TÓM TẮT:

        Magna Carta là một văn kiện thời Trung cổ, được vua John của Anh phê chuẩn ở gần Windsor, Anh vào ngày 15 tháng 6 năm 1215. Được soạn thảo lần đầu bởi Stephen Langton - vị Tổng Giám mục xứ Canterbury nhằm giải quyết mâu thuẫn, hòa giải giữa nhà vua vốn không được lòng dân và nhóm quý tộc nổi loạn. Với nội dung cam kết bảo vệ quyền lợi của giáo hội, bảo vệ các quý tộc và cá nhân không bị bắt giam bất hợp pháp, được tiếp cận nhanh chóng với công lý.

        Đại Hiến chương trở thành một phần trong đời sống chính trị ở Anh, là văn kiện đầu tiên giới hạn quyền lực của nhà vua, của giới cầm quyền, được coi là mốc quan trọng trong lịch sử nước Anh và lịch sử nhân loại. Hơn 800 năm qua đi, Magna Carta vẫn còn giá trị như một món quà vô giá không chỉ đối với nước Anh mà cho cả nhân loại,… Hiện nay, Hiến pháp của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều kế thừa và phát triển những nguyên tắc về pháp quyền trong Magna Carta. Bài viết bàn về Magna Carta và những giá trị đối với lịch sử nhân loại.

Từ khóa: Magna Carta, Đại Hiến chương Magna Carta, văn kiện, pháp luật.

1. Bối cảnh ra đời Đại Hiến chương Magna Carta

       Nước Anh khi đó nằm dưới quyền cai trị của vua John, vị vua thứ ba của dòng họ Angevin, mặc dù đất nước đã hình thành một hệ thống hành chính tương đối đầy đủ, nhưng vua John và những người tiền nhiệm của ông đều cai trị dựa trên nguyên tắc “vis et voluntas”, nghĩa là “bắt buộc hay tự nguyện”, họ nắm trong tay các quyền hành pháp và tư pháp, nhà vua luôn ở trên pháp luật. Trước đó nhà vua đã mất hầu hết đất đai mà tổ tiên để lại ở Pháp vào tay vua Phillip II của Pháp và luôn đau đáu tìm cách giành lại những phần đất đó trong nhiều năm. Ông cho tăng mạnh thuế nhằm vào các quý tộc để tổ chức một chiến dịch quân sự quy mô và tốn kém, nhưng bất thành. Bản thân vua John cũng không được lòng nhiều quý tộc phong kiến.

       Các quý tộc nổi loạn ở miền Bắc và miền Đông nước Anh đã tổ chức một phong trào chống đối nhà vua, họ cùng lập ra lời thề sẽ đứng về phía giáo hội và các lãnh chúa, cũng như yêu cầu nhà vua xác nhận Hiến chương các quyền tự do đã được vua Henry I tuyên bố vào thế kỷ trước, văn bản được coi là cơ sở bảo vệ quyền của các lãnh chúa phong kiến.

      Vua John đã tổ chức một hội đồng ở Luân Đôn vào tháng 1 năm 1215 để thảo luận những cải cách có thể được tiến hành, đồng thời các cuộc thương thuyết cũng được tổ chức ở Oxford giữa đại diện của nhà vua và lực lượng nổi dậy, cả hai bên đều kêu gọi Giáo hoàng Innocente III đứng về phía mình. Tại đó, giới lãnh chúa nổi loạn đã đề xuất một tài liệu gọi là “Hiến chương chưa được biết về các quyền tự do”, trong đó có bảy điều khoản xuất hiện trong “Các điều khoản của những lãnh chúa” và Đại Hiến chương sau này. Lúc đó, vua John trông chờ Giáo hoàng sẽ ủng hộ mình nên tìm cách kéo dài thời gian, đồng thời tuyên bố trở thành một nước chư hầu của Tòa thánh vào năm 1213 và tin rằng ông có thể nhận được sự hỗ trợ từ Giáo hoàng. Trong khi đó, nhà vua vẫn tiếp tục tuyển lính đánh thuê từ Pháp, tuyên thệ sẽ trở thành một kẻ thánh chiến, một động thái nhằm giúp ông tranh thủ thêm sự bảo vệ chính trị từ giáo hội Công giáo La Mã, dù nhiều người cho rằng lời tuyên thệ đó của ông là không thành thật. Vào lúc đó, các lãnh chúa nổi loạn đã tổ chức thành các nhóm quân đội phiến loạn tập hợp tại Northampton và bác bỏ các mối quan hệ phong kiến với vua John và tiến quân vào Luân Đôn, Lincoln,… Khi quân nổi dậy chiếm được Luân Đôn, nhà vua đề nghị đưa các bất đồng của họ ra một ủy ban Trọng tài và Giáo hoàng sẽ là người quyết định tối cao, nhưng đề nghị không được chấp nhận. Stephen Langton - Tổng Giám mục Canterbury đã đứng ra thương lượng với các lãnh chúa nổi dậy về những yêu cầu của họ và sau đó vua John đã chỉ thị Stephen tổ chức các cuộc hòa đàm.

