Ngành Công thương Sơn La:Luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp và nhà đầu tư

Sơn La là tỉnh nằm ở trung tâm Tây Bắc, đóng vai trò kết nối vùng, cũng như mở sang nước bạn Lào, do dó, sự phát triển lĩnh vực công nghiệp và thương mại của tỉnh đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2016-2020, ngành Công thương Sơn La đã có những bước chuyển mình tích cực, thể hiện rõ vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế tỉnh nhà.

Trong không khí thi đua chào mừng Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, Phóng viên Tạp chí Công Thương đã có cuộc trao đổi với Bà Phạm Thị Doan - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sơn La về kết quả đạt được và mục tiêu trong giai đoạn 2020-2025.

Giám đốc Sở Công Thương: Phạm Thị Doan
Giám đốc Sở Công Thương: Phạm Thị Doan

PV: Thưa bà, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2016-2020 ưu tiên phát triển ngành nghề, lĩnh vực nào? Bà có thể giới thiệu một số kết quả nổi bật ngành Công Thương Sơn La đã đạt được?

Bà Phạm Thị Doan - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La: Nhằm khai thác những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, trong phát triển kinh tế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2016-2020 ưu tiên phát triển đa dạng ngành nghề trên cả 3 lĩnh vực Nông nghiệp - Công nghiệp – Dịch vụ và đạt được nhiều kết quả to lớn.

Về công nghiệp, đã có bước phát triển đáng kể nhờ tập trung khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về thủy điện, nhân lực, nguồn nguyên liệu sản phẩm nông nghiệp... Một số nhà máy chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, công trình thủy điện nhỏ...mới được đầu tư đã mang lại hiệu quả kinh tế xã hội, làm động lực phát triển nông nghiệp cao theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường và đóng góp không nhỏcho ngân sách của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư vào ngành nghề sử dụng nhiều nhân công (như dệt may, da giày…) nhằm giải quyết bài toán việc làm cho người lao động địa phương.

Chỉ số phát triển công nghiệp năm 2020 của Sơn La tăng 5%. Lực lượng lao động ngày càng được nâng cao cả về số lượng lẫn trình độ kỹ thuật, tay nghề. Ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ kết nối với nhau ngày càng chặt chẽ, tạo thành một chuỗi liên kết giúp chuyển dịch cơ cấu sản xuất công nghiệp theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa, nâng cao giá trị gia tăng.

Trong đó,Công nghiệp điện và công nghiệp chế biến hiện đang chiếm tỷ trọng cao và đóng đóng góp giá trị gia tăng lớn vào nền kinh tế chung của tỉnh.

Bên cạnh việc duy trì ổn định hoạt động của 2 nhà máy thuỷ điện lớn (thuỷ điện Sơn La 2400 MW, thuỷ điện Nậm Chiến 1 – 200MW) và 32 công trình thuỷ điện nhỏ; trong giai đoạn 2016-2020 có thêm 01 thủy điện trung ương (Huổi Quảng 500MW) và 25 công trình thuỷ điện nhỏ với tổng công xuất 307,9MW.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng đang triển khai đầu tư xây dựng một số nhà máy điện sinh khối (Mai Sơn), điện gió, điện mặt trời (Bắc yên, Mai Sơn, Thuận Châu). Những nỗ lực đưa điện về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh mà còn làm thay đổi cuộc sống của hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Ngành công nghiệp chế biến cũng dần cho thấy hiệu quả tích cực khi tập trung phát triển mạnh những sản phẩm nông sản mà tỉnh có lợi thế. Ngành công nghiệp CBNS đã có sự gia tăng khá nhanh về quy mô, số lượng và giá trị sản xuất với trên 20 cơ sở chế biến chè (sản lượng 9,5 nghìn tấn SP/năm); 01 nhà máy đường (sản lượng trung bình 60.000 tấn/năm); 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn của Công ty CP chế biến nông sản Phú Yên – Chi nhánh Sơn La và Nhà máy chế biến sắn BHL (khu CN Mai Sơn) tổng công suất 600 tấn tinh bột/ngày – sản lượng 60.000 tấn tinh bột/năm; 7 cơ sở sản xuất cà phê nhân của Công ty CP chế biến cà phê Minh Tiến, HTX Bích Thao, Công ty TNHH Cát Quế; nhà máy dâu tằm tơ Mộc Châu sản lượng 12 tấn tơ/năm; nhà máy chế biến sữa Mộc Châu; nhà máy chế biến nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Công ty IC Food Sơn La; Nhà máy chế biến quả, đồ uống nước hoa quả Tập đoàn TH tại Vân Hồ công suất nhà máy 18.000-20.000 chai/giờ (Dự kiến đi vào sản xuất trong quý III/2020); Nhà máy chế biến quả của Công ty CP xuất nhập khẩu đồng Giao,….

