TÓM TẮT:

Hoạt động xúc tiến thương mại phát triển, thị trường xuất khẩu đã phát triển nhanh chóng cùng với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, quy mô của các hoạt động xúc tiến xuất khẩu còn chưa tương xứng với tiềm năng xuất khẩu của các ngành hàng chủ lực của Việt Nam, còn thiếu các hình thức xúc tiến thương mại hiện đại, ứng dụng công nghệ 4.0 và hệ sinh thái xúc tiến thương mại,… Bài viết này góp phần phân tích thực trạng và đề xuất giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh ứng phó linh hoạt với dịch bệnh Covid-19 và tận dụng cơ hội từ việc thực thi hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP),…

Từ khóa: nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về xúc tiến thương mại, định hướng phát triển ngành hàng, thị trường xuất khẩu hàng hóa, giải pháp chính sách.

1. Đặt vấn đề

Trong điều kiện mới, dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh, mạnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tại văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta đã chỉ rõ những nội dung mới của đất nước, đó là: "Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyên đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”; “Đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại trong đó bao gồm hạ tầng thương mại” là những cơ sở quan trọng trong triển khai xây dựng và thực hiện “Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về xúc tiến thương mại phát triển xuất khẩu hàng hóa Việt Nam bền vững trong giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”.

Thực tế, hoạt động quản lý xúc tiến thương mại đã thực hiện tốt vai trò định hướng của Nhà nước trong việc tập hợp, dẫn dắt, hỗ trợ doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, quy mô của các hoạt động xúc tiến xuất khẩu còn chưa tương xứng với tiềm năng xuất khẩu của các ngành hàng chủ lực của Việt Nam, chưa đảm bảo cạnh tranh được với các nước trong khu vực và trên thế giới, còn thiếu các hình thức xúc tiến thương mại hiện đại, ứng dụng công nghệ 4.0 và hệ sinh thái xúc tiến thương mại; công tác phối hợp điều hành giữa các cơ quan quản lý chưa tạo sự gắn kết, chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa; sự hạn chế về nguồn lực dẫn đến hoạt động xúc tiến thương mại bị dàn trải; năng lực của các tổ chức xúc tiến thương mại, doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa thực sự theo kịp yêu cầu của thị trường thế giới, của các nghiệp vụ xúc tiến thương mại quốc tế. Điều này đòi hỏi cần phải có các giải pháp chính sách nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước về xúc tiến thương mại, góp phần phát triển xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trong thời gian tới.

2. Thực trạng và kết quả hoạt động quản lý nhà nước về xúc tiến thương mại, phát triển xuất khẩu hàng hóa Việt Nam giai đoạn 2016-2021

2.1. Công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực xúc tiến thương mại giai đoạn 2016-2021

Để cụ thể hóa các văn bản Luật, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành 7 văn bản quy phạm pháp luật gồm 2 Nghị định của Chính phủ; 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 3 Thông tư của Bộ Công Thương. Cụ thể: các Nghị định số 28/2018/NĐ-CP ngày 01/03/2018 và Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/05/2018 của Thủ tướng Chính phủ; các Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15/11/2010 và Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg ngày 08/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ; các Thông tư số 11/2019/TT-BCT ngày 30/07/2019, Thông tư số 33/2019/TT-BCT ngày 22/11/2019 và Thông tư số 25/2021/TT-BCT ngày 20/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đã góp phần hoàn thiện khung pháp lý cũng như hỗ trợ doanh nghiệp; các tổ chức xúc tiến thương mại tham gia Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại và Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, hỗ trợ các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài trong việc thành lập và vận hành các Văn phòng đại diện tại Việt Nam.

2.2. Công tác xúc tiến thương mại phát triển xuất khẩu và mở rộng thị trường

Giai đoạn 2016-2021, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp hiệu quả với địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp phê duyệt gần 1.100 đề án xúc tiến thương mại quốc gia với tổng kinh phí hỗ trợ 545 tỷ đồng, tập trung 3 nội dung: xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại thị trường trong nước và xúc tiến thương mại khu vực miền núi, biên giới, hải đảo. Các hoạt động thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã hỗ trợ gần 30.000 lượt doanh nghiệp tham gia, các doanh nghiệp đã trực tiếp giao dịch và ký kết các hợp đồng ngoại thương đạt gần 15 tỷ USD; doanh số bán hàng trực tiếp tại các hội chợ vùng, phiên chợ đạt trên 1.500 tỷ đồng.

