Một số giải pháp hoàn thiện Luật Thương mại năm 2005 trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam

CAO THANH HUYỀN (Bộ môn Luật Thương mại, Khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội)

TÓM TẮT:

Sau gần 15 năm có hiệu lực thi hành, Luật Thương mại năm 2005 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Bài viết tập trung chỉ ra sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung Luật Thương mại năm 2005. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện Luật Thương mại năm 2005 trong điều kiện hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Luật Thương mại năm 2005, hạn chế, bất cập, giải pháp hoàn thiện.

1. Sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Thương mại năm 2005

Luật Thương mại năm 2005 (LTM 2005) đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2006.

Hiện tại, đây là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất quy định về các vấn đề liên quan đến việc thực hiện hoạt động thương mại trên lãnh thổ Việt Nam. Sự ra đời của LTM 2005 đã đáp ứng kịp thời yêu cầu hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, khắc phục những hạn chế của Luật Thương mại năm 1997 thông qua việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, sửa đổi các quy định không còn phù hợp, bổ sung những hoạt động thương mại mới, đồng thời tập hợp các hoạt động thương mại cùng tính chất trong các chương riêng, thay vì quy định dàn trải như trước đây.

Qua gần 15 năm thực hiện, LTM 2005 đã có những tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội, tạo ra hành lang pháp lý thống nhất cho các hoạt động kinh doanh thương mại trên thực tế và góp phần cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thế giới nói chung, nền kinh tế Việt Nam nói riêng trong thời gian qua, LTM 2005 đã bộc lộ những hạn chế nhất định, đòi hỏi phải sửa đổi vì nhiều lý do, trong đó có thể kể đến các lý do cơ bản sau đây:

Thứ nhất, kể từ khi Việt Nam chính thức gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các hoạt động thương mại ở nước ta đã có sự phát triển mạnh mẽ. Thêm vào đó, rất nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành đã được ban hành hoặc đang được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của hoạt động thương mại. Do đó, nhiều chế định của LTM 2005 đã tỏ ra lỗi thời, không còn phù hợp với thực tiễn, vô tình trở thành rào cản cho các thương nhân khi hoạt động trên thị trường. Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, điều bất cập lớn nhất hiện nay của LTM 2005 đó là, tuy được coi là luật chung tạo nền tảng cho các hoạt động thương mại của thương nhân, song hầu hết các quy định quan trọng về hoạt động thương mại, chính sách thương mại trong quan hệ thương mại tư đều không thể tìm thấy trong Luật.

Thay vào đó, những quy định này lại chủ yếu được tìm thấy trong các văn bản pháp luật chuyên ngành hay hệ thống chằng chịt các thông tư và hướng dẫn quy định dưới Luật. Điều này tạo ra khoảng cách khác biệt lớn giữa LTM 2005 với các luật chuyên ngành và các Thông tư, Nghị định, từ đó gây khó khăn và bất cập cho việc thực thi pháp luật[1].

Thứ hai, ngày 24/11/2015, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 (BLDS 2015), có hiệu lực từ ngày 01/01/2017. BLDS 2015 ra đời thay thế cho BLDS 2005 đã đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực luật tư có liên quan, trong đó có LTM 2005. Trong bối cảnh đó, người ta dễ dàng nhận thấy: rất nhiều quy định trong LTM 2005 trùng lặp hoặc mâu thuẫn với quy định của BLDS 2015, như quy định liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa, gia công trong thương mại, cho thuê hàng hóa, đấu giá hàng hóa, hay các quy định về việc xử lý hành vi vi phạm hợp đồng,... Theo nguyên tắc áp dụng Luật được đặt ra trong LTM 2005, hoạt động thương mại đặc thù được quy định trong luật chuyên ngành thì áp dụng quy định của luật chuyên ngành.

Hoạt động thương mại không được quy định trong LTM và trong các luật khác thì áp dụng quy định của BLDS. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, LTM 2005 đã bỏ sót rất nhiều quy định quan trọng liên quan đến các hoạt động thương mại trên thực tế, hoặc nếu có, những quy định này cũng không phù hợp với quy định trong các luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn thi hành. Do vậy, dường như LTM 2005 chỉ được sử dụng để dẫn chiếu, trong khi BLDS 2015, Luật chuyên ngành và các Nghị định, Thông tư chủ yếu được áp dụng. Điều này khiến cho sự tồn tại của LTM 2005 trở nên không cần thiết, vì những quy định chồng chéo của LTM đã làm phức tạp hơn vấn đề áp dụng luật cho các quan hệ tư, đặc biệt là với BLDS.

