Đây là thông điệp chính được đưa ra tại Hội thảo trực tuyến “Môi trường kinh doanh tốt hơn trong khu vực để phục hồi sau đại dịch ở Đông Nam Á” được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức ngày 29/6.

Ông Ramesh Subramaniam, Tổng Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á của ADB nhận định: “Các doanh nghiệp nhỏ là nền tảng của các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á. Hiểu được môi trường kinh doanh ảnh hưởng như thế nào đến khả năng tồn tại của các doanh nghiệp trong giai đoạn đầy thách thức này là chìa khóa để mở ra các biện pháp can thiệp chính sách hỗ trợ phục hồi sau đại dịch và có thể giúp đạt được tiến bộ trong các mục tiêu phát triển bền vững”.

Tăng trưởng kinh tế khu vực đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển liên tục của Đông Nam Á. Nền kinh tế địa phương ở hầu hết các nơi trong khu vực đều do các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) chi phối. Các MSME chiếm 97% tổng số các doanh nghiệp trong khu vực, sử dụng khoảng 2/3 tổng lực lượng lao động và chiếm khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội.

Không giống như các doanh nghiệp lớn thường ở các khu vực đô thị, 80% MSME hoạt động ở các thị trấn của tỉnh hoặc ở các vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa, nơi họ cung cấp một loạt các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu cho cộng đồng địa phương, đặc biệt là tạo công ăn việc làm cho phụ nữ.    

Tuy nhiên, các MSME phải đối mặt với một số thách thức riêng biệt. Khu vực doanh nghiệp này có mức vốn thấp và hạn chế về nguồn lực để đổi mới. Nhiều doanh nghiệp ở khu vực phi chính thức với mức độ hiểu biết thấp về các chương trình và hỗ trợ của Chính phủ.

Những nghiên cứu chỉ ra, trên khắp khu vực Đông Nam Á, các MSME đã bị thiệt hại lớn về thu nhập và vốn do đại dịch COVID-19. Các MSME cũng phải đối mặt cới những thách thức mới, chẳng hạn như chi phí kinh doanh cao hơn, nợ ngày càng tăng và những bất ổn trong quản lý điều hành đòi hỏi phải cải cách cơ cấu để cải thiện môi trường hoạt động kinh doanh tại địa phương.

Vì các doanh nghiệp MSME đóng góp quan trọng vào thành công kinh tế, bất kỳ kế hoạch phục hồi kinh tế nào hoặc nỗ lực chuyển sang nền kinh tế các-bon thấp cũng sẽ yêu cầu hoạch định các điều kiện kinh doanh giữa các nền kinh tế địa phương để hiểu rõ các yếu tố, chiến lược, giải pháp quan trọng có thể tăng cường sự phát triển MSME và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế địa phương.

Các chuyên gia tham dự Hội thảo đã thảo luận về các phản ứng chính sách nổi bật của các chính phủ, đồng thời đề xuất phương pháp tiếp cận toàn diện hệ sinh thái có thể kết nối liền mạch nhiều giải pháp khác nhau nhằm tạo ra nền kinh tế địa phương hưng thịnh với sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và doanh nhân năng động.

Mặt khác cần thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ hơn thông qua chia sẻ thông tin nhiều hơn, tăng cường đối thoại chính sách và cố vấn cho các doanh nghiệp nhỏ để xây dựng lại các MSME cạnh tranh và hiệu quả hơn sau đại dịch COVID-19.