TÓM TẮT:

Bài viết hệ thống hóa các vấn đề về hoạt động tín dụng trong hệ thống Ngân hàng TMCP Việt Nam cùng với việc khái quát hiệu quả hoạt động kinh doanh, thực trạng hoạt động cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Đồng Tháp (Vietcombank Đồng Tháp) trong giai đoạn 2014 - 2017. Từ đó, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả mở rộng hoạt động cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp tại Vietcombank Đồng Tháp từ nay đến năm 2023, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp.

Từ khóa: Cho vay, nông nghiệp, mở rộng, Vietcombank, Chi nhánh Đồng Tháp.

1. Đặt vấn đề

Nông nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam và được coi là nền tảng thực hiện mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ổn định kinh tế - xã hội. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN Việt Nam) đã ban hành nhiều chính sách tín dụng ưu đãi nhằm hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp (LVNN), nhờ đó điều kiện tiếp cận vốn vay và dư nợ cho vay nông nghiệp trong toàn ngành Ngân hàng đã được cải thiện rõ rệt. Cùng với cả nước, nguồn vốn tín dụng nông nghiệp (TDNN) tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp ngày càng được khơi thông, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Đồng Tháp.

Trong quá trình thực hiện, nhu cầu vốn tín dụng phục vụ nông nghiệp của doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh sẽ phát sinh rất nhiều trong khi khả năng cấp tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn còn hạn chế. Vietcombank Đồng Tháp cũng triển khai cho vay nông nghiệp đối với các khách hàng trên địa bàn. Trong những năm qua, TDNN tại Vietcombank Đồng Tháp có bước phát triển nhưng chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng vốn có. Xuất phát từ thực tế trên, đề xuất giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng và ổn định phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2. Khái quát về hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại

Cho vay là quan hệ tín dụng giữa các ngân hàng với các xí nghiệp, tổ chức kinh tế, các tổ chức và cá nhân được thực hiện dưới hình thức ngân hàng đứng ra huy động vốn bằng tiền và cho vay đối với các đối tượng nói trên [3]. Quan hệ tín dụng thể hiện như sau: Người cho vay chuyển giao cho người đi vay một lượng giá trị nhất định, giá trị này có thể dưới hình thái tiền tệ hay hiện vật như hàng hóa, nhà xưởng. Người đi vay chỉ được sử dụng tạm thời lượng giá trị chuyển giao trong một thời gian nhất định. Sau khi hết thời gian thỏa thuận người đi vay, phải có nghĩa vụ hoàn trả cho người cho vay một lượng giá trị lớn hơn giá trị ban đầu.

Mở rộng tín dụng đối với LVNN: Có thể hiểu là việc ngân hàng tăng đầu tư tín dụng cho LVNN tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp (SXNN) từ đó tăng số lượng khách hàng vay vốn phục vụ SXNN tại ngân hàng, tăng doanh số cho vay, tăng dư nợ cho vay trong lĩnh vực này. Mở rộng TDNN còn thể hiện ở sự hoàn thiện về quy trình cấp TDNN, chính sách tín dụng phục vụ SXNN tại ngân hàng.

Quy trình tín dụng: Tổng hợp các nguyên tắc, quy định của ngân hàng trong quá trình cho vay. Bao gồm những quyết định trong quá trình cho vay, thu nợ nhằm đảm bảo an toàn vốn tín dụng, được bắt đầu từ khâu thẩm định hồ sơ, thiết lập hồ sơ, xét duyệt cho vay, phát tiền vay, kiểm tra quá trình sử dụng vốn vay, thu lãi vay khi đến hạn và khâu cuối cùng là thu hồi nợ. Việc mở rộng tín dụng có hiệu quả hay không phụ thuộc vào một quy trình phù hợp, vừa tinh giản, gọn nhẹ, không phiền hà cho người vay nhưng vẫn đảm bảo đúng quy trình, thủ tục sẽ góp phần mở rộng tín dụng, đặc biệt là trong LVNN, đối tượng khách hàng phần lớn là nông dân với trình độ dân trí thấp, không quen với những thủ tục rắc rối, phức tạp.

