Tại Việt Nam, Luật Thương mại năm 2005 đã đặt nền móng đầu tiên về các quy định quản lý nhà nước đối với sở giao dịch hàng hóa. Từ đó đến nay tình hình phát triển hoạt động mua bán qua sở giao dịch hàng hóa đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Năm 2011, tổng giá trị giao dịch tại Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam và Trung tâm giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột đã đạt trên 7.991 tỷ đồng.

Bà Lê Việt Nga- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công Thương)- cho biết, để phát triển được lợi thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới, chúng ta phải quan tâm đầu tư mạnh mẽ hơn cho hoạt động bán hàng qua sở giao dịch. Trước mắt tập trung vào 3 mặt hàng nông sản có thế mạnh xuất khẩu hoặc nhập khẩu cao gồm: hạt tiêu, đường và bông vải.

Ông Đỗ Hà Nam- Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam- cho rằng, việc đưa mặt hàng hồ tiêu vào vào danh mục các mặt hàng giao dịch qua sàn giao dịch hàng hóa mang tầm quan trọng, bởi lẽ hồ tiêu là mặt hàng chiến lược về xuất khẩu cao của Việt Nam. Hồ tiêu Việt Nam có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường thế giới nhưng mức giá vẫn dựa trên thông tin tại sàn SMX (Singapore) và NCDEX (Ấn Độ). Việc giao dịch qua sàn trong nước sẽ đảm bảo giá mặt hàng này thể hiện sát với thực tế hơn, giảm thiếu tác động bất lợi và giá từ các nhà nhập khẩu khác trên thế giới.

Ông Nguyễn Hồng Giang- Tổng thư ký Hiệp hội Bông sợi Việt Nam- chia sẻ, mặt hàng dệt may hiện nằm trong top những sản phẩm có kinh ngạch xuất khẩu cao của Việt Nam nhưng vẫn chưa chủ động được nguyên liệu đầu vào. Việc đưa mặt hàng bông sợi vào danh mục giao dịch qua sàn sẽ giải quyết nhiều vướng mắc lâu nay của ngành. Đặc biệt giảm thiểu rủi ro về biến động giá cả, góp phần giúp nông dân yên tâm quay lại mở rộng diện tích trồng bông, qua đó chủ động nguyên liệu, hạn chế sự phụ thuộc của người nông dân vào các đại lý và doanh nghiệp cũng có cơ hội mua nguyên liệu với giá hợp lý và ổn định.

Việc mở rộng, nâng cấp các sàn giao dịch hàng hóa một cách chuyên nghiệp sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp còn khá bỡ ngỡ về phương thức hoạt động, đầu tư kinh doanh trên sàn giao dịch hàng hóa. Theo bà Nga, hiện số lượng các nhà đầu tư tham gia giao dịch bán hàng trên sàn còn hạn chế do tâm lý ngại đổi mới, sự thiếu quan tâm đến hoạt động quản lý tài chính chuyên nghiệp khiến các doanh nghiệp chưa có động lực tham gia...

Tuy nhiên, bà Đoàn Thị Bích Hảo- Phó giám đốc Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam- cho rằng: Ưu điểm khi kinh doanh trên sàn giao dịch hàng hóa là sản phẩm đa dạng, thị trường hai chiều, giá cả minh bạch, tính thanh khoản cao. Thông qua các kênh đầu tư này, giúp nông dân, nhà sản xuất, nhà xuất khẩu vừa tránh được rủi ro trong mua bán so với mua bán theo phương cách truyền thống và lợi nhuận cao. Vì vậy, chúng ta chậm đầu tư để mở rộng các Sở giao dịch hàng hóa thì sự tổn thất cho nền kinh tế càng cao, cụ thể là các nhà xuất nhập khẩu và nhà sản xuất.