Một số động cơ thúc đẩy và rào cản hạn chế quá trình khởi sự kinh doanh của phụ nữ Việt Nam

THS. NGUYỄN THỊ THANH TÂM - THS. TRỊNH THỊ NHUẦN ( Bộ môn Quản trị tác nghiệp kinh doanh - Khoa Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Phụ nữ Việt Nam sở hữu hơn 31% tổng số doanh nghiệp trên thị trường, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế chung của cả nước, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội (theo Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2018). Do đó, khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp không chỉ giúp nâng cao sự đóng góp của phụ nữ vào nền kinh tế, mà còn giúp hiện thực hóa chiến lược của Chính phủ về xây dựng hình ảnh quốc gia khởi nghiệp. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh hiện tại không ngừng thay đổi với nhiều rào cản, khiến tỉ lệ nữ giới tham gia vào hoạt động kinh tế vẫn còn ở mức trung bình với các nước trong khu vực và trên thế giới. Bài viết tập trung phân tích một số động cơ thúc đẩy và rào cản hạn chế quá trình khởi sự kinh doanh của phụ nữ Việt Nam, từ đó đưa ra một số biện pháp để giúp phụ nữ khởi nghiệp vượt qua những rào cản thách thức và khuyến khích họ có nhiều động cơ khởi nghiệp đảm bảo thành công.

Từ khóa: Khởi sự kinh doanh, phụ nữ khởi nghiệp, động cơ, rào cản.

1. Đặt vấn đề

Khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Kết quả cuộc Tổng điều tra Doanh nghiệp năm 2015 của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có quy mô tương tự như các doanh nghiệp do nam giới làm chủ với doanh thu trung bình hàng năm tương tự nhau. Cụ thể, doanh thu trung bình hàng năm của các doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ làm chủ là 548.000 USD so với 543.000 USD của các doanh nghiệp nhỏ do nam giới làm chủ và 5,69 triệu USD đối với các doanh nghiệp vừa do phụ nữ làm chủ so với 5,76 triệu USD đối với các doanh nghiệp vừa do nam giới làm chủ. Để nâng cao hiệu quả và đóng góp của các phụ nữ khởi nghiệp và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong nền kinh tế, bản thân phụ nữ cần nhận thức rõ ràng được những biến động không ngừng trong môi trường kinh doanh hiện nay và đặc biệt là những rào cản để khởi sự kinh doanh mà phụ nữ phải đối mặt, khơi dậy những động cơ kinh doanh của bản thân người phụ nữ để giúp nâng cao tối đa khả năng thành công khi bắt đầu khởi tạo và điều hành doanh nghiệp của riêng mình.

2. Một số lý luận cơ bản về phụ nữ khởi nghiệp

2.1. Phụ nữ khởi nghiệp

Phụ nữ khởi nghiệp (Women Entrepreneur - WE) có thể hiểu theo nghĩa hẹp là những người phụ nữ tự mở doanh nghiệp và điều hành doanh nghiệp kinh doanh của mình. Họ có thể chỉ là doanh nghiệp một thành viên hoặc thuê các nhân viên làm việc cho mình. Hiểu theo nghĩa rộng hơn, có thể mở rộng trở thành nữ doanh nhân - phụ nữ làm chủ và điều hành doanh nghiệp của mình. Làm chủ ở đây có nghĩa là người phụ nữ phải có đủ số cổ phần hoặc quyền sở hữu để quyết định được hoạt động của doanh nghiệp (Nguyễn Hồng Sơn - Phan Chí Anh, 2013).

Gần đây, chủ đề phụ nữ với khởi nghiệp đã nhận được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu. Mặc dù, đa số các tác giả đều chỉ ra rằng, phụ nữ ít có khả năng phát triển và mở rộng quy mô doanh nghiệp, nhưng không đồng nghĩa họ không có tham vọng khởi nghiệp và phát triển. Cụ thể, Kelley và các cộng sự (2010) ước tính, có 126 triệu phụ nữ đang tham gia và điều hành các lĩnh vực kinh doanh mới tại 67 nền kinh tế trên thế giới và có 98 triệu phụ nữ đang điều hành công ty của chính họ. Họ tạo ra công ăn việc làm và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng và phúc lợi xã hội của các quốc gia.

