ong tran tuan anh
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh

Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, nghị quyết đã khái quát nhiều kết quả về công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH- HĐH) đạt được rất quan trọng.

Trong bối cảnh phát triển mới hiện nay, nghị quyết là cơ sở, căn cứ chính trị hết sức quan trọng trong việc định hướng những tư duy mới, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm tạo động lực thúc đẩy CNH-HĐH đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu đã đề ra.

Trong đó, CNH-HĐH đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đạt bình quân 6,17%/năm trong 10 năm qua, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh. Thu nhập bình quân đầu người tăng trên 25%, đạt khoảng 3.517,4 USD.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Trung ương cũng đã chỉ ra những hạn chế trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa thời gian qua.

“Mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 không hoàn thành, nhiều tiêu chí không đạt được”- ông Trần Tuấn Anh nói.

Trong đó, thu nhập bình quân đầu người vẫn nằm trong nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp; các tiêu chí về tỉ trọng công nghiệp chế tạo và tỉ trọng nông nghiệp trong GDP cho tới tỉ lệ lao động qua đào tạo, tỉ lệ dân số sử dụng nước sạch… vẫn chưa đáp ứng được.

Hạn chế tiếp theo là nội lực của nền kinh tế còn yếu, năng suất lao động thấp, chậm được cải thiện; năng lực độc lập, tự chủ thấp, phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: "Yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là vô cùng quan trọng, đảm bảo thành công của chúng ta trong phát triển”.

Một hạn chế khác được ông đề cập là tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu chiến lược đề ra, tốc độ có xu hướng giảm dần theo chu kỳ 10 năm. Điều này dẫn đến nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Cạnh đó, khu vực kinh tế tư nhân trong nước chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; doanh nghiệp nhà nước còn nhiều hạn chế; đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, hạn chế trong việc đô thị hóa chưa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với công nghiệp hóa, hiện đại hóa khi chất lượng đô thị hóa chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai; chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế…

Năm 2030, Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp

Nghị quyết 29 đưa ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao...

Quan điểm của nghị quyết 29 nêu rõ, gắn quá trình thực hiện CNH-HĐH với xây dựng nền kinh tế, quốc gia độc lập tự chủ, dựa trên nội lực của đất nước, coi nội lực là quyết định.

Quá trình CNH-HĐH đất nước sẽ không thể tiến hành biệt lập, khép kín mà phải đặt trong chuỗi sản xuất - kinh doanh toàn cầu.

Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Trung ương đã đưa ra tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á.

Để thực hiện các mục tiêu đã đặt ra, nghị quyết đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt tiếp tục đẩy mạnh CNH-HĐH.

Nghị quyết yêu cầu xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường; nâng cao năng lực ngành xây dựng.

Trong đó thống nhất cao cần tập trung xây dựng, triển khai chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Make in Vietnam 2045); Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2030...

Nghị quyết chỉ rõ các ngành, lĩnh vực cần ưu tiên nguồn lực và có các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đủ mạnh để phát triển, tránh dàn trải như đối với ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn.

Cụ thể bao gồm công nghiệp sản xuất rô bốt, ô tô, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp; công nghiệp sinh học (tập trung vào gene, dược phẩm và các chế phẩm sinh học)... Công nghiệp dệt may, da giày ở các khâu tạo giá trị gia tăng cao dựa trên quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa; công nghiệp văn hóa...

Nghị quyết tiếp tục đặt ra nhiệm vụ đổi mới chính sách đất đai, tín dụng, tài chính, khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, có chính sách đột phá để thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn...

Bên cạnh đó, cần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức và phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức và doanh nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH trong tình hình mới; xây dựng và triển khai chiến lược phát triển đội ngũ trí thức, Chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân đến năm 2030, chương trình quốc gia về đào tạo doanh nhân, xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam tiên tiến, giàu bản sắc và hội nhập quốc tế…