Một số ý kiến về mô hình kinh doanh đa ngành của các tập đoàn kinh tế Việt Nam

Không phải ngẫu nhiên mà Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 117/2010/TT-BTC hướng dẫn quy chế tài chính của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Theo đó, từ ngày 2

1. Mối quan hệ giữa chuyên môn hóa và đa dạng hóa trong kinh doanh 

Việc nhận thức đúng đắn mối quan hệ giữa chuyên môn hóa (CMH) và đa dạng hóa (ĐDH) trong kinh doanh là cơ sở để xác định phương hướng và điều kiện phát triển các mô hình kinh doanh phù hợp đối với từng tập đoàn. ĐDH vừa có những điểm khác biệt, vừa có mối quan hệ hữu cơ với CMH. Về hình thức, khi phạm vi ĐDH kinh doanh càng mở rộng, trình độ CMH của doanh nghiệp càng thấp. Về nội dung, đó không phải là hai quá trình đối lập nhau, mà có quan hệ ước định lẫn nhau, với nhiều doanh nghiệp, việc thực hiện CMH thường không sử dụng hết các nguồn lực sẵn có. Bởi vậy, trong khi coi việc nâng cao một cách hợp lý trình độ CMH thì vẫn cần mở rộng lĩnh vực kinh doanh để tận dụng nguồn lực sẵn có, đáp ứng nhu cầu thị trường. Với nội dung này, ĐDH kinh doanh hỗ trợ quan trọng cho phát triển CMH. Bên cạnh đó, trong các phương thức thực hiện ĐDH kinh doanh, nếu ĐDH kinh doanh được thực hiện trên nền tảng các điều kiện sẵn có của CMH, sẽ giảm bớt được nhu cầu đầu tư, nâng cao được hiệu quả kinh doanh và giảm bớt rủi ro trong kinh doanh. Trên thực tế, hai xu hướng này không loại trừ nhau mà bổ sung cho nhau và tạo ra một xu thế, đó là kết hợp CMH với ĐDH; trong đó CMH luôn phải được coi là hạt nhân trung tâm và phương hướng chủ đạo trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để kết hợp phát triển CMH và mở rộng ĐDH, mỗi tập đoàn, doanh nghiệp cần phải phân tích những nhân tố ảnh hưởng đến phát triển CMH và ĐDH kinh doanh, như nhu cầu thị trường, khả năng bảo đảm các nguồn lực về con người, tài chính, công nghệ... và đặc biệt là khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, các quan hệ liên kết kinh tế, đặc điểm kinh tế - kỹ thuật riêng của ngành chi phối việc lựa chọn trình độ chuyên môn hóa, định hướng phát triển của Nhà nước và hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế. Việc phân tích những nhân tố này cho phép doanh nghiệp thiết lập một mô hình kinh doanh phù hợp trong từng thời kỳ: loại bỏ những hoạt động không có khả năng sinh lợi; bổ sung các hoạt động mới có hiệu quả hơn; điều chỉnh mức độ thực hiện các hoạt động kinh doanh.

2. Thực trạng kinh doanh đa ngành của các tập đoàn kinh tế Việt Nam hiện nay 

Thực tế “kinh doanh đa ngành” đóng góp khá lớn vào kết quả cũng như hiệu quả kinh doanh của các tập đoàn kinh tế. Đó là làm giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát huy được nguồn lực, huy động được nguồn vốn xã hội, bước đầu mang lại hiệu quả, và góp phần phát triển thị trường. 

Tuy nhiên, mô hình kinh doanh đa ngành của các tập đoàn kinh tế ở nước ta hiện nay còn có những hạn chế nhất định: 

Thứ nhất, việc các tập đoàn kinh tế ồ ạt đầu tư vào những lĩnh vực ít liên quan đến ngành nghề chính của mình, như Tập đoàn Dầu khí, Điện lực, Bưu chính - Viễn thông (VNPT)… đều thành lập các công ty con, các bộ phận kinh doanh về ngân hàng, chứng khoán, bất động sản,… là những ngành hoàn toàn mới và không phải thế mạnh của tập đoàn. Đây là những lĩnh vực có thể đem lại hiệu quả lợi nhuận trong ngắn hạn, tuy nhiên lại thường nhạy cảm và luôn chịu trước những biến động của nền kinh tế, đặc biệt khi lạm phát cao hay khủng hoảng kinh tế thì rủi ro, thua lỗ sẽ không hề nhỏ đối với các tập đoàn. Trong năm 2007, số tiền của những tập đoàn đầu tư vào các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản đã “không cánh mà bay” phân nửa khi giá cổ phiếu trên sàn sụt hơn 50% thị giá và giá nhà đất thời điểm đó giảm 40%. Bên cạnh đó, hiệu quả sử dụng vốn của các tập đoàn cũng thực sự đáng lo ngại: Nhiều tập đoàn có hệ số vay nợ/vốn chủ sở hữu quá cao như Tập đoàn Vinashin (21,8 lần), Lilama (21,5 lần)... 

