Một số vấn đề về kế toán quản trị trong các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam

TS. NGUYỄN THU HIỀN (Khoa Kế toán doanh nghiệp, Học viện Tài chính)

TÓM TẮT:

Để các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam tồn tại, phát triển bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong giai đoạn hội nhập nền kinh tế thế giới hiện nay, ngoài các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng cần phải xác định những hướng đi phù hợp trong ý tưởng sáng tạo và xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả để thu hút, kêu gọi vốn đầu tư, nhằm đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển. Một trong những yếu tố quan trọng không kém phần so với ý tưởng hay mô hình kinh doanh đó là công tác kế toán, đặc biệt là công tác kế toán quản trị (KTQT), vì KTQT có vai trò cung cấp các thông tin hữu hiệu nhằm giúp nhà quản lý doanh nghiệp ra quyết định điều hành một cách tối ưu nhất. Bài viết phân tích một số vấn đề về kế toán quản trị trong các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Kế toán quản trị, doanh nghiệp khởi nghiệp, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Ở Việt Nam, tinh thần khởi nghiệp có lẽ đã được nhắc đến từ rất lâu trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, nhưng khái niệm khởi nghiệp chỉ thực sự được chú ý tới từ năm đầu những năm 2000, đặc biệt trong những năm gần đây Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đặc biệt, năm 2016 đã đánh dấu một bước quan trọng đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp khi Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, trong đó nhấn mạnh Nhà nước sẽ có những chính sách đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao phát triển, đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” và năm 2016 được chọn là năm Quốc gia khởi nghiệp của Việt Nam. Tính tới năm 2016, Việt Nam đã có khoảng hơn 1500 doanh nghiệp khởi nghiệp và dự kiến sẽ tăng nhanh trong những năm tiếp theo (theo Techinasia). Năm 2017, Quốc hội cũng đã ban hành Luật số 04/2017/QH14 về việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, còn rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển.

Trên thực tế trong nhiều năm qua ở Việt Nam, đa phần các doanh nghiệp khởi nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế (doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, hàng năm đóng góp khoảng 45% vào GDP cả nước và 31% tổng số thu ngân sách nhà nước), giảm tỷ lệ thất nghiệp, phát triển xã hội và tạo ra những cải tiến, môi trường cạnh tranh. Tuy nhiên, sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nhiệp nhỏ có một đặc trưng rất cơ bản đó là sự dễ tổn thương trong nền kinh tế thị trường, nhất là trong những năm đầu sau khi doanh nghiệp vừa hình thành, mà nguyên nhân chính là do năng lực quản lý của các nhà quản trị doanh nghiệp. Các nhà quản trị doanh nghiệp chưa xác định được vai trò của công tác kế toán, đặc biệt là công tác KTQT trong doanh nghiệp nên việc hoạch định chiến lược và kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp thường mang yếu tố cảm tính, chưa dựa vào các thông tin do KTQT cung cấp, mặc dù Luật Kế toán Việt Nam năm 2015 đã chỉ rõ “KTQT là việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán”. Chính vì vậy, các nhà quản trị doanh nghiệp cần phải nhận thức được vai trò KTQT và các thông tin do KTQT cung cấp trong việc quản lý và điều hành doanh nghiệp.

