TÓM TẮT:

Hạnh phúc của sinh viên là một trong những đóng góp vào sự nâng cao phát triển xây dựng trường học thân thiện, sinh viên tích cực trong môi trường giáo dục đặc biệt là môi trường đại học; trong đó có Trường Đại học Lạc Hồng. Bằng phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng, tác giả tiến hành xác định, phân tích một số yếu tố tác động đến hạnh phúc của sinh viên. Trong nghiên cứu, tác giả đã xác định có 7 nhóm các yếu tố tác động, gồm: Hỗ trợ sinh viên; Cân bằng cuộc sống với việc học; Tài chính; Kết nối với xã hội; Tiếp nhận kiến thức và kỹ năng; Nhu cầu cá nhân và Định hướng phát triển nghề nghiệp. Dựa vào kết quả của nghiên cứu, tác giả đưa ra hàm ý quản trị đề xuất các phương án nâng cao chất lượng giáo dục nhằm tăng mức độ hạnh phúc của sinh viên LHU trong thời gian tới.

Từ khóa: hạnh phúc, sinh viên, yếu tố tác động, Trường Đại học Lạc Hồng.

1. Đặt vấn đề

Hạnh phúc là một chủ đề thú vị để nghiên cứu trong nhiều năm qua. Điều này có một vai trò quan trọng trong học tập và đời sống của mỗi người, nhất là đối với sinh viên. Ngày nay, các trường học đặc biệt là các trường đại học, trong đó Trường Đại học Lạc Hồng với định hướng phát triển giáo dục theo hướng đổi mới, sáng tạo và không ngừng kết nối thì ngoài vấn đề về chất lượng giảng dạy của giáo viên còn đề cao cảm nhận của người học đối với trường lớp và mong muốn để Nhà trường có những định hướng cụ thể, phù hợp với xu thế cũng nâng cao sự hạnh phúc của sinh viên khi đến trường. Trường Đại học Lạc Hồng thông qua các yếu tố tác động đến hạnh phúc của sinh viên nhằm nắm bắt được tình trạng, nhu cầu về tâm sinh lý của sinh viên, để từ đó đưa ra định hướng phát triển đáp ứng, cải thiện và phát triển nguồn lực đến từ sinh viên.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Lý thuyết về Hạnh phúc theo Well-being

Hạnh phúc (Well-being) là một khái niệm đa chiều, phức tạp và không thể đo lường bằng một chỉ số chính xác nào (OECD, 2017; Dodge và cs, 2012). Có rất nhiều khái niệm về điều này như việc mô tả trạng thái sức khỏe tổng thể về tinh thần và thể chất, sức mạnh, khả năng phục hồi và thể lực để hoạt động tốt trong công việc và cá nhân. Thực tế có rất nhiều ý kiến khác nhau định nghĩa về well-being như (an nhiên, viên mãn, hạnh phúc). Theo O'Connor và cs (2018), hạnh phúc theo well-being bao gồm sức khỏe tinh thần, sự hài lòng trong cuộc sống, mục đích sống, những giá trị tâm linh và đóng góp cho xã hội. Hạnh phúc được chia thành nhiều loại khác nhau tùy thuộc vào quan điểm của mỗi tác giả, có thể bao gồm: Emotional well-being (hạnh phúc về mặt cảm xúc); Physical well-being (hạnh phúc về mặt thể chất); Psychological well-being (hạnh phúc về mặt tâm lý); Societal/Community well-being (hạnh phúc cộng đồng; Cognitive well-being (hạnh phúc về mặt nhận thức). Poots and Cassidy (2020) chỉ ra rằng, trong một môi trường học thuật ngày càng cạnh tranh, sinh viên (SV) trong môi trường giáo dục đặc biệt là SV đại học thường dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố, như: lòng trắc ẩn, yếu tố tâm lý, sự hỗ trợ xã hội là trung gian cho mối quan hệ giữa căng thẳng trong học tập và hạnh phúc. Còn Aulia (2020) đã phát hiện ra các yếu tố ảnh hưởng đến thang đo hạnh phúc của SV bao gồm: cảm xúc tích cực, các mối quan hệ xã hội, gắn kết và sự khuyến khích từ trường học. Hay, Nelson (2015) đã xây dựng mô hình về hạnh phúc SV gồm 5 yếu tố (viết tắt là PACES), gồm: Physical (thể chất); Affective (tình cảm); Cognitive (nhận thức); Economic (kinh tế); Social (xã hội) với mong muốn mô hình sẽ hỗ trợ SV cảm thấy hạnh phúc trong cuộc sống,...

