Một số lỗi vi phạm giao thông du Xuân ngày Tết mà các tài xế cần chú ý

TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG: CHUYÊN TRANG CÔNG NGHIỆP Ô TÔ - XE MÁY CARTIMES

Một số lỗi vi phạm giao thông du Xuân ngày Tết mà các tài xế cần chú ý

Việc di chuyển bằng ô tô đi chúc tết, thăm hỏi họ hàng diễn ra thường xuyên, đồng thời, tâm lý chủ quan khiến cho mất an toàn giao thông. Chủ xế nên chú ý tránh các lỗi dưới đây, để tránh bị mất tiền.

Vi phạm nồng độ cồn

Ngày Tết, tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn trong người rất cao. Đây là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử phạt rất nặng.

Căn cứ quy định tại Điều 5, Điều 6, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt xử phạt người điều khiển xe ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô:

- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.

vi phạm nồng độ cồn
Ngày Tết, tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn trong người rất cao.

- Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

Chạy xe quá tốc độ quy định

Nhiều người về quê hay thăm họ hàng người thân ở xa ngày Tết thường có tâm lý sốt ruột dẫn đến chạy quá tốc độ. Đây là hành vi nguy hiểm và vi phạm pháp luật.

Hiện nay trên nhiều tuyến đường cao tốc, quốc lộ có nhiều camera giám sát, nhất là với người điều khiển xe ôtô. Hành vi điều khiển ôtô chạy quá tốc độ quy định sẽ được hệ thống ghi lại, sau đó gửi dữ liệu về cho trung tâm xử lý, làm cơ sở, bằng chứng để xử phạt.

chạy xe quá tốc độ quy định
 Chạy xe quá tốc độ quy định cũng bị áp dụng mức xử phạt nặng
Quảng cáo

Theo quy định tại Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021), người điều khiển ôtô chạy quá tốc độ quy định từ 5 đến dưới 10km/giờ sẽ bị xử phạt từ 800.000 - 1 triệu đồng.

- Phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng với trường hợp điều khiển ôtô chạy quá tốc độ quy định từ 10 đến dưới 20 km/giờ (theo điểm đ, khoản 34, điều 2, Nghị định 123, sửa đổi và bổ sung mới từ điểm i, khoản 5, điều 5 của Nghị định 100). Ngoài ra, người vi phạm có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) từ 1 - 3 tháng.

- Nếu chạy quá tốc độ từ 20 đến dưới 35 km/giờ (điểm a, khoản 6, điều 5), tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng. Đặc biệt, nếu điều khiển ôtô chạy quá tốc độ cho phép trên 35 km/giờ sẽ bị phạt từ 10 - 12 triệu đồng (điểm c, khoản 7, điều 5) và tước GPLX từ 2 - 4 tháng.

Không bật đèn tín hiệu xi-nhan khi chuyển làn đường

Ngày Tết, lái xe thường lơ là nên khi đường hay chuyển hướng không bật đèn tín hiệu xi-nhan.

Đối với hành vi điều khiển ôtô chuyển làn đường mà không bật đèn tín hiệu xi-nhan báo trước, sẽ bị xử phạt từ 400.000 - 600.000 đồng (theo điểm a, khoản 2, điều 5). Trường hợp, xe di chuyển trên đường cao tốc, các tài xế, chủ phương tiện cũng bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng (điểm g, khoản 5, điều 5) và tước GPLX từ 1 - 3 tháng.

Trong khi đó, hành vi điều khiển ôtô chuyển hướng mà không bật đèn tín hiệu xi-nhan báo trước hướng rẽ, sẽ bị xử phạt từ 800.000 đồng - 1 triệu đồng (điểm c, khoản 3, điều 5).

Vượt đèn đỏ

Với hành vi điều khiển ôtô vượt đèn đỏ, sẽ bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng (theo điểm đ, khoản 34, điều 2, Nghị định 123/2021). Bên cạnh đó, người điều khiển ôtô còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng hoặc từ 2 - 4 tháng nếu gây tai nạn (điểm b, c, khoản 11, điều 5).

Điều khiển ôtô đi không đúng phần đường, làn đường quy định

Cũng theo quy định tại Nghị định 100/2019 (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021), hành vi điều khiển ôtô đi không đúng phần đường, làn đường sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng (điểm đ, khoản 5, điều 5) và tước quyền sử dụng GPLX từ 1 - 3 tháng.

Trường hợp điều khiển ôtô đi không đúng phần đường, làn đường quy định và gây tai nạn, sẽ bị xử phạt từ 10 - 12 triệu đồng (điểm a, khoản 7, điều 5), đồng thời tước quyền sử dụng GPLX từ 2 - 4 tháng.

Tin khác