Linh hoạt trong thu mua, tiêu thụ nông sản dựa theo thực tiễn vùng có dịch

Chiều nay, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã trả lời một số vấn đề các cơ quan báo chí đưa ra về kinh doanh tiền ảo dưới hình thức đa cấp, nguyên liệu thô tăng giá và thu mua, tiêu thụ hàng hóa, nông sản vùng dịch.
Toàn cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2021 diễn ra chiều 2/3
Toàn cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2021 diễn ra chiều 2/3

Tiền ảo núp bóng đa cấp: Người dân cần tỉnh táo 

Liên quan đến câu hỏi của nhà báo Khánh Huyền (Đài Truyền hình Việt Nam) về công tác quản lý kinh doanh tiền ảo, các sàn Forex đang hoạt động theo hình thức đa cấp hiện nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định đây không phải hoạt động kinh doanh đa cấp, mà chỉ là kinh doanh theo phương thức đa cấp. Theo quy định pháp luật hiện nay, hàng hóa kinh doanh đa cấp được xác định hết sức rõ ràng, mà sàn Forex hay tiền ảo không phải mặt hàng được cấp phép, thậm chí còn bị cấm trong kinh doanh đa cấp tại Việt Nam.

Dưới góc độ là cơ quan quản lý lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã có những khuyến cáo người dân không nên tham gia vào những hình thức kinh doanh này.

Thứ nhất, khi tham gia, người dân cũng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Thứ hai, quyền lợi của người tham gia bị ảnh hưởng lớn và không có phương thức nào để bảo vệ hay đòi lại quyền lợi khi có rủi ro xảy ra.

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Lê Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các khuyến cáo liên quan đến vấn đề này đã được đưa rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để người dân, nhà đầu tư nắm bắt thông tin.

Việc cung ứng dịch vụ mua bán ngoại tệ và phái sinh ngoại tệ trong, ngoài nước chỉ được kinh doanh bởi các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại được NHNN cấp phép đủ điều kiện. Trong khi đó, NHNN hiện chưa cấp phép thêm cho bất cứ tổ chức nào ngoài những tổ chức đã cấp phép, vậy nên các sàn Forex hiện nay đều đang hoạt động không hợp pháp. 

Với người dân, Phó Thống đốc NHNN khẳng định đây là hoạt động hết sức rủi ro, không được bảo vệ bởi pháp luật, do vậy đề nghị người dân hết sức thận trọng với những lời mời chào kinh doanh mà lợi nhuận lên đến hàng trăm % như vậy. Trước khi đầu tư, đặc biệt khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, không minh bạch đúng đắn, NHNN khuyến cáo nhà đầu tư, người dân cần tham khảo thêm tư vấn của cơ quan chức năng hoặc ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng uy tín.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Chủ động kế hoạch nhập khẩu nguyên liệu 

Về vấn đề nguyên liệu thô đang có sự tăng giá cao hiện nay, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết đây là đầu vào hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều loại hình doanh nghiệp, trực tiếp là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. 

Trên thế giới có những chu kỳ tăng - giảm giá tùy thời điểm đối với tất cả các loại mặt hàng, không chỉ riêng nguyên liệu thô. 

Bộ Công Thương cũng đã cung cấp thông tin và cảnh báo đến các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức liên quan để biết và chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, từ đó tính toán giá thành và đảm bảo sức cạnh tranh của sản phẩm. 

“Chúng ta (các doanh nghiệp) cần chủ động trong vấn đề nhập khẩu nguyên liệu để mang lại hiệu quả cao nhất cho chính doanh nghiệp”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.

