Ngành Công Thương 2022: Cán đích ấn tượng với nhiều kết quả toàn diện

Năm 2022, đóng góp vào thành tích chung của đất nước, ngành Công Thương đã nỗ lực phấn đấu, chủ động, sáng tạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả quan trọng

Công nghiệp - thương mại cán đích ấn tượng

Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, năm 2022, sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và địa phương, chuỗi cung ứng trong và ngoài nước đã được nối lại và đa dạng hóa. Cơ cấu nội ngành tiếp tục chuyển biến tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành, tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giảm dần tỷ trọng của ngành công nghiệp khai khoáng. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của công nghiệp, với mức tăng khoảng 9,5%, đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng GDP của cả nước và đóng góp hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ngành điện cung cấp đủ điện an toàn, tin cậy cho sinh hoạt và nhu cầu sản xuất tăng cao sau thời kỳ dịch bệnh, tập trung tháo gỡ khó khăn để đưa 06 dự án có nguồn điện lớn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện đi vào vận hành, đóng góp tích cực cho khôi phục và phát triển kinh tế.

Ngành dầu khí về đích trước kế hoạch 2 tháng 18 ngày, đưa 5 mỏ và công trình mới vào khai thác, nhiều hơn 1 công trình so với kế hoạch cả năm, nộp ngân sách hoàn thành kế hoạch cả năm trước 6 tháng. Ngành than cũng đã nỗ lực vượt qua khó khăn cơ bản hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2022.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh

Năm 2022, xuất nhập khẩu tiếp tục tạo kỷ lục mới với tổng kim ngạch ước đạt gần 732 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 371,5 tỷ USD, tăng 10,5%, (vượt 2,5% so với kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao). Nhập khẩu ước đạt 360,5 tỷ USD, tăng 8,5% so với năm 2021 và cơ bản được kiểm soát tốt. Nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất và hàng hóa thiết yếu luôn chiếm gần 90% kim ngạch nhập khẩu. Cán cân thương mại ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với giá trị khoảng 11 tỷ USD.

Bên cạnh đó, thị trường trong nước phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng cao, vượt gấp 2,7 lần mục tiêu kế hoạch của ngành, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 21%, đáp ứng cơ bản hàng hóa thiết yếu cho người dân, góp phần kiểm soát lạm phát trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa phục hồi mạnh sau đại dịch và thị trường thế giới có biến động lớn, nhiều quốc gia đối mặt với lạm phát tăng cao.

Thương mại điện tử tiếp tục là phương thức phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông trong và ngoài nước, hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả một lượng lớn nông sản, thực phẩm cho người nông dân và doanh nghiệp, đặc biệt khi vào vụ thu hoạch; doanh thu thương mại điện tử đạt 16,4 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước, được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành Công Thương

Ngoài ra, báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, công tác quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực được tổ chức triển khai đồng bộ, kịp thời, đóng góp tích cực vào thành tích chung của toàn ngành.

Trong đó, công tác quản lý, đảm bảo trật tự thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa tiếp tục được củng cố, đạt nhiều kết quả tích cực. Trong năm 2022, lực lượng QLTT phát hiện xử lý 43.964 vụ vi phạm, tăng gần 2.600 vụ so với cùng kỳ; ước thu nộp ngân sách gần 348 tỷ đồng; tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu trên 2.650 vụ, xử lý trên 575 vụ, số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 18,7 tỷ đồng. Tiếp tục kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định nhiều vụ việc kinh doanh hàng hóa nhập lậu lớn, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chất lượng và giá sản phẩm, an toàn thực phẩm…

Công tác quản lý nhà nước về phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ được triển khai đồng bộ, toàn diện, góp phần thực hiện chủ trương tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, đảm bảo phát triển các ngành sản xuất trong nước. Năm 2022, đã phối hợp với các ngành sản xuất trong nước xử lý 16 vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của nước ta, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất và XK.

Công tác hội nhập kinh tế quốc tế được tăng cường, thúc đẩy với nhiều phương thức và sáng kiến mới; phát huy hiệu quả thực thi các Hiệp định thương mại tự do trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm (xuất khẩu sang thị trường EVFTA tăng hơn 45%, UKVFTA tăng hơn 45%...); Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ thông qua Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP); Ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP của Bộ Công Thương giai đoạn 2022-2026; Ban hành Thông tư Quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định RCEP… qua đó, tạo điều kiện để thực thi hiệu quả của Hiệp định, giúp tạo lập một thị trường xuất khẩu lớn, ổn định cho doanh nghiệp Việt Nam.

Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành Công Thương

Công tác xúc tiến thương mại được đổi mới; phát huy sáng kiến tổ chức công tác giao ban hàng tháng xúc tiến thương mại của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các đơn vị của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành liên quan nhằm cung cấp thông tin kịp thời về thị trường, những chính sách, quy định mới của các thị trường và các khuyến nghị kịp thời cho các doanh nghiệp. Với sự đổi mới này, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của hệ thống Thương vụ được nâng cao hơn trước rõ rệt.

Công tác quản lý cụm công nghiệp và khuyến công quốc gia được triển khai đồng bộ, hiệu quả; các hoạt động phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, kết nối giao thương tại các địa phương được đẩy mạnh, góp phần phát triển công nghiệp và thương mại tại các địa phương.

Công tác khoa học - công nghệ được chú trọng, các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia, trọng điểm cấp Bộ nhằm cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn của Đảng đã được xây dựng và thực thi hiệu quả.

Các mặt công tác khác như tổ chức cán bộ; sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp; bảo đảm an toàn môi trường công nghiệp; thanh tra; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế pháp luật đều được thực hiện một cách quyết liệt, thực chất và đồng bộ.... Các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương và của Chính phủ đều được cụ thể hóa bằng các chương trình hành động để thống nhất chỉ đạo và tổ chức triển khai hiệu quả trong toàn ngành.

Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành Công Thương

Bên cạnh những kết quả tích cực đó, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng thẳng thắn nhìn nhận, phát triển ngành Công Thương năm 2022 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Hoạt động sản xuất công nghiệp phục hồi tốt trong 9 tháng đầu năm, tuy nhiên, tốc độ tăng sản xuất công nghiệp chậm lại từ quý IV, các doanh nghiệp sản xuất đối mặt với việc sụt giảm đơn hàng ở những ngành hàng xuất khẩu lớn; năng lực sản xuất công nghiệp chậm được cải thiện, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt. Hay trong hoạt động xuất nhập khẩu, mặc dù xuất khẩu tăng cao nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI vẫn còn lớn. Hệ thống hạ tầng thương mại như: chợ đầu mối, trung tâm logistics, kho chứa hàng hóa chưa theo kịp nhu cầu phát triển làm gia tăng chi phí thương mại, hạn chế cạnh tranh; còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa…

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, những tồn tại, hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Vì vậy, cần phải nhìn nhận một cách thẳng thắn, cầu thị các hạn chế này để nghiêm túc rút kinh nghiệm và có các giải pháp để khắc phục kịp thời, tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Năm 2023: Nỗ lực bứt phá vươn lên, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa rất quan trọng, tạo lập nền tảng thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025, trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước được dự báo tiếp tục có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.

Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2023 ở mức 6,5%, ngành Công Thương phấn đấu đạt các chỉ tiêu sau: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 8-9 %; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 8-9%; tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu tăng 8-9,7%; điện thương phẩm tăng 7,4 9,1%.

Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành Công Thương

Để bứt phá vươn lên, thực hiện thắng lợi và toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 được giao, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, trong năm 2023, Bộ Công Thương sẽ chú trọng vào 8 giải pháp trọng tâm, bao gồm:

Một là, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành kế hoạch thực hiện, thể chế hóa Nghị quyết 29 Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo sự chủ động nâng cao năng suất lao động, năng lực độc lập, tự chủ; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các ngành, các khu vực, các thành phần kinh tế để phát triển công nghiệp bền vững.

Hai là, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế. Tập trung xây dựng Luật phát triển công nghiệp và các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng. Hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao tại Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành Công Thương năm 2023, các dự án sửa đổi, bổ sung các Luật và các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành.

Ba là, khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công các Chương trình, nhiệm vụ đã đề ra.

Bốn là, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm, khơi thông rào cản về thủ tục hành chính để triển khai các dự án sản xuất, khai khoáng mới, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu CNH, HĐH đất nước. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phục vụ cho sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành Công Thương

Năm là, tích cực tham mưu tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, ràng buộc các doanh nghiệp FDI có sự lan tỏa, chia sẻ, hỗ trợ thực chất các doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển kỹ năng quản trị, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt để từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Sáu là, tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng XNK. Tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến thương mại, phát triển hạ tầng số nhằm đẩy mạnh phân phối hàng hóa thông qua các kênh thương mại điện tử; nâng cao chất lượng hàng hóa theo hướng đáp ứng các quy định về TBT, SPS, yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường, chất lượng sản phẩm và quy tắc xuất xứ hàng hóa. Chú trọng quản lý nhập khẩu.

Bảy là, phát triển mạnh thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường gần 100 triệu dân. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế; tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, cạnh tranh không bình đẳng, phòng vệ thương mại... bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp.

Tám là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống.

Thy Thảo - Ảnh: Huy Thắng