2.2. Mô hình nghiên cứu

Kế thừa và phát triển các nghiên cứu trước đây, bài viết này xem xét 8 yếu tố tác động đến hạnh phúc của SV Trường Đại học Lạc Hồng cùng với các giả thuyết nghiên cứu:

H1: Việc tiếp nhận kiến thức và kỹ năng có tác động đến hạnh phúc của SV;

H2: Nhu cầu cá nhân có tác động đến hạnh phúc của SV;

H3: Sự kết nối với xã hội có tác động đến hạnh phúc của SV;

H4: Tài chính có tác động đến hạnh phúc của SV;

H5: Sự di chuyển có tác động đến hạnh phúc của SV;

H6: Việc hỗ trợ có tác động đến hạnh phúc của SV;

H7: Việc cân bằng cuộc sống với việc học có tác động đến hạnh phúc của SV;

H8: Định hướng phát triển nghề nghiệp có tác động đến hạnh phúc của SV;

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

mo-hinh-nghien-cuu-de-xuat Nguồn: Tác giả nghiên cứu và đề xuất

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện trên cơ sở kết hợp giữa phương pháp định tính và định lượng qua 2 giai đoạn. Cụ thể, trong giai đoạn 1, câu hỏi của mỗi yếu tố trong bảng câu hỏi khảo sát đều được tiến hành theo phương pháp phỏng vấn chuyên gia và thảo luận nhóm để đề xuất những câu hỏi phù hợp đưa vào bảng câu hỏi khảo sát; còn trong giai đoạn 2, nghiên cứu định lượng gồm định lượng sơ bộ nhằm làm rõ ràng các yếu tố và sự mạch lạc trong các câu hỏi. Sau đó, tác giả tiến hành khảo sát chính thức bằng phương pháp lấy mẫu ngẫu nhiên thuận tiện để thu thập, phân tích dữ liệu và kiểm định mô hình nghiên cứu.

Bảng câu hỏi chính thức gồm có 3 phần: Nội dung chính gồm 35 biến quan sát thuộc các yếu tố tác động và 1 biến quan sát đánh giá mức độ hạnh phúc tại trường học. Các biến được đo lường dựa trên thang đo Likert 5 mức độ. Tổng số phiếu khảo sát thu được là 510, sau khi lựa chọn và loại trừ các phiếu không hợp lệ thu được 491 phiếu và sử dụng cho nghiên cứu. Nghiên cứu đã tiến hành các phép kiểm định độ tin cậy của thang đo thông qua hệ số Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA) và phân tích hồi qui để đánh giá mức độ tác động của từng yếu tố.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Về kết quả thống kê mô tả mẫu nghiên cứu

Kết quả đặc điểm nhân khẩu học cho biết trong 491 mẫu được lựa chọn vào nghiên cứu có 80% SV tham gia khảo sát thuộc hệ chính quy và phần lớn là nữ giới chiếm 67%. Điều này phù hợp với chương trình đào tạo của trường học và hiện nay các ngành học thuộc khối ngành Y tế, Ngôn ngữ và Kinh tế chiếm số lượng SV khá lớn đặc biệt là SV nữ, ngoài ra về tâm lý cũng như thói quen sinh viên nữ thường có xu hướng quan tâm nhiều đến các khảo sát hơn các SV nam. Với số lượng mẫu nghiên cứu chiếm đa số thuộc ngành Dược vì SV tham gia khảo sát thuộc 2 hệ chính quy và liên thông với số lượng lớn. Phần lớn SV tham gia khảo sát thuộc dân tộc Kinh (97,96%) và không thuộc tôn giáo chiếm 71,69%, điều này phù hợp với tình hình dân số của Việt Nam. Ngoài ra, Trường Đại học Lạc Hồng tọa lạc tại trung tâm thành phố nên về số lượng SV là dân tộc thiểu số chiếm số lượng không nhiều. Trong khảo sát cũng cho biết có 47,05% SV đang sống cùng với người thân vì trường nằm ở tỉnh với số lượng các trường đại học chưa nhiều và Trường Đại học Lạc Hồng là trường đào tạo đa ngành nên thu hút lượng học sinh theo học khá lớn nên việc sống cùng gia đình, người thân quen được lựa chọn ưu tiên. Có trên 40% SV sống ở kí túc xá, nhà trọ và nơi khác, điều này cho thấy ngoài việc thu hút lượng SV trong địa bàn tỉnh Đồng Nai, Nhà trường còn đón nhận rất nhiều SV đến từ mọi miền trong và ngoài nước.

4.2. Phân tích độ tin cậy thang đo và nhân tố khám phá (EFA)

Nhằm đảm bảo độ tin cậy thang đo, nghiên cứu được kiểm định thông qua hệ số Cronbach’s Alpha cho thấy các hệ số khá tốt và đạt độ tin cậy với alpha > 0,7 và hệ số tương quan biến tổng lớn hơn 0,3. Kết quả phân tích cho thấy tất cả các thang đo được chấp nhận để phân tích EFA, nghiên cứu sử dụng 8 thang đo gồm 35 biến quan sát tương quan với nhau khi kiểm định Barlett’s có mức ý nghĩa là 0,000 (<0,05); giá trị KMO = 0,833 (<1); giá trị lũy kế là 70,798% (>50%). Vì vậy, phân tích EFA dùng để phân tích cho thang đo này là phù hợp.

4.3. Kiểm định mô hình hồi quy

Kết quả hồi quy cho thấy phân tích có giá trị và mô hình giải thích được 70,5% sự biến thiên của nhân tố có tác động đến hạnh phúc của SV. Từ kết quả phân tích hồi quy trong Bảng 1 cho thấy sau chạy hồi quy lần 2 có 7 biến độc lập tác động đến hạnh phúc của SV được sắp xếp theo thứ tự giảm dần, gồm: (HT) Hỗ trợ sinh viên; (CB) Cân bằng cuộc sống với việc học; (TC) Tài chính; (KN) Kết nối xã hội; (TN) Tiếp nhận kiến thức và kỹ năng; (NC) Nhu cầu cá nhân; (DH) Định hướng phát triển nghề nghiệp. Trong đó, yếu tố có mức độ tác động mạnh nhất là HT, cho thấy đối với SV đang theo học tại trường đều ảnh hưởng lớn đến sự hạnh phúc cũng như cảm nhận của bản thân về các yếu tố hỗ trợ sẽ tác động mạnh nhất. Yếu tố TC có hệ số hồi quy chuẩn hóa âm cho thấy SV có cảm nhận chưa tốt về các vấn đề về tài chính và cần được cải thiện nhiều để nâng cao mức độ hạnh phúc. 

Bảng. Kết quả phân tích hồi quy

ket-qua-phan-tich-hoi-quy

 Nguồn: Tác giả nghiên cứu

5. Thảo luận và hàm ý quản trị

5.1. Thảo luận kết quả nghiên cứu

Qua quá trình nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng cho thấy có sự liên hệ giữa 7 nhóm các yếu tố tác động đến hạnh phúc của SV Trường Đại học Lạc Hồng. Trong đó, yếu tố Hỗ trợ SV có tác động nhiều nhất đến mức độ hạnh phúc với hệ số hồi quy chuẩn hóa β = 0,526, điều này thấy rằng SV khi theo học tại một môi trường giáo dục thì các chính sách hỗ trợ SV trong và ngoài giờ học được quan tâm hàng đầu. Ngoài ra, yếu tố Tài chính có hệ số hồi quy chuẩn hóa β = -0,396 trong nghiên cứu cũng thấy yếu tố này có tác động tiêu cực đến hạnh phúc SV, SV cảm thấy áp lực về vấn đề tài chính khi theo học. Điều này được giải thích vì hiện nay tuy đã đủ tuổi thành niên và có thể tự lập nhưng vì lý do văn hóa cũng như SV đi học còn phụ thuộc vào gia đình nhiều bao gồm các khoản học phí và sinh hoạt phí; nhu cầu đầu tư cho bản thân cũng tăng cao hơn. Yếu tố Định hướng phát triển nghề nghiệp là yếu tố có mức tác động đến hạnh phúc cuối cùng trong nghiên cứu với β = 0,126 có thể vì sự tác động, định hướng của trường chưa đem đến cho SV sự ảnh hưởng rõ rệt. Các yếu tố gồm Cân bằng cuộc sống với việc họcNhu cầu cá nhân là yếu tố được SV đánh giá khá cao và đây là mục tiêu không chỉ đối với môi trường giáo dục mà tất cả các môi trường khác như các doanh nghiệp cũng đều mong muốn nhân viên có thể hài hòa được giữa cuộc sống và công việc. Vì vậy, đây là yếu tố cần thiết và quan trọng đối với mỗi cá nhân cần được tiếp tục giữ vững và phát huy. Yếu tố Kết nối xã hộiTiếp nhận kiến thức và kỹ năng là 2 yếu tố được SV đánh giá không cao (dưới 3/5 điểm), điều này cũng nhận thấy rằng trong giai đoạn nghiên cứu được thực hiện là trong khoảng thời gian đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp nên việc học online được diễn ra thường xuyên, SV bị hạn chế về việc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với giáo viên, bạn bè mà chỉ có thể liên lạc từ xa. Điều này phần nào cũng trở thành rào cản đối với bản thân SV là người học cũng như giáo viên là người giảng dạy, hướng dẫn.