3. Thực trạng hoạt động cho vay trong LVNN tại Vietcombank Đồng Tháp giai đoạn 2014 - 2017

3.1. Doanh số cho vay đối với SXNN

Bảng 1. Doanh số cho vay đối với SXNN giai đoạn 2014 - 2017 (Tỷ đồng)

Doanh số cho vay đối với SXNN giai đoạn 2014 - 2017

Nguồn: Vietcombank Đồng Tháp

Bảng 1 cho thấy, doanh số cho vay LVNN tăng trưởng qua các năm. Riêng năm 2017 tăng mạnh (70,10%) so với năm trước, trong đó, doanh số cho vay nuôi trồng thủy sản, trồng trọt chăn nuôi đều tăng, cụ thể doanh số cho vay cho vay trồng trọt, chăn nuôi gia súc đạt 1.547 tỷ đồng tăng 63,53% so với năm trước, doanh số cho vay nuôi trồng thủy sản đạt 999 tỷ đồng tăng 83,46% so với năm trước. Đồng thời cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu SXNN theo hướng mở rộng, phân bổ nguồn lực sang nuôi trồng thủy sản, tận dụng hệ thống sông ngòi tại tỉnh, chấp hành chủ trương của tỉnh về chuyển hướng đầu tư nông nghiệp sang hướng tạo giá trị gia tăng cao hơn cho hoạt động nông nghiệp.

3.2. Dư nợ tín dụng nông nghiệp

Bảng 2. Dư nợ TDNN giai đoạn 2014 - 2017 (Tỷ đồng)

Dư nợ TDNN giai đoạn 2014 - 2017

Nguồn: Vietcombank Đồng Tháp

Bảng 2 cho thấy, dư nợ TDNN tại Vietcombank Đồng Tháp tăng đều qua các năm. Tính đến năm 2017, dư nợ TDNN đạt 2.471 tỷ đồng tăng gấp 2,8 lần so với năm 2014, cao hơn so với mức tăng trưởng của tổng dư nợ. Trong đó: dư nợ trồng trọt, chăn nuôi gia súc đạt 1.593 tỷ đồng, chiếm 64,47%/ tổng dư nợ TDNN; dư nợ nuôi trồng thủy sản đạt 878 tỷ đồng, chiếm 35,53%/tổng dư nợ TDNN. Điều này thể hiện sự quan tâm phát triển tín dụng tại địa bàn nông nghiệp nông thôn của ban lãnh đạo chi nhánh, tuân thủ chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển tín dụng tại địa bàn nông thôn.

3.3. Tỷ trọng dư nợ TDNN trên tổng dư nợ

Bảng 3. Tỷ trọng dư nợ TDNN trên tổng dư nợ tại chi nhánh

giai đoạn 2014 - 2017 (Tỷ đồng)

Tỷ trọng dư nợ TDNN trên tổng dư nợ tại chi nhánh giai đoạn 2014 - 2017

Nguồn: Vietcombank Đồng Tháp

Bảng 3 cho thấy, dư nợ TDNN chiếm từ 42,97 - 51,49% tổng dư nợ cho vay tại chi nhánh qua các năm. Riêng trong năm 2017, dư nợ TDNN chiếm phần lớn (51,49%) trong tổng dư nợ. Dư nợ tín dụng tiêu dùng và dư nợ tín dụng khác (tín chấp, thẻ tín dụng) chiếm tỷ trọng thấp, điều này phù hợp với chủ trương của Hội sở và NHNN Việt Nam hướng dòng vốn tín dụng tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên, hạn chế cho vay những ngành nghề rủi ro, dễ phát sinh nợ xấu.

