Mô hình tiêu thụ gắn với sản xuất nông sản ở Long An

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An (khóa X) giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn 2030 xác định tập trung đầu tư phát triển nhóm các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế cạnh tranh, tạo đà để phát t

 Để đạt được các mục tiêu đó, phải tạo được các giá trị then chốt nhằm cung cấp cho thị trường, cho khách hàng, cho xã hội và cộng đồng những sản phẩm nông sản chất lượng cao, vượt trội mà chỉ Long An mới có. Tập trung vào các mục tiêu: đến năm 2025, trở thành tỉnh dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long về năng suất, chất lượng và sản lượng cung ứng cho thị trường gạo nàng thơm, gạo nếp, gạo huyết rồng và chanh không hạt. Đến năm 2020, cả 4 sản phẩm kể trên chiếm được vị trí trong các hệ thống siêu thị tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh, thành khác; người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến 4 sản phẩm chủ lực trên. Muốn vậy, ngay từ bây giờ, Long An phải quy hoạch cho được vùng sản xuất, nghiên cứu lai tạo giống; tập huấn quy trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản; xây dựng hệ thống chỉ dẫn địa lý và nhận diện thương hiệu; tìm kiếm đối tác và ký kết các hợp đồng tiêu thụ; xây dựng hệ thống hậu cần, tổ chức các hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại...

Bên cạnh đó, xây dựng được mô hình chiến lược tiêu thụ có sự gắn kết giữa 4 nhà, tạo ra chuỗi giá trị gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. 4 nhà vẫn luôn là lực lượng nòng cốt trong chuỗi này, theo nguyên tắc: lợi ích, trách nhiệm, quyền quyết định và chia sẻ rủi ro. Căn cứ vào nhu cầu thị trường để hoạch định toàn bộ kế hoạch sản xuất kinh doanh là nguyên tắc sống còn của mô hình liên kết và chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.

Nhà nước can thiệp gián tiếp vào các bên và tác động đến chuỗi giá trị này bằng đầu tư kết cấu hạ tầng: hệ thống điện, thủy lợi, giao thông nông thôn, các trung tâm thu mua nông sản, đóng gói, chế biến.v.v.; hỗ trợ nghiên cứu giống, chuyển giao công nghệ, chuyển giao và hỗ trợ đăng ký tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, hỗ trợ tìm kiếm thông tin thị trường và khách hàng. Vai trò của các sở, ban, ngành của địa phương rất quan trọng trong hỗ trợ tìm kiếm khách hàng, nghiên cứu thị trường và các hoạt động xúc tiến thương mại. Nhà nông được lựa chọn và khuyến khích tham gia trong các HTX hay các tổ nhóm, được cung cấp các yếu tố đầu vào, quy trình sản xuất và được các doanh nghiệp thua mua toàn bộ sản phẩm thông qua việc ký kết các hợp đồng với các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp được Nhà nước khuyến khích đầu tư tham gia chuỗi, trở thành lực lượng chủ đạo trong tổ chức sản xuất, thu hoạch, chế biến, đóng gói, vận chuyển và đưa sản phẩm đến với khách hàng. Các hợp đồng ký kết giữa các doanh nghiệp với nông dân và giữa các doanh nghiệp với nhau là các ràng buộc pháp lý đảm bảo thực thi mô hình liên kết. Nhà khoa học là các chuyên gia, cố vấn, đồng thời trực tiếp tham gia hoạt động của chuỗi, giúp địa phương xác định rõ điều kiện sản xuất các sản phẩm chủ lực của từng vùng; nghiên cứu, đưa ra được các giống mới chất lượng cao vượt trội; đề ra quy trình sản xuất và thu hoạch đảm bảo chất lượng, giảm thiểu các chi phí; đề xuất các chiến lược về thị trường…

Sau khi 4 nhà đã thống nhất tham gia mô hình sẽ tiến hành ký kết các hợp đồng dưới sự giám sát của các cơ quan luật pháp. Dựa trên các đề xuất của các nhà khoa học, các doanh nghiệp sẽ đầu tư các yếu tố đầu vào cho nhà nông thông qua HTX hay tổ nhóm sản xuất. Nhà nông thực hiện đúng lịch trình sản xuất và quy trình VietGAP nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng theo yêu cầu. Doanh nghiệp thu mua theo hợp đồng; sơ chế, chế biến, đóng gói, dán nhãn bảo đảm yêu cầu của khách hàng. Sản phẩm đưa vào chuỗi tiêu thụ, một phần bán tại địa phương, còn lại bán cho các công ty, siêu thị, chợ đầu mối và các nhà bán lẻ trên thị trường. Cuối cùng, sản phẩm được đưa đến tay người tiêu dùng với các giá trị cao nhất.

Long An có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp nhưng cũng đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức trong tiêu thụ hàng hóa nông sản do cung thường vượt cầu, sản phẩm không có sự khác biệt vượt trội, kênh phân phối tiêu thụ chưa được thiết lập; thương hiệu sản phẩm chưa ghi dấu ấn sâu sắc đối với người tiêu dùng; quảng bá truyền thông, xúc tiến thương mại còn hạn chế,v.v... dẫn đến việc thâm nhập của sản phẩm hàng hóa vào các thị trường gặp trở ngại. Do vậy, cần vận hành thành công mô hình tiêu thụ gắn với sản xuất hàng hóa nông sản có lợi thế của tỉnh như lúa nàng thơm chợ Đào hay lúa nếp, chanh, thanh long và một số vật nuôi chủ lực khác, nhằm đầu tư có chọn lọc và hiệu quả, tránh được các rủi ro cho cả người sản xuất và các khâu phân phối, tiêu thụ, thực hiện được các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, làm thay đổi kết cấu xã hội tại nông thôn, phục vụ xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An khóa X.