Một số giải pháp phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Bình Phước

LÊ THỊ NHƯ QUỲNH (Phòng Nội vụ tỉnh Bình Phước)

TÓM TẮT:

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và những danh thắng đẹp, văn hóa truyền thống đa dạng, Bình Phước có lợi thế rất lớn để phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, theo đánh giá khách quan, thời gian qua, ngành du lịch của Bình Phước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Trong phạm vi bài viết, trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Bình Phước, chỉ rõ những thành tựu, hạn chế của hoạt động này, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển du lịch bền vững ở địa phương trong thời gian tới.

Từ khóa: Bình Phước, du lịch, phát triển du lịch bền vững.

1. Tiềm năng du lịch của tỉnh Bình Phước

Bình Phước là tỉnh thuộc miền núi phía Tây vùng Đông Nam bộ, là cửa ngõ, là cầu nối của vùng Đông Nam bộ với Tây Nguyên và Campuchia. Tỉnh lỵ của Bình Phước hiện nay là TP. Đồng Xoài, cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 102 km theo đường Tỉnh lộ 741. Bình Phước là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có 240 km đường biên giới với Vương quốc Campuchia. Bình Phước là nơi định cư và sinh sống của nhiều dân tộc khác nhau, trong đó dân tộc ít người chiếm 17,9%. Nơi đây có khí hậu mát mẻ, nhiều mưa, kết hợp với địa hình đa dạng phủ lên là đất đỏ bazan màu mỡ.

Bình Phước có địa hình tương đối cao, là nơi bắt nguồn của nhiều sông, suối và có mạng lưới sông suối khá dày đặc, khoảng 0,7 - 0,8 km/km² [6]. Tỉnh có tài nguyên du lịch phong phú gắn liền với các di tích lịch sử, với 41 dân tộc anh em cùng sinh sống nên có nhiều phong tục, tập quán, nét văn hóa truyền thống phong phú và đa dạng. Trên địa bàn có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, như: Khu du lịch Hồ Sóc Xiêm, khu du lịch Hồ Suối Lam, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, Thác Mơ, Thác Voi, Thác Dakmai, Thác Đứng, Thác số 4. Ngoài các khu du lịch sinh thái và du lịch thiên nhiên Bình Phước còn nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử, đặc biệt là các di tích lịch sử các mạng như: Kho xăng Lộc Quang, Sân bay quân sự Lộc Ninh, Căn cứ Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam,… Du khách tới đây không chỉ được tham quan các công trình lịch sử lâu đời, mà còn được tìm hiểu về những năm tháng hào hùng của những người con Bình Phước trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước qua các di tích: Mộ 3.000 người, Bia chiến thắng, Bia tưởng niệm, Sóc Bombo, Phú Riềng Đỏ...[6].

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và những danh thắng đẹp, văn hóa truyền thống đa dạng, Bình Phước sẽ có lợi thế rất lớn khi lựa chọn và phát triển bền vững du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa. Bởi vì, du lịch sinh thái luôn dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương cùng sự tham gia của cộng đồng nhằm hướng đến sự phát triển bền vững.

2. Thực trạng phát triển bền vững du lịch ở tỉnh Bình Phước

2.1. Về tăng trưởng kinh tế bền vững

Giá trị tăng thêm ngành du lịch Bình Phước có xu hướng tăng, với tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 2016 - 2018 là 16,01%. Năm 2016 đạt 421,33 tỷ đồng, năm 2017 là 466,58 tỷ đồng và năm 2018 là 528,64 tỷ đồng (chiếm 1,29% tổng giá trị tăng thêm - GRDP của toàn tỉnh) [1]. Tăng trưởng của ngành Du lịch đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Bình Phước. Số lượng khách du lịch đến Bình Phước liên tục tăng, năm 2018 đạt gần 8,3 triệu lượt khách. Tăng trưởng tổng lượng khách bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2018 đạt 11,1%/năm [1]. Đại đa số khách du lịch đến Bình Phước đều hài lòng. Theo kết quả khảo sát thực tế, mức độ hài lòng của du khách khá cao (86% ghi nhận sự hài lòng, trong đó 63,5% ghi nhận ở mức độ khá tích cực và rất tích cực) [5].