2. Vai trò của kế toán quản trị trong doanh nghiệp

Do nền kinh tế Việt Nam đang chuyển dịch từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường nên gặp phải không ít những khó khăn thách thức khi kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, hồi phục chậm, chất lượng tăng trưởng chưa cao, nguồn nhân lực chưa theo kịp được sự phát triển,... dẫn đến các doanh nghiệp khó tiếp cận và thu hút được những nguồn vốn vay của ngân hàng, vốn của các nhà đầu tư,… Chính vì vậy các doanh nghiệp khởi nghiệp phải xây dựng cho mình những chiến lược kinh doanh hiệu quả để thu hút, kêu gọi vốn đầu tư, từ đó đưa doanh nghiệp ngày phát triển và tăng trưởng mạnh. Để đạt được mục tiêu trên, các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như nhà quản trị doanh nghiệp phải sử dụng hợp lý các nguồn lực sẵn có, như: công nghệ, đội ngũ, kế hoạch, nguồn vốn, cũng như những kiến thức về quản trị doanh nghiệp,... nhằm phát huy sức mạnh của doanh nghiệp. Đồng thời phải xác định được công tác kế toán có vai trò không kém phần quan trọng so với ý tưởng hay mô hình kinh doanh và là nhịp đập của doanh nghiệp, đặc biệt là công tác KTQT. KTQT có vai trò cung cấp các thông tin (thông tin tài chính và thông tin phi tài chính) hữu hiệu nhằm giúp nhà quản trị doanh nghiệp ra quyết định điều hành một cách tối ưu nhất.

Xuất phát từ vị trí của thông tin KTQT trong mối quan hệ với các hoạt động quản lý của nhà quản trị, KTQT có vai trò cung cấp thông tin cho các nhà quản trị để phục vụ cho việc ra quyết định và được mô tả qua các bước: (1) xây dựng kế hoạch và lập dự toán; (2) tổ chức thực hiện; (3) kiểm tra đánh giá; và (4) ra quyết định. Ngoài ra, trong hoạt động của doanh nghiệp hiện đại, KTQT còn có vai trò: (5) kế toán quản lý; (6) xây dựng và phát triển hệ thống thông tin; (7) duy trì cấu trúc vốn tối ưu.

(1) Xây dựng kế hoạch và lập dự toán: Lập kế hoạch là xây dựng các mục tiêu phải đạt được và vạch ra các bước thực hiện để đạt được các mục tiêu đó. Các kế hoạch này thường được lập dưới dạng dự toán ngắn hoặc dài hạn. Dự toán là sự liên kết các mục tiêu lại với nhau và chỉ rõ cách huy động và sử dụng các nguồn lực sẵn có để đạt được các mục tiêu, trong đó dự toán về lưu chuyển tiền tệ là quan trọng nhất, vì nếu kế hoạch có xây dựng hợp lý nhưng thiếu tiền do doanh nghiệp không dự trù được thì sẽ không có khả năng tạo ra lợi nhuận theo kế hoạch. Do đó, thông tin kế toán hợp lý và có cơ sởsẽ là yếu tố quyết định để kế hoạch và dự toán có tính hiệu lực và khả thi cao.

(2) Tổ chức thực hiện: Để đạt được kế hoạch một cách hiệu quả, các nhà quản trị phải biết cách liên kết tốt các yếu tố giữa tổ chức, con người với nguồn lực lại với nhau và cũng cần có nhu cầu rất lớn đối với thông tin kế toán, đặc biệt là thông tin KTQT. Nhờ có thông tin do KTQT cung cấp mà các nhà quản trị mới có thể đưa ra các quyết định đúng đắn trong quá trình điều hành hoạt động, phù hợp với mục tiêu của doanh nghiệp.

(3) Kiểm tra đánh giá: Nhà quản trị sau khi lập kế hoạch đầy đủ và hợp lý, tổ chức thực hiện kế hoạch đòi hỏi phải kiểm tra và đánh giá thực hiện đó. Phương pháp thường dùng là so sánh số liệu kế hoạch hoặc dự toán với số liệu thực hiện, để từ đó nhận diện các sai lệch giữa kết quả đạt được với mục tiêu đã đề ra. Để làm được điều này nhà quản trị cần được cung cấp các báo cáo thực hiện, có tác dụng như một bước phản hồi giúp nhà quản trị có thể nhận diện những vấn đề cần phải điều chỉnh cho hợp lý.

