Chuỗi giá trị là sự tích hợp các quy trình cung ứng, sản xuất, vận tải, phân phối để biến các tài nguyên, nhiên liệu thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Nói đơn giản hơn, tham gia vào bất kỳ công đoạn nào với tư cách là bên bán hoặc bên mua, là đã gia nhập vào chuỗi giá trị vậy. Trên tinh thần đó, Giám đốc Quốc gia WB Việt Nam Carolyn Turk khẳng định, Việt Nam đã bước đầu tạo một chỗ đứng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Chỗ đứng trong chuỗi thể hiện ở 3 điểm. Thứ nhất, tỷ lệ ngoại thương/GDP đạt trên 200% đã đưa Việt Nam với tư cách là bên mua và bên bán thuộc vào hàng “đáng kể” trong hệ thống thương mại thế giới. Trong bảng xếp hạng giao dịch thương mại của WTO, năm 2006, xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam lần lượt ở vị trí 50 và 44 trên thế giới; đến năm 2016, xuất khẩu đã tăng 23 bậc, xếp ở vị trí thứ 27; trong khi nhập khẩu tăng 16 bậc, lên vị trí thứ 28; và đến nay quy mô xuất khẩu vươn lên vị trí 22, nhập khẩu thứ 23  trong tổng số 200 nước, vùng lãnh thổ được thống kê.

Thứ hai, theo Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2021 tại Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), lần đầu tiên Việt Nam nằm trong nhóm 20 quốc gia thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều nhất trên thế giới. Năm 2020, Việt Nam đứng thứ 19 trên toàn cầu với tư cách là nước nhận FDI với vốn đầu tư 16 tỷ USD, tăng 5 bậc so với năm 2019. Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính lũy kế đến nay, có 140 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 33.463 dự án, tổng vốn đăng ký 349,9 tỷ USD.

Thứ ba, Việt Nam đã bắt kịp làn sóng FTA song phương cũng như khu vực, và đang ở vị trí thích hợp để hưởng lợi thế gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu từ các FTA đó. Hiện tại, Việt Nam có 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký và có hiệu lực. Các đối tác của 15 FTA này chiếm gần 70 % dòng chảy thương mại thế giới.

3 điểm trên đã thúc đẩy Việt Nam thăng tiến trong thâm nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, được minh chứng bởi thước đo đặc trưng: Hàm lượng giá trị nội địa  trong sản phẩm xuất khẩu, tăng bình quân trên 10%/năm từ 2006 đến nay. Việt Nam đã trở thành một địa điểm gia công lắp ráp, chuyên sâu ở các công đoạn sản xuất cuối cùng ở nhiều chuỗi giá trị như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện thoại di động, điện tử và máy tính, phương tiện vận tải và phụ tùng…

Tuy nhiên, sau khi khảo sát một số cơ sở xuất khẩu Việt Nam, ông Charles Kunanka - Chuyên gia kinh tế trưởng Khối thương mại và cạnh tranh của WB Việt Nam đã đi đến kết luận, tại những nơi được kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam thường thực hiện các công đoạn sản xuất có hàm lượng công nghệ không cao. Điều này đặt Việt Nam trước hai ngả rẽ. Một là đẩy mạnh chuyên môn hóa các chức năng gia công lắp ráp đem lại giá trị gia tăng thấp như hiện nay. Hai là tìm cách tận dụng làn sóng tăng trưởng hiện tại để đa dạng hóa và tham gia vào những khâu đem lại giá trị cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Lối rẽ thứ nhất có nhiều rủi ro. Không chỉ rơi vào cái bẫy trung bình thấp mà cơ hội dành cho Việt Nam trong gia công lắp ráp cũng không còn nhiều khi các nước có chi phí thấp hơn như Myanmar hay Campuchia cũng tham gia nhiều hơn vào thương mại khu vực và thu hút dòng vốn FDI. Lối rẽ thứ hai khó hơn. Khó vì kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI còn hạn chế từ cả phía cung và phía cầu. Về phía cung (doanh nghiệp trong nước), nhìn chung thiếu kỹ năng và thông tin về chiến lược mua ngoài của doanh nghiệp FDI. Cùng với đó là chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế về giao hàng, chi phí, độ đồng đều chất lượng giữa các lô hàng. Về phía cầu, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam là các chi nhánh, hoặc công ty con nên bị ràng buộc bởi chính sách thương mại toàn cầu của hãng mẹ.

