TÓM TẮT:

Thông qua quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Đại hội X, XI, XII về việc phát triển các loại hình kinh tế tập thể, bài viết phân tích thực trạng của các hợp tác xã nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay. Từ đó, tác giả đề xuất một số giải pháp giúp phát triển các hợp tác xã nông nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu mới của xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Từ khóa: Hợp tác xã, hợp tác xã nông nghiệp, giải pháp.

1. Đặt vấn đề

Việc xây dựng và phát triển hợp tác xã hiện nay ở Việt Nam có vai trò rất quan trọng, góp phần vào việc xây dựng một nền nông nghiệp chất lượng cao. Chính vì vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những chủ trương phát triển mạnh hơn các loại hình kinh tế tập thể đa dạng về hình thức sở hữu và hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh, bao gồm các tổ hợp tác và hợp tác xã kiểu mới.

Mặc dù, đã có những đóng góp nhất định nhưng các hợp tác xã ở Việt Nam vẫn cần tiếp tục đối mới để phát triển với quy mô và chất lượng tốt hơn nữa, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế như hiện nay.

2. Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng và phát triển hợp tác xã

Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương phát triển nền kinh tế với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Từ đó, nhằm giải phóng mọi tiềm năng trong mọi thành phần kinh tế, trong mỗi cá nhân và mọi vùng miền, nhằm phát huy tối đa nội lực để phát triển nhanh nền kinh tế. Chính vì vậy, tại Đại hội X của Đảng đã có chủ trương phát triển mạnh hơn các loại hình kinh tế tập thể đa dạng về hình thức sở hữu và hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh, bao gồm các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới. Chú trọng phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, liên hợp tác xã cổ phần, Đại hội X của Đảng cũng khẳng định kinh tế hợp tác và hợp tác xã phát triển khá đa dạng (đóng góp 6,8% GDP) [1].

      Tiến đến, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI cũng đã đề ra: “Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức đa dạng, mà nòng cốt là hợp tác xã. Tổng kết tình hình phát triển các hợp tác xã và thực hiện Luật Hợp tác xã. Khẩn trương hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc ra đời, phát triển các hợp tác xã, các tổ hợp tác kiểu mới và các mô hình kinh tế tập thể khác theo nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi, có chức năng kinh tế và xã hội. Tạo điều kiện phát triển các trang trại ở nông thôn và hình thành hợp tác xã của các chủ trang trại” [2]. Như vậy, Đại hội XI của Đảng đã chú trọng hơn việc tổng kết tình hình sau thời gian thực hiện Luật Hợp tác xã để có cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kịp thời và hợp lý.

Đại hội XII của Đảng chủ trương khuyến khích phát triển bền vững kinh tế hợp tác, nòng cốt là hợp tác xã với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng; nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả; tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển có hiệu quả trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; góp phần hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia. Tạo điều kiện hình thành những tổ hợp nông - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao [4].

Cũng theo đúng tinh thần Nghị quyết tại Đại hội XII đã đề ra, chúng ta tiếp tục đẩy mạnh liên kết và hợp tác dựa trên quan hệ lợi ích, áp dụng phương thức quản lý tiên tiến, phù hợp với cơ chế thị trường. Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ về tiếp cận nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, hỗ trợ phát triển thị trường, tạo điều kiện phát triển kinh tế hợp tác xã trên cơ sở phát triển và phát huy vai trò của kinh tế hộ.

 Như vậy, việc xây dựng và phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới là cần thiết cho sự phát triển kinh tế, đồng thời cũng phù hợp với đường lối đổi mới của Đảng là đa dạng hóa các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế để phát huy mọi tiềm năng của mỗi cá nhân ở mọi vùng miền và của tất cả các thành phần kinh tế, nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.

3. Thực trạng của các hợp tác xã nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay

Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã[3].

