Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đổi mới sâu sắc tư duy kinh tế, hoàn thiện và nâng tầm tư duy chính trị phù hợp với sự phát triển của thời đại, cải cách phương thức điều hành kinh tế và quản lý xã hội theo tinh thần nhà nước pháp quyền với mục tiêu đưa đất nước đi theo con đường phát triển sáng tạo và bền vững, lấy con người làm trung tâm, bảo vệ môi trường, đa dạng văn hóa và giữ gìn bản sắc dân tộc, góp phần vào sự phát triển chung của nhân loại.

Thành quả của sự nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo trong công cuộc thống nhất dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước là hết sức to lớn, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội. Đảng, Nhà nước Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò lãnh đạo đất nước trên mọi bình diện và khía cạnh của đời sống xã hội. Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững trong suốt 35 năm qua và nằm trong nhóm những quốc gia phát triển năng động bậc nhất trên thế giới. Ngay trong năm 2020, khi đại dịch COVID-19 hoành hành trên quy mô toàn thế giới và hầu hết các quốc gia đều bị ảnh hưởng nặng nề thì Việt Nam vẫn là điểm sáng trong việc thực hiện "mục tiêu kép": vừa quyết liệt phòng chống dịch vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân. (GDP năm 2020 tăng 2,91%, thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất thế giới).

Việt Nam giờ đây đã là một quốc gia có uy tín và vị thế chính trị rất cao trên trường quốc tế, tham gia chủ động và tích cực vào các khung khổ hợp tác khu vực và toàn cầu vì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển như lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhận định “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế như ngày nay”. Đây chính là kết quả của đường lối phát triển kinh tế đúng đắn dưới sự Lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dựa trên cơ sở đường lối chính trị đúng đắn, kiên định Chủ nghĩa Mác – Lê Nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh trong quản trị quốc gia.

Mặc dù vậy, bên cạnh những thành tựu và kết quả to lớn đã đạt được, thực tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế mà có nguyên nhân xuất phát từ nhận thức không đầy đủ và đúng đắn của một bộ phận cán bộ, đảng viên về đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước cũng như trách nhiệm với việc bảo vệ thành quả của cách mạng Việt Nam, bảo vệ chế độ chính trị, bảo vệ con đường đi lên CNXH của chúng ta đã và đang được hoạch định, điều chỉnh, biện chứng để mang lại cơm no, áo ấm và tương lai phát triển cho đất nước. Điều này đã khiến cho Nhân dân và quần chúng mất niềm tin vào Đảng từ đó cổ súy cho những quan điểm sai trái, lệch lạc, thậm chí a dua hùa theo các thế lực thù địch, chống đối đất nước xuyên tạc, bôi nhọ Đảng Cộng sản Việt Nam, chính Đảng đã được nhân dân lựa chọn để lãnh đạo đất nước.

Đây chính là một trong những nguyên nhân căn bản nhất để các thế lực thù địch, phản động cả bên ngoài và bên trong, ngấm ngầm hay công khai nắm bắt và lợi dụng để tăng cường hoạt động chống phá quyết liệt sự nghiệp cách mạng của Đảng, tấn công vào nền tảng tư tưởng và đường lối cách mạng của Đảng với mục tiêu: (i) Phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam; (ii) Phủ nhận những thành quả cách mạng to lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đã tạo dựng trong gần 1 thế kỷ vừa qua; (iii) Làm băng hoại đạo đức xã hội; (iv) Kích động và gây mâu thuẫn làm suy giảm niềm tin của Nhân dân vào chế độ chính trị, từ đó phá hoại các thành quả phát triển kinh tế xã hội cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc đảm bảo độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và con đường đi lên CNXH của nước ta.

Trước tình hình đó, ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nghị quyết 35 nhấn mạnh: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của từng cán bộ, đảng viên mà trước hết là người đứng đầu. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 35-NQ/TW, Ban Chỉ đạo 35 Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng đã ban hành Hướng dẫn số 39-HD/VPTW ngày 16/10/2018, Hướng dẫn số 01-HD/BCĐ ngày 25/6/2019 hướng dẫn việc thành lập và hoạt động của Ban Chỉ đạo 35 tại các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Với những yêu cầu và nhiệm vụ trên, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 47-QĐ/BCSĐ ngày 20/9/2019, Quyết định số 02-QĐ/BCSĐ ngày 07/01/2020 thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo và Tổ Thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo Bộ Công Thương về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương); trong đó, đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo, Văn phòng Ban cán sự đảng được giao là Cơ quan Thường trực giúp Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo đã ban hành Quy chế hoạt động số 01-QC/BCĐ ngày 22/10/2019 với các nội hàm, nội dung về phạm vi, quyền hạn, cơ cấu bộ máy chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo; ban hành Quyết định số 04-QĐ/BCSĐ ngày 25/3/2020 phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Ban Chỉ đạo; ban hành Quyết định số 63-QĐ/BCĐ ngày 23/4/2020 thành lập Nhóm cộng tác viên tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Ban Chỉ đạo đã ban hành Kế hoạch số 10-KH/BCĐ ngày 21/01/2020 về kế hoạch hoạt động năm 2020 và đồng thời xây dựng dự toán kinh phí để triển khai. Thực hiện các yêu cầu trên, Ban Chỉ đạo 35 đã tổ chức các cuộc họp để triển khai thực hiện các nhiệm vụ và hoạt động của năm 2020. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng, Trưởng Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra theo kế hoạch.