Thứ hai, việc huy động vốn lớn mà không có sự giám sát hợp lý, chế độ trách nhiệm rõ ràng, nên dễ dẫn tới tình trạng huy động vốn đầu tư tràn lan. Việc phải trả lãi ngân hàng quá nhiều khiến các tập đoàn dễ bị thua lỗ, nếu đầu tư kém hiệu quả. 

Thứ ba, việc thành lập quá nhiều công ty con và doanh nghiệp thành viên dẫn đến hiệu quả quản lý của các tập đoàn bị giảm sút. Điều này đã dẫn đến nguy cơ không đảm bảo về năng lực trong việc quản lý các khoản đầu tư, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa doanh nghiệp trong và ngoài tập đoàn, rủi ro quan hệ tài chính trong chính tập đoàn như cho vay nội bộ, chi phối giá mua, giá bán… 

Thứ tư, với việc đầu tư quá nhiều sang các lĩnh vực khác làm cho nguồn lực, nguồn vốn của doanh nghiệp bị phân tán. Do đó, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính bị lơ là, hoạt động kém hiệu quả, đi lệch với tiêu chí của tập đoàn khi thành lập. Mặt khác, khi đầu tư vào những lĩnh vực không phải sở trường, không có kinh nghiệm, thì hiệu quả đầu tư thấp kém là điều không thể tránh khỏi.

3. Một số ý kiến đối với mô hình kinh doanh đa ngành của các tập đoàn kinh tế hiện nay 

Với mức vốn lớn và vai trò quan trọng, các tập đoàn kinh tế là lực lượng đầu tàu, định hướng và kéo nền kinh tế đi lên, thì việc phát triển kinh doanh đa ngành tại các đơn vị này cần phải được xem xét một cách cẩn trọng. 

Đứng trước thực tế đầu tư đa ngành kém hiệu quả, để giảm thiểu rủi ro và tránh mặt trái trong kinh doanh đa ngành, các tập đoàn cần bám sát các nguyên tắc kinh doanh đa ngành. Đó là: Khi tiến sang lĩnh vực mới, nên có sự chuẩn bị kỹ càng, phân tích chiến lược toàn diện, dự báo sát các triển vọng thị trường trong dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, để hình thành và triển khai dự án đầu tư mới đúng nơi, đúng lúc... Các tập đoàn nên tập trung đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh truyền thống của mình - là lĩnh vực mà tập đoàn có lợi thế và cần tập trung phát huy nguồn lực để làm tốt lĩnh vực chính của mình trước khi mở rộng sang lĩnh vực hoạt động khác. Khi chọn lĩnh vực đầu tư, các tập đoàn cần lựa chọn các lĩnh vực liên quan hoặc có tính bổ sung cao, thiết thực với năng lực và thị trường hiện tại, sẵn có của tập đoàn, không nên quá xa rời các sở trường vốn có của mình, đồng thời cần phải phù hợp với triển vọng trung và dài hạn của thị trường trong nước và thế giới; Tránh đầu tư theo kiểu “đám đông”, phong trào và đặc biệt, cần tránh chạy theo tư tưởng đầu cơ, chỉ nhìn thấy lợi nhuận “nóng” trước mắt, mà quên mất chuyên môn và mục tiêu chính của mình. Có như thế mới phát huy được thế mạnh, không làm phân tán nguồn lực vốn có của tập đoàn. Các tập đoàn cũng nên trọng dụng và thu hút các chuyên gia, người tài cả về quản lý và công nghệ trong lĩnh vực đầu tư mới; Cần chọn lọc và hạn chế dùng cán bộ, chuyên gia trong những lĩnh vực cũ để bố trí sang lĩnh vực đầu tư kinh doanh mới. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc và thực hiện những cải tổ mạnh mẽ hơn nữa, nhằm hoàn thiện bộ máy quản trị, thống nhất cơ cấu tổ chức để quản lý hiệu quả các công ty thành viên, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của tập đoàn. Ngoài ra, các tập đoàn có thể huy động vốn đầu tư bằng nhiều cách như phát hành trái phiếu, kết hợp với các đối tác liên kết kinh tế, doanh nghiệp tư nhân…

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 

1. Nguyễn Đình Phan & Nguyễn Kế Tuấn, 2007, Kinh tế và Quản lý Công nghiệp, NXB ĐHKTQD
2. Kỷ yếu Hội thảo Tập đoàn kinh tế: Lý luận và thực tiễn, Hà Nội ngày 25/5/2009, NXB CTQG
3. Tạp chí Tài chính, tháng 8/2010
4. http://tuanvietnam.net
5. http://bwportal.com.vn