(4) Ra quyết định: Ra quyết định không phải là một chức năng riêng biệt mà là sự kết hợp cả ba chức năng lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm tra và đánh giá, tất cả đều đòi hỏi phải có quyết định. Phần lớn những thông tin do KTQT cung cấp nhằm phục vụ chức năng ra quyết định ngắn hạn ví dụ như kết hợp sản phẩm tối ưu, mua bán, cho thuê hoặc mua, định giá sản phẩm, ngưng sản phẩm,… và các quyết định dài hạn, ví dụ như lập ngân sách vốn, tài trợ dự án,… KTQT sẽ thực hiện các nghiệp vụ phân tích chuyên môn và chọn lọc những thông tin cần thiết, thích hợp rồi tổng hợp, trình bày chúng theo một trình tự dễ hiểu nhất và giải thích quá trình phân tích đó cho các nhà quản trị, từ đó giúp các nhà quản trị lựa chọn, ra quyết định thích hợp nhất.

(5) Kế toán quản lý: KTQT thiết kế và xây dựng khung công việc cho việc quản trị chi phí và tài chính chung của doanh nghiệp cũng như chuẩn bị và xây dựng các báo cáo cho việc ra quyết định tài chính.

(6) Xây dựng và phát triển hệ thống thông tin: KTQT xây dựng các báo cáo tài chính trong ngắn và dài hạn, các báo cáo này sẽ được chuyển tiếp cho các cấp quản lý ở các cấp độ khác nhau giúp họ thông tin cho việc ra quyết định kinh doanh đúng thời điểm và kịp thời.

(7) Duy trì cấu trúc vốn tối ưu: KTQT đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cấu trúc vối tối ưu cho doanh nghiệp, nó trợ giúp cho nhà quản trị doanh nghiệp trong việc quyết định tỷ lệ pha trộn thích hợp giữa Nợ và Vốn cổ phần, đồng thời tư vấn các phương án huy động vốn với chi phí tối ưu (huy động vốn từ ngân hàng hoặc phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp…).

3. Thực trạng áp dụng KTQT tại các doanh nghiệp khởi nghiệp

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, KTQT đã được áp dụng một cách rộng rãi tại các doanh nghiệp và là một trong những công cụ quản lý hữu hiệu nhằm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác phục vụ yêu cầu quản trị nội bộ doanh nghiệp, nhưng ở Việt Nam thuật ngữ “KTQT” mới được công nhận trong Luật Kế toán 2003 và Luật Kế toán năm 2015. Vào năm 2006, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 53/2006/TT-BTC hướng dẫn áp dụng KTQT trong doanh nghiệp, đây có thể coi là một dấu mốc quan trọng trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo thuận lợi cho việc áp dụng KTQT trong các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay việc áp dụng KTQT vào công tác quản lý vẫn chưa được các doanh nghiệp quan tâm, chú trọng đúng mức, nhất là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, các doanh nghiệp khởi nghiệp và vẫn còn một số hạn chế:

Một là, do các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam đa phần là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa nên nguồn vốn còn hạn chế, trong khi để có một hệ thống kế toán tốt, đặc biệt là hệ thống KTQT nhằm cung cấp thông tin hữu hiệu cho nhà quản trị, các doanh nghiệp cần phải đầu tư một khoản phí không nhỏ để đào tạo nhân viên KTQT và các chi phí khác phục vụ cho việc áp dụng KTQT nên rất ít doanh nghiệp có khả năng đầu tư cho việc này hoặc nếu có thì luôn cân nhắc giữa chi phí đầu tư và hiệu quả mang lại của công tác KTQT, đây chính là một trong những nguyên nhân mà các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam chưa muốn áp dụng KTQT vào doanh nghiệp của mình.

Hai là, các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn chưa quan tâm thỏa đáng đến văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên về việc hướng dẫn các doanh nghiệp áp dụng KTQT (do Thông tư số 53/2006/TT-BTC chỉ mang tính hướng dẫn chứ không bắt buộc). Vì vậy, phần hành KTQT chưa có một vị trí độc lập trong doanh nghiệp, hoặc nếu có thì đa phần là sự kết hợp giữa KTQT với kế toán tài chính, KTQT ở mức độ sơ sài chỉ là chi tiết hóa số liệu của kế toán tài chính. Các thông tin kế toán trong doanh nghiệp vẫn chủ yếu là do các thông tin của kế toán tài chính cung cấp, mà về bản chất thì thông tin do kế toán tài chính cung cấp chủ yếu là phục vụ cho đối tượng bên ngoài doanh nghiệp, còn thông tin KTQT thì cung cấp cho công tác quản trị nội bộ doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp chỉ mới dừng lại ở các báo cáo bắt buộc theo quy định của pháp luật còn báo cáo quản trị phục vụ cho mục đích quản trị thì hầu như chưa được xây dựng.