2.2. Động cơ thúc đẩy

Theo Maier và Lawer (1975), “Động cơ thúc đẩy là sự khao khát và tự nguyện của mỗi cá nhân được kích thích bởi những công cụ phù hợp trong môi trường tổ chức, doanh nghiệp”. Trong mô hình về kết quả thực hiện công việc mà các tác giả này đề xuất (kết quả thực hiện công việc bằng khả năng và động lực) cho thấy động cơ thúc đẩy có tác động rất lớn đến thực hiện công việc của mỗi cá nhân. Điều này giải thích việc tại sao có những cá nhân có trình độ chuyên môn, năng lực làm việc cao nhưng kết quả công việc lại thấp hơn kỳ vọng của tổ chức, bởi người đó không có động cơ làm việc hoặc động cơ làm việc yếu.

Động cơ là nhu cầu đã trở nên bức thiết đến mức buộc con người phải hành động để thỏa mãn nó. “Động cơ là động lực gây sức ép, thúc đẩy con người hành động để thỏa mãn một nhu cầu hay ước muốn nào đó về vật chất hoặc về tinh thần hoặc cả hai” (Trần Minh Đạo, 2018).

2.3. Rào cản đối với phụ nữ khởi nghiệp

“Rào cản” là tất cả những gì gây trở ngại, khó khăn cho hoạt động tiếp cận một đối tượng nào đó của chủ thể. Trong tất cả các lĩnh vực đều có thể gặp phải những rào cản nhất định với mức độ ảnh hưởng khác nhau. Rào cản khởi nghiệp là những khó khăn cản trở trong quá trình người khởi sự kinh doanh đi đến thành công.

Do vị thế yếu hơn trong xã hội, phụ nữ bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh thường gặp phải nhiều rào cản hơn so với nam giới. Các rào cản này đến từ bản thân người phụ nữ và cả bên ngoài xã hội. Với nhiều người phụ nữ, rào cản đến từ phía gia đình là áp lực rất lớn khi yêu cầu đối với người khởi nghiệp cần có sự cống hiến cho công ty và hi sinh bản thân. Kết hợp với một số nghiên cứu trên thế giới và hoàn cảnh thực tế tại Việt Nam, một số rào cản và khó khăn đối với phụ nữ khởi nghiệp bao gồm: rào cản về tài chính, cạnh tranh, hạn chế trong di chuyển, quan hệ gia đình, thiếu đào tạo chuyên môn, thiếu khả năng đương đầu với rủi ro, hạn chế trong một số lĩnh vực,...

3. Thực trạng về động cơ thúc đẩy và rào cản hạn chế quá trình khởi sự kinh doanh của phụ nữ Việt Nam

3.1. Thực trạng chung của phụ nữ khởi nghiệp tại Việt Nam

Theo số liệu thống kê của Việt Nam, tính đến năm 2016, Việt Nam có trên 500.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 100.000 doanh nghiệp do nữ làm chủ (khoảng 20%). Còn theo kết quả khảo sát Chỉ số phát triển nữ doanh nhân do Mastercard công bố tháng 3/2017, Việt Nam có tỷ lệ doanh nghiệp do doanh nhân nữ lãnh đạo là 31,45%. Báo cáo của Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba (Trung Quốc) cũng cho thấy, doanh nhân nữ Việt Nam đứng thứ hai về tỷ lệ tham gia thương mại điện tử trong khu vực Đông Nam Á. (Biểu đồ 1)   

Đối với việc thành lập và phát triển doanh nghiệp, trong tổng số hơn 110 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới năm 2016, có hơn 30% là do phụ nữ đứng đại diện hoặc làm chủ doanh nghiệp. Tỷ lệ phụ nữ đăng ký thành lập mới doanh nghiệp rất ổn định trong vòng 5 năm qua, dao động từ 30% đến 32%. Tương tự, số doanh nghiệp nữ quay lại hoạt động trên tổng số doanh nghiệp quay lại hoạt động có chiều hướng tăng chậm và đạt 31,7% vào năm 2016.

