Nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công tại Ủy ban nhân dân huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La

CẦM VĂN ĐÔNG (UBND huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) - PGS. TS. NGUYỄN THỊ DƯƠNG NGA (Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam)

TÓM TẮT:

Cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá của cải cách hành chính. Tính bức xúc của việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính được thể hiện rõ trên cả khía cạnh kinh tế. Theo đó, nó cũng góp phần tiết kiệm tiền của, xây dựng môi trường pháp lý để các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư yên tâm mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng chất lượng dịch vụ hành chính công tại Ủy ban nhân dân huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công tại UBND huyện trong thời gian tới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Từ khóa: Thủ tục hành chính, cải cách hành chính, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.

1. Đặt vấn đề

Hoạt động quản lý hành chính Nhà nước có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo điều kiện, môi trường pháp lý thuận lợi cho các tổ chức và công dân sinh sống, phát triển kinh tế. Thực tiễn tại một số địa phương, các thủ tục hành chính còn tồn tại những hiện tượng mang tính khá phổ biến như: Rườm rà, trùng chéo, cứng nhắc, gây khó khăn cho người dân và các tổ chức khi thực hiện các giao dịch.

Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 750/QĐ-UBND về phê duyệt kế hoạch triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước tỉnh Sơn La. Tại Ủy ban nhân dân huyện Phù Yên, vấn đề cải cách thủ tục hành chính đã được thực hiện nhiều năm nay. Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai hệ thống này còn chậm, ảnh hưởng tới chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước cho người dân và các tổ chức trên địa bàn.

Do vậy, nghiên cứu nhằm mục đích đánh giá thực trạng chất lượng dịch vụ hành chính công và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công tại Ủy ban nhân dân huyện Phù Yên trong thời gian tới.

2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp: Nghiên cứu sử dụng số liệu thứ cấp thu thập tại Ủy ban nhân dân huyện Phù Yên và Trung tâm dịch vụ hành chính công của huyện. Số liệu sơ cấp được thu thập thông qua điều tra, phỏng vấn một số cán bộ quản lý, thực hiện các dịch vụ hành chính, người dân và tổ chức thực hiện các dịch vụ hành chính công tại Ủy ban nhân dân huyện.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Thực trạng chất lượng và các hoạt động nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công tại Ủy ban nhân dân huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La

Việc cung ứng các dịch vụ hành chính công tại Ủy ban nhân dân huyện Phù Yên được giao cho Trung tâm hành chính công của huyện phụ trách. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các dịch vụ hành chính công tại Ủy ban nhân dân huyện Phù Yên đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan nhà nước. Theo đó, số lượng dịch vụ hành chính công của huyện Phù Yên tăng qua các năm. Năm 2017, tổng số lượng dịch vụ hành chính công tại Ủy ban nhân dân huyện Phù Yên là 180 dịch vụ, năm 2018 tăng lên là 211 dịch vụ và tăng lên 250 dịch vụ vào năm 2019. Trong số các dịch vụ hành chính công hiện nay, các lĩnh vực như quản lý về đất đai, tài nguyên môi trường, quản lý xây dựng và nhà ở, lĩnh vực tư pháp, hộ tịch, chứng thực, các lĩnh vực về lao động - thương binh và xã hội, lĩnh vực cấp giấy chứng nhận, đăng ký kinh doanh là nhiều nhất.

Bảng 1. Số lượng các dịch vụ hành chính công tại UBND huyện Phù Yên giai đoạn 2017 - 2019

Số lượng các dịch vụ hành chính công

Nguồn: Trung tâm hành chính công huyện Phù Yên (2019)

Trong những năm qua việc giải quyết các dịch vụ hành chính công tại Ủy ban nhân dân huyện Phù Yên đã đạt được những kết quả nhất định. Việc giải quyết các dịch vụ hành chính công trực tuyến cấp huyện đúng hạn và trước hạn cho công dân trên địa bàn huyện luôn đạt tỷ lệ cao. Năm 2019, số lượng các dịch vụ hành chính công trực tuyến cấp huyện đúng hạn đạt tỷ lệ 99,9%.

