Kinh tế tư nhân Đông Nam Bộ: Các nhân tố ảnh hưởng và một số giải pháp phát triển

TS. NGUYỄN HỮU TRINH - (Khoa Chính trị - Hành chính, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) và CAO THỊ ANH SAO (Học viện Khoa học xã hội)

TÓM TẮT:

Đông Nam Bộ (ĐNB) là Vùng có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, năng động, có tỷ trọng GDP lớn nhất trong các vùng kinh tế của cả nước, đi đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế với sự đóng góp của các doanh nghiệp (DN) thuộc khu vực kinh tế tư nhân (KTTN). Tuy nhiên, dường như sự năng động của khu vực KTTN tại khu vực ĐNB đang chững lại khi đang gặp phải nhiều rào cản ảnh hưởng đến quá trình phát triển như chính sách, thể chế, môi trường kinh doanh. Bài viết nghiên cứu, tìm hiểu các nhân tố ảnh hưởng đến KTTN vùng ĐNB, để từ đó kịp thời có các giải pháp phát triển là vấn đề thực sự cần thiết.

Từ khóa: kinh tế tư nhân, Đông Nam Bộ, môi trường kinh doanh, doanh nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, Việt Nam đang trong thời kỳ đổi mới và phát triển kinh tế với mục tiêu sớm đưa đất nước nhanh chóng hội nhập chung vào nền kinh tế toàn cầu. Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) thực hiện phát triển kinh tế nhiều thành phần, kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo có sự điều tiết của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế (TPKT) khác có cơ hội phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Sự phát triển KTTN tại Việt Nam gắn liền với những thay đổi tư duy về vai trò của khu vực kinh tế này trong nền kinh tế, từ việc chỉ coi là một thành phần kinh tế khi tiến trình Đổi mới bắt đầu, cho đến việc coi KTTN là một động lực kinh tế (Đại hội XI) và là một động lực quan trọng của nền kinh tế (Đại hội XII). Chính quá trình “cởi trói” này đã giải phóng sức sản xuất của KTTN và tạo điều kiện cho KTTN đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế quốc gia.

Qua hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, KTTN đã có những đóng góp tích cực cho xã hội về mọi mặt, như: huy động các nguồn vốn trong xã hội tham gia vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách nhà nước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển thể chế kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN và góp phần đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) của Việt Nam bao gồm các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng diện tích 23.564,4 km2, dân số khoảng gần 18.000.000 người (chiếm 18.5% dân số cả nước). Hiện ĐNB là Vùng có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và là Vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước, với 6,28 triệu đồng/người/tháng (Tổng cục Thống kê, 2020), là Vùng có tỷ trọng GDP lớn nhất trong các vùng kinh tế của nước ta, đi đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế trong đó sự đóng góp của các DN thuộc khu vực KTTN vùng ĐNB là rất lớn. Tính đến hết ngày 31/12/2020, vùng ĐNB có khoảng 335.000 DN đang hoạt động, chiếm hơn 40% số lượng DN của cả nước (Tổng cục Thống kê, 2020). Sự ra đời và hoạt động của các doanh nghiệp khu vực tư nhân vùng ĐNB chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số DN đang hoạt động của Vùng, đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước. ĐNB đã từng là cái nôi của các “phá rào” thúc đẩy KTTN phát triển tại giai đoạn trước đổi mới và chính sự phát triển của KTTN đã tạo ra sự phát triển năng động của khu vực này. Tuy nhiên, dường như sự năng động của KTTN tại khu vực ĐNB đang chững lại khi KTTN ở đây gặp phải nhiều rào cản ảnh hưởng đến quá trình phát triển như chính sách, thể chế, môi trường kinh doanh, sự chi phối của các chuỗi giá trị của các tập đoàn xuyên quốc gia, hay các vấn đề liên quan đến dịch bệnh, các tác động của biến đổi khí hậu,…

Điều đó cho thấy việc nghiên cứu, tìm hiểu thực trạng phát triển, cũng như các nhân tố tác động của KTTN tới sự phát triển kinh tế vùng ĐNB là rất cần thiết, từ đó kịp thời có các giải pháp phát huy những mặt mạnh, hạn chế những tác động tiêu cực, có các cơ chế thúc đẩy khu vực KTTN tiếp tục phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa cho kinh tế các địa phương trong Vùng và cả nước.

2. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế tư nhân vùng Đông Nam Bộ

2.1. Về chính sách

Điều 33 Hiến pháp Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013) quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Tuy vậy, trong giai đoạn kinh tế nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, tại Việt Nam, khu vực KTTN không được thừa nhận, điều đó đã gây nên một số tình trạng bất ổn về kinh tế, gây không ít thiệt hại cho sự phát triển kinh tế của quốc gia. Tuy nhiên, năm 1999, Luật Doanh nghiệp (LDN) đã được Quốc hội khóa X thông để thay thế Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân trước đó và LDN năm 2005, LDN năm 2014, LDN năm 2020 lần lượt ra đời, các Luật này quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và các hoạt động liên quan của doanh nghiệp… Bên cạnh các đạo luật về kinh tế, quan điểm của ĐCSVN cũng thống nhất về phát triển kinh tế nhiều thành phần, cụ thể: Văn kiện Đại hội Đảng các thời kỳ khẳng định “chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN, đó chính là nền KTTT định hướng XHCN” (Văn kiện ĐHĐTQ, 2001, tr.86); “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh KTTN trở thành một trong những động lực của nền kinh tế” (Văn kiện ĐHĐTQ, 2011, tr.83); Nền KTTT định hướng XHCN có quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều TPKT, trong đó KTNN giữ vai trò chủ đạo, KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các TPKT bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật... (ĐCSVN, Văn kiện ĐHĐTQ, 2021). Quan điểm trên của ĐCSVN cho thấy, phát triển các TPKT, trong đó có KTTN là chủ trương nhất quán, là vấn đề chiến lược lâu dài trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

2.2. Các yếu tố về thể chế

Ở Việt Nam, các vấn đề thể chế cũng ảnh hưởng mạnh đến các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế, KTTN là một trong những bộ phận cấu thành của nền kinh tế của quốc gia nên không là một ngoại lệ. Sự tác động của thể chế đến phát triển KTTN có thể đề caajp đến các vấn đề sau:

Thứ nhất, sự phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ trong các hoạt động hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân còn thiếu chặt chẽ.

Cụ thể là vai trò của Chính phủ liên quan đến phát triển KTTN được chia cho nhiều cơ quan thuộc Chính phủ, như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp,…

Tuy vậy còn rất nhiều việc phải làm trong việc cải thiện sự phối hợp giữa các Bộ, Ngành trong việc xây dựng và thực hiện chính sách. Các nhiệm vụ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp khu vực tư nhân chưa được coi trọng và chưa được xem là vấn đề quan trọng.

Thứ hai, các chính sách và chương trình phát triển khu vực tư nhân thiếu đồng bộ và tính liên kết.

Phát triển KTTN là vấn đề liên quan đến rất nhiều Bộ, Ngành, cho nên việc thực hiện nội dung phát triển KTTN thường được sự hỗ trợ và kết hợp bởi các cơ quan hữu quan khác nhau. Những hạn chế về hiểu biết về các nhu cầu của doanh nghiệp dẫn đến tình trạng các sáng kiến và chương trình hỗ trợ được thiết kế chưa hợp lý, ảnh hưởng tới chất lượng và hiệu quả của quá trình triển khai.

Thứ ba, việc hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế, các đối tác cho phát triển KTTN đang có xu hướng giảm.

Các đối tác và các nhà tài trợ cho phát triển KTTN quen thuộc như Ngân hàng Phát triển Châu Á, EU, Chính phủ Úc, Ngân hàng thế giới đã và đang tích cực đóng góp cho phát triển khu vực KTTN đang có xu hướng giảm mặc dù sự hợp tác giữa các nhà tài trợ và các cơ quan trong Chính phủ Việt Nam trong phát triển khu vực KTTN được đánh giá là mạnh mẽ và hiệu quả.