Trong 5 năm qua, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể chiếm một tỷ lệ nhỏ hơn so với tỷ lệ đăng ký thành lập doanh nghiệp mới. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp nữ tạm ngừng kinh doanh đã tăng từ 2,3% năm 2012 lên 10% năm 2016; tỷ lệ doanh nghiệp nữ phá sản, giải thể tăng từ 10,9% lên 27,9% trong cùng giai đoạn. Như vậy, bên cạnh những doanh nhân nữ thành công, số lượng doanh nhân nữ thất bại cũng ngày càng nhiều, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

3.2. Thực trạng về động cơ khởi nghiệp của phụ nữ

Trong năm 2015, lần đầu tiên, tỷ lệ phụ nữ khởi nghiệp được đưa vào Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam. Kết quả cho thấy, có 15,5% phụ nữ được khảo sát có tham gia khởi nghiệp trong khi tỷ lệ này ở nam giới chỉ là 11,6%. Điều này làm cho Việt Nam trở thành quốc gia đứng đầu trong số 60 nước được khảo sát khi xem xét tỷ lệ phụ nữ khởi nghiệp/tỷ lệ nam giới khởi nghiệp. Tuy nhiên, các hoạt động khởi nghiệp của phụ nữ chủ yếu phục vụ nhu cầu thiết yếu hơn là tận dụng cơ hội để đáp ứng các nhu cầu khác của thị trường. Đa số khởi nghiệp của phụ nữ đều có quy mô nhỏ, siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ với phạm vi kinh doanh hẹp.

Nghiên cứu GEM đưa ra Chỉ số khởi nghiệp về bình đẳng giới, được tính bằng tỷ lệ nữ giới khởi nghiệp trên tỷ lệ nam giới khởi nghiệp. Nhìn chung, tỷ lệ nam giới tham gia vào kinh doanh thường cao hơn so với nữ giới. Mặc dù vậy, ngày càng có nhiều nữ giới tham gia vào kinh doanh hơn khi mà tỷ lệ nữ giới trên tổng số những người tham gia khởi nghiệp năm 2017 đã tăng 6% so với năm 2016. Chỉ có 3 nước có tỷ lệ nữ giới tham gia vào kinh doanh bằng hoặc cao hơn nam giới là Ecuador, Việt Nam và Brazil. Trong đó, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ nữ giới trên tổng số những người đang khởi sự kinh doanh cao nhất trong số 54 quốc gia được khảo sát năm 2017. Tuy nhiên, xét về động cơ khởi nghiệp, tỷ lệ nữ giới khởi sự kinh doanh vì nhu cầu thiết yếu cao hơn so với nam giới.

Giống như năm 2015, Việt Nam tiếp tục đứng đầu về tỷ lệ nữ giới/nam giới tham gia vào kinh doanh trong năm 2017. Chỉ số khởi nghiệp về giới tính của Việt Nam năm 2017 là 1,14 lần. Điều này cho thấy, nữ giới ở Việt Nam rất tích cực tham gia vào các hoạt động kinh doanh. (Biểu đồ 2)

Tuy nhiên, xét về động cơ, tỷ lệ nữ giới khởi nghiệp để tận dụng cơ hội ở Việt Nam ở mức thấp hơn so với nam giới, 82% so với 87%. Trái lại, tỷ lệ nữ giới khởi nghiệp vì nhu cầu thiết yếu ở Việt Nam lại cao hơn so với nam giới, 18% so với 13%. Nếu so sánh về tỷ lệ khởi nghiệp để tận dụng cơ hội giữa nữ giới và nam giới thì Việt Nam đạt 0,94 lần, đứng thứ 27/54. Điều này cho thấy, phụ nữ ở Việt Nam tham gia vào kinh doanh do yêu cầu của cuộc sống hơn là sự chủ động để tận dung cơ hội so với nam giới và điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả kinh doanh của họ. Đa số các hoạt động kinh doanh của phụ nữ có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chủ yếu trong lĩnh vực thương mại và phạm vi kinh doanh hẹp. Trong khu vực doanh nghiệp, tỷ lệ nữ giới làm chủ doanh nghiệp thấp hơn nhiều so với nam giới. Theo số liệu điều tra doanh nghiệp năm 2016 của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ nữ giới/nam giới là chủ doanh nghiệp năm 2016 chỉ đạt gần 37/100, nghĩa là số lượng chủ doanh nghiệp là nữ giới chỉ bằng khoảng 1/3 so với nam giới. (Biểu đồ 3)

3.3. Thực trạng các rào cản hạn chế quá trình phụ nữ khởi sự kinh doanh

Trên thực tế, trong quá trình khởi nghiệp, phụ nữ gặp không ít những rào cản khó khăn, các rào cản đến từ bản thân người phụ nữ và từ bên ngoài xã hội.