Hoạt động xúc tiến thương mại trong giai đoạn 2016-2021 đã góp phần quan trọng nâng cao kim ngạch xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán, củng cố và phát triển thị trường trong nước. Cụ thể:

Về kim ngạch xuất khẩu: Tăng trưởng liên tục qua các năm; theo công bố xếp hạng của WTO, năm 2006, Việt Nam xếp hạng thứ 50 trên thế giới về xuất khẩu. Đến năm 2018, nước ta đã có bước phát triển đột phá và ấn tượng, xếp thứ 26 về xuất khẩu và năm 2021 Việt Nam thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Riêng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 668,54 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020.

Về thị trường xuất khẩu: Với sự hỗ trợ của hoạt động xúc tiến thương mại, thị trường xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam ngày càng được mở rộng, tăng từ 15 nước năm 2000 lên 72 nước, vùng lãnh thổ (năm 2009) và tăng lên đến gần 200 nước, vùng lãnh thổ (2021). Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam duy trì và phát triển theo chiều sâu tại các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc,…; phát triển trở lại thị trường Nga, Đông Âu; tăng cường hoạt động tại thị trường ASEAN; mở rộng khai thác thị trường mới tại Trung Đông, châu Phi và Mỹ La-tinh.

Về sản phẩm xuất khẩu: Công tác xúc tiến thương mại đã góp phần chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng chế biến và nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm; một số nhóm ngành hàng đã chiếm lĩnh thị phần ngày càng cao trên thị trường thế giới với tốc độ gia tăng thị phần cao, như: đồ điện tử, phần mềm, quả, hạt (20%/năm), da giày và túi xách, sản phẩm may mặc, cao su (10%/năm), đồ gỗ và gỗ chế biến (6%-7%/năm).

Về hỗ trợ năng lực xúc tiến thương mại xuất khẩu: Hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia đã góp phần nâng cao năng lực cho các Hiệp hội ngành hàng. Số lượng Hiệp hội, đơn vị thuộc các ngành hàng tham gia Chương trình ngày càng được mở rộng, nếu từ năm 2015 chỉ có 25 hiệp hội, đơn vị tham gia với 62 đề án, thì đến hết năm 2021 đã có 41 hiệp hội, tổ chức xúc tiến thương mại tham gia với 90 đề án.

Hỗ trợ các doanh nghiệp ngành hàng tham dự các hoạt động hội chợ, triển lãm chuyên ngành chủ chốt trên thế giới như phần mềm, dệt may, da giày, thủy sản, nông sản, rau hoa quả, thực phẩm chế biến,... tạo sự kết nối các nhà sản xuất, doanh nghiệp thương mại.

Các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước, miền núi, biên giới và hải đảo cũng đã góp phần phát triển, mở rộng thị trường trong nước, xây dựng kênh phân phối tại các khu vực thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, do Bộ Chính trị phát động.

2.3. Công tác phát triển thương hiệu

Triển khai phát triển thương hiệu quốc gia (THQG) với mục tiêu Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong đã khuyến khích các doanh nghiệp không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2016-2021, trải qua 3 kỳ xét chọn (định kỳ 2 năm/lần), đã có 671 lượt sản phẩm đạt THQG của 309 lượt doanh nghiệp (năm 2016 là 157 sản phẩm của 88 doanh nghiệp; năm 2018 là 231 sản phẩm của 97 doanh nghiệp, năm 2020 là 283 sản phẩm của 124 doanh nghiệp). Các doanh nghiệp tham gia Chương trình đều duy trì tốc độ tăng trưởng cao về lợi nhuận, doanh thu, thị phần ở trong nước và nước ngoài.

Thông qua Chương trình, các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG đã được hỗ trợ quảng bá, tham gia hội chợ, triển lãm có quy mô lớn, uy tín ở trong nước và ngoài nước; hỗ trợ công tác quảng bá, phát triển thương hiệu qua các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, cũng như các sự kiện trong khuôn khổ Chương trình THQG.

