Lực lượng quản lý thị trường: Quyết liệt siết chặt kỷ cương, hoạt động hiệu quả

Sáng ngày 25/7/2022, Tổng cục Quản lý thị trường đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác quản lý thị trường 6 tháng đầu năm 2022 với sự tham dự và chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Ban Cán sự, lãnh đạo Bộ Công Thương luôn có sự quan tâm, trách nhiệm đối với hoạt động của lực lượng quản lý thị trường nói chung và với đội ngũ cán bộ quản lý của lực lượng quản lý thị trường nói riêng. 

Hội nghị sơ kết công tác quản lý thị trường 6 tháng đầu năm 2022 không chỉ nhằm đánh giá lại tình hình công tác 6 tháng, mà còn nhằm thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế yếu kém, chỉ ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó tìm ra giải pháp kịp thời, tiếp tục làm tốt hơn những việc đã làm tốt và khắc phục yếu kém, để lực lượng quản lý thị trường thực sự là thanh “bảo kiếm”, lực lương quan trọng của nền kinh tế đất nước nói chung, hoạt động thương mại nói riêng được đảm bảo lành mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh công bằng dân chủ văn minh.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, trong 6 tháng đầu năm 2022, sau giai đoạn dịch bệnh Covid-19, thị trường hàng hóa sôi động trở lại kéo theo cả các hành vi gian lận thương mại, đặc biệt những vấn đề liên quan đến hàng lậu, hàng tồn, hàng quá đát, hàng giả, hàng kém chất lượng và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Trong 6 tháng, lực lượng quản lý thị trường cũng đã nhận một nhiệm vụ “đột xuất” đó là liên quan đến mặt hàng xăng dầu, bao gồm cả công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính và thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực xăng dầu.

“Cho đến tận ngày hôm nay, tất cả lực lượng quản lý thị trường vẫn đang ở trong cao điểm kiểm soát mặt hàng xăng dầu, từ đầu tháng 1/2022 đã huy động toàn lực lượng để kiểm soát gần 16.700 cây xăng trên cả nước và bám sát rất quyết liệt chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 các tỉnh để đảm bảo không có việc gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu”, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh chia sẻ.

Bên cạnh đó, một số lĩnh vực khác cũng ghi nhận là “điểm nóng”. Đơn cử, tại các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ (Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long,…) liên tiếp phát hiện ra nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến phân bón, vật tư nông nghiệp, trong đó có nhiều vụ quy mô lớn. Hay những mặt hàng như thuốc lá điện tử, cát, khoáng sản,… đều đã ghi nhận những vụ việc vi phạm.

Đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, liên tiếp trong ba tháng vừa qua Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã có các vụ việc kiểm tra, bắt giữ những động vật, nội tạng động vật đã có dấu hiệu bốc mùi,…

Ngoài ra, thị trường trong nước cũng có nhiều vi phạm liên quan đến xâm phạm về sở hữu trí tuệ, như mặt hàng sữa, rượu,…

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh

Năm 2022, mục tiêu của lực lượng quản lý thị trường toàn quốc là thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được Chính phủ và Ban chỉ đạo 389 Bộ Công Thương giao cho và rút kinh nghiệm từ những vấn đề nội tại, nội bộ của lực lượng để xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu của các cấp quản lý thị trường. 

“Với tính chất công việc, quy mô và cách bố trí mô hình quản lý thị trường như hiện nay, nếu không quán triệt được vai trò của người thủ trưởng từng đơn vị, từ cấp đội, cấp phòng đến cấp Cục, thì rất khó để quản lý”, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh.

Bám sát mục tiêu này, Tổng cục Quản lý thị trường đặt ra phương châm năm 2022 là “Hành động quyết liệt, siết chặt kỷ cương, thủ trưởng nêu gương, tập thể đoàn kết”.

Theo đó, tháng 11/2021, đã diễn ra một cuộc họp rất “đặc biệt” giữa Tổng cục trưởng và 63 Cục trưởng, ký cam kết nếu như ở các Cục có xảy ra vi phạm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm; đồng thời triển khai chương trình “hai đi đầu, ba cam kết” để ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu. 

