Một số gợi ý thúc đẩy sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và chống bán phá giá trong tình hình hiện nay

ThS. TRẦN QUANG PHONG (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng)

TÓM TẮT:

Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện các cam kết quốc tế đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, các doanh nghiệp của Việt Nam đang phải đương đầu với những thách thức to lớn từ áp lực cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) mà đặc biệt là công cụ chống bán phá giá nhằm bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam. Bài viết này trên cơ sở nghiên cứu tình hình áp dụng công cụ chống bán phá giá của Việt Nam thời gian qua, từ đó đề xuất một số biện pháp nhằm tăng cường sử dụng công cụ hữu ích này.

Từ khóa: hiệp định thương mại tự do, phòng vệ thương mại, bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ.

1. Đặt vấn đề

Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, Việt Nam đang tích cực tham gia đàm phán và ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng với các đối tác lớn. Tuy nhiên bên cạnh những cơ hội, nền kinh tế Việt Nam lại đang đứng trước nhiều thách thức lớn khi phải mở cửa thị trường cho hàng hóa nước ngoài thông qua các cam kết cắt giảm và loại bỏ thuế quan. Mở cửa thị trường cho hàng hóa nước ngoài cũng đồng thời xuất hiện những hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nước ngoài trên thị trường Việt Nam, đặc biệt là việc giá bán quá thấp gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp trong nước. Với hiện tượng trên, đã từ rất sớm các nước trên thế giới, đặc biệt các nước phát triển đã sử dụng có hiệu quả các công cụ phòng vệ thương mại (PVTM) như chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ thương mại để bảo vệ các doanh nghiệp của mình trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu. Trong khi đó ở Việt Nam bởi nhiều lý do, việc sử dụng các công cụ PVTM mà đặc biệt là công cụ chống bán phá giá, chống trợ cấp còn rất hạn chế. Bởi vậy, việc nhận thức, nắm vững và tăng cường sử dụng công cụ chống bán phá giá hàng nhập khẩu là vô cùng quan trọng trong tình hình hiện nay.

2. Những vấn đề chung về phòng vệ thương mại và biện pháp chống bán phá giá

2.1. Một số khái niệm

Có thể hiểu các biện pháp phòng vệ thương mại là một bộ phận của chính sách thương mại quốc tế của các quốc gia. Đó là các biện pháp được sử dụng để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài và nó bao gồm các biện pháp chống bán phá giá (AD), chống trợ cấp (CVD) và tự vệ (SG).

Trong khi các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp được sử dụng nhằm chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu thì biện pháp tự vệ chủ yếu nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước trước tình trạng gia tăng đột biến của hàng hóa nhập khẩu.

Biện pháp chống bán phá giá:

Trong thương mại quốc tế, bán phá được hiểu là khi có hiện tượng một loại hàng hóa được xuất khẩu từ nước này sang nước khác với mức giá bán thấp hơn cả giá bán của hàng hóa đó trên thị trường nước xuất khẩu và gây thiệt hại cho ngành sản xuất hàng hóa đó ở nước nhập khẩu. Theo quy định của WTO, đây được coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và biện pháp chống bán phá giá có thể được áp dụng.

Theo quy định của WTO, biện pháp chống bán phá giá có thời hạn áp dụng tối đa là 5 năm nhưng có thể gia hạn nhiều lần sau mỗi lần rà soát lại. Biện pháp chống bán phá giá chỉ có thể được áp dụng nếu cơ quan hành chính của nước nhập khẩu sau khi tiến hành điều tra việc bán phá giá, ra kết luận khẳng định sự tồn tại đồng thời của cả 3 yếu tố sau đây:

  • Hàng hóa nhập khẩu được bán phá giá với biên độ từ 2% trở lên.
  • Có sự thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất sản phẩm tương tự hoặc đe dọa thiệt hại đáng kể hoặc ngăn cản đáng kể sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
  • Có mối liên hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và các thiệt hại kể trên.

Biện pháp chống bán phá giá về thực chất là để chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh và trong đó thuế chống bán phá giá là công cụ được sử dụng phổ biến nhất. Thuế chống bán phá giá thực tế là khoản thuế bổ sung thường là rất cao ngoài thuế nhập khẩu thông thường đánh vào hàng hóa nhập khẩu được xác định là bán phá giá và gây thiệt hại cho sản xuất trong nước.

2.2. Các quy định của WTO và Pháp luật Việt Nam về chống bán phá giá

Theo WTO, các nguyên tắc về chống bán phá giá được quy định tại:

Điều VI, Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch(GATT) quy định những nguyên tắc chung.

