Nâng số lượng bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở các thị trường xuất khẩu chủ lực

Bộ Công Thương đã liên hệ với các địa phương, hiệp hội đề nghị lựa chọn, giới thiệu chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể được bảo hộ tại địa phương, đồng thời cung cấp thông tin liên quan và phối hợp thực hiện tuyên truyền quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể ở nước ngoài.
Cà phê Buôn Ma Thuột được bảo hộ tại Liên Bang Nga & Thái Lan
Cà phê Buôn Ma Thuột được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Liên Bang Nga & Thái Lan

 

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, đến nay mới có 84 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam; 2 chỉ dẫn địa lý (Chè San Tuyết Mộc Châu, Quế Văn Yên) được bảo hộ tại Thái Lan; 1 chỉ dẫn địa lý (Cà phê Buôn Ma Thuột) được bảo hộ tại Liên Bang Nga & Thái Lan, 39 chỉ dẫn địa lý được EU cam kết bảo hộ theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU từ ngày 01 tháng 8 năm 2020.

Số chỉ dẫn địa lý như vậy  còn ít, chưa tương xứng với giá trị kim ngạch xuất khẩu và các FTAs mà Việt Nam đã tham gia.

Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ xây dựng, bổ sung các quy định pháp lý hỗ trợ hoạt động xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu.

Đó là Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg ban hành Quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và Quyết định số 1320/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030 được Chính phủ ban hành trong năm 2019 đã tạo cơ chế, chính sách cho hoạt động này.

Căn cứ vào các quy định về cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp và cá nhân liên quan trong tổ chức thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam tại 2 Quyết định trên, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan chủ trì chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện các đề án cụ thể, phù hợp với từng nhóm sản phẩm, ngành hàng và địa phương nhằm hỗ trợ xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu có hiệu quả.

Năm 2018, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết Quy chế phối hợp về xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý (CDĐL).

Trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại tự do, Bộ Công Thương chủ động yêu cầu đối tác công nhận danh mục các sản phẩm cần bảo hộ chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu thương mại.

Đối với Hiệp định EVFTA, phía EU đã đồng ý bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam khi Hiệp định có hiệu lực.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương chủ động đẩy mạnh phối hợp với 2 Bộ hỗ trợ doanh nghiệp và địa phương nâng cao số lượng các sản phẩm được đăng ký và bảo hộ chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu ở các thị trường xuất khẩu chủ lực.

Năm 2020, Bộ Công Thương đã triển khai thực hiện tuyên truyền, quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể ở nước ngoài nhằm tăng cường nhận biết, nâng cao sự tin tưởng của khách hàng và người tiêu dùng nước ngoài vào chất lượng các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Việt Nam.

Bộ Công Thương (đầu mối là Cục Xúc tiến thương mại) đã liên hệ với các địa phương, hiệp hội đề nghị lựa chọn, giới thiệu chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể được bảo hộ tại địa phương, đồng thời cung cấp thông tin liên quan và phối hợp thực hiện tuyên truyền quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể ở nước ngoài.

Đô Lương