Ba là, các doanh nghiệp khởi nghiệp đa phần là mới thành lập nên năng lực quản lý của các nhà quản trị còn hạn chế. Các quyết định thường bị chi phối bởi yếu tố cảm tính hơn là tuân thủ các nguyên tắc, kỹ năng, kiến thức quản trị, chưa sử dụng một cách hợp lý các nguồn lực sẵn có cũng như xác định vai trò quan trọng của công tác KTQT (một số nhà quản lý doanh nghiệp cho rằng KTQT có vai trò cung cấp thông tin cần thiết cho nhà quản trị trong việc xây dựng các chiến lược và ra các quyết định kinh doanh nhưng doanh nghiệp chưa có điều kiện để áp dụng, còn một số lại cho rằng KTQT không thực sự cần thiết vì đã có kế toán tài chính), dẫn đến các quyết định điều hành cũng như việc hoạch định chiến lược kinh doanh chưa hợp lý làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường và thu hút vốn đầu tư vào doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của doanh nghiệp.

Bốn là, một số doanh nghiệp khởi nghiệp với mục tiêu giảm chi phí đã thực hiện giải pháp là thuê kế toán viên có nghiệp vụ giỏi làm ngoài giờ hoặc thuê những người có trình độ thấp với chi phí có thể chấp nhận được. Hoặc đội ngũ nhân viên kế toán với số lượng ít và hầu hết chỉ có kinh nghiệm về kế toán tài chính, còn kiến thức về KTQT chưa được đào tạo bài bản. Chính vì vậy, dẫn tới bộ phận kế toán nói chung và KTQT nói riêng của doanh nghiệp mamh mún, kiến thức về KTQT chưa cao, hoạt động kém hiệu quả và thông tin cung cấp cho các nhà quản trị không kịp thời, chính xác để ra quyết định.

Năm là, đa phần các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp mới chỉ tiến hành phân loại chi phí theo mục đích, nội dung kinh tế của chi phí phục vụ cho kế toán tài chính, còn việc phân loại chi phí phục vụ cho KTQT (phân loại chi phí theo ứng xử, phân loại chi phí sử dụng trong lập kế hoạch và ra quyết định,…) gần như chưa được quan tâm dẫn tới chưa phát huy được vai trò của KTQT trong công tác quản lý điều hành, kiểm soát chi phí và ra quyết định.

Sáu là, công tác xây dựng kế hoạch và lập dự toán ở các doanh nghiệp được lập ở dạng kế hoạch năm hoặc kế hoạch cho từng thương vụ và chỉ mang tính dự kiến các chi phí sẽ xảy ra trong tương lai, sau đó sẽ dùng dự toán làm thước đo mức độ hoàn thành kế hoạch chứ chưa được sử dụng như một công cụ quản lý kinh tế và việc này đều do bộ phận kế toán tài chính lập. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chỉ lập các dự toán để phục vụ cho việc lập dự toán tài chính, còn dự toán tổng thể (dự toán của tất cả các bộ phận trong doanh như bán hàng, sản xuất, nghiên cứu, marketing,…) chưa được đề cập đến. Bên cạnh đó, do việc phân loại chi phí phục vụ cho KTQT chưa được quan tâm (không phân loại chi phí theo cách ứng xử) dẫn đến việc lập dự toán có tính khả thi không cao.

Tóm lại, đa phần các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam nói riêng chưa quan tâm hoặc ít chú ý tới việc tổ chức bộ máy KTQT của mình, cũng như hiểu rõ được tầm quan trọng của KTQT trong việc cung cấp các thông tin nhằm giúp nhà quản trị doanh nghiệp ra quyết định điều hành, từ đó dẫn tới các chiến lược kinh doanh và quản lý điều hành doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả. Hệ quả tất yếu là làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường, ảnh hưởng đến sự tồn vong của doanh nghiệp.