Hiệp định về chống bán phá giá (ADA) giải thích cụ thể cho Điều VI của Hiệp định GATT bao gồm các quy tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Đối với pháp luật Việt Nam, chống bán phá giá được quy định tại:

Pháp lệnh số 20/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29/4/2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.

Nghị định số 90/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.

Nghị định số 04/2006/NĐ-CP của Chính phủ về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Hội đồng xử lý vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.

Quyết định số 848/QĐ-BCT ngày 5/2/2013 của Bộ Công Thương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý cạnh tranh.

Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu.

3. Thực tế áp dụng các biện pháp PVTM và chống bán phá giá của nước ngoài và Việt Nam hiện nay

3.1.  Tổng quan tình hình

Trong những năm vừa qua, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu thì số lượng các vụ kiện PVTM nước ngoài áp dụng với hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là kiện chống bán phá giá ngày một tăng và số liệu minh họa tại Biểu đồ 1 đã chứng tỏ điều này.

Biểu đồ 1: Số lượng các vụ điều tra chống bán phá giá của nước ngoài

đối với hàng xuất khẩu Việt Nam tính đến 2018

so_luong_cac_vu_dieu_tra_chong_ban_pha_gia_cua_nuoc_ngoai_doi_voi_hang_xuat_khau_viet_nam

Nguồn: VCA

Tổng số các vụ kiện chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam tính đến năm 2018 là 81 vụ và có xu hướng ngày một tăng lên.

Bên cạnh đó, xét về cơ cấu, các biện pháp PVTM được sử dụng bởi nước ngoài và bởi Việt Nam lại có sự khác biệt rất lớn.   

Bảng 1. Số lượng các vụ điều tra PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tính tới năm 2018

2_so_luong_cac_vu_dieu_tra_pvtm_doi_voi_hang_hoa_xuat_khau Nguồn: Tổng hợp số liệu từ Trung tâm WTO - VCCI

Qua số liệu nghiên cứu có thể thấy phía nước ngoài chủ yếu sử dụng nhóm các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp (88,6%) mà ít sử dụng hơn biện pháp chống trợ cấp (15%).

Trong khi đó ở Việt Nam, tình hình lại khác.

Bảng 2. Số lượng các vụ điều tra PVTM của Việt Nam đối với hàng hóa

nhập khẩu tính đến 2018

3_so_luong_cac_vu_dieu_tra_pvtm_cua_viet_nam_doi_voi_hang_hoa_nhap_khau

Nguồn: Tổng hợp số liệu từ Trung tâm WTO - VCCI

Nhìn vào Bảng 1 và 2 ta thấy số lượng các vụ kiện và áp dụng các biện pháp PVTM của Việt Nam đối với hàng nhập khẩu là ít hơn nhiều so với số lượng các vụ kiện và áp dụng biện pháp PVTM mà phía nước ngoài áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam còn ít quan tâm và gặp khó khăn khi áp dụng các biện pháp PVTM. 

cac_bien_phap_chong_ban_pha_gia_va_chong_tro_cap

Vấn đề thứ hai là ở chỗ trong khi đối với phía nước ngoài chống bán phá giá là chủ yếu và cũng khá nhiều vụ kiện chống trợ cấp thì ở Việt Nam lại chủ yếu lựa chọn biện pháp tự vệ và chưa có vụ kiện chống trợ cấp nào.

ap_dung_bien_phap_chong_ban_pha_gia_cua_viet_nam_doi_voi_hang_nhap

Lý giải về tình trạng trên có thể thấy, biện pháp tự vệ đơn thuần chỉ là biện pháp bảo hộ tạm thời trong điều kiện có sự gia tăng đột biến của hàng hóa nhập khẩu gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước chứ không phải là biện pháp chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh nên thủ tục đi kiện đơn giản hơn nhiều so với các biện pháp khác, cụ thể là bên đi kiện không có nghĩa vụ chứng minh hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Các doanh nghiệp và cơ quan điều tra của Việt Nam thường là ít kinh nghiệm và khó tiếp cận các thông tin về chi phí của hàng nhập khẩu nên gặp khó khăn trong việc chứng minh hành vi cạnh tranh không lành mạnh nên ít lựa chọn biện pháp chống bán phá giá hay chống trợ cấp mà chủ yếu áp dụng biện pháp tự vệ.