Năm 2022, nhân kỷ niệm 65 năm lực lượng quản lý thị trường, các đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như trồng gần 120.000 cây xanh trên cả nước, tổ chức các cuộc thi dấu ấn về ngành cũng như chương trình hiến máu, thi đua khen thưởng,…

6 tháng, cả lực lượng kiểm tra 30.500 vụ, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó phát hiện xử lý vi phạm 17.000 vụ, chuyển cơ quan điều tra 54 vụ, thu nộp ngân sách khoảng gần 140 tỷ đồng. Tổ chức Đoàn Thanh tra chuyên ngành đối với 33 đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Tổng cục Quản lý thị trường đã tham mưu Bộ Công Thương trình Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của pháp lệnh quản lý thị trường. Công tác kiện toàn bộ máy và tổ chức cán bộ được thực hiện đúng quy định. 

Năm 2022, dự kiến Tổng cục Quản lý thị trường thực hiện khoảng gần 30.000 cuộc kiểm tra định kỳ trong các lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh xăng dầu - khí, trang thiết bị y tế, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kinh doanh hàng điện tử,… 

Tổng cục Quản lý thị trường đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác quản lý thị trường 6 tháng đầu năm 2022 với sự tham dự và chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Dù vậy, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nhận định, công tác phối hợp giữa một số Cục quản lý thị trường với chính quyền địa phương còn chưa chặt chẽ, thiếu sự gắn kết dẫn đến việc thực thi nhiệm vụ, kết quả chuyên môn chưa cao. Việc chuyển đổi số sang dùng ấn chỉ điện tử chưa được thực hiện nhuần nhuyễn tại tất cả các cán bộ quản lý thị trường do còn tâm lý lo ngại, sợ sai. Ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức đã có sự thay đổi, nhưng vẫn có những trường hợp bị kỷ luật.

Nguyên nhân của các hạn chế này trước hết đến từ tính tiên phong, năng lực chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các đơn vị còn hạn chế, dẫn đến công tác kiểm tra, kiểm tra nội bộ, giám sát chất lượng, hiệu quả công việc còn chưa cao. 

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường kiến nghị UBND các tỉnh, Ban chỉ đạo 389 địa phương quan tâm chỉ đạo công tác phối hợp giữa cơ quan chức năng địa phương với lực lượng quản lý thị trường. Đồng thời, quan tâm theo dõi sát sao trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường ở địa phương nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. 

Đối với Bộ Công Thương, Tổng cục trưởng kiến nghị một số vấn đề liên quan đến thẩm quyền công tác; xử lý vướng mắc về tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, tạm giữ, tịch thu; tổ chức cán bộ; mua sắm xây dựng;…

Trong 6 tháng cuối năm, Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục tập trung vào những mặt hàng trọng điểm như xăng dầu, phân bón, vật tư nông nghiệp, hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng lậu, thương mại điện tử và an toàn thực phẩm. Xây dựng và trình 3 đề án quan trọng là Đề án chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử; Đề án ứng dụng công nghệ số để truy xuất nguồn gốc; Đề án nâng cao năng lực của quản lý thị trường trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tổng cục đang lấy ý kiến của các Bộ, ngành, Ban chỉ đạo 389 quốc gia để trình Bộ Công Thương và Chính phủ đúng thời gian quy định. Chuẩn bị hoàn thành tổng kết, đánh giá 5 năm pháp lệnh quản lý thị trường; kế hoạch chuẩn bị cho Tết Trung thu 2022, Tết Nguyên đán 2023 cũng như tiếp tục đẩy mạnh những vấn đề liên quan đến triển khai kiểm tra nội bộ, đào tạo, bồi dưỡng, sát hạch công chức quản lý thị trường. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, nhìn vào kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm, Tổng cục Quản lý thị trường đã cố gắng, nỗ lực, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ và biểu dương. Đặc biệt, đối với vấn đề xăng dầu, lực lượng quản lý thị trường đã góp phần vào thành công của Bộ Công Thương trong nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu người dân và doanh nghiệp thời gian qua; cũng như đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, tìm ra những lỗ hổng trong các văn bản quy phạm pháp luật và công tác quản lý, điều hành để xử lý kịp thời.

Nhưng, sự sụt giảm số vụ kiểm tra, xử lý, thu nộp ngân sách trong 6 tháng cần được làm rõ nguyên nhân, thực chất và đưa ra những biện pháp khắc phục để thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước theo đúng chức năng, nhiệm vụ.
6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lưu ý lực lượng quản lý thị trường 3 vấn đề:

Thứ nhất, ngay từ các Cục Quản lý thị trường cần chú trọng phối hợp với các lực lượng 389 ngay tại địa phương, tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát.

Thứ hai, việc thực hiện các biện pháp, giải pháp để tăng cường sự giám sát của người dân và công luận đang được triển khai theo hướng gắn trách nhiệm của người đứng đầu là tốt rồi, nhưng cũng cần tăng cường giám sát ngay chính những người trực tiếp hàng ngày làm việc với dân, với tiểu thương, với doanh nghiệp là những cán bộ thi hành công vụ ở cấp Đội, tránh ảnh hưởng đến hình ảnh của cả một thể chế, hình ảnh lực lượng.

Thứ ba, tiếp tục là quan tâm đến công tác truyền thông để người dân hiểu rõ giới hạn nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của lực lượng quản lý thị trường, đảm bảo cung cấp đủ thông tin cho báo chí để có thể truyền tải một cách khách quan, toàn diện, chính xác, không “đánh đồng” nỗ lực và thành quả của lực lượng với trách nhiệm, nghĩa vụ. 

Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức Hội nghị sơ kết công tác quản lý thị trường 6 tháng đầu năm 2022 với sự tham dự và chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay, 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù trong bối cảnh rất khó khăn bởi đại dịch Covid-19 và tác động của những vấn đề cạnh tranh địa chính trị, xung đột vũ trang tại một số địa bàn,… nhưng tổng quan kinh tế đất nước tiếp tục có bước phát triển khởi sắc, nhất là trong lĩnh vực duy trì hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng, kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt mức 400 tỷ USD sau 6 tháng và được dự báo sẽ đạt ngưỡng trên 700 tỷ USD, thậm chí cán đích 800 tỷ USD - con số mà rất ít quốc gia có thể đạt được khi đang chịu ảnh hưởng lớn bởi sự đứt gãy các chuỗi cung ứng và lạm phát tăng cao. Nguồn cung các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất của xã hội, của người dân trong nước được duy trì và lạm phát trong tầm kiểm soát, chỉ số CPI 2,41%. Trong những thành tích chung ấy, có đóng góp quan trọng của lực lượng quản lý thị trường.

Ba điểm nhấn trong hoạt động của lực lượng 6 tháng đầu năm, theo Bộ trưởng, có thể kể đến:

Một là, đã tham mưu cho cấp có thẩm quyền xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách, đề án để tạo ra hành lang pháp lý và phương hướng hoạt động cho lực lượng đạt hiệu quả cao hơn, như Nghị định 33; Thông tư 02; bốn văn bản hợp nhất theo quy định sau khi có Nghị định 17; ba đề án về: chống hàng giả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ứng dụng công nghệ thông tin và kỹ thuật tiên tiến nhằm truy xuất nguồn gốc các sản phẩm công nghiệp, nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý thị trường trong xử lý xâm phạm quyền xử trí tuệ bằng các biện pháp hành chính.

“Trong thời gian sáu tháng với đầy rẫy những hoạt động cần phải có sự tham gia rất chủ động và tích cực của lực lượng quản lý thị trường, nhưng cơ quan Tổng cục cũng như các Cục địa phương đã góp phần tham mưu để cấp có thẩm quyền ban hành và bản thân mình cũng đã ban hành nhiều văn bản để điều thỉnh hoạt động của lực lượng nhằm đạt kết quả cao hơn”, Bộ trưởng khẳng định.

Hai là, đã tập trung thực hiện chức năng quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là những mặt hàng chiến lược như xăng dầu, phân bón, đường, lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm khác,… Lực lượng quản lý thị trường đã góp phần bình ổn thị trường và giữ được sự ổn định chính trị - xã hội, đồng thời đã tập trung xây dựng nhiều kế hoạch và đề án, các chuyên đề đột xuất tấn công vào các tụ điểm sản xuất hàng giả, hàng nhái, điển hình như các vụ việc lớn tại Thanh Hóa, Hà Nội,…

Trên môi trường thương mại điện tử, sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng tốt, mà ở đó lực lượng quản lý thị trường thể hiện vai trò chủ công thực thi pháp luật để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm cho thị trường được minh bạch và phát triển ổn định. 

Ba là, đã chú trọng giải quyết khá tốt các vấn đề nội bộ như tiếp tục siết lại kỷ cương, nguyên tắc, lề lối làm việc của cán bộ, công chức; hoàn thiện quy hoạch cán bộ cấp Cục, cấp Đội, chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, về kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ. Đã nghiêm túc hơn trong xử lý các sai phạm, bức xúc trong từng đơn vị, quan tâm đến việc giải quyết đơn thư. 

Bộ trưởng cho rằng, lực lượng nên có sửa đổi trong phương châm thành “Hành động quyết liệt, siết chặt kỷ cương, lãnh đạo nêu gương, phối hợp muôn phương để hoàn thành nhiệm vụ”, đây có thể là phương châm không chỉ cho năm 2022 mà sẽ là phương châm hành động của lực lượng quản lý thị trường từ nay trở đi. 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ ra, bên cạnh các thành tích, thành tựu đã đạt được, cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém còn tồn tại thể hiện trong 6 tháng qua. Số vụ kiểm tra, phát hiện và xử lý giảm so với cùng kỳ 2021 là điều “bất bình thường”, trong bối cảnh hoạt động kinh tế thương mại đã sôi động trở lại.

“Liệu có phải tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại đã khá lên so với trước không, hay con số này phản ánh chưa đúng thực chất tình hình? Câu hỏi này xin đặt trở lại đối với toàn lực lượng chúng ta”, Bộ trưởng nêu vấn đề, cho rằng nỗ lực là có nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với yêu cầu thực tiễn.

Mặt khác, ý thức tuân thủ pháp luật của một số cán bộ quản lý thị trường chưa cao, việc đấu tranh chống tiêu cực, làm lành mạnh cái môi trường và xây dựng đoàn kết ở đâu đó còn chưa hiệu quả. Đây là một thách thức, đòi hỏi cả lực lượng phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm và phải có những chế tài xử lý rất nghiêm mới có thể khắc phục được những hạn chế nội bộ. 

Tình trạng buôn lậu vận chuyển, tàng trữ hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc sản xuất, kinh doanh hàng giả vẫn diễn ra ở nhiều địa phương và gây bức xúc trong dư luận.  

Theo Bộ trưởng, nguyên nhân của những hạn chế này, trước hết là luật pháp, chính sách còn thiếu đồng bộ, Sau là địa bàn rộng, lực lượng mỏng, phương tiện điều kiện còn hạn chế, trong khi hoạt động phạm pháp trong lĩnh vực thương mại ngày càng tinh vi, nhất là mua bán trên môi trường điện tử. Trình độ cán bộ có được nâng lên nhưng chưa theo kịp với mức độ tinh vi của các thủ đoạn vi phạm. Đặc thù hoạt động của công tác quản lý thị trường là đơn lẻ, khó kiểm soát và giám sát. 

Về chủ quan, công tác quản lý, giáo dục cán bộ ở nhiều đơn vị cơ sở chưa thật tốt, cán bộ lãnh đạo quản lý chưa thật gương mẫu và nội bộ chưa thật đoàn kết do chưa nghiêm túc trong xử lý mâu thuẫn, những vấn đề phát sinh theo đúng quy định của pháp luật, theo nguyên tắc Điều lệ của Đảng và theo quy chế của đơn vị. Vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, đoàn thể chưa được phát huy. 

Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vẫn chưa nghiêm. Một số vi phạm nghiêm trọng nhưng đề xuất xử lý lại rất nhẹ. 

“Do đó, phải kiểm tra, giám sát thường xuyên, nghiêm túc và xử lý nghiêm minh. Lãnh đạo Bộ đã có chỉ đạo từ cuối năm ngoái, rằng ở đâu mà để xảy ra cán bộ vi phạm pháp luật trong hoạt động nghiệp vụ thì ở đó lãnh đạo trực tiếp và cấp trên trực tiếp sẽ phải bị xử lý”, Bộ trưởng kiên quyết, cho biết Bộ và chính quyền địa phương sẽ có cơ chế phối hợp tăng cường chế tài xử lý, sẵn sàng đình chỉ công tác đối với những cán bộ thuộc thẩm quyền có vi phạm. 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Những tháng cuối năm, Bộ trưởng cho rằng bối cảnh sẽ ghi nhận tác động ngày càng lớn, càng phức tạp của tình hình kinh tế thế giới, khu vực như khủng hoảng lạm phát, đứt gãy nguồn cung,… Biến động giá cả các mặt hàng trong nước bị ảnh hưởng do giá đầu vào các nguyên liệu chiến lược tăng cao như xăng dầu, phân bón,… Thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh, đặt ra thách thức lớn đối với lực lượng quản lý thị trường khi việc quản lý, giám sát thị trường hàng hóa sẽ ngày càng khó khăn. Tình trạng buôn lậu do chênh lệch giá giữa Việt Nam và  một số đối tác thương mại. Lực lượng quản lý thị trường còn mỏng, địa bàn rộng; phương tiện, điều kiện làm việc còn khó khăn; cơ chế quản lý, giám sát hoạt động chưa hoàn thiện; cơ chế phối hợp với các địa phương, các cơ quan ban, ngành từ Trung ương đến địa phương cũng chưa thật đầy đủ. 

Trong bối cảnh đó, Ban Cán sự, lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị lãnh đạo các địa phương, nhất là Ban chỉ đạo 389 của các tỉnh, thành phố và lực lượng quản lý thị trường các cấp cần thực hiện tốt các nhiệm vụ:

Thứ nhất, tiếp tục mở các đợt cao điểm nghiên cứu, quán triệt về chính trị, về nghiệp vụ, về pháp luật cho toàn lực lượng, nhất là việc quán triệt thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, các quy định của Ngành, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các địa phương trong thực thi nhiệm vụ của mình. Trang bị nhận thức cho cán bộ, từ cán bộ không giữ chức vụ cho đến những cán bộ quản lý các cấp, là điều vô cùng quan trọng, bao gồm cả giáo dục đạo đức, giáo dục về quan điểm chính trị, tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng công tác, bồi dưỡng pháp luật.

Từ thực tiễn hoạt động, các cán bộ tại các Tổ, Đội, đến Cục Quản lý thị trường địa phương, các phòng nghiệp vụ thuộc Tổng cục, lãnh đạo quản lý các cấp quản lý thị trường cần nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị bổ sung, hoàn thiện những quy chế, quy định, hoàn thiện pháp luật, hoàn thiện quy trình công tác, quy trình xử lý vụ việc; xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý, giám sát hoạt động và chế tài xử lý khi để xảy ra những sai phạm, vi phạm pháp luật và các vi phạm khác. Dứt khoát phải có cơ chế bảo đảm “song trùng” lãnh đạo quản lý giữa lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục với cấp ủy, chính quyền các địa phương và cơ chế phối hợp với các lực lượng từ Trung ương đến địa phương. 

Sau Hội nghị này, Ban Cán sự, lãnh đạo Bộ Công Thương sẽ có văn bản gửi lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố để có cơ chế phối hợp cụ thể từng cấp một cách hiệu quả.

Bộ trưởng yêu cầu cuối quý II năm nay Tổng cục phải trình Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ ban hành được các quy định nêu trên. 

Thứ hai, tập trung rà soát trong từng lĩnh vực, trên mọi địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm, kịp thời đề xuất bịt kín các lỗ hổng theo quy định của pháp luật để khắc phục theo đúng các quy định của pháp luật và nguyên tắc của Đảng, phù hợp với thực tiễn tình hình. Chú ý tranh thủ và bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự ủng hộ, phối hợp công tác của các lực lượng chức năng trên từng địa bàn để giải quyết và xử lý vụ việc. Tuy nhiên, cũng cần phải bảo đảm nguyên tắc độc lập, khách quan, tuyệt đối tuân thủ pháp luật và kịp thời phản ánh kiến nghị tới Bộ và Tổng cục.

