Tóm tắt: 

Giá đất là một chế định pháp lý quan trọng trong Luật Đất đai 2013, sau một thời gian áp dụng, những quy phạm về giá đất do cơ quan nhà nước xác định đã bộc lộ nhiều hạn chế cần phải sửa đổi, bổ sung. Bài viết tập trung phân tích, đánh giá làm rõ thực trạng pháp luật về giá đất do cơ quan nhà nước xác định tại Việt Nam hiện nay, cũng như chỉ ra một số bất cập của quy định pháp luật về vấn đề này, từ đó đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về giá đất.

Từ khóa: giá đất, pháp luật đất đai, bất cập và phương hướng hoàn thiện.

1. Đặt vấn đề

Giá đất là một chế định pháp lý quan trọng trong Luật Đất đai 2013, sau một thời gian áp dụng, những quy phạm về giá đất do cơ quan nhà nước xác định đã bộc lộ nhiều hạn chế cần phải sửa đổi, bổ sung như: giá đất quy định trong khung giá đất, bảng giá đất thường thấp hơn nhiều lần giá đất phổ biến trên thị trường; những nguyên tắc xác định giá đất chưa được tuân thủ nghiêm chỉnh do sự thiếu rõ ràng của pháp luật; quy định về các phương pháp định giá đất, về Hội đồng thẩm định giá còn nhiều bất cập... Thực trạng pháp luật này đặt ra nhu cầu cần nghiên cứu để làm rõ những hạn chế trong quy định hiện hành, từ đó đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về giá đất. Bài viết phân tích thực trạng pháp luật về giá đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định nhằm đáp ứng nhu cầu đó.

2. Một số vấn đề pháp lý về giá đất do cơ quan nhà nước xác định theo quy định của pháp luật đất đai hiện nay

2.1. Về xác định giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng

Theo Điều 3 Luật Đất đai 2013, giá đất là giá trị của quyền sử dụng đất tính trên một đơn vị diện tích đất. Giá trị quyền sử dụng đất là giá trị bằng tiền của quyền sử dụng đất đối với một diện tích đất xác định trong thời hạn sử dụng đất xác định. Phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng...là một trong những nguyên tắc định giá đất, là căn cứ để UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể1. Nguyên tắc này đảm bảo sự công bằng, lợi ích cho các bên khi nhà nước giao đất, cho thuê đất, thu các loại thuế liên quan tới QSDĐ, bồi thường QSDĐ.

Thế nào là “phù hợp ?”, quy định hiện hành không đưa ra một mức định lượng cụ thể. Thực tế các nước chỉ cần xác định được giá đất của Nhà nước bằng khoảng 70% - 80% giá đất thị trường là đủ mức cần thiết2. Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP giải thích: “Giá đất phổ biến trên thị trường là mức giá xuất hiện với tần suất nhiều nhất trong các giao dịch đã chuyển nhượng trên thị trường, trúng đấu giá quyền sử dụng đất...”. Giao dịch phổ biến được hiểu khi có ít nhất 3 thửa đất tương tự đã chuyển nhượng trên thị trường3.

“Giao dịch đã chuyển nhượng trên thị trường” nào sẽ được lựa chọn làm cơ sở định giá khi mà trên thực tế có hai dạng là giao dịch hợp pháp (tức được công chứng, chứng thực, có đăng ký biến động) và giao dịch bằng “giấy tay” (không được công chứng, chứng thực, không được “sang tên” cho bên mua). Theo sự giải thích tại điểm c khoản 1 Điều 3 Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT, giao dịch bằng “giấy tay” cũng là một hình thức giao dịch thành công trên thị trường4. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính khi xây dựng bảng giá đất hoặc giá đất cụ thể muốn sử dụng giá đất từ giao dịch loại này rất khó vì pháp luật hiện hành không yêu cầu giao dịch “giấy tay” phải đi đăng ký biến động nên không có thông tin trên cơ sở giữ liệu đất đai.

Giá đất chào mua, chào bán có được lựa chọn để định giá không? Giá đất này không phải các giao dịch đã chuyển nhượng trên thị trường hoặc là giao dịch thành công nên không được lựa chọn làm cơ sở định giá đất. Quy định này mâu thuẫn với quy định trong các văn bản hướng dẫn Luật Giá năm 2012. Theo đó, khi thẩm định giá bất động sản, tổ chức thẩm định giá được lựa chọn bất động sản được chào mua hoặc được chào bán tương tự với tài sản thẩm định giá trong thời gian không quá 2 năm5.