Cơ hội tiếp cận các khoản vay, hỗ trợ tài chính: Với bất cứ doanh nghiệp nào, tài chính là “dòng máu” duy trì sự sống của doanh nghiệp. Nhưng với nữ doanh nhân khởi nghiệp, một vấn đề thường xảy ra là họ thiếu nguồn lực tài chính và thiếu vốn lưu động. Rất ít phụ nữ khởi nghiệp có được tài sản hữu hình trong tay. Điều này xảy ra bởi 2 lý do chính. Tứ nhất, phụ nữ thường không có sở hữu tài sản trên danh nghĩa chính họ để có thể đạt được thế chấp tài sản dùng làm khoản vay ngân hàng. Như vậy khả năng tiếp xúc với các khoản vay của họ bị hạn chế. Thứ hai, các tổ chức tài chính không tin tưởng vào khả năng kinh doanh của phụ nữ và không khuyến khích phụ nữ vay.

Theo báo cáo phát hành cuối năm 2017 của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), phụ nữ Việt Nam đang trực tiếp quản lý và điều hành hoạt động của gần 100 nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thuộc các lĩnh vực khác nhau, chiếm khoảng 21% tổng số DNNVV tại Việt Nam. Điều đáng nói là trong công việc mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh, nhu cầu tài chính chưa được đáp ứng của bộ phận doanh nghiệp này lên đến 1,2 tỷ USD. Báo cáo nghiên cứu của IFC cũng chỉ ra, trong 2 năm qua, chỉ 37% DNNVV do phụ nữ làm chủ tiếp cận được các khoản vay ngân hàng so với 47% doanh nghiệp thuộc sở hữu của nam giới.

Mặt khác, số lượng các khoản vay dành cho khách hàng là các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ còn chiếm số lượng rất hạn chế, chỉ từ 3-4% tổng số khoản cho vay của các ngân hàng được điều tra. Điều này cho thấy mức độ tiếp cận các khoản vay từ các ngân hàng thương mại của phụ nữ còn rất thấp, chưa tương xứng với nhu cầu khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp của phụ nữ.

Cơ hội tiếp cận các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho quá trình khởi nghiệp: Thiếu kiến thức, kỹ năng trong kinh doanh như kiến thức quản trị doanh nghiệp, nhân sự, tài chính, marketing,... là một vấn đề lớn với các doanh nhân khởi nghiệp, đặc biệt là doanh nhân nữ. Khi bắt đầu khởi nghiệp, họ thường chỉ tập trung vào các điều kiện thành lập doanh nghiệp và đưa doanh nghiệp vào hoạt động ban đầu mà chưa tính tới các vấn đề phát sinh theo thời gian như quản trị, quản lý tài chính, truyền thông hay xúc tiến thương mại... Điều này thường gây ra những trở ngại rất lớn trong quản lý điều hành doanh nghiệp, dẫn tới việc doanh nghiệp vận hành khó khăn, khó phát triển hay thậm chí đổ vỡ.

Tại Việt Nam, rất nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề, các chương trình đào tạo đã được tổ chức nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phong trào phụ nữ khởi nghiệp và đem lại những tác động tích cực cho phong trào phụ nữ khởi nghiệp. Một trong những hoạt động đáng chú ý là Chương trình “Phụ nữ là doanh nhân” (#Phunuladoanhnhan) do Facebook và WISE (Mạng lưới Sáng kiến hỗ trợ Phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh) phối hợp tổ chức. Sau gần 1 năm hoạt động, chương trình đã trang bị cho doanh nhân nữ tại 11 tỉnh thành bao gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Cần Thơ, Trà Vinh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Vũng Tàu, Bình Dương, Huế và Đà Nẵng với những kiến thức, sự kết nối, kỹ năng và công nghệ cần thiết để xây dựng và phát triển hoạt động kinh doanh trực tuyến. WISE cũng là mạng lưới hoạt động tích cực trong phong trào hỗ trợ phụ nữ kinh doanh.

