TÓM TẮT:

Ngày nay, sự thay đổi về thói quen ăn uống, môi trường sống, sự ô nhiễm nguồn nước, đất đai, không khí gia tăng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người. Nhận thức được điều này, người tiêu dùng đã có định hướng tiêu dùng thực phẩm chức năng (TPCN) giúp duy trì và ngăn chặn những tiềm ẩn xấu đối với sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hiện nay kinh doanh vì lợi nhuận bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng như hàng giả, nhái, quảng cáo sai sự thật,... Bài viết đưa ra những vấn đề về quy trình đăng ký công bố thực phẩm chức năng nhập khẩu ở Việt Nam, từ đó người tiêu dùng có thể trang bị những kiến thức hữu ích trước khi tiêu dùng TPCN.

Từ khóa: thực phẩm chức năng, hành vi tiêu dùng, người tiêu dùng, thực phẩm nhập khẩu.

1. Đặt vấn đề

Các nhà y học đã chia sức khỏe thành 3 loại: Những người thực sự khỏe, đáp ứng được định nghĩa về sức khỏe của WHO tỷ lệ này chiếm 5-10%; Những người mắc bệnh 10 -15%; Chiếm trên 75% dân số là những người ở trạng thái giữa khỏe mạnh và mắc bệnh (sức khỏe kém). Do vậy, việc người tiêu dùng có ý thức đầu tư cho sức khỏe ngay từ khi còn khỏe mạnh là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, thông tin về TPCN trên thị trường hiện nay còn quá nhiều yếu tố chưa thực sự được đảm bảo như uy tín của doanh nghiệp, chất lượng nguồn hàng,… Từ phía cơ quan nhà nước đã tăng cường quản lý sát sao để tránh những hiện tượng phát triển tiêu cực của thị trường TPCN. Về phía người tiêu dùng cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để có thể tự kiểm tra, đánh giá và bảo vệ sức khỏe cũng như lợi ích của mình trong tiêu dùng TPCN nói chung và TPCN nhập khẩu nói riêng.

2. Lý luận cơ bản về TPCN và hành vi tiêu dùng TPCN

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ y học Trần Đáng “Thực phẩm chức năng là thực phẩm để hỗ trợ, tăng cường và phục hồi, hỗ trợ, tăng cường và duy trì các chức năng của các bộ phận trong cơ thể, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật ”.

Thực phẩm chức năng hướng tới giúp người tiêu dùng có thể đạt được sức khỏe sung mãn. Theo WHO: “Sức khỏe là một trạng thái thoải mái đầy đủ (toàn diện) về thể chất, tinh thần và xã hội chứ không chỉ bó hẹp vào nghĩa là không có bệnh hay thương tật”. Theo cách hiểu của thực phẩm chức năng học: “Sức khỏe là tình trạng lành lặn về cấu trúc và chức năng của các tế bào, tổ chức và cơ thể; Giữ cân bằng nội môi và thích nghi với sự thổi của môi trường”. Theo đó, sức khỏe sung mãn được hiểu là trạng thái không gặp phải chứng viêm khớp, loãng xương, béo phì, đột quỵ, ung thư, chứng mất trí nhớ, bệnh động mạch vành, cao huyết áp, tiểu đường, …

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe là yếu tố sinh học (giới tính, lứa tuổi, thể trạng, di truyền, vi khuẩn, virus, ký sinh trùng); yếu tố tự nhiên (tài nguyên, khí hậu, thời tiết, môi trường, đa lý); các yếu tố kinh tế - xã hội (chế độ ăn, chế độ sinh hoạt, chế độ nghỉ ngơi, chế độ lao động, chính trị, học vấn,…). Tuy nhiên, việc nhận thức đúng vai trò của TPCN và dùng đúng cách là yếu tố tác động đến việc duy trì và nâng cao sức khỏe của người tiêu dùng.

Hành vi tiêu dùng TPCN của người tiêu dùng là toàn bộ hành động mà người tiêu dùng bộc lộ ra trong quá trình tìm hiểu, mua sắm, đánh giá cho TPCN nhằm thoả mãn nhu cầu của họ. Hành vi tiêu dùng TPCN có thể được hiểu là cách thức mà người tiêu dùng đưa ra cách thức sử dụng thu nhập của mình dùng cho việc mua sắm và sử dụng TPCN nhằm thoả mãn nhu cầu của họ.

