Ngân hàng Thế giới: Phục hồi kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương không đồng đều

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy ngoại trừ Việt Nam và Trung Quốc sẽ phục hồi kinh tế theo hình chữ V trong năm nay, các nền kinh tế lớn còn lại trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sẽ có tốc độ phục hồi thấp.

Báo cáo mới nhất được Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố cho thấy tăng trưởng kinh tế các quốc gia khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sẽ diễn ra với 3 tốc độ khác nhau. Trừ Việt Nam và Trung Quốc được dự báo sẽ phục hồi kinh tế theo hình chữ V, các nền kinh tế lớn còn lại trong khu vực được dự báo sẽ tăng trưởng thấp hơn bình quân giai đoạn trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.

Tăng trưởng kinh tế
 Việt Nam và Trung Quốc dẫn đầu phục hồi kinh tế trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương

Theo đó, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và Trung Quốc trong năm nay sẽ đạt lần lượt 6,6% và 8,1% so với mức tăng trưởng 2,9% và 2,3% trong năm 2020.

Các nền kinh tế lớn còn lại trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sẽ chỉ tăng trưởng bình quân ở mức khoảng 4,6% do vẫn chịu các tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, con số này cũng thấp hơn mức tăng trưởng bình quân 5% trong giai đoạn trước khi dịch bệnh xảy ra.

Ngân hàng Thế giới cũng nhấn mạnh sự phục hồi kinh tế của các quốc đảo trong khu vực như Fiji, Palau và Vanuatu vốn phụ thuộc nhiều vào du lịch sẽ đối mặt nhiều khó khăn. Tăng trưởng chung của khu vực Đông Á, Thái Bình Dương được Ngân hàng Thế giới dự báo sẽ đạt 7,5% trong năm nay, tăng mạnh so với mức 1,2% trong năm 2020.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết gói kích cầu kinh tế của Hoa Kỳ có thể giúp nâng tốc độ tăng trưởng trong năm 2021 của các quốc gia trong khu vực thêm 1% cũng như đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế lên trung bình khoảng 3 tháng.

Phục hồi kinh tế
Sản lượng ở một số nền kinh tế trong khu vực sẽ dần quay lại các mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát

Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh triển vọng tăng trưởng kinh tế vẫn đối mặt với các rủi ro liên quan đến dịch bệnh khi việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 diễn ra chậm. Những rủi ro này có thể khiến tốc độ tăng trưởng của một số quốc gia giảm đến 1%.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới cho biết cuộc khủng hoảng kinh tế dưới các tác động của đại dịch Covid-19 đang thách thức các nỗ lực giảm nghèo và gia tăng bất bình đẳng. Trong năm 2020, tỷ lệ nghèo của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương lần đầu tiên chững lại sau vài thập kỷ liên tục giảm. Ước tính của Ngân hàng Thế giới cho thấy khoảng 32 triệu người dân trong khu vực đã mất đi cơ hội thoát nghèo vì dịch bệnh.

Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo đại dịch Covid-19 có thể gây tác động lâu dài đến tăng trưởng bao trùm trong dài hạn. Nợ tăng cao kết hợp với nhiều rủi ro có thể cản trở đầu tư công và đầu tư tư nhân ở các quốc gia, dẫn đến những rủi ro đối với nền kinh tế.

Tình trạng bệnh dịch, rủi ro an ninh lương thực, mất việc làm và việc học bị gián đoạn có thể khiến cho vốn nhân lực bị xói mòn và giảm thu nhập trọn đời. Nếu các vấn đề này không được giải quyết thì tăng trưởng của khu vực (không bao gồm Trung Quốc) trong thập kỷ tới đay có thể thấp hơn đến 1,8% so với dự báo trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.

Ngân hàng Thế giới tiếp tục kêu gọi các quốc gia trong khu vực cần hành động khẩn trương để đảm bảo phục hồi kinh tế bao trùm, xanh và bền vững cũng như gia tăng hợp tác quốc tế trong sản xuất, phê chuẩn, phân phối vaccine dựa trên nhu cầu để giúp ngăn chặn đại dịch.

Quang Đặng