Dù mới chỉ được thành lập từ ngày 8/3/2017, mạng lưới này đã tổ chức được 14 hội nghị, hội thảo, diễn đàn với sự tham gia của hơn 1.500 phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh; tổ chức 11 lớp tập huấn với hơn 500 học viên phụ nữ; xây dựng được cộng đồng tương tác cao trên 5.000 thành viên và hơn 20 đối tác bao gồm các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế lớn. Năm 2018, WISE và Facebook dự định tổ chức 20 hội thảo tại 10 thành phố trên khắp Việt Nam, mang đến kiến thức cho 1.200 phụ nữ kinh doanh trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm: chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, thời trang, du lịch và giáo dục.

Trách nhiệm với gia đình: Tại các quốc gia châu Á đang phát triển như Việt Nam, gia đình là một trong các yếu tố quan trọng gây khó khăn cho phụ nữ trong khởi nghiệp kinh doanh. Phụ nữ vẫn phải đảm bảo có trách nhiệm với gia đình, dành thời gian cho các thành viên trong gia đình và các thành viên phụ thuộc như người già, trẻ em. Điều này làm giảm thiểu thời gian dành cho công việc của phụ nữ. Phụ nữ Việt Nam làm phần lớn công việc chăm sóc gia đình và việc nhà không được trả lương, cao gấp 2,5 lần so với nam giới (Rhodes và cộng sự, 2016).

Khả năng đương đầu với rủi ro: Thiên tính của phụ nữ khiến cho họ tránh các rủi ro và mạo hiểm trong kinh doanh. Điều này dẫn tới các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt được tính ổn định cao, nhưng cũng thiếu tính linh hoạt với thay đổi và dễ bỏ qua các cơ hội trong kinh doanh. 

Hạn chế trong một số lĩnh vực: Sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực kinh doanh còn thiên lệch trong lĩnh vực dịch vụ, bán lẻ, thủ công mà ít đi vào các ngành công nghiệp sử dụng máy móc, công nghệ dây chuyền trong kinh doanh. Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cũng thường ở quy mô vừa và nhỏ với số lượng nhân viên dưới 10 người.

Ngoài những khó khăn nêu trên đối với phụ nữ làm kinh doanh, vẫn còn nhiều vấn đề phụ nữ cần phải đối mặt như sự thiếu tự tin của chính bản thân người phụ nữ khi khởi nghiệp. Đây là những vấn đề người phụ nữ phải khắc phục được trong quá trình kinh doanh để đạt được thành công bên cạnh năng lực để khởi nghiệp mà họ vẫn phải trau dồi.

4. Một số giải pháp thúc đẩy phụ nữ Việt Nam khởi nghiệp

Trong những năm gần đây, nhiều chính sách, luật pháp, chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh đã được ban hành và đi vào thực hiện. Tuy vậy, để thực sự thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, Chính phủ và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ vốn tài chính và vốn phi tài chính để tạo cơ hội cho phụ nữ khởi nghiệp và phát triển bền vững. Vốn phi tài chính ở đây chính là năng lực nội tại, năng lực cạnh tranh để doanh nghiệp nữ phát triển, quản trị hiệu quả để phá vỡ rào cản mà không phải trông chờ hỗ trợ từ bên ngoài. Chính nguồn vốn này sẽ làm thay đổi văn hóa ứng xử trong gia đình để người chồng ủng hộ người vợ hơn trong việc khởi nghiệp, kinh doanh, để người phụ nữ không phải đánh đổi gia đình lấy sự nghiệp.

Thứ hai, tiếp tục cải cách hành chính giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính đối với khởi nghiệp và phát triển kinh doanh. Trong đó, tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để đảm bảo các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và khuyến khích chuyển đổi mô hình hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp được thực thi đầy đủ.

Thứ ba, thường xuyên tập huấn, đào tạo kiến thức như Lập kế hoạch kinh doanh, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, quản lý điều hành, marketing, tiếp cận thị trường từ các chuyên gia kinh tế, những nhà kinh doanh thành đạt, những kinh nghiệm quản trị kinh doanh tốt, giúp nâng cao năng lực cho các giám đốc, nhà quản lý nữ để họ có kiến thức sâu rộng khi tham gia kinh doanh. Tổ chức các lớp học về quản trị tài chính, hướng dẫn quản lý sử dụng vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ do nữ giới làm chủ.

