Năng suất thấp, doanh nghiệp mất lợi thế sân nhà

Được đánh giá là khu vực có giá nhân công rẻ, song vì nhiều nguyên nhân mà năng suất lao động và chất lượng sản phẩm của Việt Nam vẫn không được đánh giá cao.

Việt Nam được đánh giá cao nhờ sự ổn định về chính trị và xã hội, có sức hấp dẫn đối với thương nhân và đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trước những khó khăn về sự tụt hậu công nghệ so với các nước, quy mô doanh nghiệp nhỏ, vốn đầu tư ít, việc hợp tác còn yếu và thiếu, lực lượng lao động đông nhưng chất lượng không cao. Năng suất lao động tổng hợp của Việt Nam cũng được đánh giá thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Theo đánh giá, hầu hết các doanh nghiệp đều tụt hậu về công nghệ so với các nước trong khu vực và phụ thuộc và máy móc thiết bị nước ngoài.

Ông Nguyễn Phú Cường chủ trì Hội nghị Thúc đẩy cải tiến, nâng cao năng suất và
chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành Công Thương

Theo báo cáo của Viện năng suất Việt Nam, ba yếu tố đóng góp vào tăng giá trị gia tăng gồm: tăng vốn; tăng lao động; tăng năng suất yếu tố tổng hợp (TFP). Các ngành có đóng góp vào tăng TFP là điện, điện tử-tin học, đạt 40%, ngành cơ khí chế tạo, đạt 37% và ngành da giày là 35%.

Ông Nguyễn Duy Hòa chia sẻ những thông tin chung về Dự án Nâng cao Năng suất và
chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp

Năng suất lao động của Việt Nam hiện nay đang có sự tăng trưởng rõ rệt. Nếu như năm 1990 năng suất lao động chỉ khoảng 2.800 USD/người, thì đến nay đã tăng lên hơn 8.000 USD/người/năm, tăng gấp ba lần sau hơn 20 năm.

Ông Vương Đình Dũng- PGĐ Công ty Cơ khí Phổ Yên chia sẻ tại Hội nghị

Song thực trạng năng suất ở Việt Nam vẫn đang có khoảng cách khá lớn so với các nước phát triển và đang phát triển trong khu vực khi Singapore gấp 14,5 lần, Nhật Bản gấp 10,8 lần, Malaysia gấp 7,3 lần và Thái Lan gấp 2,9 lần năng suất lao động của Việt Nam (theo thống kê năm 2013).

Ông Văn Đức Sơn - Phó TGĐ Công ty Phích Nước Rạng Đông chia sẻ tại Hội nghị

Tại hội nghị "Thúc đẩy cải tiến, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa" mới đây, ông Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công thương cho biết: Nếu so sánh năng suất lao động cụ thể của từng công nhân Việt Nam so với các nước lân cận thì chúng ta không thua kém, nhưng năng suất lao động tổng hợp thì Việt Nam đang thấp hơn nhiều nước. Ví dụ nếu doanh nghiệp trong nước sản xuất một triệu sản phẩm/năm thì cần đến 1.000 lao động. Nhưng với doanh nghiệp nước ngoài khi sản xuất lượng sản phẩm như vậy họ chỉ cần 300 lao động. Như vậy đủ để thấy, năng suất đầu tư trên mỗi lao động cũng như giá trị sản xuất hàng hóa/đầu người của họ là rất cao so với chúng ta.

Doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới

Tại Hội thảo, nhiều doanh nghiệp cũng thẳng thắn trao đổi những vướng mắc cần tháo gỡ. Đại diện Công ty ô tô Trường Hải băn khoăn về việc các văn bản, tài liệu về áp dụng các chính sách hiện nay đều là tiếng nước ngoài gây khó cho việc tiếp cận. Giải đáp vấn đề này, đại diện Tổng cục Đo lường chất lượng cho hay: Hiện các văn bản tài liệu đang trong quá trình xây dựng bản tiếng Việt và sẽ ban hành trong thời gian sớm nhất.

Các doanh nghiệp nêu những khó khăn, vướng mắc

Trả lời vướng mắc của ông Nguyễn Quang Huy (Công ty Hanel) về những thuận lợi và khó khăn khi áp dụng phương pháp quản lý chất lượng lean & 6 sigma (6S), ông Nguyễn  Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam cho biết: Với Lean, các doanh nghiệp giảm thiểu sự lãng phí và với 6S giúp nâng chất lượng sản phẩm, tuy nhiên để triển khai đòi hỏi doanh nghiệp xử lý hàng loạt số liệu và cần chuyên gia tư vấn giỏi. Vì thế, các nhà tư vấn thường khuyên doanh nghiệp nên áp dụng Lean trước, khi có nền tảng vững vàng mới nên tiếp cận 6S.

