Nắm quyền chủ động ở tất cả các giai đoạn của cuộc điều tra

Khi vụ việc bị khởi xướng điều tra, doanh nghiệp cần tham gia tích cực thông qua trả lời bản câu hỏi đúng thời hạn, đầy đủ, hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra nước ngoài nhằm mục đích không để cơ quan điều tra nước ngoài sử dụng các dữ liệu có sắn khi đánh giá, phân tích trong kết luận vụ việc.

Lợi ích gắn liền với rủi ro

Năm 2020 và 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, gây ra suy thoái trầm trọng và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, thì các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam lại có xu hướng gia tăng. Hiện nay, nước ta đã và đang phải đối đầu với gần 50 vụ việc phòng vệ thương mại, tương đương với 22% tổng số lượng vụ việc từ trước đến nay.

Để nhìn rõ hơn xu hướng này, ta có thể lấy số liệu trong khoảng thời gian dài: Nếu như giai đoạn 2005-2010 mới có 25 vụ việc (15 vụ việc CBPG, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 3 vụ việc chống lẩn tránh) thì con số này trong giai đoạn 2011-2015 là 52 và giai đoạn 2016-tháng 9/2021 là 109 (58 vụ việc CBPG, 16 vụ việc chống trợ cấp, 24 vụ việc tự vệ và 11 vụ việc chống lẩn tránh). Giai đoạn trước năm 2005, số tổng số vụ việc khoảng 22 vụ qua đó tổng số vụ việc hiện nay là 208 vụ việc. Đặc biệt, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên do một vài nước cho rằng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị họ áp dụng biện pháp PVTM (như thép, nhôm, tôm).

Lý do căn bản của xu hướng này là Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Năm 1995, chúng ta trở thành thành viên của ASEAN và tham gia hiệp định thương mại tự do đầu tiên, Hiệp định AFTA giữa các nước ASEAN. Năm 2000, Việt Nam ký Hiệp định thương mại BTA với Hoa Kỳ; năm 2007 trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đến nay Việt Nam đã tham gia tổng cộng 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có những hiệp định FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA).

Hội nhập kinh tế quốc tế khiến luồng hàng hóa ra quốc tế và từ quốc tế vào Việt Nam tăng mạnh mẽ. Năm 2001 kim ngạch xuất nhập khẩu mới đạt hơn 30 tỷ USD thì năm 2007 (khi gia nhập WTO), con số này đã là 100 tỷ USD; 4 năm sau đó (năm 2011) đạt 200 tỷ USD và năm 2019 đã vượt ngưỡng 500 tỷ USD.  Trong cùng giai đoạn, xuất khẩu đã tăng từ mức 15 tỷ USD vào năm 2001 lên gần 50 tỷ USD năm 2007, gần 100 tỷ USD năm 2011 và đạt hơn 280 tỷ USD vào năm 2020. Với kết quả này, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới. Đây là lý do chính của xu thế gia tăng các vụ việc phòng vệ thương mại đánh vào hàng xuất khẩu từ Việt Nam.

Chủ động tham gia “cuộc chơi”

Hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, mở ra thị trường rộng lớn hơn, đi liền với những rủi ro về các biện pháp áp dụng phòng vệ thương mại là xu hướng không thể đảo ngược được, và doanh nghiệp phải sẵn sàng thích ứng, chủ động tham gia “cuộc chơi”.

Theo khuyến cáo của Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương, doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động ở tất cả các giai đoạn. Cụ thể, trước khi vụ việc xảy ra, cần trang bị những kiến thức căn bản về pháp luật PVTM, các quy định PVTM trong các FTAs giữa các đối tác để nắm rõ nghĩa vụ và quyền lợi của mình. Thường xuyên trao đổi thông tin với hiệp hội ngành hàng và cơ quan quản lý nhà nước; truy cập thông tin tại trang website của Cục Phòng vệ Thương mại. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần chủ động thu thập thông tin, trước hết từ các nhà nhập khẩu về động thái của doanh nghiệp nước sở tại, khi có doanh nghiệp phàn nàn về khó khăn của ngành sản xuất trong nước, hoặc phàn nàn về hàng Việt Nam giá rẻ, chiếm lĩnh thị phần cao… Phải coi đây là tín hiệu khởi đầu có thể dẫn đến cuộc điều tra.

Khi vụ việc bị khởi xướng điều tra, cần xem xét tham gia tích cực thông qua trả lời bản câu hỏi đúng thời hạn, đầy đủ, hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra nước ngoài nhằm mục đích không để cơ quan điều tra nước ngoài sử dụng các dữ liệu có sắn khi đánh giá, phân tích trong kết luận vụ việc. Cơ quan điều tra cũng có thể yêu cầu trả lwoif các bản câu hỏi bổ sung, do đó, doanh nghiệp phải thường xuyên theo dõi thông tin. Trong quá trình này, cần phối hợp, trao đổi với Cục phòng vệ Thương mại để thống nhất nội dung trả lời trong vụ việc điều tra chống trợ cấp hoặc vấn đề “thị trường đặc biệt” trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá.

Trong giai đoạn thẩm tra tại chỗ, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ nội dung thẩm tra, tìm hiểu quy định, thông lệ và thủ tục của nước điều tra. Tập hợp các tài liệu đã cung cấp cho cơ quan điều tra trong các bản trả lời câu hỏi; những tài liệu cơ quan điều tra yêu cầu trong đề cương thẩm tra để gửi cơ quan điều tra ngay trong buổi thẩm tra. Chuẩn bị đội ngũ cán bộ tinh thông nghiệp vụ tham gia thẩm tra, thường là cán bộ đã trực tiếp tham gia bản trả lời câu hỏi điều tra để hiểu rõ các nội dung đã cung cấp. Xem xét chủ động đề xuất chỉnh sửa các lỗi nhỏ trong bản trả lời câu hỏi đã cung cấp.

Nguyên tắc chung trong tham gia một vụ việc là cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể ở đây là Cục Phòng vệ Thương mại. Một nguyên tắc chung khác là theo dõi sát các lập luận của nguyên đơn và cơ quan điều tra. Đối với vụ việc bán phá giá, cần phát hiện các thông tin, số liệu mà cơ quan điều tra sử dụng chưa chính xác để tính toán biên độ phá giá…

Với sự tích cực, nắm quyền chủ động tham gia vào vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra nước ngoài, nếu có bị áp thuế thì mức thuế sẽ không cao tới mức cản trở hoạt động xuất khẩu sang thị trường của bên nguyên đơn.

Hoàng Cầu