Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2011. Trong hơn 10 năm thực thi vừa qua (2011-2022), các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ, đồng thời, kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam.

Dưới đây là một số thành tựu nổi bật trong công tác xây dựng, tuyên truyền và xã hội hoá công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam trong giai đoạn 2010 – 2021 vừa qua.  

Đối với công tác xây dựng và kiện toàn pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Trong hơn 10 năm thực thi, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn đã tạo được hành lang pháp lý cho việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cụ thể, sau khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2011, hàng loạt các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan được ban hành để hình thành một hệ thống khung chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tương đối hoàn thiện, bao gồm:

  • Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
  • Nghị định số 19/2012/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (đã hết hiệu lực do tích hợp vào Nghị định số 185/2013/NĐ-CP).
  • Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
  • Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
  • Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (thay thế cho Nghị định số 185/2013/NĐ-CP và Nghị định số 124/2015/NĐ-CP).
  • Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ về việc ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
  • Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ về việc ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
  • Quyết định số 25/2019/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg nêu trên.
  • Thông tư số 10/2013/TT-BCT ngày 30 tháng 5 năm 2013 của Bộ Công Thương về ban hành mẫu đơn đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Ngoài các văn bản quy phạm pháp luật, một hệ thống các văn bản chính sách cũng được các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành để tổ chức thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bao gồm:

  • Quyết định số 1035/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.
  • Quyết định số 1997/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2016-2020.
  • Quyết định số 1157/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025.
  • Các Kế hoạch tổ chức thực hiện Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam hàng năm do Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân/Sở Công Thương các tỉnh, thành phố ban hành.

Đặc biệt, ngày 22 tháng 01 năm 2019, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Tiếp đó, ngày 26 tháng 5 năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW nêu trên.

Về cơ bản, việc ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã góp phần tạo dựng một số kết quả nổi bật như sau:

  • Bước đầu đã hình thành được một hệ thống cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương và hệ thống các tổ chức xã hội trên cả nước;
  • Đã ghi nhận những nguyên tắc cơ bản về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
  • Đã ghi nhận các quyền cơ bản của người tiêu dùng cũng như trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;
  • Đã ghi nhận vai trò và quy định cơ chế hỗ trợ hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
  • Đã quy định khá tổng quát và đầy đủ trách nhiệm, hệ thống tổ chức các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
  • Tạo tiền đề để công nhận Ngày 15 tháng 3 hàng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam;
  • Tạo cơ sở để ban hành Chương trình phát triển hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2016 – 2020 và giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh các cơ quan giữ vai trò chủ lực trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cả nước, công tác xây dựng chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong 10 năm vừa qua đã có sự phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức khác.

Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ban, ngành, hiệp hội, tổ chức, chuyên gia và các thành phần liên quan nhằm trao đổi, lấy ý kiến hoàn thiện đối với các văn bản pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhờ vậy, quá trình xây dựng văn bản pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không những đảm bảo đúng tiến độ mà còn đảm bảo về chất lượng nội dung và tuân thủ đúng quy trình xây dựng. Từ đó, một hệ thống pháp luật và chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được xây dựng và hoàn thiện.

Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xây dựng Đề án giáo dục kiến thức, kỹ năng tiêu dùng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho học sinh, sinh viên năm qua các năm.

Bộ Công Thương và Bộ Tài chính ban hành Quy chế phối hợp số 4330/QCPH/BTC-BCT ngày 31 tháng 3 năm 2017 về việc phối hợp trong việc phê chuẩn sản phẩm, đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đối với hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.

Ngoài ra, sau khi bắt đầu được giao thực hiện trách nhiệm về thanh tra chuyên ngành về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ năm 2018, giai đoạn 2018-2022, các hoạt động thanh, kiểm tra do Bộ Công Thương chủ trì đã có sự phối hợp với một số đơn vị thuộc Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Sở Công Thương TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cụ thể: các đơn vị phối hợp cử người tham gia đoàn thanh, kiểm tra, chịu trách nhiệm thực hiện một phần nội dung của hoạt động thanh, kiểm tra. Thông qua hoạt động thanh tra, Bộ đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với 18 doanh nghiệp.