3.4. Thu nhập từ cho vay LVNN

Bảng 4. Tỷ trọng thu nhập từ cho vay LVNN trên tổng thu nhập từ lãi cho vay tại chi nhánh giai đoạn 2014 - 2017 (Tỷ đồng)

Tỷ trọng thu nhập từ cho vay LVNN trên tổng thu nhập từ lãi cho vay tại chi nhánh giai đoạn 2014 - 2017

Nguồn: Vietcombank Đồng Tháp

Bảng 5. Thu nhập ròng từ cho vay LVNN tại chi nhánh

giai đoạn 2014 - 2017 (Tỷ đồng)

Thu nhập ròng từ cho vay LVNN tại chi nhánh giai đoạn 2014 - 2017

Nguồn: Vietcombank Đồng Tháp

Số liệu từ Bảng 4 và 5 cho thấy, thu nhập lãi từ cho vay LVNN chiếm từ 35,83% - 40,38% trên tổng thu nhập lãi tại chi nhánh. Năm 2017 thu lãi cho vay LVNN đạt 168 tỷ đồng, chiếm 39,81% trên tổng thu lãi cho vay của cả chi nhánh. Thu nhập ròng từ cho vay nông nghiệp có xu hướng tăng qua các năm. Một mặt do tăng dư nợ cho vay nông nghiệp. Mặt khác do giai đoạn 2014 - 2017 mức lãi suất NHNN Việt Nam quy định đối với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên các ngân hàng cạnh tranh huy động vốn với lãi suất thỏa thuận, do đó,  chi phí huy động vốn khá cao đã ảnh hưởng phần nào đến thu nhập ròng.

3.5. Đánh giá chung về hoạt động cho vay trong LVNN

3.5.1. Kết quả đạt được

Đồng Tháp là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, phần lớn dân cư sống trên địa bàn nông thôn và hoạt động trong LVNN. Do đó, số lượng khách hàng tiềm năng bao gồm khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp rất lớn, là điều kiện thuận lợi để mở rộng cho vay trong LVNN. Về dư nợ tín dụng cho vay nông nghiệp: ngân hàng đã chủ động dành nguồn vốn tín dụng trong việc cho vay đối với các ngành, lĩnh vực trọng điểm của địa phương, cụ thể là nông nghiệp, nông thôn. Dư nợ cho vay LVNN tăng trưởng đều qua các năm. Về số lượng khách hàng quan hệ TDNN: số lượng khách hàng đảm bảo được tính ổn định qua các năm. Điều này cho thấy, với những khách hàng đã quan hệ tín dụng trong LVNN với Vietcombank Đồng Tháp có mối quan hệ gắn bó, bền vững với ngân hàng. Về kiểm soát chất lượng TDNN: kiểm soát tốt các khoản cho vay đối với LVNN, không để phát sinh nợ xấu.

3.5.2. Hạn chế

Chi nhánh chưa khai thác tốt nhu cầu của vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp của các đối tượng khách hàng trên địa bàn: Khách hàng có quan hệ TDNN tại Vietcombank Đồng Tháp phần lớn là cá nhân, hộ gia đình, tuy nhiên số lượng khách hàng có quan hệ TDNN như hiện nay tại chi nhánh tương đối thấp trong số các khách hàng có nhu cầu về vốn để phát triển SXNN trên địa bàn hiện nay. Chi nhánh chưa chú trọng mở rộng cho vay đối với LVNN: Điều này thể hiện dư nợ đối với LVNN chưa cao trong tổng dư nợ cho vay tại chi nhánh, chỉ chiếm khoảng 40 - 50%. Nguồn vốn tín dụng của Vietcombank Đồng Tháp chủ yếu tập trung cho vay tiêu dùng: mua sắm trang thiết bị gia đình, xây, sửa chữa nhà cửa hoặc cho vay phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh ở ngành nghề khác.

Có thể chỉ ra những nguyên nhân của hạn chế: Nguyên nhân từ phía khách hàng: đó là vốn tự có ít, tài sản đảm bảo có hạn, địa bàn cư trú rộng, do đó, để mở rộng tín dụng ngân hàng cần có bỏ ra nhiều thời gian, chi phí để thẩm định và quản lý món vay. Tâm lý của khách hàng: phần lớn khách hàng khi có nhu cầu vay vốn phục vụ SXNN thường chủ động tìm đến các ngân hàng truyền thống để vay vốn như Agribank nên hạn chế khả năng cho vay của Vietcombank Đồng Tháp. Chính sách tín dụng từ Hội sở: đây là yếu tố ảnh hưởng đến việc mở rộng tín dụng LVNN tại chi nhánh. Vì hoạt động của chi nhánh phụ thuộc vào công tác hướng dẫn từ phía Hội sở.