Tính đến hết tháng 10/2019, cả nước có 15.040 hợp tác xã nông nghiệp. Trong đó, chỉ có 60% tổng số hợp tác xã này hoạt động hiệu quả và có 3.900 hợp tác xã tham gia được vào chuỗi giá trị nông sản [6]. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt Ðề án phát triển 15 nghìn hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020. Theo đó, tập trung duy trì, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của khoảng 4.400 HTX nông nghiệp đã được phân loại và đánh giá là có hiệu quả năm 2017; thực hiện việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để có hơn 1.500 HTX ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp; nâng cao chất lượng hoạt động của hơn 5.400 HTX nông nghiệp yếu, kém; thành lập mới và tạo điều kiện cho 5.200 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả [8].

      Hiện nay, hợp tác xã đang trở thành mô hình hoạt động phổ biến, phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế tổ chức sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình, cá nhân nông thôn. Các HTX nông nghiệp đang có xu hướng xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm chủ lực của địa phương, mô hình liên kết giữa hộ nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp, ngày càng thể hiện vai trò tích cực trong kinh tế nông nghiệp, nông thôn cũng như thực hiện việc tổ chức sản xuất nông nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới. Qua đó, nâng cao đời sống cho thành viên là nông dân, đồng thời là cầu nối để đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật và sự hỗ trợ của Nhà nước đến với nông dân.

      Tại Hội nghị Toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã 2019 diễn ra vào ngày 9/10/2019 tại Hà Nội cho thấy, số lượng HTX thành lập mới tăng lên; doanh thu và thu nhập của người lao động trong HTX được cải thiện; trình độ cán bộ quản lý HTX được nâng cao rõ rệt. Hợp tác xã từng bước hoạt động ổn định, lành mạnh, phát triển cả về quy mô, công nghệ, thị trường… Qua đó, tác động tích cực đến kinh tế hộ thành viên, góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh, chính trị, xã hội tại cộng đồng.

Thực tế thời gian qua cho thấy, trong sản xuất nông nghiệp đã có nhiều HTX tạo điều kiện cho các hộ nông dân liên kết với nhau để chuyển từ sản xuất nhỏ manh mún, phát triển thành sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiệu quả cao. Các HTX này đã vận động, tổ chức cho các hộ nông dân chuyển ghép ruộng đất, thực hiện dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, khắc phục được hạn chế về ruộng đất manh mún chia cắt, hình thành những cánh đồng lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, gia tăng giá trị sản phẩm thu hoạch và thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, các HTX nông nghiệp thường tổ chức cung ứng một số dịch vụ đầu vào cho sản xuất của các hộ xã viên (cung ứng vật tư, giống, phân bón, tư vấn hỗ trợ chuyển giao quy trình kỹ thuật, vay vốn...). Một số HTX còn tổ chức tiêu thụ sản phẩm hoặc trực tiếp làm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm không phải thông qua trung gian là tư thương, đầu nậu. Nhờ vậy, người sản xuất nhỏ chẳng những tránh được tình trạng bị ép giá, mà giá trị sản phẩm, lợi nhuận và hiệu quả sản xuất được tăng lên, nhất là đối với những hộ nông dân nghèo thiếu kinh nghiệm và thiếu vốn đầu tư [8]. Khi có HTX làm dịch vụ ở khâu sản xuất và tiêu thụ lúa, tỷ trọng của nông dân xã viên tăng lên rõ rệt trong chuỗi giá trị, có thể lên tới 60 - 62%, tỷ trọng khâu thu gom lúa giảm xuống còn khoảng 7 - 9%, thu nhập của nông dân được tăng lên 1,1 - 1,3 lần. Ðiển hình là, những mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác ở một số tỉnh như Thái Bình, Nam Ðịnh, An Giang, Kiên Giang,... đã tổ chức liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa gạo xuất khẩu với doanh nghiệp. Qua đó, giúp các hộ nông dân phát triển được vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, giảm chi phí sản xuất và tiêu thụ lúa, lợi nhuận cao hơn 20 - 25% so với khi chưa tham gia hợp tác xã [8].

Bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, tốc độ tăng trưởng chậm, thiếu ổn định. Một số HTX chưa tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, năng lực nội tại còn yếu, chưa tiếp cận được vốn vay của các tổ chức tín dụng; sự liên kết, hợp tác giữa các hợp tác xã với nhau và với doanh nghiệp còn hạn chế, phần lớn các HTX quy mô nhỏ, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường; đội ngũ cán bộ quản lý được đào tạo bài bản còn hạn chế; cơ sở vật chất còn khó khăn như chính sách về đất đai để đầu tư về nhà xưởng, khu sơ chế nông sản, kho bảo quản nông sản.

Hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của nền kinh tế. Một số HTX nông nghiệp còn thụ động, phụ thuộc vào nguồn kinh phí hỗ trợ, chậm tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị. Việc hỗ trợ các HTX tìm kiếm thị trường, tiếp cận các nguồn vốn, giới thiệu đối tác kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm còn lúng túng và chưa hiệu quả.

Trình độ về quản lý và chuyên môn của cán bộ HTX còn hạn chế, số cán bộ đã qua đào tạo trình độ trung cấp trở lên chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 46%), đa số là cao tuổi, hoạt động chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thực tiễn, thiếu nhạy bén trong hoạt động, không xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh.

Nguyên nhân chính của những hạn chế nêu trên phần lớn do việc nhận thức về vai trò, giá trị và bản chất của mô hình hợp tác xã kiểu mới ở một số nơi còn chưa thống nhất, dẫn đến công tác quản lý, ban hành cơ chế, chính sách, tư vấn, hỗ trợ… chưa trọng tâm, chưa đúng, chưa đi vào cuộc sống của các HTX và người dân.

Bên cạnh đó, do tâm lý mặc cảm về mô hình HTX thời bao cấp còn nặng nề, trong khi số lượng HTX, liên hiệp hợp tác xã hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích cho thành viên, cộng đồng chưa nhiều. Người dân chưa thực sự tin tưởng dẫn đến chưa tích cực tham gia HTX để phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

4. Một số giải pháp cơ bản

Để khắc phục những hạn chế nêu trên nhằm phát triển hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, Phát huy vai trò của Nhà nước.

Nhà nước đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành và phát triển các mô hình hợp tác xã nông nghiệp. Chính vì vậy, Nhà nước phải phát huy vai trò của mình trong việc ban hành Luật Hợp tác xã và Luật Hợp tác xã nông nghiệp; đồng thời bổ sung những bộ luật liên quan sẽ tạo ra khung pháp lý điều chỉnh hoạt động của các mô hình HTX nông nghiệp.  

Nhà nước cũng cần ban hành hệ thống luật pháp luật bảo đảm tính cạnh tranh công bằng giữa mô hình hợp tác xã nông nghiệp với các hình thức tổ chức kinh tế khác trong xã hội. Bên cạnh đó, phải tạo ra những lợi thế nhất định cho mô hình HTX nông nghiệp phát triển thuận lợi, thúc đẩy dịch vụ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm là các loại nông sản khó bảo quản, mau thối hỏng như rau quả, thịt các loại,... Phát huy vai trò của Nhà nước trong việc chi phối thị trường và tạo ra sự ổn định về giá, cũng như trong cung cầu nông sản.

Cần chú trọng hơn nữa việc đề cao vai trò của HTX nông nghiệp trong việc hình thành và triển khai chính sách; đồng thời tạo ra mối liên hệ giữa các hợp tác xã với các tổ chức, doanh nghiệp liên quan khác. Điều này đem lại nhiều cơ hội phát triển hơn, góp phần quan trọng trong việc tạo dựng và ổn định thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa của hợp tác xã.

Nhà nước cần hỗ trợ trực tiếp cho khu vực HTX các dịch vụ tín dụng thông qua hình thức cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất,… phục vụ sản xuất.

Như vậy, để cho mô hình hợp tác xã kiểu mới có thể phát triển thuận lợi không thể thiếu được vai trò điều phối của Nhà nước.

Thứ hai, Xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới.

Kể từ năm 2012, khi Luật Hợp tác xã kiểu mới ra đời đã thể hiện tư duy mới về mô hình HTX, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Tính đến năm 2017, cả nước đã giải thể được gần 5.000 hợp tác xã, trong đó phần lớn là HTX nông nghiệp. Đại đa số là những HTX kiểu cũ, hoạt động yếu kém, thua lỗ, thực sự cần thiết phải giải thể để từng bước hình thành HTX kiểu mới, hoạt động một cách hiệu quả hơn. Tỉ lệ HTX đã hoàn thành chuyển đổi từ kiểu cũ sang kiểu mới theo quy định của Luật Hợp tác xã (tới cuối năm 2016) đã đạt trên 83%, tương đương với hơn 13.000 HTX.

