Khắc phục tình trạng quá nhiều lực lượng kiểm tra

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về Đề nghị xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Thông báo nêu rõ, về Đề nghị xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), trước mắt, giữ nguyên phạm vi điều chỉnh như Luật Giao thông đường bộ hiện hành.

Bộ Giao thông vận tải phải xác định rõ hơn việc phân công trách nhiệm của Bộ Công an và các lực lượng có liên quan trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Bộ Giao thông vận tải phải xác định rõ hơn việc phân công trách nhiệm của Bộ Công an và các lực lượng có liên quan trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Bộ Giao thông vận tải tiếp tục đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện, trong đó có đánh giá tác động về mặt lập pháp, đối với các nội dung quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; phân định rõ nội dung quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực giao thông và quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Đồng thời, xác định rõ hơn việc phân công trách nhiệm của Bộ Công an và các lực lượng có liên quan trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Để khắc phục tình trạng có quá nhiều lực lượng kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên đường thì nên quy định theo hướng giao lực lượng Cảnh sát giao thông chịu trách nhiệm chủ yếu trong công tác này.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chỉnh lý, hoàn thiện Hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), phối hợp với Bộ Tư pháp để tổng hợp vào Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 (trình Quốc hội dự án Luật trong năm 2020) để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng tiến độ theo quy định.

Hoàn thiện Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ

Trong xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, về cơ bản, Phó Thủ tướng  đồng ý về sự cần thiết xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tuy nhiên Phó Thủ tướng lưu ý cần cân nhắc phạm vi và mức độ điều chỉnh của dự án Luật này đối với các vấn đề về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong nội dung điều chỉnh của dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi), cũng như của hệ thống pháp luật nói chung, tránh chồng chéo, trùng lắp.

Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có thể cân nhắc quy định một số vấn đề về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (trên cơ sở Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt).

Khi xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ kế thừa nội dung này của Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và bổ sung thêm các chính sách, nội dung cần thiết phục vụ yêu cầu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ phù hợp với chức năng, thẩm quyền của Bộ Công an.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Khi xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có thể cân nhắc quy định một số vấn đề về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (trên cơ sở Nghị định 100
Khi xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có thể cân nhắc quy định một số vấn đề về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (trên cơ sở Nghị định 100)

Đồng thời, làm rõ hơn sự cần thiết, các đề xuất chính sách, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện, bảo đảm đúng các yêu cầu lập pháp theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trình Chính phủ xem xét, quyết định vào cuối năm 2020 để đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.