thành phố có dịch với các địa phương khác; Phối hợp cùng lực lượng chức năng tại các địa phương đảm bảo lưu thông hàng hóa, chống hiện tượng găm hàng, tăng giá, ép giá, bán hàng kém chất lượng; Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong cung ứng hàng hóa thiết yếu tại các tỉnh; Tham mưu, đề xuất hướng xử lý để báo cáo Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam.

Thứ ba,  Bộ đã tham mưu, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Chỉ đạo các Sở, ngành liên quan tại địa phương căn cứ điều kiện thực tế, đặc thù của từng chợ để nghiên cứu mở các điểm này trên cơ sở đáp ứng quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Riêng với Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với việc duy trì, mở lại các chợ truyền thống, cần có phương án mở lại các chợ đầu mối. Trước mắt tập trung mở các địa điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nhằm kịp thời tiếp nhận nguồn thực phẩm từ các địa phương khác, góp phần giảm tải cho hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi và trung tâm thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh, hỗ trợ tiêu thụ nông sản… cho các tỉnh phía Nam.  Đồng thời Bộ đã ban hành văn bản hướng dẫn bố trí địa điểm tạm thời và mở lại chợ sau thời gian tạm thời đóng cửa để bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (Công văn số 4728/BCT-TTTN ngày 05/8/2021).

Thứ tư, Bộ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lưu thông như trong điều kiện bình thường các hàng hóa cần vận chuyển với điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, ngoại trừ những hàng hóa cấm kinh doanh hoặc hàng hóa hạn chế kinh doanh theo quy định pháp luật hiện hành. Những hàng hóa cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh chỉ được vận chuyển khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Trên cơ sở kiến nghị của Bộ Công Thương, Chính phủ đã ban hành Công văn số 5187/VPCP-CN ngày 29/7/2021 về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19, nhờ đó tình hình vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước cơ bản được thuận lợi, giúp tháo gỡ khó khăn cho nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu.

Bộ Công Thương cũng đã đề xuất các giải pháp để vừa đảm bảo sản xuất, xuất nhập khẩu, vừa đảm bảo phòng chống dịch góp phần tạo nguồn cung hàng hóa cho thị trường trong nước:

Một là, rà soát, mở rộng đối tượng hỗ trợ, ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh và người lao động

Bộ đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép tiếp tục rà soát, mở rộng đối tượng hỗ trợ và thời gian hỗ trợ đối với các tổ chức, doanh nghiệp, người dân theo gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng và gói 26.000 tỷ đồng dành cho người khó khăn vì dịch Covid-19. Đồng thời, khẩn trương ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh và người lao động để có thể nhanh chóng phục hồi sản xuất ngay sau dịch bệnh (nhất là chính sách về thuế, phí, đất đai, tài chính, lãi suất ngân hàng, dịch vụ logistics và hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao nghề nghiệp).

Hai là, cho phép các Doanh nghiệp căn cứ tình hình thực tế chủ động đưa ra phương án sản xuất kinh doanh linh hoạt

Đối với các địa phương miền Bắc và miền Trung, Bộ đề nghị Quốc hội, Chính phủ, cho phép các doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện an toàn dịch bệnh có thể thỏa thuận với người lao động để tăng tốc sản xuất, tăng ca, tăng giờ làm trong ngày với phương châm lấy tốc độ, bù thời gian mà không vi phạm Luật lao động.

Đối với các doanh nghiệp khu vực miền Nam, Tây Nguyên tuy vẫn phải áp dụng Chỉ thị 16 cũng cần rà soát, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng ngay các biện pháp như cho phép các doanh nghiệp, nhà máy chủ động quản lý và tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh cùng với việc tuân thủ yêu cầu chống dịch trong nhà máy theo bộ quy tắc với các tiêu chí an toàn mà liên Bộ Công Thương - Y Tế đã ban hành; vận dụng linh hoạt, phù hợp mô hình doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ... Trước mắt cần khẩn trương hỗ trợ để có thể phục hồi hoạt động ngay các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi và hỗ trợ các doanh nghiệp mua tạm trữ (4-5 triệu tấn lúa) góp phần giảm sức ép trong tiêu thụ lúa gạo và các nông sản tới vụ của các địa phương.