Việc lựa chọn TPCN rất phức tạp và nó phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố. Theo lý thuyết kinh tế học, các yếu tố tác động tới hành vi tiêu dùng gồm có sự ưa thích của người tiêu dùng và sự ràng buộc về ngân sách hay thu nhập của họ. Các yếu tố tác động đến hành vi tiêu dùng TPCN có thể được đưa ra cụ thể là: Thứ nhất, nhân tố văn hóa gồm có văn hóa, nhánh văn hóa, sự giao lưu và biến đổi văn hóa; Thứ hai, nhân tố xã hội gồm giai tầng xã hội, nhóm tham chiếu, gia đình, vai trò và địa vị cá nhân; Thứ ba, nhân tố cá nhân như tuổi tác và giai đoạn trong đời sống gia đình, nghề nghiệp, trạng thái kinh tế, lối sống, nhân cách hay cá tính; Thứ tư, yếu tố về tâm lý gồm động cơ, nhận thức, hiểu biết, niềm tin và thái độ của người tiêu dùng. Những yếu tố này sẽ tác động đến tiềm thức của người tiêu dùng và tác động tới hành vi mua sắm hiện tại và trong tương lai của họ.

3. Thực trạng hành vi tiêu dùng nhập khẩu ở Việt Nam

TPCN hiện nay không còn là tên lạ lẫm với người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, trên thị trường có rất nhiều TPCN vừa sản xuất trong nước, vừa nhập khẩu, dẫn tới việc lựa chọn tiêu dùng của khách hàng trở nên phức tạp hơn. Qua việc điều tra 450 khách hàng dùng TPCN trên địa bàn Hà Nội, Bắc Ninh cho thấy 80% người tiêu dùng ưa thích các sản phẩm TPCN nhập khẩu. (Bảng 1)

Bảng 1. Thống kê lựa chọn của khách hàng về TPCN

 

Frequency

Percent

Valid Percent

Cumulative Percent

Valid

TPCN trong nuoc

90

20,0

20,0

20

TPCN nhap khau

360

80,0

80,0

100

Total

450

100,0

100,0

 

Nguồn: Tổng hợp SPSS từ Điều tra của tác giả và nhóm kinh doanh Công ty TNHH Novoremedy

Qua phần điều tra từ 450 khách hàng đã dùng TPCN, yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến tiêu dùng TPCN là nguồn thông tin tư vấn từ bác sĩ tại bệnh viện, phòng khám và nhân viên các quầy thuốc. Khi có thông tin từ các bác sĩ điều trị, 92% khách hàng được hỏi đều tiêu dùng. Nguồn thông tin thương mại mà khách hàng tự tham khảo đề đưa ra quyết định tiêu dùng có thể từ  quảng cáo, người bán hàng, hội chợ, triển lãm, bao bì, nhãn hiệu,… nhưng 65% khách hàng đánh giá nguồn thông tin từ quảng cáo. Bên cạnh đó, nguồn thông tin xã hội từ gia đình, bạn bè, người quen cũng góp phần không nhỏ tới tiêu dùng TPCN, trong đó 80% thông tin từ nguồn này là thông tin truyền miệng.

Chính thực trạng về hành vi tiêu dùng này này làm cho công tác quản lý TPCN ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn, do những chiêu trò lách luật của các doanh nghiệp.

Tiếp đó, tình trạng quảng cáo, thổi phồng về tác dụng của TPCN không phải là hiếm gặp, bởi TPCN không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh, nhưng nhiều bài quảng cáo có thể chữa trị, điều trị các bệnh liên quan,… Theo khẳng định của ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, những tuyên bố về TPCN có tác dụng trữa trị, điều trị là những tuyên bố hoàn toàn vi phạm của doanh nghiệp đối với những quy định của Bộ Y tế. Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, quảng cáo TPCN trên các trang web hiện nay là hình thức rất phổ biến. Trong đó, có không ít trường hợp trang web quảng cáo TPCN thổi phồng, khiến người dân tưởng nhầm thuốc chữa bệnh. Rất nhiều sản phẩm, trang web và doanh nghiệp đã bị Cục An toàn thực phẩm lập biên bản vi phạm và xử phạt theo quy định. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, cũng có nhiều trường hợp công ty vi phạm quảng cáo trên web, mặc dù cơ quan chức năng có bằng chứng, nhưng họ chỉ nhận sản phẩm đúng là của công ty, còn trang web thì không phải của họ, nên công ty không chịu trách nhiệm. Với những trường hợp này, Cục buộc phải chuyển sang Bộ Thông tin và Truyền thông (đơn vị cấp giấy phép thành lập trang web) để xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, thông tin truyền miệng và đa cấp cũng rất khó kiểm soát. Theo ông Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng, khi sử dụng TPCN, người tiêu dùng cần tỉnh táo, nếu thấy sản phẩm được quảng cáo là chữa được bệnh như ung thư, gout,... thì biết ngay đó là hàng giả, vì hiện nay chưa có thuốc nào chữa được ung thư, mà tất cả chỉ là hỗ trợ điều trị bệnh. Người tiêu dùng cần tìm hiểu về truyền thống lịch sử hoạt động của công ty có sản phẩm mình đang cần. Một trong những phương pháp để quản lý an toàn thực phẩm của nước Mỹ là dựa vào truyền thống. Nếu công ty đó có hệ thống sản phẩm truyền thống tốt thì đó là một tiêu chí để lựa chọn.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý ATTP TP. Hồ Chí Minh cũng chia sẻ, TP. Hồ Chí Minhđã xử lý rất nhiều vụ việc quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, thậm chí có công ty bị phạt vài trăm triệu. Tuy nhiên, tần suất quảng cáo thực phẩm chức năng bị thổi phồng tác dụng dưới nhiều hình thức khác nhau đã khiến một bộ phận người bệnh xao nhãng việc điều trị hiện tại, quay sang sử dụng TPCN. Và khi đó, người bệnh phải chi trả với giá quá đắt,  nhưng lại không xứng đáng với chất lượng, đặc biệt họ còn bỏ qua giai đoạn sớm chữa bệnh. “Thuốc còn có quản lý giá, nhưng TPCN hiện nay được ví giống như mỹ phẩm, được bày bán khắp nơi, giá càng cao, người tiêu dùng càng tin”.