Không phủ nhận về thực trạng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm ở trong nước hiện nay, ông Nguyễn Phú Cường chỉ rõ thêm nguyên nhân: Yếu điểm của Việt Nam nằm ở tư duy, kinh doanh theo kiểu nông nghiệp, manh mún, nhỏ lẻ, thể hiện rõ nhất ở trình độ quản lý, quản trị doanh nghiệp lạc hậu, chưa bắt với những xu hướng hiện đại của doanh nghiệp trên thế giới.

Đáng chú ý, những ngành công nghiệp có năng suất lao động cao như năng lượng, thép, hóa chất chủ yếu dựa vào lợi thế khai thác tài nguyên sẵn có và gia tăng đầu tư. Trong khi, việc tăng năng suất phụ thuộc phần lớn từ đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học và phương thức quản lý hiện đại thì mảng này các doanh nghiệp lại rất hạn chế.

Chung quan điểm, ông Nguyễn Anh Tuấn -Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam chia sẻ: Hầu hết các doanh nghiệp trong nước đều hạn chế về công nghệ so với các nước trong khu vực do nguồn tài chính hạn hẹp…

Do đó, cần tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển về quy mô để nâng cao năng suất của toàn ngành; tiếp tục tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp và khuyến khích phát triển khoa học công nghệ. Ngoài ra, việc áp dụng những tiêu chuẩn ISO 9000, ISO 14000, SA 8000 sẽ giúp các doanh nghiệp có ý thức trong việc đảm bảo chất lượng, môi trường và tuân thủ pháp luật, từng bước tạo uy tín trước khách hàng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) cũng nhấn mạnh: Những nguyên nhân, vướng mắc đều đã được phân tích và giải đáp phần nào, nhưng để mỗi doanh nghiệp tự định hình lại mô hình kinh doanh theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh thì bản thân doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng hiện đại, công cụ cải tiến, mô hình kinh doanh tiên tiến nhằm tối ưu hóa các quy trình sản xuất, giảm lãng phí, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương): Nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp

Ông Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Vụ KHCN - Bộ Công Thương

Ở góc độ chuyên ngành, Bộ Công Thương cho rằng việc nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý đối với vấn đề nâng cao năng suất tổng hợp luôn là điều sống còn và cốt lõi trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.

Nếu doanh nghiệp không thay đổi, không cải tiến, không điều chỉnh theo hướng  giảm các chi phí trong quá trình sản xuất để nâng cao chất lượng hiệu quả thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ vượt xa họ. Do vậy, điều đầu tiên là phải nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp.

Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các doanh nghiệp, hoặc xây dựng các mô hình điểm. Đơn cử như công ty May 10, Bóng đèn phích nước Rạng Đông, khi họ áp dụng các mô hình quản lý vào thì tỷ lệ lỗi hỏng trong dây chuyền giảm  và thời gian chạy trên chuyền cũng giảm xuống, nhờ đó năng suất lao động tăng lên, chất lượng tăng lên và nâng cao được sức cạnh tranh của sản phẩm.

Bà Phạm Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giầy Việt Nam: Chú trọng chất lượng nguồn nhân lực

Phó Chủ tịch HH Da Giầy Việt Nam

Thực tế, dù nhân công ở Việt Nam nhiều và giá tốt, nhưng năng suất lao động của Việt Nam thấp, gây khó khăn khi tiếp cận các đơn hàng nước ngoài.Đối với ngành da giầy chúng , tôi cho rằng giải pháp quan trọng nhất vẫn là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ngoài ra, chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, hướng tới áp dụng những mô hình quản lý chất lượng như Lean, 5s.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam: Tăng cường các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp:

Ông Nguyễn Anh Tuấn

Việc áp dụng những tiêu chuẩn quản lý chất lượng giúp các doanh nghiệp ý thức trong việc bảo đảm chất lượng, môi trường và tuân thủ pháp luật, từng bước tạo uy tín trước khách hàng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Tuy nhiên, số doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn, hoặc hệ thống quản lý vẫn chưa nhiều. Ví dụ: 47% doanh nghiệp ngành sản xuất da và các sản phẩm từ da chưa áp dụng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế, công cụ cải tiến năng suất chất lượng.

Vì thế, cần khuyến khích các doanh nghiệp tham gia áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn hoặc các công cụ cải tiến năng suất chất lượng khác bằng nhiều biện pháp như: tổ chức nhiều lớp đào tạo, chương trình tập huấn về các hệ thống, công cụ quản lý và nâng cao năng suất chất lượng; Xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống và công cụ quản lý tiên tiến; tạo diễn đàn chia sẻ kết quả áp dụng hệ thống...


Hà Minh - Quang Minh