Thứ ba, Chính phủ Việt Nam tiếp tục thành công trong việc đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với các quốc gia và tổ chức quốc tế trong khu vực và trên thế giới, trong đó không thể không kể đến Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Việc tham gia 2 hiệp định này mang lại rất nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam, song bên cạnh đó cũng đặt ra yêu cầu và thách thức không nhỏ trong việc hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật có liên quan, tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư kinh doanh của các nhà đầu tư trong và ngoài nước thời gian tới. LTM 2005 là một trong những đạo luật quan trọng, tác động rất lớn đến hoạt động của các nhà đầu tư, do đó, việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của LTM 2005 được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.

Có thể thấy, với những lý do nêu trên, việc sửa đổi, hoàn thiện LTM 2005 là cần thiết nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới. Không chỉ thế, cùng với Luật Doanh nghiệp (2014) và Luật Đầu tư (2014), việc sửa đổi LTM 2005 sẽ đảm bảo tính tương thích của pháp luật doanh nghiệp - đầu tư - thương mại Việt Nam với các điều ước quốc tế đã ký kết, đảm bảo sự hấp dẫn của môi trường kinh doanh Việt Nam với các nhà đầu tư quốc tế.

2. Kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện Luật Thương mại năm 2005

Thứ nhất, khắc phục sự chồng chéo giữa LTM với BLDS và các luật chuyên ngành:

Để khắc phục hạn chế này, các nhà làm luật cần nghiên cứu bỏ cách tiếp cận LTM là luật chung áp dụng cho các hoạt động thương mại. Thay vào đó, LTM sẽ là luật chuyên ngành và có vị trí tương tự như các luật chuyên ngành khác[2]. Nói cách khác, LTM sẽ chỉ tập trung các quy định về các hoạt động thương mại mang tính đặc thù. Đối với những hoạt động không có tính thương mại, hoặc vừa có tính chất thương mại, vừa có tính chất dân sự, thiết nghĩ nên nghiên cứu loại bỏ khỏi LTM và chỉ quy định trong BLDS hay các luật chuyên ngành để đảm bảo tính thống nhất, tránh sự chồng chéo không cần thiết. Cụ thể, BLDS 2015 đã quy định rất chi tiết về các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động mua bán tài sản, cho thuê tài sản, gia công, hay các quy định về việc xử lý các hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Vì vậy, nếu quy định không có gì khác biệt, LTM nên lược bỏ những quy định này.

Tương tự như vậy, hiện nay hoạt động đấu giá hàng hóa, đấu thầu hàng hóa, dịch vụ và quảng cáo thương mại vừa được điều chỉnh bởi LTM 2005 và các luật chuyên ngành, bao gồm: Luật Đấu giá tài sản năm 2016, Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Quảng cáo năm 2012. Trong đó, những quy định của LTM 2005 về những hoạt động này chỉ mang tính chung chung, khó áp dụng, thậm chí không thể áp dụng trên thực tế.

Thêm vào đó, những luật chuyên ngành được ban hành sau đã có những quy định mới, phù hợp hơn với thực tiễn, khiến cho các quy định của LTM 2005 trở nên lỗi thời, lạc hậu. Vì vậy, để tránh gây ra sự khó khăn cho quá trình áp dụng, các nhà làm luật cần nghiên cứu sửa đổi LTM 2005 cho phù hợp với các văn bản pháp luật chuyên ngành được ban hành sau, hoặc lược bỏ các quy định về đấu giá, đấu thầu và quảng cáo vì đã có văn bản pháp luật điều chỉnh chi tiết.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật không phù hợp, chưa rõ ràng, đáp ứng kịp thời sự phát triển của hoạt động thương mại và đảm bảo sự tương thích của LTM với các văn bản pháp luật thương mại và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tính đến thời điểm hiện tại, LTM 2005 đã có hiệu lực thi hành được 14 năm. Trong khoảng thời gian này đã có rất nhiều sự thay đổi của các chính sách pháp luật có liên quan, nhiều điều ước quốc tế mới được ký kết và các quan hệ thương mại cũng phát triển nhanh chóng. Đáp ứng sự thay đổi không ngừng của thực tiễn thực hiện hoạt động thương mại, nhiều văn bản Luật chuyên ngành cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành LTM đã được ban hành, trong khi văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất quy định chung về hoạt động thương mại - LTM 2005 - lại chỉ được sửa đổi, bổ sung chính thức một lần duy nhất vào năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018), chủ yếu liên quan đến các quy định về xuất nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh hàng hóa. Vì vậy, trong thời gian tới, các nhà làm luật cần nghiên cứu khắc phục các hạn chế, bất cập trong LTM 2005, cụ thể như sau:

Một là, mở rộng, quy định rõ ràng hơn về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của LTM 2005. Theo quy định tại Điều 2 LTM 2005, đối tượng áp dụng của LTM 2005 bao gồm: thương nhân thực hiện hoạt động thương mại và tổ chức, cá nhân khác hoạt động có liên quan đến thương mại. Quy định này chưa bao quát được hết mối quan hệ giữa các chủ thể thực hiện hoạt động thương mại trên thực tế, bao gồm: cá nhân thực hiện hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh với nhau; cá nhân thực hiện hoạt động thương mại với thương nhân; thương nhân/cá nhân thực hiện hoạt động thương mại với người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, quy định “tổ chức, cá nhân khác hoạt động có liên quan đến thương mại” không rõ ràng và cũng không có quy định hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, LTM cần bổ sung thêm đối tượng áp dụng và quy định rõ hơn về những tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến thương mại. Việc mở rộng đối tượng áp dụng không chỉ phù hợp với thực tiễn mà còn để phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan như Luật Trọng tài thương mại năm 2010.

Hai là, sửa đổi lại khái niệm về thương nhân. Theo Khoản 1 Điều 6 LTM 2005: “thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh”. Với quy định này, một trong những dấu hiệu nhận diện chủ thể kinh doanh là thương nhân đó là: cá nhân hoạt động thương mại một cách thường xuyên. Quy định này không còn phù hợp với thực tiễn khi có những cá nhân hoạt động ở khu vực “phi chính thức” cũng nhằm mục đích sinh lợi nhưng hoạt động không thường xuyên như buôn bán ô tô, bảo hiểm, bất động sản…

Bên cạnh đó, việc yêu cầu thương nhân phải có đăng ký kinh doanh cũng không phù hợp với quy định pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam là một trong số ít quốc gia còn nhận diện thương nhân theo phương thức quản lý nhà nước đối với chủ thể này, thay vì chỉ nhận diện dựa trên bản chất thương mại của thương nhân. Quy định này đã tạo ra sự phân biệt đối xử không cần thiết giữa các chủ thể được gọi là thương nhân với các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên nhưng không đăng ký kinh doanh.

Không chỉ thế, mặc dù coi “có đăng ký kinh doanh” là một trong những dấu hiệu nhận diện thương nhân, nhưng ngay tại Điều 7 LTM 2005 lại quy định: “Thương nhân có nghĩa vụ đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trường hợp chưa đăng ký kinh doanh, thương nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật”. Với quy định này, có thể hiểu LTM 2005 vẫn thừa nhận các tổ chức, cá nhân là thương nhân ngay cả khi những chủ thể này không có đăng ký kinh doanh.

Để khắc phục hạn chế này, thiết nghĩ các nhà làm luật nên nghiên cứu lại khái niệm về “thương nhân” theo hướng chỉ quy định về bản chất của thương nhân, đảm bảo mở rộng tối đa phạm vi áp dụng của LTM tới mọi chủ thể kinh doanh trong xã hội.

Ba là, sửa đổi một số quy định liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa, bao gồm: quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu hàng hóa quy định tại Điều 62 LTM 2005, hay quy định về thời điểm chuyển rủi ro từ Điều 57 đến Điều 61 LTM 2005. Cụ thể: bổ sung thêm các trường hợp chuyển quyền sở hữu hàng hóa và các trường hợp chuyển rủi ro đối với trường hợp hàng hóa phải đăng ký quyền sở hữu, trường hợp mua trả góp, mua dùng thử,... Ngoài ra, để đảm bảo sự phù hợp với Công ước Viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, LTM cần bổ sung thêm các quy định về trường hợp bên mua được yêu cầu giảm giá bán hàng hóa đối với trường hợp không từ chối nhận hàng không phù hợp với hợp đồng, hay các quy định về nghĩa vụ bảo hành hàng hóa của bên bán.