Hiểu thế nào là “loại đất có cùng mục đích sử dụng?” khi lựa chọn để định giá. Theo Điều 10 Luật Đất đai, dựa vào mục đích sử dụng đất ở tầm khái quát có thể chia thành nhóm đất nông nghiệp và nhóm đất phi nông nghiệp. Dựa vào mục đích sử dụng cụ thể, có thể chia thành nhiều loại đất khác nhau như: đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất ở, đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất - kinh doanh... Theo quy định và trên thực tế, nhóm đất nông nghiệp với nhóm đất phi nông nghiệp có giá chênh lệch cao, vì vậy không thể dùng để tham khảo định giá cho nhau được. Tuy nhiên, giữa các loại đất trong cùng một nhóm thì lại có giá khá sát nhau như giá đất trồng cây hàng năm theo quy định trong bảng giá đất của các tỉnh cũng sát hoặc tương đương với giá đất trồng cây lâu năm. Đất thương mại dịch vụ cũng có giá sát với giá đất ở. Vậy khi định giá đất, có thể sử dụng giá đất trồng cây hàng năm đã giao dịch thành công làm cơ sở định giá đất trồng cây lâu năm hay đất rừng hay không? Hoặc sử dụng giá đất ở đã giao dịch thành công để định giá đất thương mại, dịch vụ hay không? Tại Khoản 1 Điều 112 LĐĐ 2013 và Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP, Thông tư Số: 36/2014/TT-BTNMT chỉ quy định chung là loại đất “có cùng mục đích sử dụng” hoặc “có đặc điểm tương tự về mục đích sử dụng...”.

Các thửa đất đã giao dịch thành công được lựa chọn làm cơ sở định giá phải trong khoảng thời gian không quá 2 năm tính đến thời điểm định giá đất6. Việc quy định lựa chọn các giao dịch trong khoảng thời gian không quá 2 năm là không cần thiết đối với khu vực có giá đất ít biến động. Đồng thời gây khó khăn khi định giá với những khu vực có ít giao dịch thành công. Quy định về thời gian lựa chọn các giao dịch chỉ phù hợp với những khu vực có sự sôi động về giao dịch quyền sử dụng đất (QSDĐ). Ngoài ra, “khu vực”, “khu vực định giá”, “khu vực lân cận” cũng chưa có sự giải thích rõ ràng.

2.2. Về giá đất quy định trong khung giá đất và bảng giá đất

Theo khung giá đất của Chính phủ, giá đất trồng cây hàng năm thấp nhất là 5.000 đồng/m2, cao nhất là 250.000 đồng/m2; giá đất ở thấp nhất là 15.000 đồng/m2, cao nhất là 162 triệu đồng/m2 7. So với giá thị trường có sự chênh lệch rất lớn, thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường, đặc biệt trong bối cảnh “sốt đất” trong những năm vừa qua. Một trong những căn cứ để các tỉnh ban hành bảng giá đất là khung giá đất, giá đất trong bảng giá khó có thể “vượt khung” quá xa, nên giá đất quy định trong bảng giá đất cũng thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường.

Theo quy định, một số loại đất phi nông nghiệp, UBND cấp tỉnh được quy định mức giá đất cao hơn nhưng không quá 30% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất. Trường hợp quy định mức giá đất cao hơn 30% thì phải báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định. Đối với đất nông nghiệp trong khu dân cư, trong địa giới hành chính phường, được quy định cao hơn nhưng không quá 50% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất8. Quy định này đã tạo ra “hàng rào” bất hợp lý khi xây dựng bảng giá đất, trái với nguyên tắc “phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường”.

Pháp luật đã có quy định về nguyên tắc định giá, phương pháp định giá, trình tự và những căn cứ xây dựng khung giá đất, bảng giá đất nhưng nhìn chung các quy định này nhiều khi chỉ mang tính chất “tham khảo”, thực tế việc xác định giá đất trong khung giá và bảng giá vẫn mang nặng yếu tố chủ quan của những người, những cơ quan có thẩm quyền xác định giá đất quy định tại Điều 112 Luật Đất đai.