Ba là, đổi mới cách thức tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu

Bộ đã tổ chức các hội nghị kết nối trực tuyến, phương thức kết nối tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa, nông sản, đồng thời theo dõi sát diễn biến nhập siêu để có biện pháp ứng phó phù hợp. Bộ sẽ tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tập trung vào những hàng hóa, nông sản đang vào mùa vụ.

Bộ đã có một số văn bản: (i) gửi các Sàn Thương mại điện tử lớn đề nghị tăng cường hỗ trợ chuẩn bị nguồn hàng, xây dựng các chương trình bán hàng thiết yếu; (ii) gửi Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh/thành phố thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Chính phủ về việc duy trì phương thức giao nhận thương mại điện tử và nghiên cứu tổ chức Điểm tập kết giao nhận hàng hóa thương mại điện tử. Nhờ đó, công tác chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho các tỉnh, thành phố trên cả nước qua thương mại điện tử được thực hiện có hiệu quả và hiện có nhiều Sàn thương mại điện tử triển khai cung ứng hàng hóa cho người dân (như Sendo, Voso, Tiki, Postmart, Shopee, Lazada...).

Bốn là, vận hành linh hoạt các hình thức cung ứng hàng hóa thiết yếu

Ngay khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là tại các tỉnh thành phía Nam và Hà Nội, Bộ Công Thương đã kịp thời ban hành một số văn bản chỉ đạo Sở Công Thương, các doanh nghiệp phân phối tăng cường các điểm bán hàng lưu động có kiểm soát an toàn dịch bệnh thay thế cho các cơ sở bán hàng thiết yếu đã bị đóng cửa do dịch bệnh Covid-19. Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ, nhiều địa phương đã phối hợp với các doanh nghiệp phân phối, Vnpost, Viettel Post, các đơn vị có liên quan khác để triển khai các hoạt động như bán hàng trên xe lưu động, bán hàng theo combo, không tiếp xúc;  đưa chợ ra chỗ thoáng ( tận dụng các sân trường làm nơi bán hàng lưu động…);  chương trình đưa hàng thiết yếu lên chợ điện tử, mô hình “siêu thị mini 0 đồng”, mô hình “siêu thị di động kiểu mớ” ; Tổ đi chợ hộ...

Năm là, “phổ cập tiêm chủng” cho người lao động làm việc trong chuỗi cung ứng hàng hóa

Bộ đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ và có văn bản kiến nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: (i) Cho phép “người chuyên chở hàng hóa” (shippers) được phép hoạt động nếu đáp ứng được các điều kiện về phòng, chống dịch Covid-19; (ii) Chỉ đạo ngành y tế địa phương và các cơ quan liên quan ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho nhóm đối tượng là: người lao động tại các cơ sở thuộc chuỗi cung ứng các mặt hàng thiết yếu thuộc lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội (lương thực, thực phẩm, xăng dầu, dược phẩm, hàng hoá chống dịch…); người lao động trong các ngành vận tải và logistics, đặc biệt là lái xe, phụ xe vận tải, liên tỉnh, đội ngũ lao động tại các cảng biển, cửa khẩu… nhằm đảm bảo dòng lưu thông hàng hóa được thông suốt, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng phục vụ sản xuất.

Sáu là, mở luồng xanh cho vận tải đường thủy

Bộ Công Thương đã báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ thóc, gạo hàng hoá các tình đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh thực hiện giãn cách do dịch Covid-19, góp phần tạo thuận lợi cho chuỗi cung ứng thóc, gạo, hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Sự tận tâm của mỗi cán bộ đảng viên, cùng với sự đồng lòng chung sức xây dựng kịch bản ứng phó sát với tình hình thực tế của địa phương và theo đúng các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, Ngành là điều kiện tiên quyết bảo đảm duy trì được sản xuất, cung ứng và lưu thông hàng hoá chống đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu nhân dân trong những đợt giãn cách do đại dịch Covid-19.                                                                         

Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương