Sàn giao dịch kim loại London
 Trước việc giá nickel tăng sốc 250% trong chưa đầy 24 tiếng giao dịch, lên hơn 100.000 USD/tấn vào ngày 8/3, sàn LME đã buộc phải tạm ngưng giao dịch, huỷ các hợp đồng đã khớp lệnh và giới hạn biên độ giá đối với mặt hàng nickel (Ảnh: Financial Times)

Lượng tồn kho của 4 kim loại công nghiệp phổ biến nhất thế giới, gồm nhôm, đồng, nickel và kẽm tại các nhà kho thuộc quản lý của Sàn giao dịch kim loại London (LME) đã giảm tới 70% trong năm 2021. LME là trung tâm giao dịch hợp đồng tương lai lớn nhất thế giới đối với các kim loại cơ bản.

Các kho dự trữ kim loại cơ bản của LME cũng đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1997. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu sử dụng kim loại công nghiệp bùng nổ khi nhiều nền kinh tế tái mở cửa sau thời gian dài áp dụng các biện pháp phong toả vì đại dịch Covid-19; trong khi đó, chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.

Trong những tuần gần đây, xu hướng suy giảm tồn kho xảy ra rõ nhất đối với kim loại kẽm. Tính từ đầu tháng 3 đến nay, dự trữ kẽm tại các kho của LME đã giảm gần 60.000 tấn, xuống còn 45.000 tấn – mức thấp nhất trong 2 năm trở lại đây. Điều này đã đẩy giá kẽm lên đến 4.400 USD/tấn vào ngày 12/4 – mức cao nhất trong vòng 16 năm qua. Kẽm được sử dụng phổ biến trong sản xuất thép, phụ tùng ô tô và thiết bị gia dụng.

Giới phân tích nhận định việc giá năng lượng tăng cao kỷ lục là nguyên nhân chính khiến lượng kẽm tồn kho suy giảm. Chi phí năng lượng cao đã buộc các hãng luyện kim lớn hàng đầu thế giới như Glencore (Thuỵ Sĩ), Norsk Hydro (Na Uy) phải giảm sản lượng; một số nhà sản xuất kẽm và nhôm tại châu Âu hiện rơi vào thua lỗ và buộc phải đóng cửa.

Trong khi đó, để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung, một số hãng giao dịch kim loại như Trafigura (Singapore) đã phải rút lượng lớn nguồn hàng dự trữ từ các kho nằm trong và ngoài hệ thống sàn LME để cung cấp cho các doanh nghiệm sản xuất. Những yếu tố này đã khiến lượng dự rữ kẽm tại LME suy giảm với tốc độ nhanh chưa từng thấy.

Chuyên gia phân tích Marius van Straaten của tập đoàn tài chính Morgan Stanley (Hoa Kỳ) cảnh báo “Giá điện cao như hiện nay có thể khiến các nhà máy luyện kim tiếp tục giảm công suất và sự cắt giảm này có hể diễn ra nhanh hơn đối với mặt hàng kẽm và nhôm trong thời gian tới”.

Trong khi đó, kim loại nickel đối mặt với nhiều rủi ro biến động hơn. Sự suy giảm lượng nickel dự trữ diễn ra đúng vào thời điểm cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine nổ ra đã khiến giá kim loại này tăng sốc 250% trong chưa đầy 24 tiếng giao dịch, lên hơn 100.000 USD/tấn vào ngày 8/3. Điều này đã buộc LME phải tạm ngưng giao dịch nickel và huỷ các hợp đồng đã được thực hiện trong phiên giao dịch này. Nickel là kim loại quan trọng cho sản xuất thép không gỉ và pin xe điện.

Giới quan sát cảnh báo sự suy giảm mạnh lượng tồn kho các kim loại công nghiệp quan trọng có thể khiến giá các kim loại này tăng sốc khi giới đầu tư trên sàn LME đóng vị thế bán khống bằng cách mua lại các hợp đồng tương lai, thay vì giao nguồn hàng đang được ký gửi trong các kho thuộc sàn LME.

Giới đầu tư hiện lo ngại nguồn cung nickel và đồng từ Nga có thể suy giảm mạnh trong thời gian tới khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga có hiệu lực từ ngày 15/5. Nga là một trong những nước cung cấp kim loại công nghiệp lớn nhất thế giới. Sản lượng đồng tinh chế của Nga hiện chiếm tới 4% tổng sản lượng toàn cầu.

Tập đoàn Goldman Sachs (Hoa Kỳ) cảnh báo các kho dự trữ kim loại đồng sẽ sớm rơi vào tình trạng cạn kiệt và mức thiếu hụt nguồn cung đồng tinh luyện trên thị trường trong năm nay sẽ lên đến 375.000 tấn, gấp đôi con số ước tính trong lần dự báo gần nhất. Mức thiếu hụt này đủ lớn để khiến toàn bộ lượng đồng dự trữ hiện có được sử dụng hết vào cuối năm nay.

Chuyên gia phân tích Nick Snowdon (Hoa Kỳ) cho rằng việc giá kim loại đồng tiếp tục tăng lên trong thời gian tới là điều không thể tránh khỏi và đòi hỏi thị trường phải tăng cường sử dụng đồng phế liệu. Ông Nick Snowdon cũng cảnh báo rằng giới đầu tư hiện vẫn chủ quan về rủi ro đứt gãy nguồn cung đồng từ Nga do giá kim loại này chưa tăng đột biến như giá ngũ cốc và năng lượng – 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga.