Một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố Hải Phòng

Thượng tướng, PGS. TS. NGUYỄN VĂN THÀNH (Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an)

TÓM TẮT:

Những năm gần đây, Hải Phòng đã có những bước phát triển đột phá, nhất là trên lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, đô thị, cũng như phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an sinh xã hội. Nhờ đó, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI - Provincial Competitiveness Index) của Hải Phòng cũng đã được cải thiện đáng kể. Bài viết đã nêu rõ thực trạng PCI của TP. Hải Phòng giai đoạn 2017 - 2019, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao PCI của TP. Hải Phòng trong thời gian tới.

Từ khóa: Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, PCI, thành phố Hải Phòng, phát triển kinh tế.

 1. Tổng quan về tình hình phát triển kinh tế của TP. Hải Phòng

Hải Phòng từ lâu đã nổi tiếng là cảng biển lớn nhất ở miền Bắc, đầu mối giao thông quan trọng với hệ thống giao thông thủy, bộ, đường sắt, hàng không trong nước và quốc tế, là cửa chính ra biển của Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; là đầu mối giao thông quan trọng của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ, và cửa chính ra biển của hai hành lang - một vành đai hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.

Kinh tế của thành phố phát triển theo hướng phát triển bền vững: Năm 2019, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều đạt mức tăng trưởng cao, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, có chỉ tiêu hoàn thành vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm (2016-2020). Kết quả tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 16,68%, cao nhất từ trước đến nay với cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, đúng định hướng, phù hợp với yêu cầu thúc đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa: nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 4,73% (năm 2018 là 5,18%); công nghiệp, xây dựng chiếm 48,20% (năm 2018 là 45,41%); dịch vụ chiếm 41,10% (năm 2018 là 43,01%). Đặc biệt tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người (GRDP/người) năm 2019 ước đạt 122,1 triệu đồng/người, tăng 17,3 triệu đồng/người so với năm 2018 với năng suất lao động tiếp tục được cải thiện tăng đều qua các năm, thể hiện rõ động lực chủ yếu trong tăng trưởng kinh tế, ước đạt 219,9 triệu đồng/lao động cùng với việc sử dụng vốn đầu tư hiệu quả (hệ số ICOR) khoảng 3,99 năm 2019, tăng so với hệ số 3,38 của năm 2018[1].

Có được kết quả này do TP. Hải Phòng đặc biệt quan tâm đến công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh được xác định là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt để đảm bảo thành phố phát triển bền vững. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2019 đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố; chỉ số cải cách hành chính năm 2019 đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố và tiếp tục giữ vị trí TOP 5 đứng đầu trên bảng xếp hạng; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 thuộc nhóm tỉnh, thành phố có điểm số tốt với 68,73 điểm, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố, cao hơn 6 bậc so với năm 2018[2].

6 tháng đầu năm 2020 trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid 19, kinh tế thành phố vẫn đạt được những kết quả ấn tượng, nhiều chỉ tiêu tăng cao so với cùng kỳ năm trước cũng như mặt bằng chung cả nước. Thành phố đã thực hiện kết nối các dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia, hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với tổng số 549 dịch vụ[3] trên địa bàn thành phố, bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vỹ. Năm 2020, Thành phố hoàn thành việc tích hợp tối thiểu 30% các dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia, góp phần quan trọng, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ các doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn Thành phố.

2. Thực trạng PCI của TP. Hải Phòng giai đoạn 2017 – 2019

Bảng : Chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của TP. Hải Phòng

giai đoạn 2017 – 2019

nang_luc_canh_tranh_cua_hai_phong (Nguồn: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tháng 4/2020).

Năm 2017, Hải Phòng đạt 65,15 điểm, vươn lên vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành trong Bảng xếp hạng, tăng 12 bậc so với năm 2016. Đây là lần đầu tiên Hải Phòng lọt vào top 10 trong Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Mô hình đột phá của Hải Phòng trong năm 2017 được ghi nhận là Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố[4]. Đây là 1 trong những địa chỉ tiếp nhận thông tin ban đầu và trực tiếp trao đổi với các nhà đầu tư đang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Hải Phòng.