Linh hoạt trong thu mua, tiêu thụ nông sản dựa trên thực tiễn vùng dịch

Liên quan đến công văn số 1083/BCT-TTTN ngày 01 tháng 3 năm 2021 Bộ Công Thương gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của vùng đang có dịch, nhà báo Ngọc An (Báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh) có thắc mắc tại sao Bộ Công Thương không quy định rõ trường hợp nào sẽ cần chỉ định cơ quan đầu mối tại địa phương để cấp các giấy tờ phòng chống dịch đối với sản phẩm hàng hóa, nông sản?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Về phía mình, Bộ Công Thương đã chủ động ban hành các chỉ đạo, đưa ra những khuyến nghị, giải pháp tiêu thụ hàng hóa, nông sản hỗ trợ cho người dân. Bộ đã làm việc trực tiếp với các chuỗi phân phối lớn tại phía Bắc như Central Retail (Big C, GO!), VinCommerce (Vinmart, Vinmart+), BRG Retail, MM Mega Market, Saigon Co.op (Co.opmart),… để thu mua nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh hiện đang vào mùa thu hoạch từ nông sản, hợp tác xã, doanh nghiệp của tỉnh Hải Dương.

Thông qua làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng các Bộ, ngành liên quan, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ chi tiết về thực tiễn, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ hàng hóa, nông sản, loại bỏ tâm lý e dè của người tiêu dùng đối với các sản phẩm của vùng có dịch. Trên cơ sở báo cáo của Bộ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ban hành văn bản yêu cầu các địa phương lưu ý tới kiến nghị của Bộ, tránh gây khó khăn cản trở cho thu mua tiêu thụ nông sản

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2021

Vừa qua, ngay khi nhận được Thông báo số 31/TB-VPCP ngày 25 tháng 2 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã bắt tay vào xây dựng công văn hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của vùng đang có dịch.

Sau buổi làm việc với các Bộ, ngành, địa phương và hệ thống phân phối chiều 1/3/2021, ngay tối cùng ngày Bộ Công Thương đã ban hành công văn này.

Trong công văn, có nội dung “Khi cần thiết, chỉ định cơ quan đầu mối tại địa phương (đặc biệt là các địa phương đang có dịch) để cấp các giấy tờ liên quan theo quy định về phòng chống dịch đối với sản phẩm hàng hóa, nông sản cho các tổ chức, cá nhân thu mua, tiêu thụ, đồng thời giải quyết nhanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân này thực hiện hoạt động kinh doanh trên địa bàn; xử lý, hướng dẫn và tiếp nhận các thông tin về khó khăn, vướng mắc trong việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản; thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về chức năng, nhiệm vụ của đơn vị đầu mối này (địa chỉ trụ sở, số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ thư điện tử…) để các tổ chức, cá nhân biết, liên hệ khi cần thiết”.

Lý giải về nội dung này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay tại các địa phương đều đã có những cơ quan chuyên môn phụ trách về từng lĩnh vực, như liên quan dịch bệnh là Y tế, sản xuất nông nghiệp là NN&PTNT, vận chuyển hàng hóa là GTVT, thu mua tiêu thụ là Công Thương. 

Do đó, các địa phương có quyền không thành lập thêm cơ quan đầu mối chỉ để cấp giấy tờ cho các tổ chức, cá nhân thu mua tiêu thụ. Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương cũng có thẩm quyền và có thể chủ động thành lập/chỉ định một đơn vị đầu mối riêng phụ trách vấn đề này (như Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, thành phố, Tổ liên ngành,…) để đảm bảo trách nhiệm triển khai.

“Nhưng, quan trọng nhất là cần tháo gỡ nhanh chóng cho người có nhu cầu thu mua, tiêu thụ khi họ gặp khó khăn, hỗ trợ cho người nông dân, nhà sản xuất tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản vùng dịch”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Ngoài ra, hiện đã đến mùa thu hoạch nông sản các loại với sản lượng lớn, trong khi nhu cầu tiêu dùng lại giảm đi do ảnh hưởng của dịch bệnh. Cung tăng, cầu giảm, chắc chắn xảy ra dư thừa. Vậy nên đại diện Bộ Công Thương khẳng định việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản không chỉ cần thực hiện đối với vùng có dịch, mà cả các địa phương không có dịch, tuy nhiên trên hết phải đảm bảo các quy định về phòng chống dịch bệnh.

Thy Thảo