2.3. Về phương pháp xác định giá đất cụ thể

Giá đất cụ thể là giá đất do UBND cấp tỉnh quyết định dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường, áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp. Giá đất cụ thể có thể chia làm 2 loại: Giá đất cụ thể được xác định theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất và giá đất cụ thể được xác định theo các phương pháp so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập, thặng dư.

Phương pháp so sánh trực tiếp là phương pháp phản ánh được giá thị trường một cách chân thực nhất, tiếp đến là phương pháp chiết trừ, thu nhập, thặng dư. Tuy nhiên chúng ít được sử dụng. Những phương pháp định giá này chỉ được sử dụng khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất (nếu thuộc trường hợp không phải đấu giá QSDĐ) đối với những thửa đất, khu đất có giá trị lớn (tính theo giá đất trong Bảng giá đất) từ 30 tỷ đồng trở lên đối với các thành phố trực thuộc trung ương; từ 10 tỷ đồng trở lên đối với các tỉnh miền núi, vùng cao; từ 20 tỷ đồng trở lên đối với các tỉnh còn lại9. Các phương pháp này cũng không được sử dụng để xác định giá đất khi Nhà nước bồi thường QSDĐ.

Phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất là phương pháp định giá đất bằng cách sử dụng hệ số điều chỉnh giá đất nhân (x) với giá đất trong bảng giá. Phương pháp này hiện được sử dụng phổ biến để xác định giá đất cụ thể làm cơ sở tính tiền bồi thường QSDĐ, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Cơ sở để cơ quan nhà nước xác định hệ số điều chỉnh dựa trên thông tin về giá giao dịch của ít nhất 3 thửa đất trong khoảng thời gian không quá 2 năm rất khó thực hiện do nhiều nơi ít có giao dịch. Trong trường hợp này, cơ quan nhà nước sẽ căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể tại địa phương, giá đất trong bảng giá đất để xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất10. Cách xác định này mang nặng yếu tố chủ quan, không thể phản ánh được đúng giá thị trường. Đây là một trong những nguyên nhân khiến giá đất xác định theo phương pháp hệ số thường thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Phương pháp này cũng không được các doanh nghiệp thẩm định giá sử dụng.

Vai trò của tổ chức thẩm định giá độc lập còn mờ nhạt khi xây dựng bảng giá đất cũng như khi xác định giá đất cụ thể. Việc thuê tổ chức tư vấn giá đất là không bắt buộc vì dựa trên  “nhu cầu” của địa phương11. Theo khoản 4 Điều 115 Luật Đất đai, giá đất do tư vấn xác định cũng chỉ là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giá đất.

3. Một số đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về giá đất do cơ quan nhà nước xác định

Những bất cập liên quan tới giá đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động quản lý của nhà nước, tác động tiêu cực tới thị trường bất động sản và ảnh hưởng tới quyền lợi của tổ chức, cá nhân khi bị nhà nước thu hồi đất. Từ việc phân tích các quy định hiện hành, bài viết đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về giá đất, nhất là trong bối cảnh Quốc hội nước ta đang xây dựng, hoàn thiện pháp luật đất đai.

Thứ nhất, thành lập Trung tâm Dữ liệu và Thông tin đất đai ở cấp tỉnh12.

Các tỉnh cần xây dựng Trung tâm dữ liệu và thông tin đất đai là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp tỉnh. Trung tâm này có trách nhiệm thường xuyên khảo sát để xác định giá đất và thể hiện trên bản đồ giá đất. Trung tâm có trách nhiệm cung cấp thông tin về giá đất cho hội đồng thẩm định giá. Đây là cơ sở để xác định giá thị trường cho các thửa đất cần định giá. Tất cả các giao dịch thành công về đất đai phải được trung tâm ghi nhận và cập nhật kịp thời. Không chỉ có các giao dịch hợp pháp (có đăng ký QSDĐ) mà cả giao dịch bằng “giấy tay” cần được ghi nhận và cập nhật đầy đủ. Vì các giao dịch bằng “giấy tay” đó cũng là giao dịch thực tế phản ánh cung cầu thị trường. Những giao dịch này chiếm số lượng đáng kể, nếu không ghi nhận sẽ bỏ đi mất một cơ sở dữ liệu quan trọng, đáng tin cậy để tham khảo khi định giá. Mặt khác, kể từ khi tổ chức thừa phát lại ra đời, hầu hết các giao dịch bằng “giấy tay” đều được tổ chức này xác nhận. Vì vậy, việc cập nhật các giao dịch loại này không quá khó khăn.