Bên cạnh đó, TP. Hải Phòng cũng đã trực tiếp tổ chức đối thoại doanh nghiệp thường kỳ hàng tháng. Hội nghị này được coi như một diễn đàn để doanh nghiệp bày tỏ vướng mắc cũng như kiến nghị những khó khăn trong quá trình sản xuất - kinh doanh, qua đó lãnh đạo Thành phố nắm bắt được những thông tin phản ánh để rà soát lại công việc của các cấp, các ngành nhằm chỉ đạo rút kinh nghiệm hoặc khắc phục ngay những khó khăn giúp doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc. Nhờ đó, trong năm 2016, 2017, Hải Phòng đã giải quyết triệt để được 70% số lượt kiến nghị của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đến năm 2018, vị trí top 10 trong Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hải Phòng không được duy trì như năm 2017. Theo đó, Hải Phòng đứng vị trí thứ 16/63 tỉnh, thành phố, đứng thứ 5/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng, đạt 64,48 điểm, giảm 0,67 điểm và giảm 07 bậc so với năm 2017. Chỉ số gia nhập thị trường vốn rất tốt những năm trước, từ 7,94 điểm năm 2017 giảm xuống còn 7,42; Cạnh tranh bình đẳng từ 5,5 giảm xuống còn 5,21; Đào tạo lao động từ điểm số rất cao năm 2017 là 8,17 giảm xuống còn 7,81;… Đây là những chỉ số khá quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới điểm số tổng hợp PCI[5].

Mặc dù vậy, với 64,48 điểm tổng hợp, tuy giảm 0,67 điểm so với năm 2017, nhưng Hải Phòng không cách biệt quá xa so với nhóm các tỉnh, thành phố nằm trong top 10 (như: TP. Hồ Chí Minh xếp thứ 10 với 65,34 điểm; Hà Nội xếp thứ 9 với 65,40 điểm;…). Hơn nữa, nếu so với chính thành phố trong những năm trước thì đây là sự cố gắng lớn (năm 2014 đạt 58,25 điểm; năm 2015 đạt 58,65 điểm; năm 2016 đạt 60,10 điểm; năm 2017 đạt 65,15 điểm). Đáng chú ý, trong 10 chỉ số thành phần của PCI thì Hải Phòng có nhiều chỉ số có bước tiến quan trọng. Cụ thể, chỉ số tiếp cận đất đai từ 5,86 năm 2017 tăng lên 6,5 điểm; tính minh bạch từ 5,73 tăng lên 5,89; chi phí không chính thức từ 6,02 giảm còn 5,18; tính năng động của chính quyền tỉnh từ 5,22 tăng lên 5,46; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp từ 6,74 tăng lên 6,75; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự từ 5,48 tăng lên 6,09…[6].

Năm 2019, TP. Hải Phòng vươn lên xếp thứ 10, vinh dự đứng trong top 10 địa phương có chỉ số PCI tốt nhất trong tổng số 63 tỉnh, thành cả nước, vượt 6 bậc so với năm 2018 và xếp vị trí thứ 4/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong 10 chỉ số thành phần, TP. Hải Phòng có 8 chỉ số tăng điểm: Tiếp cận đất đai: +0,4; Tính minh bạch: +0,61; Chi phí không chính thức: +0,93; Cạnh tranh bình đẳng: +1,23; Tính năng động của chính quyền địa phương:+0,61; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp: +0,1; Đào tạo lao động: +0,43; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự: +0,75. Thành phố chỉ có 2 chỉ số giảm điểm: Gia nhập thị trường: -0,29; Chi phí thời gian: -0,41[7]. Riêng về chỉ số đào tạo lao động, Hải Phòng đứng đầu cả nước với 8,24 điểm. Đây là chỉ số thành phần mà các doanh nghiệp có mức độ hài lòng cao đối với Hải Phòng những năm gần đây[8]. Đây là lần thứ hai, Thành phố nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu PCI cả nước và trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt. 