4. Kết luận và khuyến nghị

Trong xu hướng hội nhập toàn cầu như hiện nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam với đặc trưng rất dễ tổn thương trong nền kinh tế thị trường, nhất là trong những năm đầu sau khi doanh nghiệp vừa hình thành do nguồn vốn và năng lực quản lý của các nhà quản trị doanh nghiệp còn hạn chế, trong khi đó phải cạnh tranh với những đối thủ trong và ngoài nước có tiềm lực về vốn, được đào tạo bài bản về quản trị, có kinh nghiệm thương trường.

Do vậy, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam muốn tồn tại, phát triển bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, các nhà quản trị doanh nghiệp phải dựa vào thông tin do KTQT cung cấp để hoạch định chiến lược và kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp một cách tốt nhất. Nếu doanh nghiệp khởi nghiệp không được trang bị những vũ khí này thì thất bại chỉ là một sớm một chiều, cho dù Đảng và Nhà nước ta có rất nhiều các cơ chế, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển. Tuy nhiên, việc áp dụng KTQT trong các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn chưa được phổ biến và các thông tin do KTQT cung cấp chưa được các nhà quản trị doanh nghiệp quan tâm.

Vì vậy, để KTQT trở thành công cụ hữu hiệu và cần thiết đối với nhà quản trị doanh nghiệp cần thực hiện một số giải pháp sau: Các cơ quan quản lý Nhà nước sửa đổi, bổ sung và ban hành các chính sách để phân định phạm vi giữa kế toán tài chính và KTQT; hướng dẫn tổ chức KTQT trong từng ngành, từng loại hình doanh nghiệp, để doanh nghiệp tham khảo, vận dụng phù hợp vào điều kiện cụ thể; phát huy vai trò của các cơ sở đào tạo và tổ chức nghề nghiệp trong việc đào tạo, bồi dưỡng và hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ đối với công tác KTQT tại doanh nghiệp; tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về KTQT cho doanh nghiệp và hợp tác với các tổ chức nghề nghiệp quốc tế về KTQT; các nhà quản trị doanh nghiệp cần phải học hỏi kinh nghiệm và thay đổi cách nhìn nhận về KTQT; nâng cao kiến thức chuyên môn về KTQT cho bộ phận kế toán của doanh nghiệp và xây dựng hệ thống KTQT phù hợp với công tác quản lý, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp,… ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Quốc hội (2015), Luật Kế toán số 88/2015/QH13.

2. Chính phủ (2016), Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

3. Quốc hội (2017), Luật số 04/2017/QH14 ngày 12/6/2017 về việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

4. Nguyễn Thị Hồng Sương (2018), “Kế toán quản trị: Hiện trạng và định hướng triển khai vào doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập TPP, AEC”, Tạp chí Công Thương.

5. TS. Nguyễn Thu Hiền (2017),“Giải pháp nâng cao chất lượng thông tin Kế toán quản trị tại các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới”, Tạp chí Tài chính.

6. Cổng thông tin điện tử: http://www.smarttrain.edu.vn; tapchitaichinh.vn; gdt.gov.vn; customs.gov.vn; các tài liệu tham khảo khác.

SOME ISSUES RELATED TO MANAGEMENT ACCOUNTING OF START

- UP IN VIETNAM

● PhD. NGUYEN THU HIEN

Faculty of Accounting, Academy of Finance

ABSTRACT:

There are a number of factors influencing Vietnam’s Start up existence, development and competition ability during the period of global economic integration. Beside supporting from government's policies and incentives, Start up should define clearly in their factors, Start up could call investment capital by themselves and are in line their business way. Managerment accounting is one of the most important element which provided useful informations. Entity's manager use these datas for optimal business decision. This article explores the some issues related to management accounting of start - up in Vietnam

Keywords: Management accoungting, start up, Vietnam.