5.2. Hàm ý quản trị

Trường học đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ SV về sức khỏe tâm thần và thể chất. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy sự đồng ý về những yếu tố tác động đến hạnh phúc của SV và mong muốn được cải thiện. Việc phân tích những yếu tố tác động cũng như nâng cao mức độ hạnh phúc của SV sẽ đem đến nhiều lợi ích không chỉ cho nhà trường, cho xã hội mà còn cho chính bản thân của mỗi cá nhân SV đang theo học và phát triển trong tương lai. Trong nghiên cứu cho thấy, để nâng cao hạnh phúc của SV về mặt thể chất lẫn tâm lý, mỗi cá nhân, nhà trường cần chú trọng vào một số yếu tố đã được phát hiện.

- Hỗ trợ SV: Kết hợp thêm nhiều chính sách hơn để hỗ trợ SV trong mỗi giai đoạn của học kỳ vì SV trong và ngoài Trường rất quan tâm vấn đề này, các chính sách bao gồm: học phí, thời gian để tham gia các hoạt động ngoại khóa, chăm sóc sức khỏe tâm sinh lý,... Mở mrộng khoảng thời gian làm việc của tổ tư vấn tâm lý (TVTL) để SV dễ dàng tìm đến.

- Cân bằng cuộc sống với việc học: Tăng cường tổ chức hoạt động ngoại khóa hơn cho mỗi học kỳ giữa SV trong và ngoài Khoa. Nhà trường nên cân nhắc mở thêm các lớp học ngắn hạn khi kết hợp với các chuyên gia hay giáo viên ở mỗi Khoa để tăng sự tương tác, tạo thiện cảm, thân thiết giữa SV và giáo viên.

- Tài chính: Nhà trường cân nhắc mở các lớp học giúp SV quản lý và đầu tư tài chính tốt hơn thông qua các lớp học quy mô vừa: số lượng SV một lớp học được giới hạn, không chiếm nhiều thời gian, hoặc đơn giản là các buổi talk-show có sự tham gia của các giáo viên khoa Quản trị, Tài chính - Kế toán; các doanh nhân; cựu SV thành đạt một cách thường xuyên hơn và đồng bộ ở các Khoa. Hơn thế, Nhà trường có thể cân nhắc về việc tiếp tục và nâng cao các chính sách hỗ trợ học phí dành cho SV, đặc biệt là các giai đoạn khó khăn trong xã hội.

- Kết nối với xã hội: Tăng cường mở thêm nhiều hoạt động giao lưu, kết nối giữa các Khoa và giữa các SV trong Trường vào đầu và cuối mỗi năm học. Tạo thêm các chuyến du lịch kết hợp với hoạt động ngoại khóa để SV có thêm niềm vui và kết nối giữa SV và giáo viên trong Trường. Đẩy mạnh liên kết với các trường đại học trong và ngoài nước có cùng các ngành đào tạo để trao đổi SV, liên kết đào tạo, các chương trình thực tập ứng dụng kiến thức vào ngành nghề và tiếp cận được nhiều kiến thức cũng như văn hóa nơi một cách đa dạng.