Trên cơ sở nền tảng như vậy, việc thực thi các quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã góp phần nâng cao nhận thức của xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; góp phần cải thiện, hạn chế và ngăn chặn một số hành vi, lĩnh vực có nguy cơ xâm hại quyền lợi người tiêu dùng; kêu gọi và huy động sự tham gia của nhiều chủ thể, bao gồm cả trong và ngoài nước, từ đó, góp phần đáng kể trong việc nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam.

Đối với hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Kể từ năm 2011 đến nay, Bộ Công Thương đã chủ trì tổ chức hơn 200 buổi hội thảo, tọa đàm, tập huấn cho các đối tượng có liên quan về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội trong đó có cả các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và cộng đồng người tiêu dùng. Do sự đa dạng về chủ thể và phức tạp của các hoạt động, việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật có ý kiến đặc biệt quan trọng.

Thực tế thời gian vừa qua cho thấy, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực hiện đa dạng, phong phú với rất nhiều hình thức bao gồm: (i) hội thảo, hội nghị, tọa đàm, tập huấn pháp luật; (ii) mít-tinh, tuần hành; (iii) đài phát thanh truyền hình; (iv) tờ rơi; (v) băng rôn, khẩu hiệu, sách, báo và tài liệu tuyên truyền khác. Trong giai đoạn 2017-2020, bên cạnh các hình thức tuyên truyền có tính truyền thống, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã sử dụng các phương thức mới, phong phú hơn như: facebook, youtube, các đoạn phim ngắn, tổ chức xe lưu động, các giải chạy, sự kiện ở nơi công cộng...

Tại Trung ương, kể từ năm 2011 đến nay, Bộ Công Thương đã chủ trì tổ chức hơn 200 buổi hội thảo, tọa đàm, tập huấn cho các đối tượng có liên quan; đã biên soạn và phát hành sổ tay, tài liệu nghiên cứu và phát miễn phí cho các cán bộ trên khắp cả nước để vừa đào tạo kỹ năng, vừa giúp các cán bộ có được nguồn tài liệu dẫn chiếu tin cậy trong quá trình làm việc. Có thể kể đến một số tài liệu nghiên cứu, tham khảo như “Sổ tay hỏi – đáp pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng“; “Sổ tay dành cho Tư vấn viên bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng“; “Sổ tay cho cán bộ làm công tác kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung“; v.v....

Bộ Công Thương cũng đã in và phát hành gần 20.000 tờ rơi để tuyên truyền nội dung về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, về hoạt động cho vay tiêu dùng, về Tổng đài 18006838…tổ chức 03 buổi nói trực tuyến trên sóng Đài VOV Giao thông nhằm giải đáp nội dung liên quan bán hàng đa cấp, bảo vệ thông tin của người tiêu dùng và mua hàng trực tuyến…Đặc biệt, từ năm 2015, sau thời điểm công nhận Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam - 15/3, Bộ Công Thương đã liên tục tổ chức Lễ phát động với quy mô lớn tại các tỉnh, thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ, qua đó, kêu gọi được trên 60/63 tỉnh, thành phố đồng loạt thực hiện các hoạt động hưởng ứng vào dịp tháng 3 các năm. Cùng với đó, hàng năm, Bộ Công Thương đều lựa chọn và công bố chủ đề Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam để định hướng các hoạt động chung trên cả nước.

Tại các địa phương, các hoạt động tuyên truyền tại các tỉnh, thành phố trên cả nước cũng thường xuyên được chú trọng thực hiện, đảm bảo đa dạng về hình thức, hướng tới các nhóm đối tượng phù hợp, nội dung đi sát với các vấn đề thực tế tại địa phương. Đặc biệt, vào các dịp quan trọng như Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, dịp mùa cao điểm du lịch hoặc Tết Nguyên đán, các địa phương đều chủ động tăng cường các hoạt động tuyên truyền, không chỉ tới người tiêu dùng mà còn tới cộng đồng doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức và đảm bảo việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, nhất là đối với vấn đề niêm yết giá bán và đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Tại các địa phương, bên cạnh sự tham gia của Sở Công Thương, các Hội Bảo vệ người tiêu dùng cũng góp phần quan trọng và chủ động trong việc thực hiện các hoạt động tuyên truyền, qua đó, các hoạt động do các Hội thực hiện có xu hướng tăng theo từng năm.

