Tái mở cửa nền kinh tế
 Doanh số bán lẻ tại Hoa Kỳ trong tháng 3/2021 đã ghi nhận mức tăng cao nhất trong 10 tháng trở lại đây (Ảnh: The Washington Post)

Dữ liệu mới được Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố ngày 15/4 (theo giờ Hoa Kỳ) cho thấy doanh số bán lẻ tại nước này trong tháng 3 vừa qua đã tăng tới 9,8% - mức tăng cao nhất trong 10 tháng trở lại đây. Bức tranh tiêu dùng tại Hoa Kỳ trong tháng 3 vừa qua trái ngược hoàn toàn với tình trạng ảm đạm trong tháng 2, khi doanh số bán lẻ giảm 2,7%.

Giới phân tích nhận định chi tiêu tiêu dùng, động lực tăng trưởng lớn nhất của nền kinh tế Hoa Kỳ, đã tăng mạnh sau khi Chính phủ nước này phân phối hơn 376 tỷ USD từ gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD đến các hộ gia đình.

Đặc biệt, dữ liệu cho thấy doanh số bán hàng tại một số lĩnh vực vốn bị ảnh hưởng nặng nề dưới các tác động của đại dịch Covid-19 hiện ghi nhận mức tăng trưởng tốt. Cụ thể, doanh số của các nhà hàng và quán bar tại Hoa Kỳ trong tháng 3/2021 đã tăng 13,4% so với hồi tháng 2 trước đó và tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh số bán hàng tại các cửa hàng quần áo và tạp hoá cũng tăng lên, cho thấy người dân Hoa Kỳ bắt đầu làm mới tủ quần ảo của mình khi các hoạt động kinh tế - xã hội bên ngoài dần trở lại bình thường. Dữ liệu thẻ tín dụng của ngân hàng Bank of America cũng cho thấy người dân nước này đang chi tiêu mạnh hơn cho ăn uống tại cửa hàng, mua sắm quần áo và đồ nội thất.

Tuy nhiên, doanh số của các cửa hàng thực phẩm trong tháng 3 vừa qua chỉ tăng 0,5% so với tháng 2 và giảm tới 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái – thời điểm người dân Hoa Kỳ ồ ạt tích trữ khi bắt đầu đợt phong toả diện rộng đầu tiên. Dự báo doanh số một số mặt hàng thực phẩm đóng gói tại Hoa Kỳ trong quý 2 tới đây sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại khi ngày càng nhiều người dân được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, ít người ở nhà hơn và kéo theo đó là suy giảm nhu cầu nấu nướng tại nhà.

Hiện Hoa Kỳ phân phối tới 2,9 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 mỗi ngày. Mặc dù vaccine do hãng Johnson & Johnson đã bị tạm ngưng sử dụng do các lo ngại về nguy cơ đông máu, giới quan sát nhận định điều này sẽ không ảnh hưởng lớn đến chiến dịch tiêm chủng cũng như lộ trình tái mở cửa nền kinh tế của Hoa Kỳ.

Các chỉ số cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Hoa Kỳ hiện đang ở mức cao nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát nhờ các gói kích thích kinh tế khổng lồ bắt đầu phát huy tác dụng và triển vọng phục hồi tích cực của nền kinh tế.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa qua đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ trong năm nay lên mức 6,4% - mức cao nhất kể từ những năm 1970 trở lại đây. Nhà kinh tế trưởng của IMF bà Gita Gopinath nhận định, về tổng thể, tàn dư do đại dịch Covid-19 gây ra đối với nền kinh tế Hoa Kỳ thậm chí là không còn.

Hoạt động sản xuất chế tạo tại Hoa Kỳ trong tháng 3 vừa qua chỉ tăng lên ở mức vừa phải do tình trạng thiếu hụt chip trên toàn cầu khiến một số ngành công nghiệp phải giảm sản lượng. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định Hoa Kỳ sẽ vẫn ghi nhận đà tăng trưởng sản xuất công nghiệp ở mức tốt khi nhu cầu trong nước ở mức cao.

Bổ trợ cho triển vọng tích cực về nền kinh tế Hoa Kỳ là số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước tại nước này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020 – thời điểm đại dịch bắt đầu lan rộng. Tổng số người nhận trợ cấp cũng giảm trên hầu khắp các tiểu bang.

Tâm lý thị trường cũng được củng cố sau khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tái khẳng định sẽ tiếp tục duy trì các chính sách siêu nới lỏng tiền tệ như hiện nay nhằm kích thích nền kinh tế Hoa Kỳ bất chất các dấu hiệu nền kinh tế đang phục hồi tốt.

"Các chỉ số kinh tế phản ánh mọi người đang quay trở lại làm việc, thu nhập tăng và người dân chi tiêu nhiều hơn. Đây là câu chuyện tốt đẹp về sự kiên cường của kinh tế Hoa Kỳ", ông Joseph Brusuelas, chuyên gia kinh tế trưởng tại hãng kiểm toán RSM nhận định.