Nâng chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới tăng 10-15 bậc so với năm 2019

Một trong các mục tiêu của Hải quan là đến hết năm 2021 là tiếp tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3,4 và phấn đấu áp dụng 100% cho dịch vụ công thiết thực đối với người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng đã đăng ký với Bộ Tài chính tiếp tục cung cấp thêm một số thủ tục hành chính trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) và Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Để cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phấn đấu đạt các chỉ tiêu đề ra, trong năm 2021, ngành  Hải quan sẽ thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp cải cách hành chính trọng tâm bao gồm:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính hải quan theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm;

Bảo đảm yêu cầu, hiệu quả quản lý nhà nước; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch nhằm giảm thiểu thời gian, chi phí của người dân và doanh nghiệp trong việc tuân thủ thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan; đáp ứng các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế.

Hai là, tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; rút ngắn quy trình xử lý, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước;

Giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước để phù hợp với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0;

Ba là, chủ động tham mưu cho Bộ Tài chính đôn đốc, điều phối các Bộ, ngành đế tiếp tục cải cách toàn diện quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tổng cục Hải quan cũng đề ra mục tiêu đến hết năm 2021 là: Nâng xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới tăng từ 10-15 bậc so với năm 2019;

Đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số; Tiếp tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trong đó phấn đấu áp dụng 100% cho dịch vụ công thiết thực đối với người dân, doanh nghiệp;

Tiếp tục đẩy mạnh tiến độ thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thương mại điện tử; Tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.

Để đạt được mục tiêu trên, Tổng cục Hải quan tập trung vào các nhiệm vụ như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật;

Nâng cao hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửaa ASEAN; Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành trong đó bao gồm 21 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể cần thực hiện.

Các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan hiện nay đang được ngành Hải quan cung cấp DVCTT trên các hệ thống gồm: Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS); Hệ thống DVCTT HQ36a, Cổng thanh toán điện tử; Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Tính đến nay, ngành Hải quan đã cung cấp DVCTT mức độ 3,4 cho 200 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, chiếm 85% tổng số thủ tục hành chính do ngành Hải quan thực hiện. 

Trong đó có 194 thủ tục đã được cung cấp DVCTT ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 82,2%). Bên cạnh đó, Cổng thông tin một cửa quốc gia đã cung cấp 212 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành; xử lý 3,63 triệu hồ sơ của hơn 44,8 nghìn doanh nghiệp.

Ngành Hải quan cũng đã hoàn thành việc tích hợp 72 DVCTT lên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong năm 2020, giúp doanh nghiệp có thêm một kênh để thực hiện thủ tục hải quan trên nền tảng Cổng Dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ https://dichvucong.gov.vn ngoài các hệ thống cung cấp DVCTT của ngành Hải quan.

Theo kế hoạch triển khai DVCTT năm 2021, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục cung cấp thêm DVCTT mức độ 4 đối với 22 thủ tục hành chính và tích hợp 26 thủ tục lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Việc triển khai tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia  nhằm đảm bảo đáp ứng chỉ tiêu theo quy định tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 và Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về việc tiếp tục triển khai cung cấp DVCTT phục vụ người dân, doanh nghiệp và kết nối, tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. 

Vụ Bản