Thứ tư, các nữ doanh nhân cần đầu tư nghiên cứu, xác định kĩ các mục tiêu khởi nghiệp - một trong những yếu tố quyết định khởi nghiệp thành công. Một mục tiêu kinh doanh rõ ràng cho phép các nữ doanh nhân tương lai định hướng đúng phương hướng và chiến lược khởi nghiệp. Theo đó, để thực hiện giải pháp này, nữ giới cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt các thông tin về nhu cầu sản phẩm trên thị trường, cũng như học hỏi kinh nghiệm khởi nghiệp từ các nữ doanh nhân đi trước, làm “kim chỉ nam” cho hoạt động của mình.

Thứ năm, các nữ doanh nhân cần quản lý thời gian hiệu quả, đảm bảo sắp xếp hài hòa công việc kinh doanh và công việc gia đình. Theo đó, nữ giới cần xây dựng, tổ chức thực hiện thời gian biểu hợp lý, không để các công việc chồng chéo lên nhau gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cá nhân và sự nghiệp.

Thứ sáu, các nữ doanh nhân cần phát huy vai trò người tiên phong trong cải thiện định kiến của xã hội. Nữ doanh nhân cần mạnh dạn bày tỏ quan điểm, kiến nghị của bản thân về vấn đề bình đẳng giới trong kinh doanh, cũng như cải thiện tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” vẫn còn tồn tại. Hơn thế nữa, nữ doanh nhân cũng cần phát huy vai trò định hướng môi trường hỗ trợ cho bộ phận nữ giới có ý định khởi nghiệp. Điều này không những góp phần xóa bỏ định kiến, phân biệt giới trong xã hội, mà còn nâng cao vị thế và tiếng nói của phụ nữ trên thương trường.

5. Kết luận

Tóm lại, không thể phủ nhận rằng phụ nữ có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của nhiều vị trí cao trong xã hội, nhưng người phụ nữ làm kinh doanh và tự khởi nghiệp vẫn gặp phải những rào cản thách thức đến từ bản thân người phụ nữ và từ bên ngoài xã hội. Đối với bản thân người phụ nữ, họ phải gánh vác gấp đôi số lượng công việc khi vừa lo kiếm thu nhập, vừa phải chăm sóc gia đình. Ngoài ra, các định kiến trong xã hội cũng hạn chế người phụ nữ về thời gian, cách thức, công việc, ngành nghề kinh doanh. Chính vì vậy, người phụ nữ muốn khởi nghiệp thành công cần phải có động cơ thúc đẩy và vượt qua mọi rào cản để kinh doanh đạt hiệu quả cao và có vị trí nhất định trong xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Đỗ, Khởi nghiệp làm doanh nhân, Nhà xuất bản Lao động xã hội, 2006.
  2. Đinh Việt Hòa, Tinh thần Khởi nghiệp kinh doanh, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014.
  3. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (2017), Hướng dẫn triển khai thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, Hà Nội.
  4. IFC (2017), Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam, Nhận thức và tiềm năng, Hà Nội.
  5. Nguyễn Hồng Sơn - Phan Chí Anh, Phụ nữ khởi nghiệp, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2013.
  6. Trần Văn Trang, Cẩm nang hiểu biết về kinh doanh, Sách hướng dẫn khởi nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Nhà xuất bản Thanh Niên, 2017.
  7. VCCI, Báo cáo chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2015, Nhà xuất bản Giao thông vận tải, Hà Nội, 2016.
  8. VCCI, Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2016, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2017.
  9. VCCI, Báo cáo chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2017/2018, Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội, 2018.

Some motivations and barriers affect the startup process

of Vietnamese women

 Master. Nguyen Thi Thanh Tam

Master. Trinh Thi Nhuan

Department of Business Operation Management Faculty of Business Administration Thuongmai University

ABSTRACT:

According to Vietnam Business Forum 2018, Vietnamese women own more than 31% of the total number of enterprises in Vietnam, contributing significantly to the overall economic development of the country and creating many jobs for society. Therefore, encouraging women to start their businesses not only enhances their contribution to the economy, but also helps to realize the Government's strategy of building a startup nation. However, the current business environment is constantly changing with many barriers, posing difficulties to women in starting businesses. This paper focuses on analyzing some motivations and barriers that limit the process of starting a business of Vietnamese women, thereby offering some measures to help Vietnamese women’s start-up overcome challenges and motivate Vietnamese women’s startups.

Keywords: Starting a business, women’s startup, motivation, barrier.