Mặc ảnh hưởng Covid-19, giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh Ninh Bình vẫn tăng 11% trong năm 2020

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Ninh Bình cùng các Sở, ban, ngành và sự cố gắng của các doanh nghiệp địa phương, tình hình kinh tế - xã hội được phát triển ổn định. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh Ninh Bình tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 84.914 tỷ đồng.

Ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình như: Khó khăn do thiếu nguyên liệu sản xuất, gặp khó về thị trường tiêu thụ, thiếu chuyên gia nước ngoài, lao động làm việc luân phiên,... Tuy nhiên dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, các ngành và của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, do đó tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình được ổn định, phát triển.

ninh binh
Ngành Công Thương Ninh Bình đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 2,4 tỷ USD, tăng 0,8% so với ước thực hiện năm 2020.

 

Theo báo cáo của Sở Công Thương Ninh Bình, tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 84.914 tỷ đồng tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 105% kế hoạch năm.

 Trong đó, một số sản phẩm chủ yếu có mức tăng nhẹ so với cùng kỳ như, vật liệu đá khai thác ước đạt 3.350 nghìn m3, tăng 4,5%; thép cán ước đạt 300 nghìn tấn, tăng 4,7%; quần áo may sẵn ước đạt 84 triệu sản phẩm, tăng 18,9%; kính nổi ước đạt 475 nghìn tấn, tăng 19,5%; giày dép ước đạt 35 triệu đôi, tăng 4,7%; camera modul điện thoại ước đạt 190 triệu sản phẩm, tăng 1,1 % (trong 03 tháng cuối năm).

Đặc biệt, Công ty TNHH Mcnex Vina chuyên sản xuất và xuất khẩu sản phẩm Môđun Camera và các linh kiện điện tử đã liên tục đẩy mạnh sản xuất, trong đó sản phẩm có giá trị cao tăng gấp gần 04 lần so với cùng kỳ năm 2019 do vậy giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh năm 2020 cũng được nâng cao.

Mặc dù vậy, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 vẫn tác động tiêu cực đến một số sản phẩm sản xuất, lắp ráp ô tô, linh kiện điện tử,  xi măng, clanke... Riêng về sản phẩm lắp ráp ô tô  ước đạt 72.500 xe, giảm 1,2%; linh kiện điện tử ước đạt 240 triệu sản phẩm, giảm 4,4%; đạm ước đạt 370 nghìn tấn, giảm 4,2%; xi măng và clanke ước đạt 11.800 nghìn tấn, giảm 2,3%.

Năm 2020, thị trường trong tỉnh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và quy định về giãn cách xã hội, lượng du khách đến Ninh Bình cũng giảm sút, nhu cầu về hàng hóa tiêu dùng và các sản phẩm dịch vụ, du lịch, ăn uống, nghỉ dưỡng cũng giảm. Tổng mức bán lẻ hàng hoá toàn tỉnh năm 2020 ước đạt 34,6 tỷ đồng, giảm 6% so với năm 2019.

Kim ngạch xuất khẩu cả năm 2020 ước đạt 2.380 triệu USD (trong đó xuất khẩu tại chỗ ước đạt trên 500 triệu USD) tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước, vượt 8,2% kế hoạch năm. Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn là: Xi măng và clanke ước đạt 353,8 triệu USD, vượt 8,7% kế hoạch năm; quần áo các loại ước đạt gần 261,5 triệu USD, bằng 99,1% kế hoạch năm; camera và linh kiện điện thoại ước đạt 1.070 triệu USD, bằng 100% kế hoạch năm; giày dép khác đạt 438 triệu USD, vượt 31,9% kế hoạch năm; linh kiện điện tử đạt 76,2 triệu USD, vượt 4,7% kế hoạch năm.

Về thị trường khu vực Châu Á dẫn đầu kim ngạch đạt 1.922,7 triệu USD, chiếm tỷ trọng 80,8%; Châu Mỹ đạt kim ngạch 272 triệu USD, chiếm tỷ trọng 11,4%; Châu Âu kim ngạch đạt 124 triệu USD, chiếm tỷ trọng 5,2%; Châu Úc đạt kim ngạch 40 triệu USD, chiếm tỷ trọng 1,7%; cuối cùng là Châu Phi đạt kim ngạch 21,3 triệu USD, chiếm tỷ trọng 0,9%.

