Một phần ba các nước EU ghi nhận lạm phát trên 10%

Dữ liệu cho thấy, khoảng 1/3 số thành viên Liên minh châu Âu (EU) đối mặt với mức lạm phát trên 10% khi giá hầu hết các loại hàng hoá, đặc biệt là nhóm hàng năng lượng, đều tăng vọt dưới tác động của cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine.
lạm phát
Lạm phát tăng cao ở mức kỷ lục đang khiến người tiêu dùng tại hàng loạt quốc gia châu Âu dè dặt hơn trong việc tiêu dùng (Ảnh: CNBC)

Các dữ liệu mới nhất cho thấy hiện có đến 9 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đối mặt với mức lạm phát trên 10%. Trong đó, Estonia hiện ghi nhận chỉ số giá tiêu dùng tăng tới 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Các quốc gia khác có mức lạm phát cao là Litva (16,8%), Bulgaria (14,4%), Cộng hoà Séc (14,2%), Romania (13,8%), Latvia (13%), Ba Lan (12,4%) và Slovakia (11,7%).

Đối với Anh, quốc gia đã rời khỏi EU vào năm 2020, lạm phát tại đây đã tăng lên mức 9% trong tháng 4/2022 – chạm mức cao nhất kể từ năm 1982. Giới chức Anh thừa nhận nước này đang đối mặt với tình hình kinh tế rất khó khăn.

Hiện Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến ​​lạm phát toàn EU sẽ đạt đỉnh ở mức 6,9% trong quý 2 năm nay và sẽ giảm sau đó. Lạm phát toàn EU hiện được dự đoán là 6,8% trong năm nay và 3,2% vào năm 2023 - cao hơn nhiều so với các dự báo trước đó lần lượt là 3,9% và 1,9%.

Giá các loại hàng hoá tại châu Âu đã tăng vọt trong thời gian vừa qua, chủ yếu do chịu ảnh hưởng của cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine. Đặc biệt, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga đã đẩy giá năng lượng tại các nước EU tăng mạnh. Giới quan sát đánh giá mức độ lạm phát của mỗi quốc gia châu Âu tương ứng với mức độ mà các quốc gia này phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga.  

Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết giá năng lượng tăng chiếm gần một nửa mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng tại EU trong tháng 4/2022. Lạm phát tại EU trong tháng trước đã đạt mức cao kỷ lục 8,1%, cao gấp nhiều lần so với mức lạm phát 2% của cả năm 2021.

Dữ liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy, trong năm 2020, gần như toàn bộ năng lượng được Litva nhập khẩu là đến từ Nga. Trong khi đó, Nga chiếm đến gần 50% tổng nguồn cung năng lượng nhập khẩu của Slovakia và Hy Lạp. Hồi tháng 4, Litva trở thành quốc gia EU đầu tiên tuyên bố ngưng nhập khẩu khí đốt của Nga và vào ngày 22/5 vừa qua, nước này cho biết sẽ ngưng nhập khẩu dầu thô từ Nga.

EU sẽ bắt đầu cấm nhập khẩu than từ Nga kể từ tháng 8 tới đây và các quốc gia thành viên đang thảo luận về kế hoạch ngưng nhập khẩu hoàn toàn dầu thô từ Nga trong thời gian tới. Các quan chức cấp cao EU đang nỗ lực thuyết phục Hungary đồng thuận kế hoạch ngưng nhập khẩu dầu thô từ Nga. Hungary đã bỏ phiếu chống lại kế hoạch này do lo ngại chi phí cho việc từ bỏ dầu thô của Nga là quá lớn với nền kinh tế nước này.

Tường Vy