Bởi vậy, để vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, các cơ quan quản lý nhà nước đã triển khai chương trình liên kết tìm nhà cung cấp trong nước cho các tổ hợp của doanh nghiệp FDI. Từ năm 2016, Bộ Công Thương và Samsung đã nhiều lần triển khai Chương trình kết nối doanh nghiệp Việt Nam cung ứng linh kiện, phụ kiện cho Samsung.

Theo Chương trình, Samsung cử chuyên gia từ Hàn Quốc sang trực tiếp hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam cải tiến quy trình sản xuất và hoàn thiện các tiêu chuẩn trong việc cung ứng sản phẩm, linh kiện. Nhiều doanh nghiệp trong nước tiến bộ mạnh mẽ. Công ty in và đóng gói bao bì Goldsun đã giảm tỷ lệ hỏng máy 72%, tỷ lệ sản xuất đúng kế hoạch tăng từ 17% lên 94%, giảm 50%  sự phàn nàn của khách hàng. Với Công ty Mida, hiệu suất tổng hợp thiết bị tăng 26%, năng suất vận hành thiết bị tăng 59%, tỉ lệ hàng lỗi giảm 52%, tỉ lệ hàng tồn kho giảm 54%.

Sau những nỗ lực đó, các doanh nghiệp Việt là nhà cung ứng cấp 1 của Samsung đã tăng lên từ 4 doanh nghiệp năm 2014 lên tới 42 doanh nghiệp tại thời điểm hiện nay, chưa kể gần 200 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 2. Mô hình này cũng là gợi ý tốt cho sự liên kết tìm kiếm các nhà cung ứng Việt cho các doanh nghiệp FDI khác.

Việc cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp “cầm tay chỉ việc” giúp doanh nghiệp 2 bên kết nối được các chuyên gia WB Việt Nam đánh giá cao. Đồng thời đưa ra 2 khuyến nghị có khả năng gián tiếp giúp đỡ phía cung (doanh nghiệp trong nước) và phía cầu (doanh nghiệp FDI) dễ dàng kết nối hơn. Thứ nhất, xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến chất lượng cao về các nhà cung cấp trong nước (tập trung vào các ngành ưu tiên như điện tử và máy tính, ô tô, giày dép, dệt may…) và triển khai các dịch vụ kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B).

Với lời khuyên này, chúng ta đã hoàn thành. Tháng 6 năm 2020, Bộ Công Thương đã khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đã cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về các doanh nghiệp, gồm có 500 doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, 347 doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô, 750 doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, 1.145 doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may và 910 doanh nghiệp trong lĩnh vực da giày. Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống cơ sở dữ liệu đã đạt hơn 1,5 triệu lượt truy cập và đang tiếp tục tăng nhanh.

Hệ thống này hỗ trợ cung cấp thông tin đầy đủ về doanh nghiệp cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm hiểu, kết nối, giao thương; mang đến cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có cái nhìn tổng quan về năng lực sản xuất, khả năng cung ứng, chất lượng sản phẩm và công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam, đồng thời tăng cường khả năng kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp FDI và các nhà đầu tư.

Thứ hai, thiết kế và triển khai chương trình phát triển nhà cung cấp theo nhu cầu (SDP) nhằm nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước ở những ngành quan trọng có tiềm năng liên kết lớn. Chương trình này bao gồm một gói các sáng kiến hỗ trợ theo chiều ngang và ngành dọc, như tư vấn chuyên sâu, đào tạo kỹ năng kỹ thuật và quản lý, nâng cấp máy móc, đáp ứng các tiêu chuẩn, chứng nhận về môi trường và lao động… Các hoạt động hỗ trợ có thể được thực hiện qua cơ chế khuyến khích hành vi, hướng đến nhà cung cấp trong nước để họ tự nâng cấp và khuyến khích các công ty FDI mua hàng trong nước hoặc đầu tư đào tạo, nghiên cứu và phát triển cho nhà cung cấp trong nước. Điều này dẫn đến kết quả khả quan trong nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hạn chế các vụ kiện lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.