Nếu so sánh hợp tác xã kiểu mới và hợp tác xã kiểu cũ ta thấy rất nhiều điểm thay đổi, chính sự thay đổi này đã thu hút nhiều người tham gia. Sự thay đổi được thể hiện ở nhiều mặt như: Đối tượng tham gia; quan hệ sở hữu; quan hệ giữa xã viên với hợp tác xã; quan hệ giữa Nhà nước với hợp tác xã, phân phối thu nhập và nghĩa vụ của hợp tác xã...

Như  vậy, để khắc phục những hạn chế của HTX kiểu cũ, chúng ta cần thúc đẩy việc chuyển đổi sang HTX kiểu mới để giúp cho các HTX hoạt động có hiệu quả hơn.

Thứ ba, Phát triển các sản phẩm chủ lực.

Việt Nam là một quốc gia có truyền thống nông nghiệp lâu đời, đây là thế mạnh để các hợp tác xã nông nghiệp có thể phát huy các sản phẩm chủ lực của địa phương. Mặt khác, mô hình HTX kiểu mới với đối tượng tham gia được mở rộng nên có thể huy động được nhiều nguồn lực để phát triển với quy mô lớn, nhằm tăng sức cạnh tranh cho hợp tác xã nông nghiệp Việt Nam nói riêng và ngành Nông nghiệp Việt Nam nói chung. Để tăng sức cạnh tranh, mỗi hợp tác xã nông nghiệp cần xác định cho mình một sản phẩm chủ lực, từng bước xây dựng thương hiệu cho mình. Điển hình như, HTX Bò sữa Evergrowth (Sóc Trăng) đã xây dựng thành công và đưa vào hoạt động Nhà máy trộn thức ăn tinh cho bò sữa; HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Lâm Đồng) tổ chức sản xuất, liên kết với các siêu thị tiêu thụ rau an toàn trên 52 tỉnh, thành trong nước và xuất khẩu sang Hàn Quốc. Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Long Điền 1, Thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong là một điển hình.  HTX được thành lập từ năm 1979 và năm 2013 chuyển sang hoạt động theo mô hình kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012. HTX có 487 thành viên với diện tích canh tác hơn 280 ha lúa thương phẩm và 45 ha thanh long.

Các hợp tác xã nông nghiệp muốn vươn xa ra thị trường toàn cầu với tiêu chuẩn cao thì yếu tố quyết định là ở khâu chế biến, nhất là sản xuất chế biến lớn với vùng nguyên liệu ổn định, phương thức tổ chức sản xuất hợp lý. Chính vì vậy, mỗi HTX cần tập trung vào một hoặc vài sản phẩm chủ lực, sản xuất với quy mô lớn, tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định mới có thể tăng sức cạnh tranh cho các HTX nông nghiệp ở Việt Nam.

Thứ tư, Các hợp tác xã cần phải tiết kiệm nước.

Nước là nguồn tài nguyên vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Nước không vô hạn như chúng ta thường nghĩ, tài nguyên nước là hữu hạn và nguồn nước trên trái đất đang ngày càng cạn kiệt do sự phát triển về kinh tế - xã hội, dân số… Nguồn nước sạch lại càng khan hiếm do sự ô nhiễm, biến đổi khí hậu toàn cầu… Vì vậy, tiết kiệm nước là một trong những hành động cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì sự sống.