Biểu đồ: So sánh PCI của thành phố Hải Phòng với PCI của các tỉnh

Đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2018 - 2019

so_sanh_pci_cua_thanh_pho_hai_phong_voi_pci_cua_cac_tinh_dong_bang_song_hong (Nguồn: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tháng 4/2020)

Có được kết quả đó là nhờ những nỗ lực cải cách mà Hải Phòng đã và đang triển khai mạnh mẽ với mục tiêu là tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Từ khi triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020, đặc biệt là sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy và cả hệ thống chính trị vào cuộc. Hải Phòng đã liên tục đưa nội dung “Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh” vào chủ đề hành động hàng năm, tạo thuận lợi và những lợi ích rõ nét, phản ánh nỗ lực của thành phố với nhiều giải pháp cụ thể, chi tiết, thiết thực. Trong đó, cải cách hành chính được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, những hoạt động như đối thoại doanh nghiệp được tổ chức thường xuyên, định kỳ, kết hợp giải quyết triệt để những khó khăn vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp từ cơ sở, đã góp phần thúc đẩy năng lực PCI của TP.Hải Phòng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, hiện tại thành phố Hải Phòng vẫn đang có 2 chỉ số giảm điểm, cụ thể là: Chỉ số Gia nhập thị trường: -0,29; và chỉ số Chi phí thời gian: -0,41[9]. Đặc biệt, so với yêu cầu tăng tốc, phát triển, với mục tiêu đạt thứ hạng cao hơn trong bảng xếp hạng PCI. Việc duy trì sự bền vững của thứ hạng này cũng đòi hỏi Hải Phòng không ngừng thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp tổng thể trong bối cảnh hiện nay nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như: Cần Thơ, Lào Cai, Tây Ninh, Bắc Ninh, Khánh Hòa, Thái Nguyên,… cũng đang có những chuyển biến rất mạnh mẽ. 

3. Giải pháp nâng cao PCI của thành phố Hải Phòng trong thời gian tới

Để khắc phục những hạn chế và tiếp tục tạo những chuyển biến tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh và xếp hạng của chỉ số PCI, Hải Phòng cần tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm tiếp tục duy trì và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Thành phố trong năm 2020 - 2021 và những năm tiếp theo. Theo đó, một số giải pháo cụ thể như sau:

Một là, các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn Thành phố cần tiếp tục triển khai xây dựng Kế hoạch nâng cao chỉ số PCI của đơn vị trên cơ sở bám sát các chỉ số thành phần để đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, chi tiết, theo sát thực tế thuộc lĩnh vực của ngành, cấp mình phụ trách. Kế hoạch nâng cao chỉ số PCI của đơn vị phải xây dựng chi tiết và tổ chức thực hiện các thủ tục hành chính, đảm bảo “tăng tỷ lệ người dân và doanh nghiệp nộp hồ sơ hợp lệ ngay từ lần nộp đầu tiên và giảm tỷ lệ hồ sơ sửa đổi, bổ sung ở mức thấp nhất”. Các sở, ban, ngành, địa phương cần tiến hành rà soát những thủ tục hành chính thường xuyên phát sinh số lượng lớn, liên quan nhiều đến người dân, doanh nghiệp để cải tiến mạnh mẽ về thời gian và chất lượng phục vụ, giải quyết.

Hai là, các sở, ban, ngành, địa phương cần tiến hành thực hiện đánh giá mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử thành phần và tại bộ phận một cửa của đơn vị. 

Các sở, ban, ngành, địa phương cần coi trọng việc nâng cao trách nhiệm, nhận thức cho cán bộ, viên chức, đồng thời thực hiện nghiêm túc việc đánh giá mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử thành phần và tại bộ phận một cửa của đơn vị. Căn cứ kết quả khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp để khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế của đơn vị. Để đảm bảo thống nhất trong thực hiện, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố cần hướng dẫn, hỗ trợ các sở, ban, ngành, địa phương đánh giá mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử thành phần.

Bên cạnh đó, để cải thiện và duy trì mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần tăng cường thông tin, trao đổi với doanh nghiệp về cách thức đăng ký doanh nghiệp trực tuyến, thường xuyên cập nhật các số liệu đăng ký doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử thành phần để người dân và doanh nghiệp được biết. Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ, thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp trực tuyến, phấn đấu đạt tỷ lệ từ 98% - 100% số lượng hồ sơ đăng ký doanh nghiệp nộp trực tuyến. Các sở, ban, ngành, địa phương cần nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ, giảm thời gian cấp phép Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chuyên ngành. Đối với Ủy ban nhân dân các quận, huyện cần thực hiện liên thông thủ tục đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế.