2.2. Về mặt xã hội

Tăng trưởng của ngành du lịch đã góp phần tích cực trong thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội ngày càng cao và gắn liền với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bản địa. Ngành Du lịch đã có những đóng góp nhất định trong tạo công ăn việc làm và xóa đói giảm nghèo của địa phương. Số việc làm được tạo ra từ du lịch có xu hướng tăng hàng năm, từ 11.390 người năm 2016 lên 11.600 người năm 2018 [1]. Mức độ nỗ lực tham gia giải quyết việc làm được 80% người dân trong cộng đồng ghi nhận [5].

Bên cạnh đó, tăng trưởng du lịch còn mở ra cơ hội việc làm, tăng thêm thu nhập cho lao động của một số ngành nghề liên quan (như sản xuất và cung ứng sản phẩm nông nghiệp, hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ...). Một số doanh nghiệp khi đầu tư dự án du lịch mới đã cam kết ưu tiên tuyển dụng lao động tại chỗ, hỗ trợ chi phí đào tạo và quan tâm tuyển dụng người lao động bị thu hồi đất vào làm việc. Có 66% doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch tham gia, đóng góp ở các mức độ khác nhau cho công tác xã hội tại địa phương điểm đến bằng các hoạt động như hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, đóng góp cho quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học, đỡ đầu các gia đình chính sách [5].

Du lịch đã thu hút sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động du lịch và có cố gắng tạo cơ hội cho cộng đồng được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch. Du lịch Bình Phước đã có một số đóng góp cho bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa của địa phương: Góp phần thiết thực vào quá trình lập hồ sơ, giới thiệu hình ảnh và bảo vệ thành công 2 hồ sơ di sản thế giới.Tthu ngân sách từ du lịch góp phần nhất định cho bảo vệ di sản, tu bổ, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Tỉnh.

2.3. Về bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái

Công tác quy hoạch vùng, khu, điểm tài nguyên du lịch được thực hiện đầy đủ: 6/6 vùng, khu, điểm tài nguyên du lịch tự nhiên nằm trong định hướng phân kỳ thu hút đầu tư từ năm 2015 - 2020 đều đã có quy hoạch chung hoặc chi tiết. Việc bố trí đầu tư nguồn vốn cho bảo vệ và tôn tạo tài nguyên ở khu du lịch Đền Hùng đáp ứng yêu cầu phát triển. Các khu, điểm du lịch đều đã xây dựng quy chế quản lý các hoạt động khai thác tài nguyên và quy chế bảo vệ môi trường. Các dự án đầu tư du lịch đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường theo quy định. Nhìn chung, các yếu tố của môi trường như môi trường cơ bản như không khí, nước… ở các khu, điểm du lịch còn trong giới hạn cho phép.

Tuy nhiên, phát triển bền vững du lịch ở Bình Phước còn tồn tại những hạn chế cần tập trung khắc phục, trên cả lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Du lịch tỉnh Bình Phước tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, chất lượng thấp. Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm thấp hơn tốc độ tăng trưởng doanh thu của ngành du lịch. Các sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao còn thấp và mức độ đa dạng hóa sản phẩm thấp, chưa tương xứng với tiềm năng tài nguyên du lịch. Thu từ các dịch vụ quan trọng như lưu trú, chi tiêu của khách du lịch tuy có tăng nhưng giá trị tuyệt đối còn rất thấp. Tổng lượng khách tăng nhanh và đạt cao nhưng thời gian lưu trú trung bình và chi tiêu bình quân đạt rất thấp [5].

Đóng góp của du lịch vào nâng cao đời sống và xóa đói giảm nghèo chưa tương xứng với tiềm năng phát triển du lịch. Tổng lượng lao động trực tiếp được tạo ra từ du lịch chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lao động của nền kinh tế. Xét tổng thể, mức độ đóng góp của du lịch cho công tác giảm nghèo chung của cả tỉnh không nhiều. Việc thu hút sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch còn hạn chế, bất cập, chưa có những giải pháp phù hợp để huy động sự tham gia rộng rãi của người dân địa phương vào trong các hoạt động du lịch.

Sức chứa, cường độ hoạt động và áp lực lên môi trường tại các khu, điểm du lịch có những thời điểm vượt giới hạn ở một số trung tâm du lịch đã gây ảnh hưởng đến tài nguyên du lịch và ô nhiễm môi trường. Ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh của các cơ sở du lịch còn nhiều hạn chế. Đầu tư bảo vệ môi trường từ thu nhập của ngành du lịch còn thấp, chưa đạt yêu cầu phát triển du lịch bền vững.

3. Giải pháp phát triển du lịch bền vững ở Bình Phước

Một là, quy hoạch phát triển du lịch theo tiêu chí bền vững

Trên cơ sở bộ tiêu chí đánh giá phát triển du lịch bền vững, cần xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá cụ thể, với sự định lượng chi tiết hơn trên cả ba nội dung kinh tế, xã hội, môi trường và phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của địa phương. Đây là căn cứ quan trọng để hoàn thiện quy hoạch và xây dựng các chính sách hợp lý, khả thi đối với phát triển ngành du lịch ở Bình Phước. Tỉnh cần rà soát một cách tổng thể và mang tính hệ thống các quy hoạch du lịch đang còn hiệu lực, tiến hành sơ kết việc thực hiện quy hoạch theo giai đoạn, phân tích, đánh giá cụ thể chất lượng, tính bền vững, tính đồng bộ của mỗi quy hoạch, trên cơ sở đó có các giải pháp tiếp tục thực hiện hoặc điều chỉnh, bổ sung những nội dung không còn phù hợp, xây dựng mới các quy hoạch cần thiết làm cơ sở cho sự phát triển của du lịch địa phương.

Quy trình xây dựng quy hoạch phải được tiến hành chặt chẽ, lựa chọn được đơn vị tư vấn có trách nhiệm, năng lực chuyên sâu cả về du lịch và phát triển bền vững, có cách tiếp cận khoa học và bền vững về nội dung cần quy hoạch. Thu thập đầy đủ các nội dung thông tin cần thiết phục vụ cho việc xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch (bao gồm việc đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch giai đoạn trước; các căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn xác thực để minh chứng cho sự cần thiết phải xây dựng mới hoặc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và để luận chứng cho từng nội dung của quy hoạch. Trong quá trình xây dựng, điều chỉnh quy hoạch, Tỉnh cần phát huy được vai trò trách nhiệm của xã hội, nhất là vai trò và sự tham gia của cộng đồng địa phương vào nội dung của quy hoạch (thông qua việc khảo sát, lấy ý kiến về nội dung dự thảo quy hoạch trên phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, qua các hội nghị, gửi phiếu lấy ý kiến tham vấn từ các chuyên gia, từ cộng đồng...).

Hai là, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ phát triển du lịch.

Chú trọng đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước, môi trường, bưu chính viễn thông, hạ tầng các ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến phát triển du lịch như ngân hàng, tài chính, tín dụng, y tế. Trong số hạ tầng nói trên, các công trình kết cấu hạ tầng then chốt như giao thông, điện, cấp thoát nước và xử lý môi trường có ý nghĩa nền tảng cho sự phát triển của du lịch nói riêng cũng như của tất cả các ngành khác trong tỉnh nói chung. Do ý nghĩa tổng thể này và do nhu cầu vốn đầu tư các kết cấu hạ tầng rất lớn, hiệu quả kinh tế - xã hội lâu dài cao nhưng hiệu quả kinh tế trước mắt không hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân bỏ vốn, đòi hỏi phải có sự đầu tư tập trung từ nguồn ngân sách nhà nước.

Tỉnh cần chủ động bổ sung các cơ chế, chính sách ưu đãi mạnh mẽ hơn để thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở vật chất ngành Du lịch, đầu tư vào các dự án du lịch trọng điểm; Xây dựng Quy chế ưu đãi đầu tư tại các khu, điểm du lịch; tạo điều kiện thông thoáng hơn về mặt thủ tục hành chính, cấp phép thành lập doanh nghiệp, cấp phép kinh doanh, đầu tư, tiếp tục hỗ trợ mạnh hơn các chi phí cho việc lập hồ sơ và thực hiện các thủ tục hành chính; Đánh giá đúng năng lực của nhà đầu tư, lựa chọn được các nhà đầu tư thực sự có năng lực và có mục đích, chiến lược đầu tư nghiêm túc để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của các dự án; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; cung cấp đầy đủ dịch vụ hạ tầng cho nhà đầu tư.

Thu hút nguồn vốn từ dân cư, cộng đồng địa phương cho đầu tư phát triển du lịch; Tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tạo môi trường tài chính tin cậy và hành chính thuận lợi; đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, các hình thức tạo vốn, huy động tiền vay, mở rộng các nguồn thu; Đẩy mạnh xã hội hóa và khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia các hoạt động đầu tư phát triển du lịch.

Ba là, đẩy mạnh các hình thức xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển thị trường

Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch và phát triển thị trường của du lịch Bình Phước những năm tới cần đẩy mạnh để phục vụ tốt hơn cho sự phát triển du lịch. Tỉnh cần triển khai ngay việc xây dựng chiến lược, các chương trình, kế hoạch dài hạn và hàng năm về xúc tiến, quảng bá du lịch; đẩy mạnh các nội dung xúc tiến, quảng bá riêng của Tỉnh, đồng thời gắn với xúc tiến, quảng bá du lịch khu vực và cả nước để tạo hiệu quả tổng hợp trong xúc tiến, quảng bá. Tăng cường cung cấp thông tin, hướng dẫn cho khách du lịch; đầu tư đổi mới thiết kế, hình thức các ấn phẩm du lịch Bình Phước, như: Bản đồ du lịch, cẩm nang du lịch, đĩa DVD, VCD, bản tin du lịch,... để tăng tính hấp dẫn và phong phú.

Cần xây dựng hệ thống điểm hướng dẫn và cung cấp thông tin cho khách du lịch ở những đầu mối giao thông quan trọng và đặc biệt là ở các khu điểm du lịch, các trung tâm lữ hành; Phát triển các hoạt động E-marketing, mở rộng nội dung thông tin trên các Website của tỉnh, cập nhật đầy đủ các thông tin du lịch của tỉnh, hoàn chỉnh hơn các công cụ tra cứu du lịch và xây dựng các ấn phẩm giới thiệu, quảng cáo điện tử trên Website với giao diện và cách thức thể hiện hấp dẫn hơn. Đây là giải pháp phù hợp với xu thế của xã hội hiện đại, tiện lợi, để nhanh chóng đưa thông tin cập nhật về du lịch Bình Phước đến với các thị trường khách du lịch trong nước và toàn thế giới.

Thực hiện các chương trình thông tin tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về những sự kiện sẽ diễn ra hàng năm trên địa bàn tỉnh như các lễ hội truyền thống, sự kiện văn hóa, thể thao… Tổ chức các chiến dịch xúc tiến, quảng bá sự kiện, phát động thị trường theo chuyên đề; chủ động liên kết, mời gọi các đoàn famtrip đến nghiên cứu điểm đến, giúp Tỉnh quảng bá, kết nối sản phẩm du lịch với các thị trường nguồn khách; mời gọi, khuyến khích và tạo điều kiện cho các hoạt động sáng tạo nghệ thuật (sáng tác tác phẩm văn học, thơ, nhạc, nhiếp ảnh, làm phim...) gắn với hình ảnh, bối cảnh hoặc kết hợp quảng bá về địa phương; đầu tư tổ chức, đăng cai và tham gia các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, các hội nghị, hội thảo du lịch trong nước và quốc tế để giới thiệu, quảng bá rộng rãi tiềm năng du lịch địa phương, kích thích nhu cầu du lịch trong nước và quốc tế.

Bốn là, phát triển nguồn nhân lực cho phát triển du lịch tỉnh Bình Phước

Để phát triển bền vững du lịch tỉnh Bình Phước đòi hỏi phải có nguồn đủ về số lượng, chất lượng và cơ cấu không ngừng được nâng cao, hoàn thiện. Do đó, Tỉnh cần chủ động phối hợp, đặt hàng với các cơ sở đào tạo về du lịch trong và ngoài tỉnh để đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch. Thường xuyên mở các lớp tập huấn, mời chuyên gia trong và ngoài nước tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nguồn nhân lực phục vụ du lịch của tỉnh. Thái độ của nhân viên phục vụ và tính chuyên nghiệp của nhân viên phục vụ là chỉ báo có tác động không nhỏ đến du lịch Bình Phước. Vì vậy, việc đưa ra những giải pháp cụ thể để phát triển nhân lực du lịch tỉnh Bình Phước đảm bảo về chất lượng, số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch và hội nhập quốc tế là điều hết sức cần thiết.

Chú trọng phát triển nhân lực du lịch phù hợp với nhu cầu phát triển du lịch từng thời kỳ, từng địa phương tỉnh Bình Phước. Từng bước thực hiện chuẩn hóa nhân lực du lịch của tỉnh phù hợp chuẩn với của khu vực và quốc tế, đặc biệt chú trọng nhân lực quản lý du lịch và lao động có tay nghề cao trong ngành du lịch.

Cùng với việc đáp ứng số lượng nguồn nhân lực cho ngành du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2020 - 2030 như mục tiêu đã đề ra, cần chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân, trang bị đầy đủ về kiến thức, các kĩ năng cần thiết và thái độ phục vụ đáp ứng được từng nghiệp vụ cụ thể trong lĩnh vực du lịch của Tỉnh; Tổ chức thường xuyên các hoạt động đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển ngành, trong đó cần chú trọng cả công tác đào tạo phát triển đội ngũ chuyên gia về từng lĩnh vực chuyên sâu của hoạt động du lịch; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước các cấp về du lịch; nâng cao chất lượng, kỹ năng nghề, tính chuyên nghiệp, trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ lao động phục vụ du lịch theo yêu cầu công việc; Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, người lao động về phát triển du lịch bền vững.

Năm là, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về du lịch

Đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện tổ chức của các cơ quan quản lý liên quan đến phát triển du lịch, bố trí đủ biên chế cho các bộ phận chuyên môn về du lịch thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) và phòng VH,TT&DL; Chú trọng bổ sung và nâng cao năng lực cho cán bộ VH,TT&DL cấp huyện và cấp xã; Nâng cao trách nhiệm và vai trò của Trung tâm xúc tiến đầu tư - thương mại và du lịch, Ban quản lý các khu du lịch thuộc Sở VH,TT&DL.

Tăng cường phối hợp liên ngành giữa cơ quan quản lý chuyên ngành về du lịch với các cơ quan chức năng quản lý các lĩnh vực khác (như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và đào tạo…) để thống nhất tham mưu với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực du lịch, nhất là trong xây dựng quy hoạch, xây dựng các chính sách phát triển du lịch, trong tổ chức sử dụng, phát huy hiệu quả và bảo tồn, bảo vệ tài nguyên du lịch; Đảm bảo vai trò tập trung, thống nhất quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân tỉnh trong chỉ đạo kết nối, tạo sự kết hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp, ngành, lĩnh vực với ngành Du lịch để thực hiện các định hướng, mục tiêu, giải pháp phát triển du lịch bền vững; Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực quản lý các hoạt động kinh doanh du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch theo định hướng phát triển bền vững.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cục Thống kê tỉnh Bình Phước (2019), Niên giám thống kê tỉnh Bình Phước năm 2018, Bình Phước.
  2. Đảng bộ tỉnh Bình Phước (2015), Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Bình Phước.
  3. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước (2011), Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 02/01/2006 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch giai đoạn 2006-2010; phương hướng nhiệm vụ phát triển du lịch giai đoạn 2011-2015, Bình Phước.
  4. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước (2015), Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Bình Phước giai đoạn 2015 - 2018, Bình Phước.
  5. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước (2016), Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về phát triển du lịch giai đoạn 2011-2015; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020, Bình Phước.
  6. https://binhphuoc.gov.vn/

 

SOLUTIONS TO DEVELOP BINH PHUOC PROVINCE’S TOURISM INDUSTRY SUSTAINABLY  

LE THI NHU QUYNH

Department of Home Affairs

ABSTRACT:

Thanks to Binh Phuoc province’s abundant natural resources, beautiful landscapes and diverse traditional culture, the province has great advantages for sustainable tourism development. However, Binh Phuoc's tourism industry has not developed commensurate with the provincial potential and advantages. This study is to assess the current sustainable tourism development of Binh Phuoc province and indicate the achievements and limitations of the province. Based on the result, the study proposes a number of solutions to develop Binh Phuoc province’s tourism industry sustainably in the coming time.

Keywords: Binh Phuoc province, tourism, sustainable tourism development.