Trong điều kiện dịch Covid-19 trên địa bàn cơ bản được kiểm soát, từ đầu năm đến nay, ngành Công Thương Quảng Bình đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp hiệu quả. Bức tranh hoạt động của các doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước của Ngành ghi nhận nhiều kết quả tích cực.

Chỉ số sản xuất công nghiệp “lội ngược dòng”

Điểm sáng nổi bật trong 6 tháng đầu năm nay của Quảng Bình là hầu hết các chỉ số về công nghiệp đều tăng trưởng, thậm chí còn vượt kế hoạch đề ra.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 17,3% (6 tháng đầu năm 2021 tăng 6%, kế hoạch tăng 8,5%). Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 13,2%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 116,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 11,8%.

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,3% (6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,1%, kế hoạch tăng 9,5%). Trong đó, ngành khai khoáng đạt 397,6 tỷ đồng, tăng 18,1%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6.692,4 tỷ đồng, tăng 9,9%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 260,2 tỷ đồng, tăng 120,8%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 61,1 tỷ đồng, tăng 11,7%.

Sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2022 cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nổi bật là điện sản xuất các loại đạt 305 triệu kWh, tăng 513,1%; áo quần các loại đạt 11.297 nghìn cái, tăng 77,6%; thủy hải sản chế biến các loại đạt 10.152 tấn, tăng 38,2%..

Ngành may mắc có đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng sản xuất công nghiệp tỉnh Quảng Bình 6 tháng đầu năm 2022

Hầu hết doanh nghiệp công nghiệp thuộc các lĩnh vực như: khai khoáng, sản xuất trang phục, chế biến thực phẩm, sản xuất gỗ ván ép, chế biến thuỷ hải sản tăng trưởng khá nhờ chủ động được đơn hàng và đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất trang phục, gỗ ván ép....

Bên cạnh đó, cụm trang trại điện gió B&T hoạt động ổn định, cùng với thủy điện và điện mặt trời đạt sản lượng khá so với cùng kỳ năm trước đã góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp trong 6 tháng tháng đầu năm tăng trưởng vượt kế hoạch đề ra.

Toàn cảnh Dự án Cụm trang trại điện gió B&T tại huyện Lệ Thủy

Cung - cầu hàng hóa ổn định

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình dịch Covid-19 về cơ bản đã được kiểm soát, số ca mắc mới giảm dần trên địa bàn tỉnh. Do đó, các doanh nghiệp, nhà phân phối, các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tạp hóa… quay trở lại hoạt động bình thường, tạo nguồn cung dồi dào.

Giá cả các mặt hàng thiết yếu cơ bản ổn định, cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường mới, hoạt động thương mại trở nên nhộn nhịp, sôi động. Các mặt hàng đa dạng, phong phú, hàng hóa đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu người dân, không xảy ra hiện tượng khan hàng, sốt giá.

Các đại biểu cắt băng khai mạc Hội chợ Thương mại khu vực Bắc Trung bộ – Quảng Bình 2022.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu, dịch vụ toàn tỉnh 6 tháng ước đạt 26.581 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ và đạt 50,5% so với kế hoạch năm 2022. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt 23.587,8 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ và đạt 50% so với kế hoạch năm 2022.

Việc mở cửa du lịch đã thu hút một lượng lớn khách du lịch đến với Quảng Bình, giúp tăng sức mua và doanh thu cho các đơn vị, nhất là trong các dịp Lễ: Giỗ tổ Hùng Vương (10/3), 30/4 và 1/5.

Về giá cả thị trường, 6 tháng đầu năm 2022, do giá cả nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao dẫn đến có một số mặt hàng tăng giá như: dầu ăn, xúc xích, sữa tươi tăng từ 5% - 8%; các mặt hàng hải sản (tôm, cá, mực,..) tăng khoảng 5% - 12%; các mặt hàng hóa mỹ phẩm như dầu gội, mỹ phẩm, bột giặt,…tăng 5% - 10%. Hiện nay, các thương nhân phân phối xăng dầu, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh vẫn đang hoạt động bình thường, đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp, hạ tầng thương mại

Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương Quảng Bình tổ chức triển khai thực hiện tốt kế hoạch phục hồi và phát triển công nghiệp trong điều kiện mới gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19; kịp thời nắm bắt và tham mưu đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, triển khai Phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tham mưu UBND tỉnh phân khai nguồn vốn Khuyến công và xúc tiến thương mại năm 2022; phân khai kinh phí Dự án phát triển thương mại điện tử, Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2022. Triển khai bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2022; đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Quảng Bình đã tổ chức Họp và Bình chọn được 38 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2022. 