2.4. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xúc tiến thương mại

- Đã tham gia hợp tác đa phương, song phương về xúc tiến thương mại với Trung tâm ASEAN - Nhật Bản; ASEAN - Hàn Quốc; cơ quan xúc tiến Hà Lan, Pháp; đã ký thỏa thuận hợp tác quốc tế (MOU) với hơn 40 tổ chức XTTM trên thế giới, như: Hàn Quốc, Pháp, Thái Lan, Uruguay, Slovakia, Hungary, Czech, Bungari, Algeria,… Việc hợp tác, ký kết và thực hiện các Thỏa thuận hợp tác với các đối tác nước ngoài đã giúp tăng cường mối quan hệ hợp tác, trao đổi thông tin trong lĩnh vực xúc tiến thương mại với các cơ quan xúc tiến thương mại quốc gia trong khu vực và trên thế giới, tranh thủ được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật, nguồn nhân lực và kinh nghiệm quốc tế của các tổ chức xúc tiến thương mại lớn trên thế giới.

Như vậy, hoạt động xúc tiến thương mại và việc mở rộng thị trường xuất khẩu đã góp phần xây dựng thương hiệu, hình ảnh quốc gia, doanh nghiệp, sản phẩm trên thế giới, góp phần định hướng phát triển của từng ngành, lĩnh vực, phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.

3. Một số hạn chế và đề xuất giải pháp phát triển trong thời gian tới

3.1. Một số hạn chế

Bên cạnh các kết quả tích cực đã đạt được trong hoạt động quản lý nhà nước về xúc tiến thương mại, phát triển xuất khẩu hàng hóa Việt Nam thời gian qua, vẫn còn một số hạn chế cần được quan tâm, tìm giải pháp cho thời gian tới. Đó là, hoạt động xúc tiến thương mại quy định trong Luật Thương mại hiện còn bị bó hẹp trong khuôn khổ của một số hoạt động do thương nhân thực hiện; hình thức xúc tiến thương mại truyền thống đã không còn phù hợp với thực tế hiện nay, khi mà phương thức hoạt động thương mại, hoạt động xúc tiến thương mại xuyên biên giới và hoạt động thương mại online kết nối thông qua môi trường thương mại điện tử và internet đã tạo ra nhiều loại hình xúc tiến thương mại khác nhau, như: hội nghị, hội thảo, giao thương trực tuyến; hội chợ triển lãm ảo,… Điều này tạo ra nhiều khó khăn trong việc triển khai và thực hiện quản lý nhà nước trong hoạt động xúc tiến thương mại.

Thực tế hiện nay, chủ thể thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại không chỉ là thương nhân thực hiện, mà còn có cả các hiệp hội ngành hàng, cơ quan nhà nước trung ương và địa phương, trong khi Luật Thương mại hiện hành chỉ mới điều chỉnh mối quan hệ của cơ quan quản lý nhà nước về xúc tiến thương mại đối với thương nhân; chưa có sự điều phối, quy định để tạo nên sự thống nhất trong hoạt động xúc tiến thương mại giữa Bộ Công Thương với các Bộ ngành, địa phương và hiệp hội ngành hàng; nhiều hoạt động xúc tiến thương mại còn được thực hiện một cách trùng lắp về địa điểm, cách thức, khoảng thời gian tổ chức giữa các Bộ, ngành, địa phương nên đã làm giảm hiệu quả tổ chức, gây lãng phí nguồn lực; hoạt động xúc tiến thương mại còn thực hiện dàn trải, thiếu vắng các hoạt động lớn, thiếu trọng tâm, trọng điểm và dẫn đến có những hoạt động ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

3.2. Đề xuất giải pháp chính sách

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định về các hoạt động xúc tiến thương mại trong Luật Thương mại năm 2005 theo hướng đa dạng các hoạt động, nhằm đáp ứng linh hoạt với các phương thức xúc tiến thương mại mới cho thời điểm hiện tại và tương lai. Đặc biệt lưu ý bổ sung các quy định về hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường mạng internet.

Thứ hai, bổ sung các quy định thể hiện sự thống nhất của Chính phủ trong quản lý nhà nước về xúc tiến thương mại. Bộ Công Thương là đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực này và có chức năng điều phối hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường Việt Nam và nước ngoài.

Thứ ba, quy định việc sử dụng nền tảng hạ tầng số của hệ sinh thái xúc tiến thương mại để quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xúc tiến thương mại.

Thứ tư, sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục hành chính theo hướng cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho hoạt động xúc tiến thương mại, hoạt động thương mại.

4. Định hướng phát triển ngành hàng, thị trường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam bền vững

Căn cứ Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 và Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, định hướng phát triển ngành hàng, thị trường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam bền vững trong thời gian tới như sau:

* Tiêu chí lựa chọn ngành hàng/nhóm mặt hàng để tập trung xúc tiến thương mại hỗ trợ xuất khẩu

- Tiềm năng thị trường

+ Tăng trưởng trong 5 năm qua và các dự báo cho những năm tới;

+ Các thị trường đã ký kết FTA và có cơ hội vượt qua các quy định phi thuế quan khác, có tính đến lộ trình cắt giảm thuế quan đối với các thị trường đã ký kết FTA.

- Khả năng cung ứng của Việt Nam

+ Năng lực và khả năng gia tăng (tình hình xuất khẩu hiện tại và dự báo tương lai);

+ Về chất lượng, số lượng, năng lực cạnh tranh;

+ Về khả năng tổ chức thực hiện (lựa chọn đơn vị đầu mối có năng lực, có khả năng huy động các nguồn lực để thực hiện đề án).

* Nhóm ngành hàng trọng tâm cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu giai đoạn đến 2025, tầm nhìn đến năm 2035

Trên cơ sở tiêu chí, xác định tiềm năng thị trường và khả năng cung ứng hàng hóa của Việt Nam, đề xuất 15 nhóm ngành hàng và dịch vụ dưới đây vào trọng tâm cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, cụ thể là:

- Đối với công nghiệp chế biến chế tạo gồm có: (1) Da giày và Túi xách; (2) Dệt may; (3) Chế biến thực phẩm; (4) Đồ gỗ; (5) Dây điện, cáp điện; (6) Điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; (7) Công nghiệp hỗ trợ.

- Đối với nông nghiệp và thủy sản gồm có: (1) Thủy sản; (2) Trái cây tươi; (3) Nhóm Chè, Cà phê; (4) Nhóm Điều và Hồ tiêu, gia vị; (5) Cao su; (6) Gạo.

- Đối với dịch vụ gồm có: (1) Phần mềm; (2) Logistics.

* Định hướng thị trường trọng tâm cho hoạt động xúc tiến thương mại

- Giữ vững thị trường truyền thống tại Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, ASEAN; tăng cường khai thác và phát triển tại các thị trường CPTPP, EVFTA.

- Khai thác các thị trường mới như Trung Đông - châu Phi, Úc, New Zealand, Mỹ Latinh (các nước thuộc khối thị trường chung Nam Mỹ MERCOSUR và các thị trường ngách khu vực Mỹ Latinh), Nam Á,…

5. Giải pháp thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại trong tình hình mới

* Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động xúc tiến thương mại

- Kết hợp tuyên truyền, quảng bá bằng nhiều hình thức, trên các phương tiện truyền thông cho các sản phẩm/dịch vụ của Việt Nam trước, trong và sau mỗi hoạt động xúc tiến thương mại. Với mỗi thị trường lớn, trọng điểm, tối thiểu hàng năm thực hiện 2 đến 3 hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường và 1 hoạt động đón đoàn mua hàng cho 5 ngành hàng/mặt hàng trọng điểm. Với mỗi thị trường mới, hàng năm thực hiện ít nhất 1 hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường và 1 đoàn khách mua hàng vào Việt Nam.

- Hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường: Bên cạnh hội chợ, hội nghị giới thiệu tiềm năng cung ứng, tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, kết nối kinh doanh, tuyên truyền quảng bá thông qua hệ thống thương vụ, các tổ chức tương đồng hoặc đơn vị tư vấn.

- Hoạt động xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu tại Việt Nam: đón khách mua hàng, hội nghị quốc tế, giới thiệu tiềm năng, năng lực, các hoạt động kết nối kinh doanh, hội chợ triển lãm thực tế ảo,…

- Kết hợp nhiều sự kiện tạo thành chuỗi sự kiện diễn đàn kinh doanh lớn tại thị trường triển khai hoạt động xúc tiến; kết hợp nguồn lực và chương trình của địa phương gắn kết hoạt động xúc tiến thương mại ngành hàng, quốc gia cùng 1 chương trình.

* Giải pháp tận dụng cơ hội từ các hiệp định hợp tác đa phương, song phương và ứng phó trong bối cảnh dịch Covid-19

Thứ nhất, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu, quảng bá thương hiệu thông qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số.

- Tăng cường triển khai các hình thức xúc tiến thương mại trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng tìm kiếm khách hàng cho những mặt hàng nông sản thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các tổ chức xúc tiến thương mại triển khai tổ chức giao thương thúc đẩy giao dịch xuất khẩu qua môi trường thương mại điện tử, quảng bá sản phẩm qua nền tảng số, phương tiện điện tử và đối tác có thể thẩm tra năng lực của doanh nghiệp mình thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước sở tại.

- Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu tại các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; từng bước mở rộng sang các thị trường châu Mỹ, châu Âu, Ấn Độ, Đài Loan, Đông Nam Á, Trung Đông,...

Thứ hai, thường xuyên rà soát tình hình triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, cập nhật nhu cầu hỗ trợ của các doanh nghiệp, ngành hàng, địa phương để kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh phí, tham mưu phương án ứng phó phù hợp với điều kiện thị trường.

Thứ ba, đề xuất điều chỉnh, bổ sung chính sách về xúc tiến thương mại.

Cuối cùng là bổ sung các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu bền vững,…

* Kết hợp xây dựng thương hiệu, hình ảnh

- Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu; Hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực xây dựng, quản trị và phát triển thương hiệu.

- Xây dựng và triển khai quảng bá, tuyên truyền về Chương trình thương hiệu quốc gia và các thương hiệu sản phẩm tiêu biểu của doanh nghiệp đại diện cho thương hiệu quốc gia Việt Nam.

* Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại

- Trưng bày, giới thiệu và xuất khẩu hàng hóa qua gian hàng chung cho doanh nghiệp thành viên trên sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế; tư vấn, hỗ trợ pháp lý đăng ký nhãn hiệu sản phẩm tại thị trường xuất khẩu theo yêu cầu của sàn giao dịch và thị trường, xây dựng lại bao bì, nhãn mác theo quy chuẩn của sàn và thị trường, thực hiện quản lý, quảng bá gian hàng chung thông qua mạng xã hội, công cụ tìm kiếm,…

- Khai thác Ứng dụng xúc tiến thương mại (App XTTM) trên điện thoại thông minh, máy tính bảng,… để cập nhật trực tiếp các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế như hội chợ, triển lãm, các sự kiện kết nối giao thương, cơ hội kết nối giao thương B2B, B2C.

- Xây dựng và hỗ trợ cung cấp cơ sở dữ liệu thị trường, dữ liệu doanh nghiệp xuất khẩu, xây dựng các kênh tương tác trực tiếp với các doanh nghiệp, hiệp hội để hỗ trợ doanh nghiệp và kết nối giao thương;

- Phát triển website chuyên trang giới thiệu về các hoạt động của các doanh nghiệp để vừa hỗ trợ tổ chức triển khai vừa quảng bá, thu hút doanh nghiệp tham gia Chương trình, đăng ký tham gia Chương trình trực tuyến, giúp cho công tác thực hiện được công khai, minh bạch, thuận tiện và hiệu quả.

* Hợp tác với các sàn thương mại điện tử để thúc đẩy quảng bá hàng hóa Việt Nam đến thị trường thế giới

Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức xúc tiến thương mại qua môi trường thương mại điện tử để tiếp cận thị trường nội địa Hoa Kỳ, Trung Quốc và thị trường toàn cầu thông qua môi trường thương mại điện tử của Amazon, Alibaba,...

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật.
  2. Thủ tướng Chính phủ (2022). Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030.
  1. Thủ tướng Chính phủ (2021). Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 phê duyệt Chiến lược "Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
  2. Thủ tướng Chính phủ (2014). Quyết định số 2146/QĐ-TTg ngày 01/12/2014 phê duyệt đề án Tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
  3. Tổng cục Thống kê (2021). Niên giám thống kê các năm 2016, 2017, 2018, 2019, 2020.

Enhancing the efficiency of state management of trade promotion  to promote Vietnam’s exports of goods sustainably by 2025 with vision to 2035

 Ngo Minh Hoan

Ministry of Industry and Trade

Abstract:

Along with the country’s socio-economic development, Vietnam’s trade promotion activities and export markets have been developed and expanded rapidly. However, the scale  of trade promotion activities is still not commensurate with the export potential of Vietnam's key commodities. Vietnam also lacks modern trade promotion activities which take advantage of Industry 4.0 technologies and trade promotion ecosystems. This paper is expected to promote Vietnam’s exports of goods sustainably when the country is flexibly responding to the COVID-19 pandemic and taking advantage of opportunities of the European Union  - Vietnam Free Trade Agreement (EVFTA), the Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership (CPTPP), etc.

Keywords: improve the efficiency of state management of trade promotion, development orientation of commodity-based industries, commodity export markets, policy solutions.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20 tháng 8  năm 2022]