Ba là, đào tạo kỹ năng giao tiếp cho đội ngũ cán bộ công chức, đặc biệt là cán bộ công chức tại bộ phận một cửa để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính. Đội ngũ cán bộ, công chức phải thay đổi mạnh mẽ về thái độ, trách nhiệm, tác phong thực hiện công vụ; giao tiếp với người dân và doanh nghiệp trên tinh thần “hỗ trợ - lắng nghe thấu hiểu - thân thiện - nhiệt tình”.

Mới đây, ngày 29/7/2020, UBND TP. Hải Phòng cũng đã ban hành Kế hoạch số 194/KH-UBND về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2020-2021 của TP. Hải Phòng, trong đó giao cụ thể Sở Nội vụ tăng cường mở các lớp đào tạo về kỹ năng giao tiếp cho đội ngũ CBCC để cải thiện thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp, thay đổi mạnh mẽ tác phong thực hiện công vụ của CBCC; việc đào tạo cũng cần hướng vào tính thực chất, hiệu quả và phương pháp đào tạo cần đảm bảo tiên tiến. Đồng thời, giao các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức đào tạo, rèn luyện, nâng cao kỹ năng giải quyết công việc, khả năng tự học hỏi, tự nghiên cứu của đội ngũ cán bộ công chức; tăng cường giám sát việc thực thi công vụ của các thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp, không nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Bốn là, đẩy mạnh thực hiện xây dựng Chính quyền điện tử tại thành phố. Theo đó, trước mắt, các sở, ban, ngành, địa phương cần kịp thời cập nhật đầy đủ các thủ tục hành chính đã có sự thay đổi mẫu biểu, nội dung,... trên Cổng thông tin điện tử thành phần. Tăng cường thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4, trong đó thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4; đẩy mạnh thực hiện thu phí, lệ phí bằng thanh toán qua thẻ, thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt.

Để tạo sự đồng thuận và thuận lợi trong triển khai giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp, cần tăng cường tuyên truyền về việc thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4, thực hiện thu phí, lệ phí bằng thanh toán qua thẻ, thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt và lợi ích dành cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, thực hiện “Phòng họp không giấy tờ” trong tất cả các cuộc họp, tài liệu họp gửi qua Hệ thống Văn phòng điện tử https://qlvb.hpnet.vn/, các đại biểu có thể mang theo máy tính xách tay hoặc các phương tiện tiếp cận thông tin hiện đại khác đi dự họp.

Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu tham khảo các mô hình, cách thức quản trị điện tử hiện đại như Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) của Văn phòng Chính phủ; hệ thống “Phòng họp không giấy” và ứng dụng “Giao việc tức thời - Nhắc việc thông minh” của UBND Thành phố Hồ Chí Minh để có những sáng kiến và giải pháp phù hợp trong xây dựng Chính quyền điện tử tại TP. Hải Phòng.

Năm là, tăng cường tuyên truyền về thực hiện cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố một cách sâu rộng để nâng cao hình ảnh, vị thế của Hải Phòng trong thời kỳ đổi mới. Để thực hiện giải pháp này cần triển khai tổng hợp nhiều nhiệm vụ với sự phối hợp thực hiện của nhiều sở, ngành, địa phương trên địa bàn. Trong đó, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện công khai 100% thông tin, tài liệu (trừ tài liệu mật) liên quan đến các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các văn bản quy phạm pháp luật, các thủ tục hành chính, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mới, các chính sách ưu đãi đầu tư của Thành phố,...

Các cơ quan chủ trì xây dựng cơ chế, chính sách phối hợp với các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân lấy ý kiến doanh nghiệp bằng hình thức phù hợp trong việc tham gia xây dựng cơ chế, chính sách của Thành phố. Các cơ quan nhà nước có liên quan công khai đầy đủ, minh bạch các tài liệu về quy hoạch, cung cấp tài liệu pháp lý, tài liệu về ngân sách đủ chi tiết để doanh nghiệp sử dụng cho hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, thực hiện nghiêm túc các chương trình, kế hoạch phòng, chống tham nhũng; thực hiện công khai, minh bạch trong đấu thầu theo quy định của pháp luật. Các cơ quan nhà nước cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để các doanh nghiệp nhận được sự bình đẳng như các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp FDI, đặc biệt trong các lĩnh vực như đất đai, khai thác khoáng sản,…