4. Đề xuất giải pháp

Nhằm nâng cao hiệu quả mở rộng hoạt động cho vay trong LVNN tại Vietcombank Đồng Tháp trong thời gian từ nay đến năm 2023, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, tập trung triển khai các sản phẩm tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp: Cho vay phục vụ phát triển các sản phẩm nông nghiệp tiềm năng của tỉnh, các ngành hàng chủ lực thuộc Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp. Tiếp tục mở rộng cho vay các ngành, lĩnh vực hỗ trợ SXNN, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Hướng đến các hình thức cho vay nhằm hạn chế rủi ro trong SXNN.

Hai là, mở rộng kênh phân phối: Trong thời gian tới, chi nhánh cần đề xuất phát triển mạng lưới, mở thêm các PGD tại các huyện, thị xã có lợi thế trong SXNN trên địa bàn nhằm mở rộng kênh phân phối sản phẩm. Ban lãnh đạo chi nhánh cần có chủ trương đẩy mạnh công tác phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể tại địa phương như Hội Nông dân, Tỉnh đoàn để tham gia khảo sát, nắm bắt nhu cầu vay vốn trong đoàn viên, hội viên, tìm hiểu những mô hình sản xuất hiệu quả chưa tiếp cận được vốn vay ngân hàng để chủ động cung ứng nguồn vốn.

Ba là, mở rộng mạng lưới khách hàng: Tiếp tục phát triển đối tượng khách hàng cá nhân, hộ gia đình: thông qua đẩy mạnh công tác tiếp thị, tư vấn cặn kẽ các sản phẩm dịch vụ tại chi nhánh cho khách hàng, áp dụng các hình thức cho vay linh hoạt như cho vay lưu vụ, đa dạng hóa các sản phẩm, ngoài cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh. Đối tượng doanh nghiệp, HTX còn hạn chế tại chi nhánh, để mở rộng cho vay LVNN, chi nhánh cần hướng đến đối tượng khách hàng này bởi đây là nhóm khách hàng có nhu cầu vốn phục vụ SXNN tương đối cao, đặc biệt là doanh nghiệp.

Bốn là, xây dựng đội ngũ nhân viên bán hàng chuyên nghiệp, tận tụy: Tạo điều kiện để nhân viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng chăm sóc khách hàng do Hội sở, các đơn vị khác tổ chức hoặc các cán bộ nhân viên có kinh nghiệm trong chi nhánh trực tiếp giảng dạy. Xây dựng quy chế khen thưởng, kỷ luật rõ ràng để động viên, khen thưởng kịp thời các cán bộ nhân viên có thái độ phục vụ tốt, chuyên nghiệp, kỷ luật nghiêm trường hợp nhân viên có thái độ nhũng nhiễu, cố ý gây phiền hà cho khách hàng. Biểu dương các cán bộ, nhân viên có cách làm hay, sáng tạo trong cách tiếp cận và phục vụ khách hàng để nhân rộng trong đơn vị.

Năm là, tăng cường cung cấp thông tin cho khách hàng ở khu vực nông thôn: Cán bộ ngân hàng trực tiếp tìm kiếm những khách hàng mới, khách hàng chưa quan hệ tín dụng, giới thiệu về sản phẩm dịch vụ, kích thích nhu cầu của khách hàng. Đa phần khách hàng ở khu vực nông thôn do họ mua bán, sản xuất kinh doanh theo kiểu truyền thống nên ít sử dụng các dịch vụ ngân hàng. Phối hợp truyền thông quá báo, đài địa phương, các bản tin kinh tế NoNT để tuyên truyền các sản phẩm, gói tín dụng ưu đãi của chi nhánh để người dân nắm bắt. Tăng cường phối hợp với các Hội đoàn thể và chính quyền địa phương để hướng dẫn người dân cách xây dựng dự án vay vốn và sử dụng đồng vốn hợp lý, đảm bảo quản lý nợ và rủi ro, vốn cho vay phải gắn kết với các chương trình phát triển kinh tế của địa phương.