Hiện nay, Cục An toàn thực phẩm đã xây dựng quy chuẩn GMP với các doanh nghiệp sản xuất TPCN chứ không chỉ là GMP cho thuốc. Điều này giúp cho TPCN được sản xuất ở Việt Nam sẽ đảm bảo được những tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt, đem lại những sản phẩm chất lượng tới người tiêu dùng. Ông Nguyễn Thanh Phong cũng cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp đạt quy chuẩn GMP, Cục An toàn thực phẩm cũng đã tư vấn, hướng dẫn các thủ tục, quy trình cho các doanh nghiệp, trong đó ưu tiên những doanh nghiệp có đề nghị về hướng dẫn, tư vấn theo chuẩn GMP.

4. Nâng cao nhận thức, hành vi tiêu dùng TPCN nhập khẩu ở Việt Nam

Việc quản lý TPCN vẫn còn gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp cố tình vi phạm với những cách thức tinh vi hơn. Do vậy, khách hàng cần trang bị cho mình những kiến thức để có thể tự bảo vệ mình và góp phần bảo vệ cộng đồng. TPCN có thể sử dụng cho những người ốm và sức khỏe kém (ở giữa khỏe mạnh và mắc bệnh), do vậy người tiêu dùng nên:

Thứ nhất, chọn tối đa 3 loại TPCN phù hợp để dùng mỗi ngày. Dù được tư vấn các sản phẩm đều từ thiên nhiên, hỗ trợ tốt cho sức khỏe, nhưng cũng không dùng tới 4-5 sản phẩm cùng lúc, vì các hoạt chất trong các sản phẩm có thể có tác dụng đối lập nhau.

Thứ hai, lựa chọn những TPCN hỗ trợ và tác động vào chức năng mà cơ thể đang cần. Cơ thể mình đang gặp vấn đề về sức khỏe, khách hàng cần đến khám bác sĩ thay vì tự chuẩn đoán và mua sản phẩm dùng tùy tiện. Trên các nhãn phụ của TPCN nhập khẩu bao giờ cũng có thông tin về công dụng của sản phẩm. Đây là cơ sở cho sự lựa chọn của khách hàng. Trong bài viết này, tác giả xin đưa ra nhãn phụ sản phẩm Novojoint được nhập khẩu từ Mỹ và đã được Cục ATTP Việt Nam thẩm định nhãn, giấy tờ GMP (Chứng nhận thực hành sản xuất tốt) và CFS (Lưu hành tự do ở Mỹ) và phê duyệt công dụng dựa trên thành phần của sản phẩm (Hình 1)

 Hình 1. Hình ảnh nhãn phụ có nội dung đúng công bố

Trên nhãn phụ của Công ty TNHH Novoremedy thực hiện đầy đủ nội dung đã được Cục An toàn thực phẩm phê duyệt đi kèm với mã QR phía dưới góc phải. Khách hàng quan tâm hoàn toàn có thể dùng ứng dụng Zalo trên điện thoại có thể quét được những thông tin cơ bản về sản phẩm. Với thiết kế đầy đủ, chi tiết và gắn mã QR sẽ tạo ra sự minh bạch về thông tin sản phẩm tới khách hàng.

