Đây là văn bản quan trọng, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS nhằm thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) (sau đây viết tắt là Luật năm 2020) dựa trên hai chính sách: (1) Tăng cường tiếp cận thông tin người nhiễm HIV và (02) Bảo đảm quyền được tiếp cập dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của mọi đối tượng với một số điểm mới đáng chú ý như sau:

  1. Sửa đổi, bổ sung khái niệm “Xét nghiệm HIV”,“Các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV” vàDự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV” tại Điều 2 về giải thích từ ngữ để bảo đảm cách hiểu thống nhất, chính xác phù hợp với nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật năm 2020.

Theo đó, “xét nghiệm HIV” là việc thực hiện các kỹ thuật chuyên môn nhằm xác định tình trạng nhiễm HIV trong mẫu máu, mẫu dịch sinh học của cơ thể người, bao gồm xét nghiệm sàng lọc HIV và xét nghiệm khẳng định HIV dương tính”.

 “Dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV” là việc sử dụng thuốc kháng HIV để phòng ngừa, giảm nguy cơ nhiễm HIV”.

  1. Bổ sungcác đối tượng được thông báo kết quả HIV dương tính và tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV

Nhằm bảo đảm dự phòng lây nhiễm HIV cho vợ, chồng, người chuẩn bị kết hôn, người sống chung như vợ chồng của người nhiễm HIV, Luật năm 2020 sửa đổi điểm b khoản 2 Điều 4 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) (sau đây viết tắt là Luật năm 2006) theo hướng quy định người nhiễm HIV phải có nghĩa vụ thông báo cho những đối tượng này. Đây là nội dung cần thiết để góp phần bảo vệ quyền được an toàn của mỗi cá nhân và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ người nhiễm HIV qua quan hệ tình dục.

Ngoài ra, nhằm bảo đảm đồng bộ với quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm Y tế và Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm để bảo đảm công tác khám chữa bệnh, chi trả khám chữa bệnh từ quỹ Bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV và triển khai công tác kiểm soát dịch HIV/AIDS được tốt hơn, Luật năm 2020 sửa đổi Điều 30 Luật năm 2006 theo hướng bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để bảo đảm lợi ích của người nhiễm HIV trong điều trị, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho họ cũng như phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV cho người trực tiếp chăm sóc, điều trị cho họ. Đồng thời, quy định phạm vi và nội dung thông tin của người nhiễm HIV được tiếp cận để bảo đảm giữ bí mật thông tin của người nhiễm HIV, nhưng vẫn thực hiện các nhiệm vụ trong phạm vi được giao.

  1. Điều chỉnh, bổ sung một số đối tượng được ưu tiên các biện pháp tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS

Luật năm 2020 đã sửa đổi khoản 2 Điều 11 Luật năm 2006 theo hướng mở rộng các đối tượng được ưu tiên tiếp cận thông tin giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS nhằm bảo đảm cung cấp sớm các kiến thức về HIV/AIDS, lợi ích, kỹ năng, phương pháp dự phòng lây nhiễm HIV cho những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Cụ thể, Luật năm 2020 quy định ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cho các đối tượng như: người nhiễm HIV; người sử dụng ma túy; người bán dâm; người chuyển đổi giới tính; vợ, chồng và thành viên khác của gia đình cùng sống chung với người nhiễm HIV; người di biến động; phụ nữ mang thai; phạm nhân, người bị tạm giam, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc, học sinh trường giáo dưỡng, học viên cơ sở cai nghiện ma túy; người dân tộc thiểu số; người sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người từ đủ 13 tuổi đến dưới 30 tuổi...

  1. Điều chỉnh, mở rộng sự tham gia của người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao trong thực hiện các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS

Theo đó, người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao được thực hiện các hoạt động như: cung cấp dịch vụ xét nghiệm sàng lọc HIV, sinh phẩm tự xét nghiệm sàng lọc HIV cho người có nguy cơ cao theo quy định của pháp luật; tư vấn và hỗ trợ cho người có hành vi nguy cơ cao tham gia điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm HIV...

  1. Luật hóa các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lẫy nhiễm HIV và quy định cụ thể các đối tượng được tiếp cận các biện pháp can thiệp giảm tác hại.

Nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi và đồng bộ với chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy, Luật năm 2020 đã sửa đổi Điều 21 Luật năm 2006 theo hướng luật hóa để quy định cụ thể các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lẫy nhiễm HIV hiện đang thực hiện theo quy định của Chính phủ và quy định cụ thể các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV bao gồm: cung cấp, hướng dẫn sử dụng bao cao su; cung cấp, hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch; dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; các biện pháp can thiệp giảm tác hại phù hợp khác. Trong đó bổ sung biện pháp can thiệp mới là “dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng vi rút HIV”. Đây là biện pháp kỹ thuật mới rất có hiệu quả trong phòng lây nhiễm HIV.

  1. Giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV.

 Luật năm 2020 quy định người từ đủ 15 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự được tự nguyện yêu cầu xét nghiệm HIV thay vì phải từ đủ 16 tuổi trở lên như Luật năm 2006 để bảo đảm phù hợp với tình trạng thực tế lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ hiện nay cần được xét nghiệm sớm để điều trị kịp thời nếu nhiễm HIV. Trường hợp người chưa thành niên nhiễm HIV thì cơ sở xét nghiệm sẽ thông báo cho cha mẹ, người giám hộ biết để kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện chăm sóc và điều trị cho trẻ (sửa đổi, bổ sung Điều 27 của Luật năm 2006).

  1. Quy định rõ nguồn lực chi trả xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai

 Nhằm khắc phục khó khăn do nguồn lực cho triển khai quy định phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV được miễn phí, Luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung các khoản 1, khoản 3, khoản 5 Điều 35 của Luật năm 2006 theo hướng quy định rõ nguồn lực chi trả xét nghiệm HIV miễn phí cho phụ nữ mang thai, cụ thể nguồn lực từ Quỹ bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước chi trả chi phí các xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai theo chỉ định chuyên môn.

  1. Điều chỉnh đối tượng được cấp miễn phí thuốc kháng HIV:

Theo đó Nhà nước cấp miễn phí thuốc kháng HIV cho các đối tượng sau đây:

(1) Người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp;

(2) Người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do rủi ro của kỹ thuật y tế;

(3) Người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tham gia cứu nạn;

(4) Phụ nữ và trẻ em có chỉ định điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con;

(5) Trẻ em dưới 06 tuổi nhiễm HIV;

(6) Người nhiễm HIV trong cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác”.

9. Bãi bỏ quy định về tạm đình chỉ điều tra, miễn chấp hành hình phạt đối với người bị AIDS giai đoạn cuối

Luật năm 2020 bãi bỏ Điều 42 Luật năm 2006 về tạm đình chỉ điều tra, miễn chấp hành hình phạt đối với người bị AIDS giai đoạn cuối, do khi người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS, nếu được điều trị ARV sẽ khỏe mạnh bình thường. Việc bỏ điều khoản này cũng nhằm bảo đảm quyền được điều trị HIV/AIDS cho những người nhiễm HIV trong cơ sở giam giữ, không để họ bị tử vong do AIDS nếu không được điều trị, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong thực thi pháp luật về thi hành án hình sự.

10. Bãi bỏ quy định về Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc cho người nhiễm HIV

Luật năm 2020 bãi bỏ Điều 44 Luật năm 2006 về Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc cho người nhiễm HIV. Việc bãi bỏ điều này không làm ảnh hưởng đến quyền được hỗ trợ, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS của người nhiễm HIV do hiện nay các chính sách của Nhà nước cũng đã đảm bảo hỗ trợ, chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021.