Các hợp tác xã nông nghiệp trồng rau sạch, trồng cây ăn trái, trồng cây công nghiệp, các HTX chăn nuôi... đều phải tiết kiệm nước, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long – khu vực mà trong những năm gần đây thường xuyên bị hạn hán và xâm nhập mặn. Để tiết kiệm nước, các HTX nông nghiệp cần học hỏi và áp dụng mô hình của Israel đó là hệ thống tưới nhỏ giọt. Hệ thống này, hoạt động trên nguyên tắc đưa nước đến vùng rễ thông qua hệ thống ống dẫn, áp suất cao cân bằng kín bù áp. Nước được tưới thông qua các đầu nhỏ giọt thấm đều ở vùng rễ, thiết kế các dây nhỏ giọt theo khoảng cách cố định chạy dọc 2 bên hàng cây, khoảng cách 40cm trên đoạn dây có 1 đầu nhỏ giọt. Mỗi đầu trung bình tưới được 1 - 1,6 lít/giờ. Nước được tưới cho cây theo nguyên lý phun mưa tại gốc với đầu béc phun mưa nhỏ, nên nước được thấm đều trên cả diện tích bồn cây, vùng rễ. Thiết kế tối ưu theo thực tế địa hình, diện tích tưới, hiện trạng vườn cây và thiết bị cấp nước. Lưu lượng tưới thiết kế phổ biến khoảng 60 lít/giờ. Vật liệu hệ thống sử dụng chủ yếu là các loại PVC và ống PE sẵn có trên thị trường. Hệ thống đi kèm với bộ châm phân và không nhất thiết phải sử dụng bộ lọc nước. Thực tế, tưới tiết kiệm (công nghệ Israel, công nghệ WASI) đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, bởi không những tiết kiệm chi phí mà còn làm gia tăng năng suất vườn cây. Kết quả nghiên cứu về tưới và hiệu quả của các mô hình tưới tiết kiệm cho thấy, cả hai hệ thống tưới tiết kiệm đều gia tăng lợi nhuận hơn 35,5 triệu đồng/ha/năm (với dự kiến khấu hao hệ thống tưới trong 10 năm). Tuy nhiên, chỉ cần sau 2-3 năm tích lũy thì khoản lợi nhuận này cũng đã đủ để bù đắp được chi phí lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm (62-76 triệu đồng/ha) [10].

Việc tiết kiệm nước không những mang lại nguồn lợi cho hợp tác xã hàng năm, mà còn góp phần vào việc gìn giữ và bảo tồn nguồn nước sạch cho hôm nay và thế hệ mai sau.

 Thứ năm, Đầu tư phát triển chuỗi logistic.

Để cho hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, mỗi gia đình xã viên đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất được đề ra. Đồng thời, hợp tác xã cần phải có những thiết bị kiểm tra chất lượng sản phẩm, những máy móc phân loại, đóng gói sản phẩm,… đảm bảo đầu ra đều đạt được chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm ở mức cao nhất.

Phải có hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm nâng cao tính tự giác, tự chịu trách nhiệm của mỗi xã viên đối với sản phẩm của mình. Thậm chí, trong mỗi cửa hàng, gian hàng bán nông sản của HTX đều phải ghi đầy đủ tên, tuổi, hình ảnh của người sản xuất để phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc của sản phẩm một cách thuận lợi và nâng cao được trách nhiệm của xã viên đối với sản phẩm của mình và uy tín của hợp tác xã.

Hợp tác xã có thể phối hợp làm tốt tất cả các khâu từ vận chuyển, lựa chọn, đóng gói sản phẩm đến tiêu thụ, thanh toán sau bán hàng và thậm chí là phối hợp nhằm điều chỉnh cung, cầu để ổn định giá cả. Chính điều này khiến cho sản phẩm của hợp tác xã, nhất là những loại sản phẩm dễ thối hỏng như rau, quả, thịt,… dễ dàng được tiêu thụ với mức giá hợp lý và đạt hiệu quả cao nhất.

Không những thế, các hợp tác xã nông nghiệp nên thực hiện dịch vụ thuê hoặc tự mình xây dựng các kho lạnh nhằm tồn trữ nông sản để bán chúng ở những thời điểm có giá phù hợp nhất, tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. Hợp tác xã phải là cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng nhằm mục tiêu đưa nông sản từ người sản xuất đến người tiêu dùng với chất lượng, giá cả và thời gian nhanh nhất. Thông qua hệ thống này, hợp tác xã nông nghiệp còn có thể điều chỉnh giá cả theo mùa, tránh trung gian ép giá, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm, cân đối được cung sản xuất và cầu tiêu dùng.

Khâu tiếp thị và phân phối hàng nông sản thông qua hợp tác xã nông nghiệp cần được thực hiện qua các khâu phối hợp cùng vận chuyển, phối hợp lựa chọn sản phẩm, phối hợp tiêu thụ và phối hợp điều chỉnh cung cầu để ổn định giá cả và thu về lợi nhuận ở mức cao.

Trong chuỗi giá trị nông sản, việc áp dụng công nghệ cao là con đường tất yếu, như vậy mới có thể cạnh tranh trên toàn cầu cũng như tại thị trường nội địa. Với tất cả mô hình chuỗi, từ nông dân cho tới siêu thị, từ nông dân tới chế biến, người sản xuất nguyên liệu đầu vào là nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, phải làm thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, mã vạch là điều cần thiết để phát triển các sản phẩm của hợp tác xã.

5. Kết luận

Để phát huy vai trò của các hình thức sở hữu, của mọi thành phần kinh tế, của mỗi cá nhân và mọi vùng miền nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương phát triển kinh tế tập thể, trong đó có mô hình hợp tác xã kiểu mới, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp. Chính từ những chủ trương đó, hàng nghìn HTX nông nghiệp kiểu mới đã ra đời thay thế mô hình HTX kiểu cũ đã từng bước hoạt động mang lại những kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, để đáp ứng được xu hướng hội nhập quốc tế, các HTX vẫn cần phải tiếp tục học hỏi kinh nghiệm của các nước có mô hình hiệu quả trên thế giới để đổi mới, nhằm đạt được kết quả cao hơn nữa, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống và từng bước vươn lên làm giàu hiệu quả cho mọi xã viên.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, tr.86, 146.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, tr.208-209.
  3. Luật Hợp tác xã (2012), Báo điện tử Liên minh hợp tác xã Việt Nam <http://vca.org.vn/luat-hop-tac-xa-vb57.html>.
  4. Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam <http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xii/bao-cao-danh-gia-ket-qua-thuc-hien-nhiem-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-5-nam-2011-2015-va-phuong-huong-1599>
  5. Huy Thắng (2019). Sau 15 năm, số lượng hợp tác xã tăng 59%, Báo điện tử Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, <http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Sau-15-nam-so-luong-HTX-tang-59/376973.vgp>
  6. Nguyễn Dương (2019). Hơn 15.000 hợp tác xã nông nghiệp Việt Nam hoạt động ra sao? <https://dantri.com.vn/xa-hoi/hon-15000-hop-tac-xa-nong-nghiep-viet-nam-hoat-dong-ra-sao-20191213094445596.htm>
  7. Nguyễn Cao (2017). Nhận thức đúng về hợp tác xã kiểu mới, Báo Điện tử, Hội Nông dân Việt Nam <http://www.hoinongdan.org.vn/sitepages/news/1150/67143/nhan-thuc-dung-ve-htx-kieu-moi>
  8. Hoàng Long (2018). Xây dựng hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới gắn với nông thôn và cơ cấu lại ngành nông nghiệp, <https://www.nhandan.com.vn/antuong/item/36368502-xay-dung-hop-tac-xa-nong-nghiep-kieu-moi-gan-voi-nong-thon-moi-va-co-cau-lai-nganh-nong-nghiep.html>
  9. Hồng Hiếu (2019). Hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp ở Bình Thuận. <https://dantocmiennui.vn/xa-hoi/hop-tac-xa-lien-ket-voi-doanh-nghiep-tim-dau-ra-cho-san-pham-nong-nghiep-o-binh-thuan/281434.html>

 

SOLUTIONS TO DEVELOP AGRICULTURAL COOPERATIVES IN VIETNAM

Ph.D NGUYEN THI HUYEN

Hanoi University of Science & Technology

ABSTRACT:

This artice presents the views of the Communist Party of Vietnam on the development of collective economic models including cooperatives and new style cooperatives at its tenth, eleventh and twelve National Congress. This article also analyzes the current states of agricultural cooperatives in Vietnam, thereby proposing a number of solutions to develop agricultural cooperatives to meet the new requirements of globalization and international economic integration processes.

Keywords: Cooperatives, agricultural cooperatives, solutions.