Năm 2018 xuất khẩu Yên Bái tăng trưởng khá

Thông tin từ Sở Công Thương Yên Bái cho biết, kim ngạch xuất khẩu năm 2018 của tỉnh ước đạt 130 triệu USD, đạt 108,3% kế hoạch tỉnh giao, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Sản xuất đá tấm tại Công ty TNHH đá cẩm thách R.K Việt Nam

Năm 2018, thị trường tiêu thụ một số sản phẩm bị thu hẹp, giá bán giảm trong khi chi phí đầu vào có xu hướng tăng, diễn biến thời tiết mưa lũ bất thường ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, tình hình kinh tế, chính trị quốc tế tiếp tục có nhiều biến động do chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang gây ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông lâm sản của tỉnh khi Trung Quốc giảm nhu cầu nhập khẩu phục vụ sản xuất. 

Trước những khó khăn đó, tỉnh Yên Bái đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó, tỉnh tập trung cải cách thủ tục hành chính một cách mạnh mẽ nhất để phục vụ doanh nghiệp; có nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu; thường xuyên gặp gỡ nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. 

Sở Công Thương cũng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để duy trì cũng như đẩy mạnh giá trị xuất khẩu hàng hóa của địa phương. Trong đó, tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại và thương mại điện tử để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ trong và ngoài nước, nâng cao năng lực thiết kế sản phẩm, xây dựng website thương mại điện tử... giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trên địa bàn; nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu năm 2018 tiếp tục đà tăng trưởng, ước đạt 130 triệu USD, đạt 108,3% kế hoạch tỉnh giao, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2017. Đóng góp lớn vào xuất khẩu phải kể đến nhóm ngành công nghiệp nhẹ và công nghiệp chế biến khi chiếm tỷ trọng 51,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt kim ngạch 66,8 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ; kế tiếp là nhóm ngành công nghiệp và chế biến khoáng sản đạt 38,8 triệu USD, chiếm tỷ trọng 30,5%. 

Đáng chú ý là dù một số nhóm hàng chủ lực như tinh bột sắn, tinh dầu quế, gỗ, các sản phẩm từ gỗ gặp phải sự cạnh tranh mạnh và khó khăn thủ tục hải quan nước nhập khẩu, nhưng các mặt hàng nông lâm sản vẫn đạt 23,6 triệu USD, chiếm tỷ trọng 18,2% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa. Nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng cao như: chè, quế, đặc biệt là mặt hàng rau quả đạt 2,97 triệu USD, tăng 35,9% so với năm 2017. 

Thị trường xuất khẩu của tỉnh cũng được mở rộng và phát triển, đến nay, hàng hóa xuất khẩu đã có mặt tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu trực tiếp toàn tỉnh  khi chiếm 29,01%; đứng liền sau là thị trường Ấn Độ chiếm 18,49%; thị trường Đài Loan chiếm 9,94% tổng giá trị.

Năm 2019, tỉnh phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 150 triệu USD. Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh tập trung vào việc chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu mặt hàng xuất khẩu theo hướng giảm tỷ trọng của nhóm sản phẩm thô và sơ chế, tăng nhanh tỷ trọng của nhóm sản phẩm chế biến, chế tạo trong tổng kim ngạch xuất khẩu. 

Với vai trò quản lý nhà nước, Sở Công Thương tiếp tục chỉ đạo phòng chuyên môn xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện hàng tháng, tăng cường đi cơ sở nắm bắt tình hình để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. 

Tập trung tăng cường tham mưu các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực, tăng cường xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu đối với các mặt hàng nông, lâm sản như: chè, tinh bột sắn, tinh dầu quế; tiếp tục khai thác mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu đặc biệt là xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu sang thị trường các nước AEC (Cộng đồng kinh tế Asean), Nhật Bản, Hàn Quốc và EU. 

Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu xây dựng cơ chế ổn định vùng nguyên liệu sản xuất an toàn cho doanh nghiệp, hướng đến sản xuất sạch hơn, tăng giá trị các mặt hàng xuất khẩu. Tiếp tục phối hợp tham mưu phát triển mạng lưới giao thông, thu hút đầu tư hệ thống trung tâm logistics, xây dựng mạng lưới trung chuyển, đóng hàng lẻ để cắt giảm chi phí cho những doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ. 

Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia, nhằm đẩy mạnh việc quảng bá giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa thương mại điện tử vào sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. 

Đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm đi đôi với chú trọng xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, quảng bá sản phẩm, phát triển nhãn hiệu sản phẩm, cải tiến chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm.

 

Trần Bản