3.2. Tình hình áp dụng biện pháp chống bán phá giá của Việt Nam đối với hàng nhập khẩu

Trong thời gian qua, mặc dù còn ít nhưng tính đến nay các danh nghiệp Việt Nam đã có 4 vụ kiện chống bán phá giá thành công cho thấy những tín hiệu tích cực về sự thay đổi trong nhận thức, tư duy, năng lực của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam. Có thể tóm tắt 3 vụ kiện chống bán phá giá như Bảng 3.

Bảng 3. Các vụ kiện chống bán phá giá hàng nhập khẩu vào Việt Nam

cac_vu_kien_chong_ban_pha_gia_hang_nhap_khau_vao_viet_nam

Như vậy, cả 4 vụ kiện chống bán phá giá hàng nhập khẩu của Việt Nam tính đến thời điểm này đều thuộc ngành Thép, đồng thời tính trên tổng số các vụ kiện PVTM đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam thì ngành Thép cũng chiếm đa số các vụ kiện PVTM.

Xét trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam, việc bắt đầu áp dụng các biện pháp PVTM mà chủ yếu biện pháp tự vệ cũng là hợp lý, nó bắt đầu cho thấy có sự quan tâm của Chính phủ cũng như các doanh nghiệp Việt Nam đến các biện pháp phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, nhìn vào dài hạn chúng ta cần có sự quan tâm nhiều hơn vào biện pháp PVTM mà đặc biệt là chống bán phá giá bởi những điểm mạnh riêng có của nó.

So sánh 2 biện pháp PVTM như trình bày tại Bảng 4.

Bảng 4. So sánh 2 biện pháp chống bán phá giá và tự vệ

so_sanh_2_bien_phap_chong_ban_pha_gia_va_tu_ve Việc kiện và áp dụng biện pháp chống bán phá giá khó khăn, phức tạp hơn nhiều, đòi hỏi phải thu thập thông tin sản xuất của phía nước ngoài, phân tích chi phí của hàng hóa nhập khẩu… nhưng bù lại có thời hạn dài hơn, với mục đích xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, nên giảm rủi ro trả đũa thương mại.

4. Những hạn chế và một số biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng công cụ chống bán phá giá

4.1. Những hạn chế

Hệ thống Pháp luật về các công cụ PVTM chưa hoàn thiện: Việt Nam mới chỉ có các Pháp lệnh, Nghị định về chống bán phá giá và cũng chưa hoàn chỉnh, đặc biệt là thiếu các Thông tư hướng dẫn nên gây khó khăn cho các cơ quan chức năng cũng như doanh nghiệp trong thực hiện.

Hiểu biết của doanh nghiệp Việt Nam về các biện pháp PVTM, đặc biệt công cụ chống bán phá giá còn hạn chế trong khi thông tin đến với doanh nghiệp cũng rất ít ỏi và thường chậm.

Khả năng tài chính hạn hẹp: Các doanh nghiệp Việt Nam hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tài chính hạn hẹp nên khó lòng theo đuổi các vụ kiện chống bán phá giá hay chống trợ cấp đòi hỏi việc thu thập thông tin, chứng minh phức tạp, tốn kém.

Năng lực pháp lý hạn chế cũng là rào cản để doanh nghiệp tiếp cận nguồn thông tin về sản xuất và chi phí của doanh nghiệp xuất khẩu hàng vào Việt nam.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ đưa đến cơ hội mà còn tạo ra một áp lực cạnh tranh rất lớn đối với doanh nghiệp còn yếu thế của Việt nam

Khả năng liên kết các doanh nghiệp chưa cao: Để áp dụng biện pháp chống bán phá giá đòi hỏi nguyên đơn phải có thị phần đủ lớn (Ví dụ tối thiểu sản xuất 25% khối lượng sản phẩm toàn ngành) nên cần sự liên kết nhiều doanh nghiệp cùng ngành, nhưng đây cũng là một khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

4.2. Một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng biện pháp chống bán phá giá hàng nhập khẩu

Đối với cơ quan nhà nước:

Cần hoàn thiện hệ thống luật pháp cùng các Thông tư hướng dẫn cụ thể để thuận tiện cho doanh nghiệp.

Tăng cường thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp thông qua các trang thông tin điện tử, các cuộc hội thảo, các khóa học, tài liệu.

Thành lập cơ quan chuyên trách về PVTM (Hiện giờ Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương đam đảm nhiệm chức năng này) và chủ động hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thu thập, xử lý thông tin.