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Cục Thống kê Hải Phòng (2020), Tình hình kinh tế - xã hội TP. Hải Phòng năm 2019. <http://thongkehaiphong.gov.vn/tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi/tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-thanh-pho-hai-phong-nam-2019-51.html>

[2] Trương Huyền (2020), Hải Phòng cần đi đầu, sáng tạo trong cải cách hành chính. <http://kinhtedothi.vn/hai-phong-can-di-dau-sang-tao-trong-cai-cach-hanh-chinh-388966.html>

[3] Lê Minh Thắng (2020), Công tác cải cách hành chính những tháng đầu năm: Hải Phòng chuyển biến rõ nét, toàn diện trên mọi lĩnh vực. <https://thanhphohaiphong.gov.vn/cong-tac-cai-cach-hanh-chinh-nhung-thang-dau-nam-hai-phong-chuyen-bien-ro-net-toan-dien-tren-moi-linh-vuc.html>

[4] Bùi Hạnh (2018), Hải Phòng sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. <http://anhp.vn/hai-phong-se-tiep-tuc-trien-khai-dong-bo-cac-giai-phap-de-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cap-tinh-d18505.html>

[5,6] Hồng Thanh (2019), PCI năm 2018 và những vấn đề đáng quan tâm của Hải Phòng. <https://thanhphohaiphong.gov.vn/pci-nam-2018-va-nhung-van-de-dang-quan-tam-cua-hai-phong.html>

[7,9] Cổng thông tin điện tử Thành phố Hải Phòng (2020), Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2020 - 2021 của thành phố Hải Phòng. <https://haiphong.gov.vn/tin-tuc-su-kien/Nang-cao-chi-so-nang-luc-canh-tranh-PCI-nam-2020--2021-cua-thanh-pho-Hai-Phong-49346.html>

[8] Lê Minh Thắng (2020), Hải Phòng luôn là điểm đến an toàn, thân thiện của cộng đồng doanh nghiệp. <http://anhp.vn/hai-phong-luon-la-diem-den-an-toan-than-thien-cua-cong-dong-doanh-nghiep-d35222.html>

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. VCCI-USAID (2018), Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2018 - Đánh giá chất lượng điều hành kinh tế để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, http://pci2018.pcivietnam.vn.
  2. UBND thành phố Hải Phòng (2019), Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2019, https://www.vcci.com.vn, ngày 05/05/2020.
  3. UBND thành phố Hải Phòng (2019), Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2019 - 2020 của thành phố Hải Phòng, https://haiphong.gov.vn, ngày 31/12/2019.
  4. Lê Minh Thắng (2020), Hải Phòng luôn là điểm đến an toàn, thân thiện của cộng đồng doanh nghiệp, http://anhp.vn, 07/05/2020.
  5. UBND TP. Hải Phòng (2020), Kế hoạch số 194/KH-UBND, ngày 29/7/2020 về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2020-2021 của TP. Hải Phòng, https://haiphong.gov.vn.
  6. Kiều Giang (2020), Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2019, http://noichinh.vn, ngày 06/05/2020.
  7. Đạt Vũ (2018), Hải Phòng: PCI năm 2017 đứng thứ 9/63, tăng 12 bậc, https://baoxaydung.com.vn, ngày 27/03/2018.
  8. Bùi Hạnh (2018), Hải Phòng sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, http://anhp.vn, ngày 23/03/2018.

 

SOME SOLUTIONS TO IMPROVE HAI PHONG CITY’S

PROVINCIAL COMPETITIVENESS

Colonel General, Assoc. Prof. Ph.D NGUYEN VAN THANH

Member of the Central Committee of the Commuist Party of Vietnam

Deputy Minister Ministry of Public Security

ABSTRACT:

In recent years, Hai Phong city has experienced breakthrough developments, especially in the field of transport and urban insfrastructure investment, socio-economic development, ensuring the city’s social security and order. As a result, the provincial competitiveness index (PCI) of Hai Phong city has been improved significantly. This paper presents the status quo of Hai Phong city’s PCI from 2017 to 2019 and also proposes a number of solutions to improve the city's PCI in the near future.

Keywords: Provincial competitiveness, PCI, Hai Phong city, economic development.

 

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 20, tháng 8 năm 2020]