Bảng 2. Kết quả giải quyết các dịch vụ hành chính công tại UBND huyện Phù Yên năm 2019

Kết quả giải quyết các dịch vụ hành chính công

Nguồn: UBND huyện Phù Yên (2020)

Đổi mới các quy trình thực hiện dịch vụ hành chính công: Việc tổ chức bộ máy thực hiện các dịch vụ hành chính công cho người dân trên địa bàn huyện Phù Yên hiện nay đã được thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông, giúp cho việc giải quyết các dịch vụ hành chính công của người dân tại Ủy ban nhân dân huyện Phù Yên hiện nay được thuận lợi, người dân sẽ không phải qua nhiều phòng ban của huyện để giải quyết. Cùng với đó, công dân có thể thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên hệ thống cổng dịch vụ công trực tuyến của Ủy ban nhân dân huyện Phù Yên. Việc xây dựng nền hành chính công hiện đại đã giúp cho việc nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công tại Ủy ban nhân dân huyện Phù Yên, tạo ra cơ chế công khai minh bạch và nâng cao sự hài lòng của người dân khi đến Ủy ban nhân dân huyện thực hiện các dịch vụ hành chính công.

Tập huấn, phổ biến tuyên truyền cho người dân về giải quyết các thủ tục hành chính công: Năm 2019, Ủy ban nhân dân huyện đã giao cho các cơ quan chuyên môn phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật cấp huyện, cấp xã: Đã lồng ghép tuyên truyền về công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, tổng số 318 cuộc 21.332 lượt người dự nghe; Trung tâm Truyền thông- Văn hóa huyện đã xây dựng các tin, bài về nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, lồng ghép xây dựng các chương trình phát thanh, truyền hình để phát sóng tại trạm trung tâm và chuyển phát sóng tại 4 trạm truyền hình cơ sở: Mường Do, Mường Bang, Mường Cơi, Tân Phong, chọn lọc một số bài gửi báo Sơn La, Đài Phát thanh-Truyền hình Sơn La.

Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện các dịch vụ hành chính công: Ủy ban nhân dân huyện đã đăng ký tập huấn nghiệp vụ công tác cải cách hành chính, tập huấn PAPI. Trong giai đoạn 2017 - 2019, số lượng cán bộ, công chức được cử đi học dài hạn trong giai đoạn này là 20 người và tăng trung bình khoảng 34%/năm. Đến nay, toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức đang làm việc tại Trung tâm dịch vụ hành chính công huyện Phù Yên đã có thể giao tiếp với người dân bằng tiếng Thái và tiếng H’Mông. Hầu hết người dân đã hài lòng với năng lực của cán bộ công chức thực hiện các dịch vụ hành chính công. Có hơn 68% người dân cho rằng, cán bộ, công chức tiếp nhận hồ sơ có khả năng giao tiếp tốt; có khoảng 56% người dân rất đồng ý và đồng ý với nhận định cán bộ, công chức tiếp nhận hồ sơ có kiến thức và kỹ năng giải quyết công việc liên quan. Điều này cho thấy phần nào các hoạt động nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công tại Ủy ban nhân dân huyện Phù Yên hiện nay là khá hiệu quả.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào thực hiện các dịch vụ hành chính công: Hàng năm, Ủy ban nhân dân huyện Phù Yên đã ban hành kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước như sử dụng hòm thư điện tử để trao đổi công việc, cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Ủy ban nhân dân huyện tiếp tục triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tiến tới cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Cổng thông tin điện tử của huyện được khai thác triệt để, hoạt động thường xuyên, hiệu quả, cập nhật thông tin kịp thời, đầy đủ. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức lớn đối với Ủy ban nhân dân huyện Phù Yên. Bởi vì, để triển khai thực hiện các dịch vụ hành chính công trực tuyến hiện nay gặp khá nhiều khó khăn đặc biệt là đối với nhóm đối tượng là người dân tộc thiểu số, người già trên địa bàn huyện, khi mà nhóm đối tượng này không sử dụng được thành thạo điện thoại thông minh, máy tính,… để kê khai hồ sơ dịch vụ hành chính công trực tuyến.

Thanh tra, kiểm tra giám sát việc thực hiện các dịch vụ hành chính công: Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công tại Ủy ban nhân dân huyện Phù Yên, hàng năm, hàng quý thì lãnh đạo HĐND, Ủy ban nhân dân huyện đều phối hợp cùng với các cơ quan chức năng để đi kiểm tra các hoạt động tại Trung tâm dịch vụ hành chính công và kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những sai phạm không đáng có của cán bộ, công chức thực hiện giải quyết các dịch vụ hành chính công, cùng với đó là kiểm tra những sai phạm, vướng mắc trong quá trình giải quyết các dịch vụ hành chính công tại các phòng, ban có liên quan trên địa bàn huyện, từ đó đẩy mạnh chất lượng dịch vụ hành chính công tại Ủy ban nhân dân huyện.