Những tồn tại, bức xúc từ khi hoạt động theo mô hình của Tổng cục đến nay cần phải được rà soát, xử lý dứt điểm trước 31/12/2022. Quá trình xử lý cần phải tuân thủ ba nguyên tắc: về pháp luật, về chính trị và nghiệp vụ. Trong quá trình xử lý, đề cao tính nêu gương của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu, sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để tình trạng ấy kéo dài. Còn đối với những trường hợp sai phạm cụ thể, phải kiên quyết xử lý theo nguyên tắc Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Tổng cục Quản lý thị trường đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác quản lý thị trường 6 tháng đầu năm 2022 với sự tham dự và chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Thứ ba, bám sát chỉ đạo của Bộ và Tổng cục, bám sát tình hình và diễn biến thị trường trong nước trên từng địa bàn để chủ động xây dựng kế hoạch công tác của từng đơn vị, từng lực lượng, phân công trách nhiệm rõ ràng và có cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát cụ thể nhằm nâng cao hiệu suất công tác và thực thi đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn của mỗi tổ chức, cá nhân trong toàn lực lượng trên từng địa bàn và lĩnh vực. 

Lãnh đạo Tổng cục, các phòng nghiệp vụ, nhất là Thanh tra Bộ, Thanh tra của Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở, xây dựng, củng cố các mối quan hệ rất tốt với các lực lượng chức năng từ Trung ương đến địa phương để xử lý tốt những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Thứ tư, chú trọng làm tốt công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự ủng hộ và chia sẻ của toàn dân đối với những khó khăn, vất vả, các hoạt động rất đặc thù của ngành Công Thương và lực lượng quản lý thị trường. Tổng cục, các đơn vị thuộc Tổng cục làm tốt công tác chế độ thông tin về nội bộ để những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả của các đơn vị cần được phổ biến kịp thời; những tình huống, thậm chí những sai phạm và hình thức xử lý đối với tổ chức, cá nhân sai phạm cũng phải cập nhật với các đơn vị để lấy đó làm gương.

Thứ năm, khẩn trương hoàn thiện quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đồng thời rà soát, kiện toàn và đề xuất kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý của toàn lực lượng theo chủ trương chỉ đạo của Ban Cán sự và lãnh đạo Bộ.

Tiếp tục siết kỷ luật hành chính, xử lý trách nhiệm người đứng đầu và tập thể lãnh đạo nếu để xảy ra các sai phạm, nhất là sai phạm có tính hệ thống, sai phạm có tổ chức và những hành vi phạm pháp luật, có giải pháp nâng cao năng lực, sức chiến đấu và phát huy vai trò tổ chức Đảng, các đoàn thể chính trị và tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên, của cán bộ quản lý các cấp.

Thứ sáu, lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường phối hợp trong lãnh đạo, tạo điều kiện cho lực lượng quản lý thị trường hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, nhất là chỉ đạo các lực lượng chức năng của địa phương phối hợp tốt với lực lượng quản lý thị trường địa phương để hoàn thành các nhiệm vụ này. 

Sau hôm nay, Bộ Công Thương sẽ có văn bản gửi cấp ủy, chính quyền các địa phương để hoàn thiện cơ chế phối hợp trong quản lý, giáo dục, giám sát và xử lý cán bộ để lực lượng quản lý thị trường dù tổ chức theo mô hình nào cũng có sự lãnh đạo của Bộ Công Thương với cấp ủy, chính quyền các địa phương và sự giám sát của người dân đối với hoạt động của lực lượng.

Đối với các đơn vị thuộc Bộ, tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình, cần rà soát lại để có cơ chế phối hợp và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình tốt hơn, cùng với lực lượng quản lý thị trường thực hiện tốt các nhiệm vụ về sau.

Nguyên Vỵ - Thy Thảo