Đặc biệt, Sở Công Thương đã chủ động phối hợp với các ngành, các cấp tham mưu cho UBND tỉnh có những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn của ngành.

Tham mưu UBND tỉnh làm việc với Bộ Công Thương, các bộ ngành Trung ương, các nhà đầu tư trong và ngoài nước mời gọi và triển khai các dự án: Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I, Nhiệt điện Quảng Trạch II, các dự án điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, các dự án đường dây 500kV, đường dây và trạm biến áp 220kV, 110 kV trên địa bàn.

Theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện các Quy hoạch phát triển Công nghiệp, Quy hoạch phát triển thương mại, Quy hoạch phát triển Điện lực tỉnh Quảng Bình và các quy hoạch, đề án được Bộ Công Thương, UBND tỉnh phê duyệt.

Về quản lý thương mại, thời gian qua Sở Công Thương Quảng Bình đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển mạng lưới thương mại trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu như: Kế hoạch thực hiện chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo năm 2022; Kế hoạch Hội nhập kinh tế quốc tế năm 2022;

Kế hoạch triển khai Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Triển khai thực hiện đề án “Hỗ trợ truy xuất nguồn gốc xuất xứ đối với các sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh Quảng Bình” thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia năm 2022. Bên cạnh đó, Sở cũng tham gia ý kiến thẩm định đối với hơn 30 dự án thuộc lĩnh vực thương mại trên địa bàn tỉnh.

Nhằm tăng cường công tác xúc tiến thương mại, Sở Công Thương đã tổ chức tham gia gian hàng chung của tỉnh Quảng Bình tại các Hội chợ; Xây dựng Kế hoạch và phối hợp tổ chức Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn tại các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Quảng Trạch; Mời gọi các doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước...

Đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số

Để nâng cao hiệu quả quản lý hành chính và từng bước thực hiện chuyển đổi số, Sở Công Thương Quảng Bình đã triển khai kế hoạch cải cách hành chính năm 2022, kiểm soát TTHC năm 2022.

Trong sáu tháng qua, Sở Công Thương đã xây dựng và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 63/127 thủ tục hành chính đạt tỷ lệ 50%, hiện đang tiếp tục xây dựng và dự kiến trong quý III sẽ nâng tỷ lệ lên thành 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Cùng với đó, Sở cũng theo dõi, rà soát và công bố công khai các thủ tục hành chính của ngành theo đúng quy định, thực hiện cập nhật hệ thống văn bản QPPL lên trang thông tin điện tử của Sở.

Về kết quả giải quyết thủ tục hành chính, trong 6 tháng đầu năm, Bộ phận một cửa Sở Công Thương đã tiếp nhận 6.742 hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính và trả kết quả đối với 6.682 hồ sơ.

Sở cũng đã đăng ký nhiệm vụ, kế hoạch chuyển đổi số ngành, lĩnh vực trong năm 2022; tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình; xây dựng Kế hoạch thực hiện Chuyển đổi số của Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình năm 2022.

Tạo điều kiện, thu hút đầu tư 

Nhằm thực hiện đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2022, thời gian tới ngành Công Thương tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Theo đó, Sở sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và Kế hoạch hành động của UBND tỉnh về thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Phối hợp với các ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện có, các dự án mới đầu tư đi vào sản xuất ổn định, khai thác tốt công suất thiết bị và hiệu quả đầu tư.

Phối cảnh Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I

Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án công nghiệp lớn đang triển khai: Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I và II, Thuỷ điện La Trọng, Viên nén năng lượng của Tập đoàn Dohwa Hàn Quốc và Công ty TNHH Trung Chính, gỗ MDF, chế biến thủy sản..., tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án phát triển công nghiệp chế biến, gắn với các lợi thế về phát triển nguồn nguyên liệu nông, lâm, thủy sản.

Tiếp tục thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng hàng hóa do doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất. Chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại khai thác tốt các nguồn hàng trong và ngoài tỉnh, đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu nhằm bình ổn thị trường, giá cả, nhất là trong các dịp lễ, tết, mùa du lịch và mưa bão. Tập trung củng cố thị trường nội địa, phát triển mạng lưới kinh doanh thương mại ở cả ba khu vực thành phố, nông thôn, miền núi; gắn sản xuất với lưu thông nhằm tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm cho nông dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, Sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về công nghiệp, thương mại, điện năng, khoa học công nghệ, vật liệu nổ công nghiệp và công tác Khuyến công và Xúc tiến thương mại. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đơn giản hoá và công khai các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi và nhanh nhất cho các tổ chức, cá nhân và nhà đầu tư khi đến giao dịch giải quyết công việc, nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư phát triển vào địa bàn Tỉnh.