Năm 2020, Ban Chỉ đạo đã mở Chuyên mục về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ, Báo Công Thương điện tử, Tạp chí Công Thương điện tử. Trong năm 2020, Ban Chỉ đạo đã thực hiện đăng tải gần 50 bài viết trên Chuyên mục, trong đó tập trung thông tin, tuyên truyền góp phần giúp cho nhân dân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương nắm bắt, hiểu rõ các hoạt động của Bộ, những vấn đề dư luận xã hội đang quan tâm trong quá trình Bộ Công Thương triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ban Chỉ đạo đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương tổ chức Hội nghị tập huấn để trang bị kỹ năng, kiến thức cho các đồng chí Thủ trưởng đơn vị, các đồng chí trong cấp ủy đảng và bí thư đoàn thanh niên của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ về nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, dự báo xu hướng và một số giải pháp trong tình hình mới.

Sau một năm hoạt động, từ nội dung đến hình thức hoạt động của Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương đã từng bước đi vào nề nếp, hoạt động một cách bài bản; kịp thời tuyên truyền, định hướng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường công tác nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, góp phần giáo dục, định hướng tư tưởng chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân để nâng cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Tập thể Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và cá nhân đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng, Trưởng Ban Chỉ đạo đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả hoạt động tích cực của Ban Chỉ đạo trong năm 2020.

Qua công tác tổ chức triển khai các hoạt động, Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương rút ra một số bài học kinh nghiệm để triển khai thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới, cụ thể:

Thứ nhất, cần có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt và tạo điều kiện của người đứng đầu, cụ thể là đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng, Trưởng Ban Chỉ đạo trong tổ chức các hoạt động của Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, ngày càng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Thứ hai, các đồng chí thành viên trong Ban Chỉ đạo chủ động, tích cực trong việc tham gia xây dựng kế hoạch và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện theo trách nhiệm được phân công đối với từng lĩnh vực, đảm bảo thực hiện đúng quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ đối với từng thành viên.

Thứ ba, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo và Tổ Thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo cần phối hợp chặt chẽ, tích cực, chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo trong việc xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch công tác và việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc trong quá trình thực hiện.

Thứ tư, xác định công tác thông tin tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Ban Chỉ đạo, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, nhất quán, huy động tổng lực các đơn vị chức năng và đơn vị báo chí, xuất bản thuộc Bộ cùng vào cuộc, tăng cường thông tin trên cả hai mặt trận “xây” và “chống”.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cần tăng cường thông tin tích cực, phản ánh mặt sáng của đời sống xã hội, những kết quả nổi bật của ngành; chú ý “xây” trước “chống” sau. Điều quan trọng hơn hết là thông tin phải có tính thuyết phục. Thông tin chống tiêu cực phải luôn bảo đảm chuẩn xác, khách quan, đa chiều, phản ánh đúng bản chất vấn đề, đồng thời thể hiện rõ tinh thần xây dựng, luôn tìm ra hướng mở, đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Thứ năm, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về các hoạt động của Bộ Công Thương, ngành Công Thương để kịp thời định hướng dư luận, củng cố niềm tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước và tích cực đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. 

Bước sang năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, đồng thời tiếp tục triển khai những nhiệm vụ được giao, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ các biện pháp để triển khai Nghị quyết số 35-NQ/TW, trong đó ngoài việc tiếp tục triển khai các nhiệm vụ thường xuyên đã làm trong năm 2020, cần tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo 35 Trung ương trong tổ chức các chương trình tập huấn, cập nhật thông tin, kiến thức; trao đổi thông tin đưa lên các cổng, website chính thức của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương và các đầu mối thuộc Bộ, ngành khác; kêu gọi, động viên sự sáng tạo của các đơn vị, cá nhân trang bị nâng cao ý thức trách nhiệm để nhận diện, tranh luận và đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, qua đó giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện được hiệu quả, toàn diện và đạt đúng yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.