- Tiếp nhận kiến thức và kỹ năng: Để nâng cao khả năng tiếp nhận kiến thức và kỹ năng, mỗi lớp học nên được phân chia với số lượng vừa phải, không quá 50 SV/lớp học. Điều này giúp giáo viên giảng dạy trên lớp và cố vấn học tập của lớp sẽ dễ dàng quản lý lớp học hơn, theo sát được mỗi SV, hỗ trợ SV một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

- Nhu cầu cá nhân: Mỗi buổi học nên có sự điều chỉnh thời gian hoặc số tiết trong buổi học, SV có thể học trong 4 tiết thay vì 5 tiết ở một số Khoa. Sự thay đổi về thời gian bắt đầu buổi học hoặc thời gian kết thúc buổi học sẽ có tác động tích cực hơn đến SV và giáo viên; hạn chế được việc số lượng thời gian dạy và học trên Trường kéo dài chiếm nhiều thời gian nhưng mang lại hiệu quả không cao. Chính điều này sẽ giúp SV có nhiều thời gian hơn để tìm kiếm và phục vụ những nhu cầu cho việc học và đời sống cá nhân.

- Định hướng phát triển nghề nghiệp: Tăng cường và thường xuyên tư vấn, định hướng nghề nghiệp ngay từ những năm đầu khi theo học tại Khoa/Trường thông qua các cố vấn học tập. Các chương trình tư vấn này cần được thực hiện, lồng ghép thường xuyên trong suốt quá trình học tại Trường theo mỗi năm, mỗi giai đoạn trong năm học. Tổ chức, kết hợp các chương trình khởi nghiệp vào một phần của chương trình dạy học đổi mới sáng tạo ở tại mỗi khoa đối với từng ngành nghề, lĩnh vực thay vì chỉ ở một số khoa tiêu biểu như hiện nay.

Nâng cao tầm quan trọng của tổ TVTL và phát triển đội ngũ tư vấn, cải thiện và nâng cao tầm quan trọng của tổ TVTL trong học đường. Vì tính chất của mỗi ngành học khác nhau cũng như việc không tập trung các cơ sở của Trường trong một khuôn viên cũng gây khó khăn cho việc di chuyển và tiếp cận đến những hoạt động của SV nên cần tăng cường thêm nhân lực được phân bổ đều các cơ sở. Ngoài ra, nên thành lập các trang hỗ trợ tư vấn tâm sinh lý online tại Trường để SV có thể liên lạc và trải lòng hơn trong những trường hợp nhạy cảm, e ngại.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. OECD (2017b). Students&apos; well-being: What it is and how it can be measured. Retrieved from: https://www.oecd.org/education/pisa-2015-results-volume-iii-9789264273856-en.htm.
  2. Dodge R., Daly A. P., Huyton J. and Sanders L. D. (2012). The challenge of defining wellbeing. International Journal of Wellbeing,
  3. Poots A. and Cassidy T. (2020). Academic expectation, self-compassion, psychological capital, social support and student wellbeing. International Journal of Educational Research, 99,
  4. Farah Aulia, T. D. H., Diana Setiyawati, Bhnia Patria (2020). Student Well-being: A systematic literature review. Buletin Psikologi, 28, 1-14.
  5. Nelson, M. D., Tarabochia, D. W. & Koltz, R. L. (2015). Paces: A model of student well-being. Journal of School Counseling, 13,
  6. El Ansari, W. Labeeb, S. Moseley, L. Kotb, S. and El-Houfy A. (2013). Physical and psychological well-being of university students: Survey of eleven faculties in Egypt. International Journal of Preventive Medicine, 4,
  7. O'connor, C. A., Dyson, J., Cowdell, F. & Watson, R. (2018). Do universal school - based mental health promotion programmes improve the mental health and emotional wellbeing of young people? A literature review. Journal of Clinical Nursing, 27, e412-e426.

 

FACTORS AFFECTING THE WELL-BEING OF STUDENTS:

A CASE STUDY AT LAC HONG UNIVERSITY

DO THI NGOC ANH

Lac Hong University

ABSTRACT:

Students’ well-being is one of the factors contributing to the improvement and development of a friendly and active learning environment, especially in the university environment. This is also true at Lac Hong University. By using qualitative and quantitative research methods, this study identifies and analyzes a number of factors affecting the well-being of students. The study finds out that there are seven factors affecting the well-being of students, namely Supports for students, Study – life balance, Finacne, Social connections, Knowledge and skills acquisition, Personal needs, and Career development orientation. Based on the study’s results, some solutions are proposed to improve the quality of education to increase the overall well-being of Lac Hong University’s students in the future

Keywords: well-being, student, affecting factor, Lac Hong University.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 25, tháng 10 năm 2021]