        Vào ngày 15/6/1215, tại Runnymede, sau một thời gian xung đột gay gắt, vua John của nước Anh đã rơi vào thế yếu và phải chấp nhận ký kết thỏa hiệp với các lãnh chúa nước này, Đại Hiến chương Magna Carta ra đời.

2. Magna Carta và giá trị đối với lịch sử nhân loại

        Magna Carta bao gồm Lời mở đầu và 63 điều khoản, có gần 4000 chữ, với tính chất là một hiệp ước hòa bình, nhằm thể hiện sự cam kết của vua John tôn trọng quyền lợi của giáo hội và giới quý tộc phong kiến. Đây được xem là “món quà quý giá nhất của nước Anh cho nhân loại”, vì nó đã tạo nguồn cảm hứng mạnh cho hiến pháp Hoa Kỳ và nhiều bản hiến pháp của các quốc gia khác trên thế giới.

      Nội dung của Đại Hiến chương có thể thu gọn trong 4 ý chính sau:

      Nội dung thứ nhất: Mọi người, kể cả Vua đều phải sống dưới luật pháp. Vua cũng không được đứng trên pháp luật và không được tùy tiện tăng thuế, bắt người. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, vai trò của pháp luật đã được thực hiện hóa, pháp luật được thượng tôn, bất kỳ ai kể cả người đó là vua cũng không được đứng trên pháp luật. Magna Carta quy định nhà vua không được tùy tiện tăng thuế, khi thông qua các đạo luật về thuế phải có sự nhất trí của một Hội đồng quý tộc, sau này là cơ quan đại diện gồm các lãnh chúa, quý tộc và thị dân. Để đảm bảo những cam kết được thực thi, Magna Carta đã thiết lập cơ chế bảo đảm đó là: “Một hội đồng 25 quý tộc có nhiệm vụ giám sát và bảo đảm vua John phải tuân thủ hiến chương. Trong trường hợp nhà vua không tuân thủ thì hội đồng có quyền chiếm giữ đất đai và các lâu đài của nhà vua cho tới khi sai lầm được sửa chữa.” (Điều 61). Đây cũng là văn kiện đầu tiên ghi nhận sự giới hạn quyền lực của nhà vua (giới cầm quyền), lần đầu tiên ở xã hội phong kiến Anh quốc, quyền lực của nhà vua bị giới hạn và bị kiểm soát công khai. Và đây được xem là bước ngoặt, là “… điểm mốc quan trọng với lịch sự nước Anh và lịch sử nhân loại”. [1]

       Nội dung thứ hai: Không một công dân tự do nào bị bắt, bị giam giữ nếu không có tòa án do chính các công dân khác lập ra để xét xử và kết tội (Điều 39). Nội dung này ghi nhận bước đột phá trong việc phản ánh tinh thần bảo vệ quyền con người khỏi những hành xử tùy tiện của nhà vua và việc quy định trên cũng là tiền đề cho sự ra đời của chế định bồi thẩm đoàn hay hội thẩm nhân dân sau này.

       “Không có bất cứ một người tự do nào có thể bị giam cầm hay bỏ tù, bị tước quyền hoặc tịch thu tài sản, bị đặt ngoài vòng pháp luật hoặc bị tước địa vị dưới bất kỳ hình thức nào, chúng ta cũng không thể dùng vũ lực để ép buộc người đó hoặc khiến người khác làm như vậy, trừ khi có phán quyết hợp pháp của những người ngang hàng với người đó hoặc bởi pháp luật nơi người đó cư ngụ qui định như vậy” (Điều 39). Ghi nhận trên là nguồn cảm hứng và được sử dụng như nền tảng trong các văn kiện về quyền con người sau này, là tiền đề để ban hành các đạo luật bảo vệ quyền và tự do của mọi người ở Anh và trên thế giới. Sau này Nghị viện Anh đã ban hành rất nhiều các đạo luật khác nhau, kế thừa, phát triển, mở rộng các qui định từ Magna Carta tạo thành một truyền thống bảo vệ các quyền tự do như: Habeas Corpus (Luật cấm bắt giam người trái pháp luật hay còn gọi là Luật bảo thân, được Nghị viện Anh thông qua năm 1679 dưới thời vua Charles II); Petition of Right (Luật khiếu nại về quyền, được Nghị viện Anh thông qua năm 1628 quy định một người chỉ có thể bị tống giam khi có phán quyết của Tòa án hoặc lệnh bắt giữ của cơ quan hành chính).[2]

       Nội dung thứ ba: Công lý bị trì hoãn cũng có nghĩa là công lý bị từ chối ('Justice delayed is justice denied’) (Điều 40), trì hoãn việc xét xử và phán quyết cũng được xem là thiếu trách nhiệm thực thi luật pháp. Nội dung này đề cao vai trò của hệ thống tòa án trong việc bảo vệ công lý; đề cao vai trò của công lý. Không chỉ vậy, nội dung thứ ba còn hàm ý thúc đẩy cơ chế xét xử công bằng trong hoạt động tư pháp. Cụ thể, cụm từ “… trừ khi có phán quyết hợp pháp của những người ngang hàng với người đó…” ở Điều 39 của Magna Carta phản ánh việc xét xử phải dựa trên nền tảng công lý chứ không chỉ bám vào luật. Ngoài ra, tư tưởng về công lý còn được tiếp tục ghi nhận và khẳng định tại Điều 40 của Đại Hiến chương Magna Carta: “Sẽ không ai bị bán cho người khác; quyền hay công lý của bất kỳ ai cũng đều không bị từ chối.”

