Bên cạnh các cơ quan giữ vai trò chủ lực trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cả nước, công tác thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn trong hơn 10 năm vừa qua đã có sự phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức khác trong nước.

Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam cũng tích cực triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Qua đó, hỗ trợ các cơ quan, tổ chức trên thế giới triển khai hiệu quả các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như khẳng định vị thế, tiếng nói của nước ta trong khu vực và trên thế giới lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Dưới đây là một số thành tựu và kết quả đạt được trong các hoạt động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2010 – 2021 vừa qua.

Đối với công tác xây dựng chính sách, pháp luật và phối hợp với các cơ quan có liên quan trong nước

Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ban, ngành, hiệp hội, tổ chức, chuyên gia và các thành phần liên quan nhằm trao đổi, lấy ý kiến hoàn thiện đối với các văn bản pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhờ vậy, quá trình xây dựng văn bản pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không những đảm bảo đúng tiến độ mà còn đảm bảo về chất lượng nội dung và tuân thủ đúng quy trình xây dựng.

Từ đó, một hệ thống pháp luật và chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được xây dựng và hoàn thiện. Trong đó nổi bật có Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; các Nghị định thi hành Luật; các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung, về Ngày Người tiêu dùng Việt Nam, về phê duyệt các đề án; Thông tư liên tịch giữa Bộ Công Thương và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xây dựng Đề án giáo dục kiến thức, kỹ năng tiêu dùng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho học sinh, sinh viên năm 2017.

Bộ Công Thương và Bộ Tài chính ban hành Quy chế phối hợp số 4330/QCPH/BTC-BCT ngày 31 tháng 3 năm 2017 về việc phối hợp trong việc phê chuẩn sản phẩm, đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đối với hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.

Trong thực hiện công tác thanh, kiểm tra, ngay sau khi bắt đầu được giao thực hiện trách nhiệm về thanh tra chuyên ngành về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng kể từ năm 2018, các hoạt động thanh, kiểm tra do Bộ Công Thương chủ trì đã có sự phối hợp với một số đơn vị thuộc Bộ Y tế , Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Sở Công Thương TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể, các đơn vị phối hợp cử người tham gia đoàn thanh, kiểm tra, chịu trách nhiệm thực hiện một phần nội dung của hoạt động thanh, kiểm tra. Thông qua hoạt động thanh tra, Bộ Công Thương đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với 18 doanh nghiệp với số tiền gần 1,4 tỷ đồng triệu đồng trong giai đoạn 2018-2022.

Đối với hoạt động hợp tác quốc tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Việc tích cực tham gia và phối hợp với các cơ quan quốc tế không chỉ nhằm hỗ trợ các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai hiệu quả các hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình mà còn góp phần khẳng vị thế và tiếng nói của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương và các cơ quan tổ chức có liên quan đã tham gia nhiều thỏa thuận quốc tế song phương và đa phương. Điển hình, vào ngày 17 tháng 6 năm 2015, tại trụ sở Bộ Công Thương, Cục Quản lý cạnh tranh (nay là Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng) và Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng Hàn Quốc đã ký Thỏa thuận hợp tác về công tác bảo vệ người tiêu dùng, theo đó cơ quan bảo vệ người tiêu dùng hai nước  sẽ hợp tác với nhau trong các lĩnh vực: chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp điều tra và các hoạt động hợp tác khác về bảo vệ người tiêu dùng.

Tính đến tháng 11 năm 2020, Việt Nam tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương (viết tắt là FTA). Trong đó, 09 Hiệp định thương mại song phương và đa phương có điều khoản hoặc Chương riêng quy định về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thường không được quy định trực tiếp trong Hiệp định, mà các nội dung về quyền lợi của người tiêu dùng sẽ được thể hiện gián tiếp thông qua các quy định về chất lượng sản phẩm, minh bạch hóa thông tin về sản phẩm như nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng, các biện pháp vệ sinh dịch tễ hoặc lồng ghép trong các nội dung về cạnh tranh.

Trong khuôn khổ thực thi các cam kết về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các FTAs, các nước thành viên tuân thủ các quy định mang tính nguyên tắc cơ bản, các quy định về hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao khả năng thực thi chính sách và pháp luật cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng nhằm đảm bảo lợi ích thương mại và đầu tư do các FTA mang lại. Ngoài ra, trên cơ sở các hiệp định ký kết, Việt Nam đã phối hợp với cơ quan bảo vệ người tiêu dùng một số nước liên quan triển khai hoạt động hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng.

Cụ thể, trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), liên quan đến công tác bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã phối hợp với Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Hàn Quốc và Ban Thư ký ASEAN tổ chức chuỗi sự kiện về bảo vệ người tiêu dùng khu vực: “Xây dựng Hệ thống giải quyết tranh chấp khu vực về thương mại điện tử và Cơ chế phối hợp liên cơ quan nhằm tăng cường công tác bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử khu vực” và Khóa đào tạo “Nâng cao năng lực điều tra và xử lý tranh chấp thương mại điện tử” tháng 11 năm 2017 tại Tp. Hồ Chí Minh.

Trong giai đoạn 2011 – 2022, các cơ quan, tổ chức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam cũng đã tham gia nhiều tổ chức quốc tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như Mạng lưới thực thi bảo vệ người tiêu dùng quốc tế (ICPEN), Ủy ban bảo vệ người tiêu dùng ASEAN (ACCP)…

Trong đó, ICPEN là mạng lưới quốc tế lớn nhất trên thế giới về bảo vệ người tiêu dùng với 60 thành viên là cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của các nước trên thế giới như: Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Hà Lan, Canada, Úc, Mexico... và 03 tổ chức quốc tế làm quan sát viên bao gồm: Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Uỷ Ban Châu Âu (EC) và Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển kinh tế (UNCTAD). Sau 2 năm tham dự ICPEN với vai trò là quan sát viên, năm 2013 Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 41 của mạng lưới ICPEN.

Sau khi trở thành thành viên chính thức, Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia vào các cuộc họp thường niên cũng như các hoạt động do ICPEN khởi xướng, đặc biệt là việc tham gia các Nhóm làm việc cũng như triển khai các các hoạt động rà soát hàng năm tại Việt Nam.

ACCP là một tổ chức được thành lập từ tháng 8 năm 2007 với 10 thành viên là các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng từ 10 quốc gia ASEAN (trong đó có Việt Nam). Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) của Việt Nam là một trong những thành viên tham gia sớm và có nhiều đóng góp tích cực. Không chỉ nhiều lần tham gia làm Chủ tịch, nước chủ nhà các cuộc gặp thường niên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng còn cử người tham gia và chủ trì nhiều Nhóm làm việc cũng như chủ trì nhiều hoạt động quan trọng trong khuôn khổ ACCP.

Việc tích cực tham gia và phối hợp với các cơ quan quốc tế không chỉ hỗ trợ các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai hiệu quả các hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình mà còn góp phần khẳng vị thế và tiếng nói của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong giai đoạn 2011-2022, Việt Nam cũng đã sử dụng nhiều phương thức khác nhau để chia sẻ cũng như tiếp nhận thông tin từ cộng đồng quốc tế liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Việt Nam hiện đang thực hiện chia sẻ thông tin thông qua hoạt động cập nhật dữ liệu về sản phẩm khuyết tật trên hệ thống cổng thông tin của ACCP và OECD.

Ngoài ra, Việt Nam còn chia sẻ/tiếp nhận thông tin thông qua các hoạt động trao đổi song phương và việc tham gia các Hội nghị/hội thảo/khóa đào tạo trong khu vực và trên thế giới.

Với nguồn lực từ các hoạt động hợp tác quốc tế, Bộ Công Thương đã thực hiện hơn 10 nghiên cứu và in ấn hàng chục ấn phẩm để tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tiêu biểu có thể kể đến Nghiên cứu về tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới (2018, dự án GIZ); “Sổ tay hỏi – đáp pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng“; “Sổ tay dành cho Tư vấn viên bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” (2016-2017, dự án JICA); Khảo sát về nhận thức của người tiêu dùng (dự án GIZ, 2015)….

Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam cũng phối hợp giải quyết tranh chấp người tiêu dùng xuyên biên giới (cả do người tiêu dùng Việt Nam và người tiêu dùng nước ngoài phản ánh) trong bối cảnh sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử khiến tính chất và số lượng các vụ việc tranh chấp người tiêu dùng gia tăng đáng kể.

Để có thể tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại này, Bộ Công Thương đã chủ động xây dựng các cơ chế để giải quyết thông qua việc tham gia các thiết chế phối hợp quốc tế (ví dụ cổng tiếp nhận của OECD) hoặc xây dựng các thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương (ví dụ: Thỏa thuận song phương về hợp tác với cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Hàn Quốc (KCA) trong đó có nội dung hợp tác về giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới.

Trên cơ sở các thiết chế này, trong giai đoạn 2011 – 2020, các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã tham gia giải quyết nhiều vụ việc tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới . Tiêu biểu như các vụ việc: 

- Trong giai đoạn từ năm 2020-2021, nhiều trường hợp người tiêu dùng là người nước ngoài gặp vấn đề liên quan đến hoàn hủy vé máy bay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong đó, đa phần liên quan đến việc chậm nhận được tiền hoàn vé máy bay từ hàng hàng không. Trên cơ sở khiếu nại của người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã phối hợp với các hãng hàng không để xử lý, đảm bảo hoàn tiền cho người tiêu dùng.

- Năm 2016, Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Hàn Quốc (KCA) tiếp nhận và giải quyết thành công vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng Hàn Quốc liên quan đến tour du lịch của khách du lịch Hàn Quốc tới Đà Nẵng.

- Năm 2015, Bộ Công Thương đã phối hợp với cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Singapore (CASE) hỗ trợ, giải quyết thành công vụ việc người tiêu dùng Việt Nam bị “lừa” mua điện thoại Iphone ở Singapore.

- Năm 2013, Bộ Công Thương đã bảo vệ thành công quyền lợi chính đáng của khách du lịch là người nước ngoài khi xảy ra tranh chấp với một đại lý du lịch tại Việt Nam. Thời điểm giải quyết vụ việc, hai khách nước ngoài đã quay về nước sở tại.