Đánh giá của người dân về chất lượng dịch vụ hành chính công: Qua khảo sát đánh giá của người dân về quy trình thủ tục hành chính khi thực hiện tại trung tâm, về cơ bản đã đồng ý quy trình thủ tục đơn giản hóa hơn và dễ thực hiện hơn so với trước. Đa phần người dân đều rất đồng ý và đồng ý (dao động từ 45 - 75%) với các nhận định về việc nâng cao và đổi mới các thủ tục giải quyết dịch vụ hành chính công cho người dân. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều người dân cho rằng các thủ tục này còn chưa hợp lý, như còn khoảng 23% người dân chưa đồng ý và rất không đồng ý với nhận định quy trình, các bước xử lý hồ sơ hợp lý; còn khoảng gần 30% người dân cho rằng mức phí và chất lượng dịch vụ được cung cấp là chưa hợp lý; còn khoảng 20% người dân cho rằng vẫn phải bổ sung thêm giấy tờ trong quá trình xử lý hồ sơ hiện hành. Đa phần người dân đều cho rằng các cơ sở vật chất phục vụ công tác giải quyết các dịch vụ hành chính công tại Ủy ban nhân dân huyện Phù Yên hiện nay mới chủ yếu ở mức độ bình thường, chưa thực sự đẩy đủ, hiện đại. Cùng với đó, người dân cũng đánh giá về trình độ và kỹ năng làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện giải quyết các dịch vụ hành chính công tại Ủy ban nhân dân huyện Phù Yên hiện nay chưa cao. Có khoảng 32% người dân rất đồng ý và đồng ý với nhận định trình độ chuyên môn của cán bộ công chức giải quyết các dịch vụ hành chính công còn hạn chế.

3.2. Một số giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công tại Ủy ban nhân dân huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La

Thứ nhất, cần đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc cho đội ngũ cán bộ, công chức giải quyết các dịch vụ hành chính công.

Thứ hai, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về các dịch vụ hành chính công.

Thứ ba, cần đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang - thiết bị phục vụ giải quyết các dịch vụ hành chính công.

Thứ tư, cần tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn trong giải quyết các dịch vụ hành chính công.

Thứ năm, cần tăng cường cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các dịch vụ hành chính công.

Thứ sáu, phát huy vai trò chủ thể của người dân - đối tượng thụ hưởng dịch vụ hành chính công.

4. Kết luận

Nghiên cứu cho thấy, trong những năm qua, việc đẩy mạnh thực hiện các dịch vụ hành chính công trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 tại Ủy ban nhân dân huyện Phù Yên đã tạo điều kiện rất tốt để nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công của huyện. Hiện nay, tỷ lệ các dịch vụ hành chính công được thực hiện trên cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến của huyện không ngừng tăng lên. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết sớm và đúng thời hạn ngày càng tăng và đạt xấp xỉ 100%. Mặc dù vậy, người dân vẫn chưa thực sự hài lòng đối với việc cung cấp dịch vụ hành chính công, ví dụ như quy trình và các bước xử lý; mức phí và việc họ còn phải đi lại nhiều lần. Cơ sở vật chất phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính công cũng chưa được người dân đánh giá cao.

Trên cơ sở đó, một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công tại Ủy ban nhân dân huyện Phù Yên trong thời gian tới bao gồm: Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về các dịch vụ hành chính công; nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giải quyết các dịch vụ hành chính công; phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn trong giải quyết các dịch vụ hành chính công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các dịch vụ hành chính công; và phát huy vai trò chủ thể của người dân - đối tượng thụ hưởng dịch vụ hành chính công.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2007). Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 01 tháng 08 năm 2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước.
  2. Chính phủ (2011). Nghị định số 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13 tháng 06 năm 2011 Quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước. Hà Nội.
  3. Tạ Thị Bích Ngọc (2016). Cải cách thủ tục hành chính ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, 10(107), 101-111.
  4. Huyện Phù Yên (2019), Các báo cáo tổng kết hoạt động của trung tâm dịch vụ hành chính công các năm 2017-2019. Phù Yên.

IMPROVING THE QUALITY OF PUBLIC SERVICES

PROVIDED BY THE PEOPLE’S COMMITTEE

OF PHU YEN DISTRICT, SON LA PPROVINCE

• CAM VAN DONG

People’s Committee of Phu Yen District, Son La Province

Dr. NGUYEN THI DUONG NGA

Faculty of Economics and Rural Development

Vietnam National University of Agriculture

ABSTRACT:

Administrative procedure reform is a breakthrough stage of Vietnam’s administrative reform. Administrative procedure reform is critical for socio-economic development, saving resources, and money and faciliating economic entities. This study is to assess the current quality of public administration services provided by the People's Committee of Phu Yen District, Son La Province. Based on this study’s results, some recommendations are proposed to improve the quality of public administrative services provided by the local People's Committee.

Keywords: Public services, quality, Phu Yen District, Son La Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25, tháng 10 năm 2020]