Sáu là, thường xuyên bám sát và mạnh dạn triển khai các chủ trương, chính sách mới liên quan đến SXNN: Chủ động nghiên cứu, triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách tín dụng mới phục vụ phát triển nông nghiệp. Trong trường hợp Hội sở chưa có hướng dẫn cụ thể, chi nhánh phải kịp thời kiến nghị Hội sở để có cơ sở áp dụng tại địa phương. Tránh tình trạng chủ trương, chính sách đã có nhưng phía ngân hàng vẫn không mạnh dạn triển khai. Chủ động tìm kiếm khách hàng để cho vay mô hình liên kết trong SXNN để khắc phục được những hạn chế vốn có trong SXNN: tình trạng được mùa, rớt giá, nông sản thiếu đầu ra.

Bảy là, tích cực huy động nguồn vốn giá rẻ: Để có đầu ra lãi suất phù hợp với cho vay SXNN để người dân mạnh dạn tiếp cận, đồng thời vẫn đảm bảo lợi nhuận ổn định cho chi nhánh cần phải tập trung huy động nguồn vốn giá rẻ từ dân cư, tiền gửi kỳ hạn ngắn. Để làm được điều này, phía ngân hàng cần tạo niềm tin, uy tín trên địa bàn, nâng cao chất lượng phục vụ để khách hàng yên tâm gửi tiền tại chi nhánh.

Tám là, kiểm soát tốt rủi ro cho vay LVNN: Nâng cao chất lượng công tác thẩm định khách hàng là thông qua việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ phụ trách công tác thẩm định tín dụng bằng cách tạo điều kiện cho cán bộ nhân viên được tham dự các khóa đào tạo nghiệp vụ thẩm định, phân tích đánh giá rủi ro, phân tích kết quả hoạt động kinh doanh. Kiểm soát chặt chẽ quá trình sử dụng vốn của khách hàng: do đặc thù SXNN chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố từ môi trường tự nhiên, do đó, khó tránh khỏi những rủi ro bất khả kháng.

5. Kết luận

Trong giai đoạn 2014 - 2017, Vietcombank Đồng Tháp đã nắm bắt kịp thời hiệu quả hoạt động cho vay LVNN, khẳng định vị trí và vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của đơn vị. Hy vọng với đề xuất những giải pháp nêu trên nhằm mở rộng hoạt động cho vay trong LVNN sẽ góp phần ổn định và tăng trưởng dư nợ tại chi nhánh nói riêng và toàn tỉnh nói chung; đồng thời góp phần vào việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp, thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân của đất nước trong hội nhập quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bùi Diệu Anh (2013), Giáo trình Hoạt động kinh doanh ngân hàng. NXB Phương Đông.

2. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Đồng Tháp, Báo cáo thường niên các năm 2014, 2015, 2016, 2017.

3. Nguyễn Đang Dờn (2014), Nghiệp vụ ngân hàng thương mại. NXB Thống kê.

4. Nguyễn Văn Tiến (2012), Giáo trình Quản trị ngân hàng thương mại. NXB Thống kê.

5. Nguyễn Thanh Bình (2014), “Một số vấn đề về chính sách tín dụng cho nông nghiệp nông thôn”, Tạp chí Tài chính, ngày 21/11/2014.

EXPANDING LENDING ACTIVITIES IN AGRICULTURAL SECTOR

AT VIETCOMBANK - DONG THAP BRANCH

PhD. TO THIEN HIEN

An Giang University - Vietnam National University HCM city

MSc. LE THIEN KIM

State Bank of Vietnam - Dong Thap Branch

ABSTRACT:

The article systematizes the issues of credit activities in the system of Vietnam joint stock commercial banks along with an overview of business performance efficency, the real status of lending activities in the agricultural sector at Vietcombank - Dong Thap Branch from 2014 to 2017. Based on this, the authors propose a number of solutions to improve the efficiency of lending activities in the agricultural sector at Vietcombank - Dong Thap Branch from now to 2023, contributing to socio-economic development of Dong Thap Province.

Keywords: Lending, agriculture, expansion, Vietcombank - Dong Thap branch.