Trong giai đoạn 2011-2020, các địa phương trên cả nước đã thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với kết quả như sau:

  • 8.375 buổi hội thảo và 8.628 buổi hội nghị với sự tham dự của hàng trăm nghìn người tham dự từ cộng đồng doanh nghiệp, đại diện người tiêu dùng, cơ quan báo chí, truyền thông.
  • 13.540 buổi tập huấn, đối tượng tập trung chủ yếu là cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hội bảo vệ người tiêu dùng v.v…
  • 387.219 bản sách báo, tạp chí và tài liệu tuyên truyền khác.
  • 643 cuộc mít-tinh, tuần hành với gần nửa triệu người tham dự.
  • 2.300.000 triệu tờ rơi nhằm nâng cao kiến thức về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến các chủ khác nhau theo quy định của Luật.
  • 116.045 buổi phát thanh, truyền hình nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, cộng đồng doanh nghiệp đối với các quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đối với việc xã hội hoá công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Một trong những nguyên tắc xây dựng và đã được thể hiện trong Điều 4 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là: “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội.”

Thực tế cho thấy, nếu không có sự tham gia của các chủ thể khác, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam khó có thể đạt được sự phát triển như ở giai đoạn hiện tại.

Trong giai đoạn 2011-2020, sự tham gia và hỗ trợ của doanh nghiệp, của các tổ chức trong và ngoài nước đã mang lại các hoạt động cụ thể, góp phần đóng góp thành công vào hiệu quả của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó, phải kể đến các hoạt động hỗ trợ của doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; các dự án để nghiên cứu, đánh giá theo các chủ đề, chuyên đề do các cơ quan nhà nước, các Hội Bảo vệ người tiêu dùng thực hiện; các cuộc khảo sát, tìm hiểu và học tập kinh nghiệm; các hoạt động mang tính chất, quy mô vì cộng đồng,…

Bên cạnh việc tham gia hỗ trợ, bản thân các chủ thể khác cũng tham gia trực tiếp vào một số nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể: các doanh nghiệp trực tiếp thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam tại các địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó, tăng cường nhận thức cho lượng lớn khách hàng giao dịch tại cơ sở của doanh nghiệp; doanh nghiệp thực hiện tốt các trách nhiệm theo quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; doanh nghiệp thực hiện các chương trình tri ân: tặng quà, giảm giá, sửa máy, trải nghiệm miễn phí dịch vụ…nhằm tăng cường kiến thức tiêu dùng cho người dân…

Bên cạnh sự tham gia của doanh nghiệp, các phương tiện truyền thông cũng góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, góp phần vào quá trình tư vấn, hỗ trợ giải quyết các vấn đề của người tiêu dùng hoặc có rất nhiều báo, đài đã thành lập chuyên mục để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ví dụ như Đài truyền hình Việt Nam có chuyên mục “Chống buôn lậu, hàng giả - Bảo vệ người tiêu dùng” được phát sóng hàng ngày trên kênh VTV1 và VTV1, Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương đã xây dựng nhiều chuyên đề về bảo vệ người tiêu dùng; Báo An ninh Hải Phòng có chuyên mục “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” trên cơ sở phối hợp với Công an thành phố Hải Phòng và Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong; Báo điện tử VietNamNet có chuyên mục Bảo vệ người tiêu dùng….

Ngoài các hoạt động trên, sự ủng hộ về mặt tài chính của các nguồn lực xã hội cũng góp phần quan trọng trong việc triển khai thực hiện các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt tại các địa phương. Thống kê cho thấy, trong gần 10 năm, từ 2011 đến 2020, Sở Công Thương trên cả nước đã huy động được hơn 2,7 tỷ động vốn xã hội hóa; UBND cấp huyện trên cả nước đã huy động gần 260 triệu đồng và các Hội Bảo vệ người tiêu dùng đã huy động hơn 1 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.