        Nội dung thứ tư: Giáo hội Anh được tự do, không chịu sự kiểm soát bởi bất kỳ thế lực nào, kể cả nhà vua và Tòa Thánh Vatican.

       Như vậy, Magna Carta không chỉ là văn kiện để hạn chế quyền lực của nhà vua, giới cầm quyền, chống lại sự lạm quyền và vi phạm quyền con người, mà nó thực sự đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của nền dân chủ Anh quốc và nhiều quốc gia trên thế giới. Ngay từ thế kỷ XVI, lịch sử đã ghi nhận việc những người nông dân ở Anh đã trích dẫn Đại Hiến chương Magna Carta trong các cuộc đấu tranh chống lại sự bất công.[3] Hay trong những năm 1640, các Nghị sĩ Anh đã coi Magna Carta là một cơ sở pháp lý quan trọng để lật đổ vua Charles I…[4] và cho tới nay những nguyên tắc pháp quyền trong Magna Carta đã được kế thừa và phát triển trong hiến pháp của hầu hết các quốc gia trên thế giới.

3. Kết luận

       Tóm lại, ban đầu chỉ là một văn kiện nhằm giải quyết mâu thuẫn, hòa giải giữa nhà vua với giới quý tộc phong kiến Anh quốc, nhưng Magna Carta hàm chứa những tư tưởng tiến bộ vượt khỏi phạm vi nước Anh, được xem như văn bản có tính chất hiến pháp đầu tiên trên thế giới, Magna Carta là sự khởi đầu cho việc hạn chế quyền lực của nhà nước quân chủ chuyên chế không chỉ ở Anh mà còn trên thế giới, và đến nay một số điều khoản của nó vẫn đang được xem là cấu phần của Hiến pháp không thành văn của nước Anh. Với những giá trị của Magna Carta đối với lịch sử nhân loại, người ta có thể xem Magna Carta như một báu vật, một món quà vô giá của nước Anh dành cho nhân loại.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] BBC Vietnamese (31/12/2014), Anh kỷ niệm 800 năm quyền tự do.

[2] Nguyễn Minh Tuấn (2015), Đại Hiến chương Magna Carta: Nguồn cổ vũ đấu tranh chống độc tài chuyên chế

[3] “What is the Magna Carta?”, History.com. Bản dịch của Nghiên cứu quốc tế, tại http://nghiencuuquocte.org/2015/11/04/dai-hien-chuong-magna-carta-la-gi/

[4] “What is the Magna Carta?”, History.com. Bản dịch của Lê Hoàng Giang, tại http://nghiencuuquocte.org/2015/11/04/dai-hien-chuong-magna-carta-la-gi/

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. BBC Vietnamese (31/12/2014), Anh kỷ niệm 800 năm quyền tự do.
  2. Nguyễn Minh Tuấn (2015), Đại Hiến chương Magna Carta: Nguồn cổ vũ đấu tranh chống độc tài chuyên chế.
  3. What is the Magna Carta ?, History.com. Bản dịch của Nghiên cứu quốc tế, tại http://nghiencuuquocte.org/2015/11/04/dai-hien-chuong-magna-carta-la-gi/
  4. What is the Magna Carta ?, History.com. Bản dịch của Lê Hoàng Giang, tại http://nghiencuuquocte.org/2015/11/04/dai-hien-chuong-magna-carta-la-gi/
  5. Vũ Công Giao (2018), Đại Hiến chương Magna Carta: Một món quà của nước Anh dành cho nhân loại.

 

MAGNA CARTA LIBERTATUM AND ITS VALUE

DO TRONG TUAN

Faculty of Law, Vietnam Women’s Academy

ABSTRACT:

Magna Carta Libertatum, commonly called Magna Cart, is a royal charter of rights agreed to by King John of England at Runnymede, near Windsor, on 15 June 1215. First drafted by Archbishop of Canterbury Stephen Langton to make peace between the unpopular king and a group of rebel barons, it promised the protection of church rights, protection for the barons from illegal imprisonment, access to swift justice.

The charter, which is the first legal document limits the power of the king and the rulers, became part of English political life and a milestone in British history in particular and world history in general. Over 800 years, Magna Carta still forms an important symbol of liberty today, often cited by politicians and campaigners, and is held in great respect by legal communities around the world. This paper is about the Magna Carta Libertatum.

Keywords: Magna Carta, Magna Carta Libertatum, document, law.