Thứ tư, hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp chưa hiệu quả.

Các hiệp hội doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển kinh tế năng động và bền vững. Một số hiệp hội Việt Nam gần đây đã trưởng thành hơn và bắt đầu đóng vai trò quan trọng trong việc đại diện cho quyền lợi của các thành viên trong các bối cảnh trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, hầu hết các hiệp hội vẫn thiếu năng lực và kỹ năng cần thiết để thu hút sự tham gia của các thành viên, đặc biệt là trong phát triển chiến lược và tiêu chuẩn ngành, cung cấp dịch vụ cho các thành viên và trong công tác vận động, tư vấn chính sách.

2.3. Các yếu tố liên quan đến việc thực thi các quy định và hoạt động của bộ máy nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân

Sau “Đổi mới”, nhiều Bộ, ngành đã có nhiều cải cách liên quan đến KTTN nhưng thực tế cho thấy vẫn còn khoảng cách lớn giữa quy định và thực thi các luật này. Một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay trong thể chế, pháp luật gắn liền với hoạt động của DN là quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành còn rất nhiều phiền hà cho DN, thời gian thực hiện các thủ tục này vẫn còn kéo dài, chi phí tuân thủ của DN tăng cao. Chính vì các vấn đề này mà các chỉ số trong hỗ trợ hoạt động DN trong các báo cáo các năm có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, bộ máy quản lý nhà nước đối với KTTN “còn nhiều bất cập, chưa hiệu quả và còn nặng cơ chế xin - cho” (Ban Kinh tế Trung ương, 2017, tr.258). Hiện nay, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số hiệu quả chính quyền của Việt Nam nằm dưới mức trung bình của thế giới dù đã có rất nhiều cải thiện đáng kể và xét về tổng thể vẫn còn kém về năng lực quản trị quốc gia (Ban Kinh tế Trung ương, 2017).

2.4. Các yếu tố thuộc về môi trường đầu tư và kinh doanh

Trong những năm qua, nền kinh tế nhiều thành phần ở Việt Nam đã phát huy tác dụng của nó, điều đó đã làm cho nền kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh và luôn ở mức cao. KTTN là một yếu tố đóng vai trò quan trọng trong sự thành công đó, đã đóng góp chung vào sự tăng trưởng của nền kinh tế cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên toàn quốc. Báo cáo chỉ số cạnh tranh năng lực cấp tỉnh (PCI) qua các năm cho thấy sự tác động về tác động của môi trường kinh doanh đối với sự phát triển của KTTN. Việc hiểu biết về MTKD là vấn đề thực sự cần thiết để qua đó thúc đẩy hơn nữa sự tăng trưởng và phát triển của KTTN.

3. Một số giải pháp đề xuất

Thứ nhất, đổi mới, bổ sung, hoàn thiện môi trường pháp lý, bảo đảm cho KTTN phát triển.

Môi trường pháp lý về KTTN ở Việt Nam hiện nay còn rất chông chênh và khó đoán định, các chính sách xã hội đối với KTTN vẫn còn bất cập nên chính điều đó làm cho KTTN chưa phát huy tiềm năng thế mạnh của nó. Vì vậy, về phía Chính phủ, Nhà nước và cả chính quyền địa phương, Vùng cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách cho phù hợp để KTTN có cơ hội phát triển. Chẳng hạn như: có cơ chế quản lý phù hợp, có chính sách đào tạo nguồn nhân lực, các hỗ trợ về pháp lý cho DN, ban hành Luật mới để thay thế các bộ luật đã lỗi thời lạc hậu; các Thông tư, Nghị định… phải có tính điều chỉnh kịp thời để khắc phục những đạo luật chưa phù hợp trước đó.

Đổi mới kinh tế từ lý luận đến thực tiễn ở Việt Nam từ khi bắt đầu cho đến nay cũng đã trên 35 năm (1986). Mặc dù đã có nhiều văn bản pháp luật, dưới Luật hay có nhiều sự chỉnh sửa, bổ sung, phát triển, hoàn thiện về môi trường pháp lý nhưng thực tế hiện nay, các quy định của pháp lý vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, gây cản trở cho khu vực KTTN phát triển. Do đó, để phát triển KTTN cũng như thực hiện hội nhập khu vực và quốc tế, Nhà nước, chính quyền tỉnh, thành phố trong vùng ĐNB là cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, các văn bản hướng dẫn phù hợp và thống nhất nhằm tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho KTTN phát triển, cụ thể: rà soát lại hệ thống văn bản, trên cơ sở đó bãi bỏ những văn bản ban hành trái với Luật Doanh nghiệp, kịp thời hướng dẫn ban hành những văn bản mới đúng đắn, khách quan, phù hợp với Luật này, hoặc bổ sung cho Luật. Bên cạnh đó, cần xem xét các loại văn bản khác, nếu có những văn bản cản trở sự phát triển của KTTN hoặc thể hiện bất bình đẳng, phân biệt KTTN với thành phần kinh tế khác thì kịp thời khắc phục nhằm tạo điều kiện cho KTTN phát triển thuận lợi hơn.

Thứ hai, cần có một chính sách khẳng định rõ ràng về việc các doanh nghiệp khu vực KTTN trong nước sẽ là trụ cột của nền kinh tế quốc dân và của năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trong thời gian qua, các phát biểu về sự tăng trưởng vượt bậc của khu vực kinh tế tư nhân đã che lấp một thực tế rằng các doanh nghiệp khu vực KTTN trong nước thuộc khu vực được đăng ký chính thức mới chỉ đóng góp vỏn vẹn 8,2% GDP (Tổng cục Thống kê, 2020). Phần lớn mức đóng góp 38,64% vào GDP bởi khu vực kinh tế tư nhân là từ các hộ kinh doanh, là khu vực kinh tế vốn vẫn đang bị xem là thuộc khu vực không chính thức. Với việc khu vực doanh nghiệp nhà nước ngày một chiếm tỷ trọng nhỏ hơn do quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, rõ ràng là khu vực KTTN cần phải tăng trưởng nhanh hơn, hiệu quả hơn, với năng suất cao hơn nhằm tránh tình trạng nền kinh tế sẽ bị phụ thuộc quá nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực hộ kinh doanh có mức năng suất thấp hơn.

Thứ ba, cần có các nỗ lực liên tục nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cần được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với Việt Nam.

Môi trường kinh doanh là yếu tố được quan tâm rất nhiều khi nghiên cứu về các hoạt động kinh tế ở các quốc gia khác nhau. Một thực tế cho thấy, nền kinh tế của các quốc gia thế giới luôn tăng trưởng tốt và ổn định do sự ổn định của môi trường kinh doanh. Khi môi trường kinh doanh ổn định, điều này sẽ đảm bảo sự duy trì lòng tin và tăng cường đầu tư của khu vực KTTN. Môi trường kinh doanh được cải thiện sẽ giúp cải thiện hiệu quả hoạt động và lợi nhuận của các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân, điều đó sẽ giúp họ tăng trưởng mạnh mẽ hơn về quy mô, hiệu quả và các vấn đề khác trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Thứ tư, tăng cường công tác quản lý của nhà nước, tạo điều kiện cho KTTN phát triển.

KTTN là một bộ phận trong tổng thể các bộ phận cấu thành nền kinh tế quốc gia. Việc làm thế nào để KTTN phát triển đúng định hướng và lộ trình Nhà nước đã vạch ra đó là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thì KTTN cũng như các thành phần kinh tế khác phải bắt buộc nằm trong sự quản lý của Nhà nước về cả tầm vĩ mô và vi mô. Tuy vậy, để thực hiện tốt và nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước đối với sự phát triển của KTTN cần thực hiện các giải pháp:

- Thực hiện phân định rõ chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan quản lý KTTN trong địa bàn của tỉnh, thành phố trong vùng ĐNB; phân công, phân cấp từ tỉnh đến huyện, xã, các cơ quan chuyên môn một cách hợp lý, tránh chồng chéo, trùng lắp, hoặc bỏ trống.

- Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa chính quyền, cơ quan chuyên môn của tỉnh với bộ ngành Trung ương và Chính phủ nhằm tạo điều kiện, môi trường thuận lợi nhất trong quản lý KTTN, tạo môi trường thông thoáng cho KTTN phát triển, nhưng vẫn nằm trong sự quản lý chặt chẽ của cơ quan bộ ngành, Chính phủ và chính quyền địa phương.

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý doanh nghiệp ở cấp tỉnh, huyện, phường, xã nhằm làm cho hoạt động doanh nghiệp, hoạt động hành chính cùng thuận chiều phát triển; tránh nhũng nhiễu, quan liêu, hách dịch trong quan hệ công tác giữa cán bộ và doanh nghiệp; Giảm bớt các chi phí trung gian, các khâu trung gian trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức chính quyền toàn tỉnh, thành phố trong vùng ĐNB có phẩm chất đạo đức tốt, chuyên môn phù hợp, thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ, tập huấn nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm nhằm phục vụ tốt hoạt động quản lý điều hành nền kinh tế của tỉnh nói chung và KTTN nói riêng.

- Chính quyền các cấp của tỉnh, thành phố trong vùng ĐNB cần thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động KTTN. Làm tốt công tác này sẽ kịp thời ngăn chặn những hành vi tiêu cực trong KTTN cũng như phát hiện, xử lý kịp thời những hiện tượng tiêu cực nảy sinh. Từ đó, tạo ra môi trường lành mạnh cho KTTN phát triển, vừa khuyến khích, động viên những doanh nghiệp, đơn vị sản xuất - kinh doanh hoạt động đúng pháp luật, có hiệu quả kinh tế cao, làm ăn chân chính, vừa đào thải những doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh có hành vi bất chính.

4. Kết luận

Trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, KTTN vùng ĐNB sẽ chịu ảnh hưởng bởi những tác động của tình hình trong và ngoài nước, trong đó có các nhân tố như thể chế, chính sách pháp luật, môi trường kinh doanh… Đây là tình hình chung của KTTN trên thế giới, do đó khi hội nhập kinh tế thế giới vùng ĐNB cần phải có những giải pháp phát triển, trong đó các giải pháp để phát triển KTTN, Vùng ĐNB cần hoàn thiện môi trường pháp lý, tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với KTTN; tiếp tục đổi mới, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho KTTN của vùng ĐNB phát triển; tăng cường công tác xây dựng phát triển nguồn nhân lực; thiết lập các mối quan hệ trong nước, khu vực, quốc tế và xây dựng văn hóa KTTN.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ban Kinh tế Trung ương (2017). Đổi mới doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân trong giai đoạn hiện nay. Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011). Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
  5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
  6. Vũ Văn Phúc (2017). Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta - lý luận và thực tiễn. Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
  7. Mai Hồng Quỳ (2012). Tự do kinh doanh và vấn đề bảo đảm quyền con người tại Việt Nam. Nxb Lao động, Hà Nội.

Factors affecting the development of the private economy in the Southeast of Vietnam

Ph.D Nguyen Huu Trinh1

Cao Thi Anh Sao2

1Faculty of Politics - Administration, Vietnam National University - Ho Chi Minh City

2 Academy of Social Sciences

Abstract:

The Southeast of Vietnam has experienced a rapid economic growth and this region has contributed the most the country’s economy. Enterprises in the region have also significantly contributed to the development of private economic sector. However, it seems that the dynamism of enterprises in the Southeast is slowing down when they faces many barriers affecting the business development such as uch as policies, institutions and business environment. This study explores the factors affecting the development of the Southeast’s private economy in order to find out solutions.

Keywords: private economy, Southeast region, business environment, enterprises.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26 tháng 12  năm 2022]