Mô hình khu lưu trú gỡ ‘nút thắt’ về nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp

Nhằm tạo ra nơi cư trú an toàn và ổn định, giúp công nhân lao động yên tâm sản xuất trước diễn biến dịch Covid-19... mô hình lưu trú cho công nhân tại khu công nghiệp (KCN) đang là bài toán cấp thiết được đặt ra hiện nay.

Nhà lưu trú tại KCN: Cung ít cầu nhiều

Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến tháng 05/2021, cả nước hiện mới chỉ có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, quy mô sử dụng đất khoảng 600ha. Trong đó, có 98 dự án đang tiếp tục triển khai, 116 dự án đã hoàn thành với diện tích đất hơn 250ha, đạt 41,6% chỉ tiêu.

Về nhà ở cho công nhân tại KCN, số liệu báo cáo mới nhất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, hiện cả nước mới có 2,58 triệu m2 nhà ở, đáp ứng cho khoảng 330.000 người lao động, đạt tỷ lệ 13%.

Có thể nói, người lao động nhập cư đã và đang góp phần không nhỏ đối với sự tăng trưởng kinh tế của các KCN, đóng góp đáng kể cho ngân sách quốc gia. Dù vậy, nhìn nhận một cách khách quan, hiện nay cả các doanh nghiệp lẫn Nhà nước vẫn chưa có sự đầu tư đúng mức về nhà ở, an sinh - xã hội cho lực lượng lao động nhập cư tại các KCN.

ảnh 1
Khu lưu trú công nhân Long Hậu thuộc KCN Long Hậu, Long An

Theo Tiến sĩ Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhà ở cho công nhân tại các KCN đang là vấn đề hết sức cấp thiết khi nguồn cung chưa đáp ứng được lượng cầu thực tế.

"Trong bối cảnh dịch Covid-19, vấn đề nhà ở cho công nhân càng trở nên bức bối hơn bao giờ hết. Hình ảnh từng đoàn người lao động tại các KCN di cư thành đoàn về địa phương đã cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa “an cư” và “lạc nghiệp”. Tiến sĩ Nhạc Phan Linh nhấn mạnh.

Theo tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế hậu Covid-19, đã đến lúc các doanh nghiệp tại các KCN cần có tầm nhìn xa hơn, tập trung chăm lo nơi ăn chốn ở, đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội, y tế và giáo dục cho người lao động thay vì chỉ tăng mức lương tối thiểu. Bởi lẽ, chỉ khi công nhân an cư thì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mới được duy trì ổn định và lâu dài.

Long An gỡ ‘nút thắt’ về nhà ở cho công nhân tại KCN

Theo TS Nhạc Phan Linh, gần đây Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có đoàn công tác tới 5 tỉnh phía Nam để làm việc với thường trực tỉnh ủy các tỉnh đề xuất xây dựng các khu nhà ở cho công nhân. Trong đó, Long An được đánh giá là một trong những địa phương đang làm khá tốt công tác lưu trú cho công nhân tại KCN.

Tính đến nay, Long An đã phê duyệt chủ trương đầu tư 15 dự án nhà ở công nhân. Trong đó, có 2 dự án đã đi vào hoạt động là Khu nhà ở công nhân Đông Quang thuộc KCN Hải Sơn và Khu lưu trú công nhân Long Hậu thuộc KCN Long Hậu.

Riêng tại Khu lưu trú (KLT) công nhân Long Hậu, với tổng diện tích sàn là 38.230m2 gồm 4 block cao 5 tầng và 1 hầm để xe, KLT có thể đáp ứng 594 phòng cho tối đa khoảng 3.500 người. Đại diện KLT công nhân Long Hậu cho biết, hiện đang có khoảng 1.800 người lao động ở tại KLT. Trong đó, chi phí thuê phòng trung bình chỉ từ 350-500.000đ/người/tháng cho mỗi căn có diện tích từ 40 - 50m2; bao gồm khu vực sinh hoạt chung, khu vực bếp riêng, khu vực phơi đồ, nhà vệ sinh, ban công, tủ âm tường,…

ảnh2

Căn hộ dịch vụ tại KLT công nhân Long Hậu đầy tiện nghi cho cấp quản lý, chuyên gia

Theo ông Võ Thanh Tú, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Long An, Khu lưu trú công nhân Long Hậu thuộc KCN Long Hậu không chỉ là phương án góp phần gỡ ‘nút thắt’ về nhà ở cho công nhân mà còn phục vụ tiện ích cho người lao động như: Siêu thị, phòng gym, công viên có trang bị các dụng cụ tập thể dục, sân cầu lông, sân bóng đá mini, nhà trẻ, tiệm cắt tóc…

Bên cạnh đó, Khu lưu trú công nhân Long Hậu cũng thường xuyên tổ chức các chương trình định kỳ phục vụ công nhân như chương trình Quốc tế phụ nữ 8/3, Quốc tế thiếu nhi 1/6, Lễ hội Trăng rằm tháng 8 âm lịch… Đặc biệt, thực hiện công tác hỗ trợ trong giai đoạn dịch Covid-19 như hỗ trợ tiêm vacxin sớm cho người lao động, hỗ trợ nhu yếu phẩm và hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người lao động mất việc tại KLT. Phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ huy phòng dịch của địa phương để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch và xử lý tình huống khẩn cấp.

“Ổn định nhà cho công nhân lao động được xem như là ‘1 mũi tên trúng 3 đích’: Một là bảo đảm nơi ăn chốn ở để giữ chân người lao động tại KCN; hai là giúp chính quyền địa phương thuận lợi trong kiểm soát an ninh, trật tự trong khu vực; ba là luôn luôn trong tâm thế chủ động ứng phó phòng dịch Covid-19, hạn chế nguy cơ lây lan rộng trong cộng đồng”, TS Linh nhấn mạnh.

PV