Hài hòa hóa quan hệ lợi ích giữa các nhà sản xuất trong nước với các nhà nhập khẩu hàng hóa: Thường luôn có sự xung đột lợi ích giữa các nhà sản xuất kiện chống bán phá giá với các nhà kinh doanh nhập khẩu hàng hóa cùng ngành. Bởi vậy rất cần vai trò của nhà nước trong việc giải quyết xung đột này vì lợi ích của cả nền kinh tế

 Đối với doanh nghiệp:

Trước hết cần nâng cao nhận thức về pháp luật cạnh tranh, về các biện pháp PVTM nhằm tránh được các vụ kiện bất lợi bên cạnh đó lại biết sử dụng có hiệu quả các công cụ này thông qua các tài liệu, tham gia hội thảo và học hỏi kinh nghiệm từ các đơn vị bạn...

Nâng cao vai trò của tổ chức hiệp hội: Các vụ kiện chống bán phá giá rất cần đến vai trò của các hiệp hội trong việc kết nối doanh nghiệp cùng đứng đơn kiện và thu thập thông tin

Các doanh nghiệp cần tăng cường mối liên kết để có đủ khả năng về pháp lý, tài chính theo đuổi các vụ kiện chống bán phá giá.

Cuối cùng, cần nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là ngành Thép cần tận dụng những cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây chính là biện pháp để doanh nghiệp Việt Nam có thể chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu một cách hiệu quả nhất.

5. Kết luận

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng, đặc biệt khi các FTA thế hệ mới có hiệu lực với mức thuế giảm về 0%, chắc chắn một lượng hàng hóa khổng lồ có điều kiện đổ vào thị trường Việt Nam và kèm theo đó là các hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây thiệt hại to lớn đến các ngành sản xuất trong nước. Trước viễn cảnh đó, các công cụ PVTM phù hợp với luật pháp quốc tế sẽ được coi là những biện pháp cuối cùng để bảo vệ thị trường nội địa. Mặc dù việc áp dụng các biện pháp PVTM của doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ là bước đầu, còn nhiều hạn chế nhưng cho đến năm 2018 với 11 vụ kiện PVTM thành công, trong đó có 4 vụ kiện chống bán phá giá chứng tỏ Việt Nam đã có sự quan tâm hơn đến các công cụ PVTM, đã trưởng thành hơn về nhận thức, năng lực pháp lý… Tuy nhiên, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc sử dụng các công cụ PVTM, đặc biệt là các công cụ chống bán phá giá và chống trợ cấp để bảo vệ hiệu quả lợi ích của mình và giành thắng lợi trên thương trường. 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2004). Pháp lệnh số 20/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29/4/2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.
  2. Chính phủ (2005). Nghị định số 90/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.
  3. Chính phủ (2006). Nghị định số 04/2006/NĐ-CP của Chính phủ về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Hội đồng xử lý vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.
  4. Bộ Công Thương (2013). Quyết định số 848/QĐ-BCT ngày 5/2/2013 của Bộ Công Thương quy định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý cạnh tranh.
  5. Điều VI, Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch(GATT) quy định những nguyên tắc chung.
  6. Hiệp định về chống bán phá giá(ADA) giải thích cụ thể cho Điều VI của Hiệp định GATT bao gồm các quy tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
  7. Cổng thông tin điện tử Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương.
  8. Trung tâm WTO (2015). Báo cáo “Sử dụng các công cụ PVTM trong bối cảnh Việt Nam thực thi các FTAs và Cộng đồng kinh tế ASEAN”.
  9. Marc L, Eric R và Gregory S. (2008). Does Legal Capacity Matter? Explaining Dispute Initiation and Antidumping Actions in the WTO, Phòng Giải quyết tranh chấp và các khía cạnh pháp lý quốc tế của ICTSD.

 

SOME SOLUTIONS TO PROMOTE THE USE OF

ANTI-DUMPING MEASURES AND OTHER TRADE REMEDIES

Master. TRAN QUANG PHONG

Faculty of Economics and Business Administration, Hai Phong University

ABSTRACT: 

In the context of Vietnam’s international economic integration and implementation of free trade agreements’ commitments, domestic businesses are facing a fierce competition from foreign companies and also unfair competition activities from foreign rivals. The use of trade remedies which are approved by the World Trade Organization (WTO), especially anti-dumping measures, is important for Vietnam to protect domestic enterprises. By analyzing the anti-dumping measure application of Vietnam in recent years, this paper proposes some solutions to strengthen the effectiveness of this application.

Keywords: free trade agreement, trade remedies, anti-dumping, subsidies and countervailing measure, safe-guard.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 13, tháng 6 năm 2021]