Về thương mại, mặc dù còn nhiều khó khăn, song hoạt động thương mại của Sơn La trong giai đoạn vừa qua đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Tổng mức bán lẻ hàng hóa có sự tăng trưởng đều trong giai đoạn (bình quân 9,94%). Năm 2015 đạt 13.325 tỷ đồng, năm 2020 ước đạt 21.400 tỷ đồng. Với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, thị trường dần trở nên đa dạng, phong phú, giá cả ổn định và hệ thống phân phối hàng hóa được mở rộng đến cả vùng nông thôn, vùng sâu,vùng xa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của mọi tầng lớp nhân dân.

Hoạt động tiêu thụ sản phẩm đã triển khai đồng bộ trên cả 3 thị trường (trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu). Đặc biệt, nhờ tích cực thực hiện các hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ mà xuất khẩu nông sản đã đạt được những kết quả tích cực, vượt Kế hoạch đề ra.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tiêu thụ nông sản được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó xuất khẩu được xác định là khâu đột phá, tác động trực tiếp thúc đẩy tiêu thụ trong nước, trong tỉnh, định hướng sản xuất nông nghiệp đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hình thành các chuỗi liên kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, liên kết giữa hộ nông dân - HTX - doanh nghiệp.

Giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu năm 2020 đạt 112 triệu USD. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 97,6 triệu USD/năm. Hiện tại giá trị xuất khẩu của các mặt hàng nông sản cà phê, trái cây cây, tinh bột sắn hiện chủ yếu xuất khẩu qua đường tiểu ngạch và thông qua các thương nhân ngoài tỉnh đến thu gom. Giá trị hàng hóa nhập khẩu năm 2020 ước đạt 20 triệu USD. Giá trị nhập khẩu giai đoạn 2016-2020 ước đạt 29,3 triệu USD.

Hàng nông sản Sơn La
Hàng nông sản Sơn La

 

PV: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Sở Công Thương Sơn La đã có kế hoạch, chương trình hỗ trợ thiết thực nào để giúp doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm kiếm thị trường?

Bà Phạm Thị Doan: Hiện nay,Việt Nam bước vào giai đoạn hội nhập và liên kết quốc tế toàn diện, sâu rộng tạo cơ hội mở rộng và đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tranh thủ vốn đầu tư, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý và các nguồn lực quan trọng khác...phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Song hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng cũng đặt ra những yêu cầu mới, đối với các cơ quan, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.Tại Sơn La, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh Ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở Công Thương đã và đang xây dựng, triển khai nhiều chương trình nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Theo đó, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành và tổ chức triển khai, thực hiện Kế hoạch xúc tiến thương mại tỉnh Sơn La năm 2020 (KH số 249/KH-UBND ngày 30/12/2019), Kế hoạch xuất khẩu sản phẩm hàng hóa của tỉnh Sơn La năm 2020 (KH số 250/KH-UBND ngày 30/12/2019). Tổ chức các hội nghị triển khai công tác xúc tiến thương mại, công tác xuất khẩu; hỗ trợ, tổ chức cho cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hội nghị kết nối cung cầu tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh; tổ chức, tham gia đoàn công tác xúc tiến giao dịch thương mại tại các thị trường có tiềm năng tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của tỉnh tại các tỉnh Nam Ninh và Vân Nam - Trung Quốc. Phối hợp Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thành công các tuần hàng giới thiệu quảng bá các sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại thành phố Hà Nội, Thanh Hóa, Lạng Sơn và một số tỉnh Trung Quốc.

Ngoài ra, Sở cũng tích cực cung cấp thông tin, kết nối, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã trong các hoạt động xuất nhập khẩu tại thị trường các nước tham gia hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các hiệp định thương mại tự do FTA, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về hội nhập kinh tế quốc tế, đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức, kỹ năng và năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại địa phương.

PV: Để góp phần thực thiện thành công Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, thời gian tới Sở Công Thương sẽ tập trung mục tiêu trọng tâm nào?

Bà Phạm Thị Doan: Trong giai đoạn tiếp theo, mục tiêu của ngành công nghiệp - thương mại tỉnh Sơn La là phải bảo đảm phát triển bền vững cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, tăng trưởng phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, gắn với cuộc cách mạng 4.0 và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Để làm được điều đó, cần phát huy tối đa các nguồn lực, tạo mọi điều kiện để nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, đồng thời tận dụng được các nguồn lực từ bên ngoài. Tỉnh sẽ tập trung khai thác tốt tiềm năng lợi thế thông qua việc tăng cường đầu tư một số ngành mũi nhọn, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển công nghiệp - thương mại là động lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông nghiệp của địa phương gắn với xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời từng bước hiện đại hoá nhằm nâng cao số lượng, chất lượng hàng hóa, tiến tới việc vươn ra thị trường khu vực và thế giới

Công tác cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng chống tham nhũng đã đang được tích cực đẩy mạnh. Loại bỏ, đồng thời sửa đổi bổ sung, ban hành những quy định mới cho phù hợp với các quy định hiện hành và điều kiện thực tế của tỉnh. Chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Sở Công Thương cùng các cơ quan, ban ngành khác luôn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh tại địa phương, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển vững mạnh để đóng góp nhiều hơn nữa cho kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Trước mắt, Sở Công Thương phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 góp phần tích cực vào thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV

PV: Xin cảm ơn!

                                                                         

Chung Thắng