Nhà nước cần có quy định nhằm khuyến khích các tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vào xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất và cung ứng dịch vụ cung cấp thông tin giá đất.

Thứ hai, trong một khu vực có ít giao dịch QSDĐ thành công (không có đủ 3 bất động sản được giao dịch thành công trong thời hạn 2 năm) cần cho phép tham khảo giá đất đã giao dịch thành công của các loại đất khác thuộc cùng một nhóm đất nông nghiệp hoặc cùng thuộc nhóm đất phi nông nghiệp. Ví dụ: có thể sử dụng giá đất trồng cây hàng năm để làm cơ sở định giá đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản hoặc sử dụng giá đất ở làm cơ sở định giá đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất - kinh doanh... Những giao dịch diễn ra trong thời hạn 3 hoặc 4 năm cũng nên là căn cứ tham khảo nếu như không quá chênh lệch về giá đất/m2 so với các giao dịch hiện tại.

Thứ ba, cần có những quy định chặt chẽ hơn nữa để ngăn chặn các hiện tượng làm “méo mó” giá trong các giao dịch về QSDĐ. Cụ thể, các quy định pháp luật cần ngăn chặn được những giao dịch có tính “thổi” giá hoặc “dìm” giá đất, những giao dịch giả tạo, hiện tượng thông đồng trong hoạt động đấu giá. Khi lựa chọn bất động sản để so sánh cần đánh giá loại trừ những giao dịch có dấu hiệu bất thường về giá.

Thứ tư, khung giá đất có ý nghĩa là một trong các căn cứ để UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất và từ đó xác định giá đất cụ thể cho từng thửa đất. Như đã phân tích khung giá đất có nhiều bất cập và không phù hợp với nguyên tắc định giá đất phải “phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường”. Vì vậy, sự tồn tại của khung giá đất là không thật sự cần thiết13.

Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện Hội đồng thẩm định giá đất theo hướng nâng cao tính độc lập, tính trách nhiệm của từng thành viên. Với vai trò ngày càng quan trọng, Hội đồng thẩm định giá cần phải nâng cao tính chuyên môn, tính chuyên nghiệp hơn nữa để đáp ứng đòi hỏi thực tiễn theo như tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW14.

Thứ sáu, nâng cao vai trò và tính hiệu quả của các tổ chức thẩm định giá trong hoạt động định giá đất của cơ quan nhà nước;

Khi xác định giá đất cụ thể để bồi thường cho người sử dụng đất hoặc khi nhà nước giao đất, cho thuê đất cần phải bắt buộc thuê tổ chức thẩm định giá độc lập. Trên cơ sở giá đất do tổ chức tư vấn đưa ra, Hội đồng thẩm định giá sẽ xem xét, thẩm tra lại trước khi trình ra UBND cấp tỉnh quyết định. Tổ chức thẩm định giá được thuê phải có uy tín và phải chịu trách nhiệm về giá đất do tổ chức mình xác định.

Pháp luật cần có các quy định cụ thể về đánh giá, xếp hạng tín nhiệm các tổ chức tư vấn giá đất. Trên cơ sở đánh giá giá này, Hội đồng thẩm định giá sẽ lựa chọn tổ chức có uy tín cao tham gia hoạt động tư vấn khi xây dựng bảng giá đất, xác định giá đất cụ thể.

Thứ bảy, pháp luật cần mở rộng trường hợp sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập, thặng dư khi xác định giá đất. Để bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho người sử dụng đất khi bị nhà nước thu hồi QSDĐ, bắt buộc phải sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập, thặng dư để xác định giá đất làm cơ sở bồi thường QSDĐ thay vì áp dụng giá đất cụ thể xác định theo phương pháp hệ số như quy định hiện nay. Mọi trường hợp nhà nước giao đất, cho thuê đất cũng cần áp dụng giá đất được xác định theo phương pháp so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập, thặng dư khi xác định giá đất để đảm bảo tốt hơn lợi ích của nhà nước. Chỉ áp dụng phương pháp hệ số để xác định giá đất khi không thể sử dụng được các phương pháp trên. Trình tự, thủ tục để Sở tài nguyên và Môi trường, Sở tài chính, Hội đồng thẩm định giá xây dựng bảng giá đất, xác định giá đất cụ thể áp dụng phương pháp so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập, thặng dư cần quy định cụ thể hơn nữa.