Tổng giá trị SX-CN toàn tỉnh Ninh Bình vẫn tăng trưởng 11%trong năm 2020

Nhóm hàng công nghiệp chế biến trong năm 2020, ước đạt gần 2.347,4 triệu USD, vượt gần 8% kế hoạch năm, tăng 13,04% so với cùng kỳ năm 2019. Từ đầu năm đến nay do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp đặc biệt tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Châu Âu, Mỹ, Ấn Độ tuy nhiên một số mặt hàng chủ lực của tỉnh có kim ngạch xuất khẩu lớn như quần áo các loại, camera và linh kiện điện thoại vẫn đạt được giá trị đáng kể so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng thủ công mỹ nghệ của tỉnh Ninh Bình phần lớn xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Châu Âu, tuy nhiên trong cả năm các thị trường này chịu tác động lớn của dịch Covid-19 nên kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhóm hàng nông sản cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này ước đạt 29,3 triệu USD, vượt 3,37% kế hoạch năm, các sản phẩm nông sản chế biến của tỉnh tiếp tục được xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, EUthị trường các nước Liên minh kinh tế Á-Âu. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng nhóm hàng này vẫn tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2019.

 Nhập khẩu: tăng cho thấy nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước vẫn còn khan hiếm

Giá trị nhập khẩu cả năm 2020 ước đạt 3.000 triệu USD tăng 7,1% so cùng kỳ năm trước, đạt 100% kế hoạch năm. Trong đó giá trị các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn là: Linh kiện ô tô ước đạt gần 1.255,5 triệu USD; vải may mặc và phụ liệu 212 triệu USD; phụ liệu giày dép 264 triệu USD; linh kiện điện tử đạt gần 908 triệu USD; máy móc thiết bị phụ tùng đạt gần 180 triệu USD…

Năm 2021 tích cực cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh thị trường xuất khẩu

Theo Báo cáo của Sở Công Thương Ninh Bình trong năm 2020 Sở Công Thương Ninh Bình đã tham gia thẩm định 45 dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Công tác khuyến công và xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả 33 đề án khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ là 6,9 tỷ đồng và 28 đề án xúc tiến thương mại với tổng kinh phí hỗ trợ là 3,02 tỷ đồng. trong đó tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn thực hiện các nội dung như đầu tư xây dựng nâng cấp nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ trong và ngoài nước.

Kế hoạch phát triển trong năm 2021, Sở Công Thương Ninh Bình Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP của ngành công nghiệp (tính theo giá so sánh 2010) tăng 10,5% so với ước thực hiện năm 2020. Trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh năm 2021 ước đạt 40.500 tỷ đồng, tăng 2,02% so với ước thực hiện năm 2020. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 2,4 tỷ USD, tăng 0,8% so với ước thực hiện năm 2020.

          Để đạt được kế hoạch đề ra, Sở đã đưa ra mục tiêu cụ thể phát triển đó là, tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh có các chính sách, giải pháp đồng bộ, nhất quán trong việc quản lý thực hiện đầu tư phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghiệp hỗ trợ.

Ninh Bình ưu tiên phát triển công nghiệp có chọn lọc, hàm lượng công nghệ cao

Đồng thời tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, ưu tiên thu hút các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, đầu tư vào sản xuất công nghiệp có chọn lọc. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, nhà máy công nghiệp lớn đang triển khai.

Bên cạnh đó, Sở sẽ triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển thương mại điện tử, kế hoạch phát triển xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình để mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu và quảng bá thương hiệu sản phẩm của các doanh nghiệp trong tỉnh ra thị trường trong và ngoài nước. Xây dựng cơ sở dữ liệu về hội nhập kinh tế quốc tế và các Hiệp định FTA hỗ trợ việc tra cứu, tìm hiểu cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Tổ chức hội nghị phổ biến, triển khai thi hành pháp luật về TMĐT cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt việc phổ biến quy tắc xuất xứ và tổ chức cấp C/O ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn và các tỉnh lân cận.

Thu Hoài