Thứ ba, chọn các TPCN được cấp công bố từ Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế.  Dựa vào nhãn phụ TPCN được gắn trên hộp, khách hàng có thể tra trên trang web chính thống của Cục An toàn thực phẩm để kiểm chứng những thông tin ban đầuTrong bài viết này, tác giả xin chia sẻ về cách tìm hiểu một doanh nghiệp bất kỳ, ví dụ những sản phẩm TPCN mà Công ty TNHH Novoremedy đã đăng ký và được cấp số.

Khách hàng vào trang web chính thức của Cục An toàn thực phẩm, sau đó vào phần tra cứu và gõ tên công ty mà khách hàng đọc được trên Nhãn phụ, trên hộp, trên tời rơi, nghe quảng cáo,… Ví dụ: Công ty TNHH Novoremedy đã được phê duyệt 6 sản phẩm để phát triển ở Việt Nam. Khách hàng có thể gõ Novoremedy, rồi thực hiện tra cứu, sẽ ra kết quả về các sản phẩm được cấp số. (Hình 2)

Bất kỳ sản phẩm nào mà khách hàng có dự định tiêu dùng, gõ doanh nghiệp tồn tại nhưng sản phẩm đó không tồn tại trong danh sách, đó là những sản phẩm chưa được kiểm duyệt và chúng ta không nên lựa chọn tiêu dùng cho dù người bán có nói hay đến đâu.

Thứ tư, xem kỹ nhãn mác TPCN và hạn sử dụng của TPCN. Với bất kỳ sản phẩm nào, khách hàng cần có thói quen xem hạn sử dụng trước khi dùng, để tránh dùng sản phẩm quá hạn gây tác dụng xấu với cơ thể. Với những thực phẩm đã được phê duyệt ở Cục An toàn thực phẩm, khách hàng nên dựa vào nhãn sản phẩm để tra thành phần trên nhãn có tác dụng gì đối với bệnh lý mình đang gặp phải. Ví dụ: Cùng tra về hợp chất Glucosamine trên nhãn Novojoint ở Google, khách hàng sẽ thấy nhiều trang web khác nhau đưa ra. Chúng ta nên đọc 3-5 trang web khác nhau để có đánh giá khách quan về hoạt chất mình đang quan tâm.

Với những cơ chế tìm hiểu như vậy, khách hàng có thể bảo vệ lợi ích cho bản thân, đồng thời giúp thị trường TPCN ở Việt Nam phát triển một cách lành mạnh hơn.

Qua bài viết, tác giả cũng muốn kiến nghị với Cục An toàn thực phẩm cần đăng tải toàn bộ thông tin đăng ký và đăng ký quảng cáo của doanh nghiệp trên trang web của Cục An toàn thực phẩm. Vì hiện nay như trong tra cứu trên trang web của Cục An toàn thực phẩm và kích vào xem bản công bố của sản phẩm Novojoint, mới chỉ xuất hiện trang đầu tiên của bản công bố. Trong khi đó, đầy đủ giấy tiếp nhận công bố 6 trang có những nội dung phê duyệt như nhãn phụ, thành phần, nhãn chính.

Khi bản công bố được đăng tải đầy đủ, khách hàng đã tra cứu sẽ có đầy đủ thông tin được Cục An toàn thực phẩm phê duyệt và doanh nghiệp kinh doanh khó có thể gian dối, quảng cáo thổi phồng về công dụng của sản phẩm. Đồng thời, Cục An toàn thực phẩm sẽ có cơ chế thưởng tài chính cho bất kỳ cá nhân nào phát hiện sai phạm của doanh nghiệp về quảng cáo, tuyên truyền, thông tin ghi sai so với công bố của Cục An toàn thực phẩm.  

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trần Đáng, (2017), Thực phẩm chức năng, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
  2. Nguyễn Thanh Phong, Trần Đáng, (2015), Công bố của TPCN, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
  3. Chính phủ Việt Nam (2018), Nghị định số 15/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

 Raising awareness of consumers toward imported functional

foods in Vietnam

Master. Nguyen Thi Le

Department of Economics, Thuongmai University

ABSTRAC:

Nowadays, the changes in eating habits, living environment, and the increasing pollution of water, land and air have serious impacts on people's health. Recognizing these risks, many consumers have used functional foods to improve their health and prevent health risks. However, many businesses provide counterfeit products and false advertising to gain profits. This paper presents the registration and publication processes of imported functional foods in Vietnam to help consumers gain useful understanding about functional foods.

Keywords: functional foods, consumer behavior, consumer, imported food.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 9, tháng 4 năm 2021]