Bốn là, sửa đổi các quy định về các hoạt động trung gian thương mại. Cụ thể: (i) Đối với hoạt động môi giới thương mại, LTM cần bổ sung quy định rõ ràng về hình thức của hợp đồng môi giới thương mại, theo hướng cho phép các bên có quyền tự quyết định hình thức của hợp đồng dưới dạng văn bản hoặc các hình thức có giá trị pháp lý tương đương văn bản. (ii) Đối với hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa, LTM cần làm rõ trường hợp bên nhận uỷ thác không làm theo đúng sự chỉ dẫn của bên ủy thác nhưng mang lại lợi ích kinh tế cho bên ủy thác sẽ giải quyết như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên. (iii) Đối với hoạt động đại lý thương mại, bổ sung thêm quy định cho phép bên đại lý có thể là thương nhân hoặc không phải là thương nhân để phù hợp với thực tiễn thực hiện hoạt động thương mại này.

Năm là, sửa đổi, bổ sung các quy định về dịch vụ logistics và nhượng quyền thương mại, đặc biệt là các quy định về khái niệm, điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics, khái niệm và các hình thức nhượng quyền thương mại.

Sáu là, hoàn thiện các quy định về chế tài thương mại. Quy định về chế tài thương mại hiện nay còn nhiều bất cập như quy định về mức phạt vi phạm tối đa không còn phù hợp và cản trở quyền tự do thỏa thuận của các bên trong quan hệ hợp đồng, chưa quy định rõ ràng về mối quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm với chế tài bồi thường thiệt hại và các chế tài khác như tạm dừng, đình chỉ hay huỷ bỏ hợp đồng. (i) Đối với quy định về mức phạt vi phạm tối đa đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng: để đảm bảo sự phù hợp với quy định của BLDS 2015 và tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên trong quan hệ hợp đồng, thiết nghĩ LTM 2005 nên tăng mức phạt vi phạm tối đa hoặc cho phép các bên tự do thỏa thuận về mức phạt này. (ii) Đối với quy định về mối quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và các chế tài tạm ngừng, đình chỉ, hủy bỏ hợp đồng: để đảm bảo nguyên tắc tự do hợp đồng, thiết nghĩ LTM 2005 nên cho phép các bên thỏa thuận về việc áp dụng đồng thời hoặc không đồng thời chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại thay vì bắt buộc phải áp dụng đồng thời cả hai chế tài đối với cùng một hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng như hiện nay (trong trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm).

Bên cạnh đó, LTM cũng cần bổ sung quy định về việc áp dụng đồng thời các chế tài tạm ngừng, đình chỉ và hủy bỏ hợp đồng với các chế tài thương mại khác như phạt vi phạm hay bồi thường thiệt hại để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình thi hành pháp luật.

Bảy là, các nhà làm luật cần nghiên cứu bổ sung vào LTM một số hoạt động thương mại mới, phù hợp với thực tiễn phát triển hoạt động thương mại ở nước ta trong thời gian gần đây, đồng thời đảm bảo thực hiện đúng cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ của Việt Nam với WTO. Cụ thể: Hoạt động bán buôn, bán lẻ là 2 trong số 4 phân ngành của ngành dịch vụ phân phối (theo WTO), cùng với hoạt động đại lý và nhượng quyền thương mại[3]. Đây đều là những hoạt động thương mại đang rất phát triển ở Việt Nam, nhưng số lượng văn bản pháp luật chính thức điều chỉnh 2 hoạt động này chưa nhiều. LTM có thể bổ sung các quy định điều chỉnh 2 hoạt động thương mại này./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:

[1] Hiếu Minh, Sửa Luật Thương mại để cải thiện môi trường kinh doanh, nguồn truy cập: https://tinnhanhchungkhoan.vn/phap-luat/sua-luat-thuong-mai-de-cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-132558.html

[2] Hiếu Minh, Sửa Luật Thương mại để cải thiện môi trường kinh doanh, nguồn truy cập: https://tinnhanhchungkhoan.vn/phap-luat/sua-luat-thuong-mai-de-cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-132558.html

[3] Phan Thu, Cần sửa đổi Luật Thương mại, nguồn truy cập: www.baohaiquan.vn/Pages/Luat-Thuong-mai-2005-sua-doi-thong-qua-vao 2018.aspx

Some solutions to improve the effectiveness of the Commercial Law 2005 in the context of Vietnam’s current economic development

Cao Thanh Huyen

Department of Commercial Law, Faculty of Economic Law, Hanoi University of Law

TÓM TẮT:

After nearly 15 years of implementation, the Commercial Law 2005 has revealed many its limitations and inadequacies. This paper presents the necessity of amending and supplementing the Commercial Law 2005. This paper also offers some solutions to improve the effectiveness of the Commercial Law 2005 in the context of Vietnam’s deeply integration into the world economy.

Từ khóa: Commercial Law 2005, limitation, inadequacy, solution.