4. Kết luận

Pháp luật đất đai hiện hành đã có các quy định về giá đất, những quy định này góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, của các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực thi Luật Đất đai 2013, các quy định về giá đất do cơ quan nhà nước xác định đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, đòi hỏi cần phải sửa đổi, bổ sung. Thông qua bài viết, tác giả đã chỉ ra những bất cập trong các quy định, đưa ra những phương hướng hoàn thiện pháp luật về giá đất do cơ quan nhà nước xác định. Đây cũng là ý kiến riêng của tác giả đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi mà Quốc hội đang xây dựng.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

  1. Điều 112 Luật đất đai 2013.
  2. Đức Minh (2022), “Chuyên gia: Giá đất nhà nước bằng 70%-80% giá thị trường”, truy cập tại: https://plo.vn/chuyen-gia-gia-dat-nha-nuoc-bang-70-80-gia-thi-truong-post699142.html.
  3. Xem Điều 3, Điều 4, Điều 7 Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 quy định chi tiết phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất; định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất.
  4. Giao dịch thành công là giao dịch mà bên nhận chuyển nhượng đã thanh toán cho bên chuyển nhượng theo thỏa thuận và đã nhận quyền sử dụng đất.
  5. Xem Mục 3, Phần II, Thông tư Số: 145/2016/TT-BTC ngày 6/10/2016 của Bộ tài chính, ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 11; Mục 4, Phần II, Thông tư số 126/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 08, 09 và 10.
  6. Xem Mục 1 Điều 3, Mục 1 Điều 4 Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT.
  7. Xem Nghị định số 96/2019/NĐ-CP ngày 19/12/2019 của Chính phủ quy định về khung giá đất.
  8. Xem Khoản 2 Điều 3 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 11 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP.
  9. Xem Điều 3 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP; Điều 4 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 3 Nghị định 123/2017/NĐ-CP.
  10. Xem Điều 7, Điều 10 Thông tư Số 33/2017/TT-BTNMT sửa đổi, bổ sung Thông tư Số: 36/2014/TT-BTNMT.
  11. Xem khoản 1 Điều 17 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP.
  12. Hiện nay, Trung tâm Dữ liệu và Thông tin đất đai là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tổng cục Quản lý đất đai đã được thành lập từ năm 2009, có chức năng xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin đất đai và giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai; lưu trữ, xử lý và cung cấp thông tin, dữ liệu về đất đai.
  13. Trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bãi bỏ khung giá đất.
  14. Xem Mục 2.4, phần I, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cổng thông tin điện tử Chính phủ (2022). Toàn văn dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Truy cập tại:  https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-119220729070748081.htm
  2. Châu Hoàng Thân, (2018). Thực trạng pháp luật về thẩm định phương án giá đất cụ thể. Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Số 5/2018;
  3. Đức Minh (2022). Chuyên gia: giá đất nhà nước bằng 70%-80% giá thị trường. Truy cập tại:  https://plo.vn/chuyen-gia-gia-dat-nha-nuoc-bang-70-80-gia-thi-truong-post699142.html
  4. Ngân hàng thế giới (2011), Cơ chế nhà nước thu hồi đất và chuyển dịch đất đai tự nguyện ở Việt Nam, Báo cáo.

SOME INADEQUACIES OF PROVISIONS ON THE LAND PRICE WHICH ARE DETERMINED BY STATE AGENCIES IN VIETNAM

Master. Nguyen Dac  Van

Faculty of Law, Da Lat University

Abstract: 

This paper analyzes and clarifies the current provions on the land price which are determined by state agencies in Vietnam. The paper also points out some inadequacies of provisions on this issue and proposes some solutions to strengthen provisions on the land price.

Keywords: land price, laws on land, inadequacies, solutions.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6 tháng 3 năm 2023]